Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN V MC, A: THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG

Thiên Chúa có quyền trên sự chết, và sự chết phải tuân lệnh Người, vì Người chính là Thiên Chúa của sự sống, là Đấng ban sự sống. Nơi Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa của sự sống.

 

 

THIÊN CHÚA CỦA SỰ SỐNG

(Ga 11,1-45)

 

Minh An

 

Khi nói đến nấm mồ là nói đến sự chết chóc đau thương; khi nói đến nấm mồ là nói đến một thứ xác chết bất động không có hồn; hay khi nói đến nấm mồ là nói đến nơi chứa đựng xương khô, nơi thần chết làm chủ. Đức Giêsu cũng từng chỉ trích các kinh sư và những người Pharisêu như những nấm mồ tô vôi (x. Mt 23,27).

 

Khi đi vào trong mồ thì phải đi qua cửa mồ. Đi qua cửa mồ là đi qua cửa thần chết. Thần chết vừa là chủ ngôi mồ, nhưng cũng là kẻ canh giữ cửa mồ.

 

Thần chết dẫn con người qua cửa mồ, rồi canh giữ rất kỹ càng. Ai đã vào tới trong mồ thì chẳng còn có cơ hội để lui ra, vì thần chết đã khóa cửa mồ rất cẩn thận.

 

Thần chết hiện diện khắp nơi và trong mỗi hòan cảnh, để lôi kéo con người đi theo nó. Nhưng, chắc chắn con người chẳng có ai muốn đi theo nó. Con người ta đi theo thần chết cũng chỉ là bị cưỡng bức, ép buộc mà thôi.

 

Thế nhưng, làm người ai chẳng phải chết. Kinh nghiệm muôn đời cho thấy cái chết của con người xảy ra mọi nơi, mọi thời, và mọi hòan cảnh khác nhau, không ai chết giống ai. Những ai đang sống, đang hiện hữu, chẳng qua chỉ là chưa đến lượt, hay chưa có cơ hội để kết thúc cuộc sống của mình mà thôi.

 

Khi nói về cái chết, Vịnh gia đã khẳng định rằng:

 

“Sống làm người, ai không phải chết.

Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty?”

(Tv 88,49).

       

Triết gia Aristote đã nói đến một chân lý:“Mọi người đều phải chết. Vậy, tôi là người. Tôi cũng phải chết”. Như thế, rõ ràng, cái chết là có thật và chắc chắn. Nhưng, không ai biết được thần chết gọi mình lúc nào và như thế nào.

 

Thế giới, trong những ngày tháng qua, đã trải qua những cuộc khủng hỏang, nếu không nói là kinh hòang, vì virus Vũ Hán, Trung Quốc giết người hàng loạt. Có nhiều người chắc không hiểu tại sao thần chết lại dùng con virus nhỏ bé này để bắt mình? Thật là một nỗi đau chung cho cả thế giới!

 

Dẫu biết rằng, cái chết chẳng ai ham, chẳng ai muốn, thế nhưng nó là vị khách không mời mà đến và đã đến với nhiều người rồi. Nó đã đến với ai thì người đó đừng hòng chạy trốn. Tuy nhiên, thần chết đến với ai thì lại tạo cơ hội cho người đó có cơ hội bước vào sự sống mới, sự sống thần linh. Sự sống thần linh, chính là sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Ai đã đạt đến sự sống thần linh rồi thì thần chết không còn nhìn ngó họ được nữa, vì đó là sự sống của Thiên Chúa nắm giữ.

 

Đúng vậy, người có niềm tin thì tin rằng, chết không phải là hết, nhưng sau cái chết thể xác là cơ hội để con người ta bước vào sự sống đời đời, sự sống mà Thiên Chúa đang nắm giữ.

 

Tagore là một nhà thơ của tình yêu và lòng nhân ái. Ông vẫn yêu mến cuộc đời này và yêu luôn cả cái chết, vì ông tin rằng chính cái chết mới là niềm vui đưa ông vào vĩnh hằng: “Bởi yêu cuộc đời, nên tôi yêu cả sự chết, vì sự chết đưa tôi vào vĩnh hằng” (R. Tagore). Còn thánh Augustinô đã diễn tả khát vọng sâu thẳm của lòng mình là sớm được nghỉ yên bên Chúa, để vui hưởng hạnh phúc muôn đời, nên ngài đã phải thốt lên: “Lạy Chúa, linh hồn con còn khắc khoải trông mong, bao lâu chưa được nghỉ ngơi bên Ngài”.

 

Như thế, đối với những người có niềm tin như thánh Augustinô hay Tagore…thì cái chết là một kỳ tích, là sự được nghỉ ngơi bên Chúa, và là cơ hội để bước vào đời sống vĩnh hằng. Niềm tin của thánh Augustinô và Tagore đã đặt đúng chỗ và rất chắc chắn, vì chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

 

Tác giả Gioan, trong Phúc âm của mình, đã kể câu chuyện Chúa Giêsu phục sinh Lazarô, sau khi anh này đã chết và chôn trong mồ được bốn ngày. Câu chuyện không chỉ dừng lại để người ta chiêm ngưỡng một phép lạ, hay chỉ để diễn tả quyền năng của Thiên Chúa khi làm phép lạ, nhưng sâu xa hơn, là mạc khải cho nhân loại biết Thiên Chúa là Thiên Chúa của sự sống và có quyền trên sự sống của con người: “Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26).

 

Thật vậy, khi Chúa Giêsu hiện diện ở tang gia, tại Bêtania, một số người Do thái đã xì xầm với nhau: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?” (Ga 11,37). Khi người Do Thái xì xầm với nhau như thế là một cách nào đó, họ đã thấy được quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua con người Đức Giêsu, khi Ngài đã từng xua trừ ma quỷ, cứu chữa bệnh nhân và phục sinh kẻ chết.

 

Quả thế, nếu không phải do quyền năng của Thiên Chúa thể hiện thì làm sao Đức Giêsu phục sinh Lazarô đã chết chôn được bốn ngày rồi? Bốn ngày cho một cái xác chết, nếu là con người thì không có thể làm gì được nữa, hoàn toàn bất lực. Nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể, vì Ngài là Đấng tòan năng, cao cả, vượt không gian, thời gian, nên cái chết của anh Lazarô đã chôn được bốn ngày, Ngài làm cho phục sinh là chuyện dễ dàng: “Anh Lazarô, hãy ra khỏi mồ! Người chết liền ra, chân tay còn cuốn vải, và mặt còn phủ khăn” (Ga 11, 43-44).

 

Chúa Giêsu đã ra lệnh cho người chết trỗi dậy và bước ra khỏi mồ. Đó đúng là ngôn ngữ của Thiên Chúa, chứ không phải ngôn ngữ của loài người. Không ai trong loài người có thể truyền lệnh cho người đã chết sống lại. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được những điều kỳ diệu như thế mà thôi. Thiên Chúa có quyền trên sự chết, và sự chết phải tuân lệnh Người, vì Người chính là Thiên Chúa của sự sống, là Đấng ban sự sống. Nơi Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa của sự sống.

 

Chúa Giêsu đã trả lại sự sống cho người đã chết. Đó là một điều kỳ diệu mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Thánh Gioan đã kể dấu chỉ này mà Chúa Giêsu đã làm trước mặt nhiều người, chứ không phải chỉ một mình Gioan chứng kiến. Như thế, rõ ràng, tác giả đã xác thực cách chắc chắn Đức Giêsu là Thiên Chúa quyền năng, Ngài có quyền trên sự sống và cái chết của con người. Các môn đệ chứng kiến dấu chỉ này để củng cố niềm tin của mình mà hướng về tương lai tươi sáng hơn khi đi theo và làm môn đệ Chúa.

 

Chúng ta cũng được mời gọi luôn tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa, để được đón nhận sự sống tương lai trong Ngài, vì chính Ngài là “Thiên Chúa của kẻ sống, chứ không phải Thiên Chúa của kẻ chết” (Lc 20, 38).

 

Thế giới đã và đang trải qua những nỗi đau thương mất mát vì thần chết đã lợi dụng virus Vũ Hán, Trung Quốc để bắt biết bao nhiêu người ra khỏi thế giới hiện tại. Chúng ta hiệp thông, xin Chúa luôn nâng đỡ, an ủi thế giới vì những mất mát đau đớn này. Và xin Ngài ban thưởng sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai đã tin vào quyền năng của Ngài đã lìa thế. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á