Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN Phục Sinh: PHỤC SINH - MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG, NIỀM VUI VÀ HY VỌNG

Hôm nay toàn thể Hội thánh long trọng mừng lễ Đức Giêsu Kitô sống lại, vì đó là nền tảng cho niềm tin của Hội Thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo: “Ta là sự sống lại! Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin Ta, sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,25-26). Mầu nhiệm Phục sinh quả là mầu nhiệm của sự sống, mầu nhiệm của niềm vui và hy vọng.

 

 

PHỤC SINH - MẦU NHIỆM CỦA SỰ SỐNG, NIỀM VUI VÀ HY VỌNG

(Ga 20,1-9)

 

Bảo Tâm

 

 

Trong cuộc sống thường ngày, khi nghe tin một người thân trong gia đình, dòng tộc, hay một người bạn thân thiết nhất của chúng ta qua đời, chúng ta cảm thấy đau buồn thương tiếc ngậm ngùi. Vâng, không đau buồn, ngậm ngùi xót xa thương tiếc sao được, khi một người thân đã vĩnh viễn ra đi. Chính vì thế mà thi sĩ Mai Đình khi nghe tin người yêu của mình là thi sĩ Hàn Mặc Tử chết, Mai Đình rụng rời tay chân, bồi hồi ruột gan, tim đau thắt lại, đã thốt lên những lời thơ rướm máu gửi tặng hương hồn Hàn Mặc Tử như sau:

 

“Hôm nay bỗng được tin anh mất.

Khắp cả thân em đã lạnh rồi.

Anh mất là hồn em chết.

Não nùng chi lắm hỡi anh ơi”.

 

Ngày hôm qua còn gặp người thân, nay người thân đã không còn nữa, hỏi ai mà không buồn, không nhớ, không thương tiếc. Và nhiều người sau cái chết của người thân, thường trở lại bên nấm mồ để thắp hương cầu nguyện, để tưởng nhớ lại những dĩ vãng quá khứ đã qua mà người chết đã làm, đã nói, đã sống với họ. Họ như đi tìm lại một sự hiện diện của người chết để khỏa lấp nỗi buồn đang đè nén trong con tim. Đó cũng là trường hợp của bà Maria Magdala mà bài Tin mừng Phục sinh hôm nay đề cập đến.

 

Thánh Gioan đặt ở trung tâm bản tường thuật Phục sinh của mình gương mặt của Maria Magdala. Người phụ nữ này đã luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong việc đạo. Thánh Anselmo đã thảo ra một lời kinh dành cho Thánh nữ. Thánh nhân gọi cô là người bạn diễm phúc của Thiên Chúa. Theo Tin mừng Marco và Luca thì Đức Giêsu đã trừ bảy quỉ ra khỏi Maria Magdala. Cô được tái sinh và sống một cuộc sống mới là nhờ Đức Giêsu. Cô đã cảm nhận được đến mức nào tình yêu mạnh hơn sự chết. Cô đã có mặt dưới chân Thánh giá chứng kiến cái chết của Chúa. Đối với Gioan, Maria Magdala là người chứa chan tình yêu và chính tình yêu đã đưa đẩy cô chạy đến mộ nơi chôn cất xác Chúa Giêsu vào lúc sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Thánh Augustino nói: “Trong khi mà cánh nam giới ai về nhà nấy thì sức mạnh của tình yêu giữ chân phái yếu lại bên cạnh mộ”. Và thánh Anselmo cũng nói : “Nói gì đây, hay đúng hơn nói cách nào, tình yêu đốt cháy, thánh nữ vừa khóc than bên mộ vừa đi tìm Ngài và vừa tìm vừa khóc…”. Khi Maria Magdala đến mộ Chúa, bà phát hiện tảng đá lấp mộ đã lăn ra khỏi mộ, bà liền liên tưởng ngay đến việc “mất xác” nên vội vã đi báo tin này cho các môn đệ, bà chỉ nói một cách trung thực những gì đã thấy, nhưng bà có ngờ đâu ngôi mộ của Đức Giêsu đã mở ra, mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm đó tên là Phục Sinh, là trỗi dậy.

 

Vâng, Đức Giêsu đã sống lại thật rồi. Có hai nhân chứng cho biến cố vĩ đại này là hai ông Phêrô và Gioan. Hai ông đã chạy đến mộ Chúa để kiểm chứng. Phản ứng của Phêrô là thinh lặng suy nghĩ: Nếu có kẻ nào đó đã lấy trộm xác Chúa thì tại sao kẻ gian lại mất công xếp đặt khăn liệm và các dây vải lại một cách lớp lang và gọn gẽ như thế? Còn Gioan thì ông thấy và ông đã tin. Ông đã thấy các dấu chỉ lạ lùng đó: Ngôi mộ trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Gioan tin vì ông đã nhớ lại các lời mà Đức Giêsu đã loan báo trước: Ngài phải chịu đau khổ, chịu chết trước khi bước vào vinh quang. Ngài đã sống lại đúng như lời Ngài đã loan báo.

 

Với biến cố Phục sinh, Đức Kitô đã bắt đầu thiết lập một lịch sử mới cho nhân loại. Một nhân loại đi trong đêm đen của tội lỗi, đã được sống lại trong ánh sáng Phục sinh. Qua cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, Ngài đã loan báo cho chúng ta một Tin mừng cứu độ: Cái chết không còn là ngõ cụt hay là tận cùng nữa, chết không phải là hết, mà là cửa ngõ dẫn chúng ta vào một cuộc sống mới. Tất cả Giáo huấn Kitô giáo được xây dựng trên niềm tin ấy, như lời Thánh Phaolô xác quyết thật rõ ràng: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng. Và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em… Nhưng Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu…” (1 Cr 15,12tt).

 

Hôm nay toàn thể Hội thánh long trọng mừng lễ Đức Giêsu Kitô sống lại, vì đó là nền tảng cho niềm tin của Hội Thánh, là nền tảng cho Tin mừng Người loan báo: “Ta là sự sống lại! Ai tin Ta, dù có chết cũng sẽ sống. Ai sống và tin Ta, sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,25-26). Mầu nhiệm Phục sinh quả là mầu nhiệm của sự sống, mầu nhiệm của niềm vui và hy vọng. Cho nên chúng ta hãy mừng kỉ niệm Chúa Phục sinh với niềm tin rằng: Chúng ta đã được phục sinh trong Chúa Kitô và sau này sẽ được phục sinh như Ngài, nên chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của Tin mừng Phục sinh qua đời sống thường ngày của mình. Cho dẫu cuộc đời hôm nay, mỗi người mỗi hoàn cảnh, dù có gặp gian nan khổ cực, khó khăn thử thách, chúng ta hãy luôn luôn vui mừng hy vọng “Chúa đã sống lại” và đáp lại bằng “Alleluia” trong hân hoan phấn khởi, trong niềm tin yêu hy vọng, trong lời cảm tạ tri ân.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á