Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN IV PS, C: CHIÊN CỦA TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI

Một thực tế cho thấy qua hai năm đại dịch covit, thánh lễ cũng như các sinh hoạt tôn giáo bị gián đoạn thì sự nhiệt tâm và lòng đạo đức nơi các kitô hữu cũng giảm sút đi nhiều. Một thực tế cụ thể như vậy đủ cho thấy việc lắng nghe và thực hành lời Chúa hằng ngày nơi người kitô hữu qua từng thời điểm từng biến cố trong cuộc sống là điều không đơn giản.

 

CHIÊN CỦA TÔI THÌ NGHE TIẾNG TÔI

(Ga 10, 27-30)

 

M. Luân An

 

Ngày nay tại Palestina, có thể còn thấy cảnh chăn chiên mà Chúa Giêsu đã từng chứng kiến cách đây hơn 2000 năm. Cảnh những người mục tử Bedonin dẫn những đàn chiên trở về nhà từ nhiều cánh đồng sau một ngày đi ăn cỏ. Thường vào lúc hoàng hôn, các đàn chiên cùng kéo về qui tụ một chổ để uống nước. Chúng trà trộn lẫn lộn với nhau từ nhiều đàn nhỏ trở thành một đàn chiên lớn. Mặc dù lẫn lộn chung với nhau nhưng những chủ chăn không hề lo sợ chiên lạc bầy. Bởi đến giờ ra về, mỗi chủ chiên sẽ thổi lên một tiếng gọi riêng biệt- một tiếng còi, tiếng tiêu, tiếng sáo hay tù và- thì những con chiên trong đàn sẽ tự động rời khỏi đám đông theo đàn của mình mà về chuồng. Chúng tự biết chúng thuộc đàn nào. Chúng nghe tiếng gọi của chủ chăn và đi theo.

 

Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta việc Đức Giêsu dùng hình ảnh chủ chăn và đàn chiên để ám chỉ sự liên kết mật thiết giữa Ngài với những ai nghe và thực hành lời Ngài. Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi”. Lời của Đức Giêsu trên đây xem như tiêu chuẩn để biết được những ai thuộc về Ngài và những ai không thuộc về Ngài.

 

Chiên tôi thì nghe tiếng tôi”. Tiếng ở đây là gì nếu không phải là Lời của Thiên Chúa được thể hiện nơi chính con người Đức Giêsu. Hẳn thật, chính nơi Đức Giêsu, Lời của Thiên Chúa được loan truyền tới nhân loại. Lời ấy chính là lời yêu thương, lời sự thật, lời sự sống, lời của sự tha thứ, cũng như của niềm hy vọng: “lời Ngài là sức sống của con, lời Ngài là ánh sáng đời con, lời Ngài làm chứa chan hy vọng, lời Ngài hạnh phúc cho trần ai” (Lm Nguyễn Duy). Lời ấy đã chạm đến Lazaro và làm cho anh được sống lại. Lời ấy đã chạm đến người mù và làm cho họ được thấy. Lời ấy cũng đã chạm đến tấm lòng cứng cỏi của Tôma để phục hồi niềm tin cho ông. Đức Giêsu cống bố lời Thiên Chúa không chỉ bằng lời nói mà còn bằng cả hành động, và cụ thể hơn là bằng chính cái chết của Ngài. Lời của Ngài xứng đáng để được mọi người đón nhận. Thế nhưng, trong thực tế không phải hôm nay mà ngay chính thời của Ngài cũng có biết bao người không đón nhận lời Ngài, ngay chính các môn đệ cũng đã có lần nghe lời Ngài mà các ông cũng cảm thấy khó đón nhận: “Lời này chói tai qua! Ai mà nghe được” (Ga 6, 60). Bởi vậy, để lắng nghe và thực hành lời Chúa không phải là điều dễ dàng nhưng phải là một quá trình đòi hỏi nhiều nổ lực và cả sự hy sinh. Vì nghe không đơn thuần chỉ nghe bằng thính giác, nghe cho vui, mà nghe đúng cách là nghe bằng cả tấm lòng, bằng cả trái tim, nghĩa là nghe trong tâm thế đón nhận và vâng phục “Con ơi hãy ghé tai lòng con lắng nghe lời cha hiền dạy dỗ”. (TLBĐ, lời mở) Khi lắng nghe có những lời làm ta cảm thấy được an ủi được đỡ nâng, nhưng cũng có những lời làm ta khó chịu vì lời ấy chạm tới những điều thầm kín của ta, đòi hỏi nơi ta một sự hoán cải. “Lời Thiên Chúa là lời sống động hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12). Hình ảnh những người Dothái mà sách Công Vụ Tông Đồ đề cập tới là một ví dụ: “Các người Do-thái thấy đám đông dân chúng, thì đâm ghen tương, nói lộng ngôn, chống lại các điều Phaolô giảng dạy”. (Cv 13, 45) Thay vì họ đón nhận và hoán cải để được ơn cứu độ, để được gia nhập vào “đàn chiên” của Đức Giêsu thì họ lại chống đối và khước từ, nên ân phúc ấy được ban cho dân ngoại: “Phải giảng lời Thiên Chúa cho các ngươi trước tiên, nhưng vì các ngươi từ chối lời Thiên Chúa và tự cho mình không xứng đáng sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía các dân ngoại” (Cv 13, 46 )

 

Chúng ta đang sống trong thời đại của kỷ thuật số, mọi thông tin và các hình thức giải trí trên các trang mạng xã hội được cập nhật mỗi ngày mỗi giờ một cách nhanh chóng. Người ta chỉ cần mở chiếc điện thoại cầm trên tay là có thể truy cập được mọi thông tin và thõa mãn được mọi nhu cầu giải trí của mình. Sự tiện lợi mà công nghệ kỷ thuật số mang lại cho con người hôm nay một mặt không thể phủ nhận đó là giúp con người phát triển cũng như thay đổi cuộc sống cá nhân cũng như tập thể cả về tinh thần lẫn vật chất. Những mặt khác cũng không thể phủ nhận đó là nó cũng mang đến cho con người nhiều hệ lụy, cách riêng là với người kitô hữu. Cuộc sống dường như vội vàng hơn, bận rộn hơn, ít có thời gian sống bên nhau và cho nhau hơn. Những cuộc gặp gỡ hội ngộ gia đình cũng đang thưa dần; những giờ kinh sáng tối hàng ngày đang được thay thế bởi các chương trình giải trí của truyền hình, của mạng Internet. Giới trẻ không còn tha thiết với việc học hỏi giáo lý, học hỏi Lời Chúa, thay vào đó là tìm hiểu và rèn luyện các kỷ năng. Một thời đại kéo người kitô hữu rời xa những thực hành hàng ngày của mình thì thử hỏi điều gì sẽ xẩy ra? Họ có còn đủ tâm thế, đủ kiên nhẫn, đủ thời giờ để lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy mỗi ngày nữa không? Một thực tế cho thấy qua hai năm đại dịch covit, thánh lễ cũng như các sinh hoạt tôn giáo bị gián đoạn thì sự nhiệt tâm và lòng đạo đức nơi các kitô hữu cũng giảm sút đi nhiều. Một thực tế cụ thể như vậy đủ cho thấy việc lắng nghe và thực hành lời Chúa hằng ngày nơi người kitô hữu qua từng thời điểm từng biến cố trong cuộc sống là điều không đơn giản.  

 

Bởi vậy, Lời Chúa ngày hôm nay vẫn như một lời trắc nghiệm cho các kitô hữu nói chung, cách riêng cho các tu sĩ, để mỗi người tự nhìn lại mình, xem mình có còn là “chiên” trong đàn chiên của Đức Giêsu, Đấng là mục tử nhân lành nữa hay không. 

 

Thiết kế Web : Châu Á