Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN IV MC, A: HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Mặc dù hành trình đức tin đầy cam go, thử thách nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước để đức tin con người được hoàn thiện. Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37).

 

 

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

(Ga 9,1-41)

 

Tùng Linh

 

Trong một bài báo bàn về đức tin, cha Jacques Loew [1] đã xác quyết: Đức tin không phải là chấp nhận các công thức có sẵn, một lần thay cho tất cả, cũng không phải là như một chiếc bánh, chúng ta có thể chia ra làm nhiều phần. Trái lại, đức tin chính là niềm cậy trông và phó thác, không phải vào tư tưởng và sức riêng của mình, nhưng là vào tình thương và quyền năng của Chúa. Trong bài Tin mừng hôm nay, anh mù cũng đã nhận được đức tin ấy một cách tiệm tiến từ tình thương của Chúa Giêsu.

 

Bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan tường thuật cho chúng ta về phép lạ Chúa Giêsu chữa anh mù từ khi mới sinh. Như chúng ta biết, mù là một căn bệnh làm cho người bệnh rất đau khổ và khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Đức hồng y Phạm Đình Tụng [2] đã nêu ra những khó khăn đó: Mù là một chứng bệnh gây nhiều đau khổ thiệt thòi, buồn tủi và nguy hiểm cho bệnh nhân. Người mù suốt đời, ngày cũng như đêm ở trong tối tăm, không xem thấy ánh sáng, không thể nhìn ngắm cảnh đẹp thiên nhiên, màu sắc của vạn vật cũng như nét mặt xinh tươi của người thân yêu. Đó là những thiệt thòi rất lớn làm giảm thiểu sinh lực và hạnh phúc của cuộc đời.

 

Hơn nữa, người mù còn mặc cảm, coi mình là vô dụng, ăn bám và phải cậy nhờ người khác trong mọi sự, đi phải có người dắt, ăn phải có người đem đến tận tay, có khi liều mình gặp nguy hiểm sa lửa, sa nước, va chạm, vấp ngã có thể gây thiệt hại đến tính mạng.

 

Đó là những người mù về thể xác, còn những người mù về tâm linh thì sao? Linh mục Trần Ngà trong bài viết Mù Lòa và Mù Quáng [3] đã liệt kê các loại mù tâm hồn hay nói đúng hơn là sự mù quáng:

 

Mù quáng vì tham lam

Sách Các Vua có thuật lại câu chuyện hoàng hậu I-dơ-ven, vợ vua A-kháp, vì tham lam muốn chiếm đoạt vườn nho của ông lão nghèo Na-vốt, đã dàn dựng một vụ án quy kết Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và nguyền rủa đức vua, rồi tuyên án ông phải bị ném đá chết. Lòng tham lam đã làm cho hoàng hậu I-dơ-ven ra mù quáng đến độ đang tâm giết hại một ông lão nghèo vô tội để chiếm đoạt vườn nho của ông ta (x. 1 V, 21).

 

Mù quáng vì ghen tị

Sách Samuel ghi lại rằng vua Sa-un rất yêu thương Đavít, nhưng khi Đavít hạ được tên tướng giặc khổng lồ là Gô-li-át để cứu nguy cho quân dân Israel và quay trở về trong chiến thắng, “thì phụ nữ từ hết mọi thành của Israel kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Sa-un, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ vui đùa ca hát rằng: “Vua Sa-un hạ được hàng ngàn, còn Đavít hàng vạn”. Khi nghe lời đó, vua Sa-un uất lên vì ghen tị. Lòng ghen tị làm cho vua đâm ra mù quáng, đổi lòng yêu thương ra thù ghét và truy lùng Đavít khắp nơi quyết giết cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy (x. 1 Sm, 18).

 

Mù quáng vì dục tình

Về sau, khi vua Sa-un qua đời, Đavít được lên làm vua. Đavít lại đâm ra mê đắm sắc đẹp của bà Bát-sê-va. Dục vọng đã làm cho vua mù quáng đến độ lập mưu giết chồng bà là Uria để chính thức cưới bà nầy làm vợ (x. 2 Sm,11).

 

Trở lại bài Tin mừng, Chúa Giêsu liền lấy đất trộn với nước miếng và xức lên mắt anh mù, và bảo anh đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Đây là biến cố chữa lành anh mù, cũng là biến cố để bắt đầu một hành trình đức tin của anh.

 

Trong tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ [4], Đức Thánh Cha Phanxico viết: “Sự thánh thiện mà Chúa mời gọi bạn sẽ lớn lên xuyên qua các cử chỉ nhỏ nhoi”. Ngài đưa ra một ví dụ: Một phụ nữ đi mua sắm, chị gặp một người hàng xóm và họ trò truyện, một cuộc ngồi lê đôi mách bắt đầu. Nhưng chị tự nhủ trong lòng: “Không, tôi sẽ không nói xấu bất cứ ai”. Đó là một bước tiến lên trên con đường thánh thiện”. Cũng vậy, đức tin của anh mù cũng lớn lên xuyên qua các hành vi mà anh biểu lộ. Trong ví dụ trên, Đức Thánh Cha đã dùng câu: “Đó là một bước tiến lên trên con đường thánh thiện”. Ở đây, tôi cũng muốn dùng nghĩa này để chỉ anh mù. Chính hành động ra đi đến hồ Si-lo-ác để rửa đã giúp anh bước tiến lên trên hành trình đức tin.

 

Sau đó, những người Pharisêu chất vấn anh có phải là người được Chúa Giêsu chữa lành không. Anh trả lời: “Chính tôi đây”. Hành động đó đã giúp anh bước tiến lên trên hành trình đức tin.

 

Những người Pharisêu tranh luận và nói anh mù nêu lên ý kiến của anh về con người Giêsu. Anh nói với họ: “Ngài là một vị ngôn sứ”. Hành động đó đã giúp anh bước tiến lên trên hành trình đức tin.

 

Khi Chúa Giêsu mặc khải cho anh biết Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Messia. Anh đã tuyên xưng: “Lạy Ngài, con tin”, và liền sấp mình xuống thờ lạy. Hành vi tuyên xưng đức tin và hành động thờ lạy đã giúp anh đạt đến đích điểm của hành trình đức tin.

 

Hành trình đức tin là hành trình đầy chông gai và thử thách. Anh mù đã kinh qua từng thử thách để đạt đến đích của hành trình. Những thử thách đó được linh mục Giuse Nguyễn Hữu An [5] liệt kê:

 

- Thử thách lần thứ nhất (Ga 9,8-12), những người láng giềng và những người trước kia thường thấy anh ta ăn xin chất vấn: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?”. Người mù xác nhận: “Tôi đi, tôi rửa, tôi nhìn thấy”. Anh không biết Chúa là ai: “Ông ấy ở đâu, tôi không biết”. Anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”.

 

- Thử thách lần thứ hai (Ga 9,12-17), những chất vấn của giới Pharisêu và lời nhạo báng: “Một ngưởi tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Trước sức ép của họ, anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng: “Ngài thật là vị tiên tri”.

 

- Thử thách lần thứ ba (Ga 9,18-23), họ gọi cha mẹ của anh ta đến để làm chứng, nhưng hai người sợ hãi nên nói: “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Anh mù trực tiếp trả lời về nguồn ánh sáng đã đón nhận.

 

- Thử thách lần thứ tư (Ga 9,24-34), người Pharisêu dùng đến Lề Luật. Người mù không cần biết đến Luật. Anh ta dựa vào cảm nghiệm cá nhân đã gặp Đức Kitô. Cuộc tra vấn của giới chức tôn giáo khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”.

 

Đức TGM Ngô Quang Kiệt[6] nhận định: “Như thế niềm tin tăng dần theo với thử thách. Thử thách càng cao, đức tin càng mạnh. Thoạt tiên, anh coi Chúa Giêsu chỉ là một con người, một người nào đó trong muôn vạn người: “Một người tên là Giêsu đã xức bùn vào mắt tôi”. Những câu hỏi của đám đông, những tra vấn của Pharisêu khiến anh suy nghĩ sâu xa hơn và anh nhận rằng: “Ngài thật là vị tiên tri”. Khó khăn bắt bớ của giới chức tôn giáo thời đó lại khiến anh khẳng định: “Người từ Thiên Chúa mà đến”. Và sau cùng anh đã nhận Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

 

Cuối cùng, thì anh đã vượt qua cuộc hành trình đầy cam go để đến với đức tin ngời sáng, như đôi mắt của anh vừa được chữa lành. Trong khi người ta phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, thậm chí còn kết án Người chữa bệnh vào ngày Sabát, thì chính anh, người mù từ lúc mới sinh, lại can đảm bênh vực cho Đức Giêsu và dõng dạc tuyên xưng niềm tin của mình: “Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhận lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9,31-33) [7].

 

Mặc dù hành trình đức tin đầy cam go, thử thách nhưng chính Thiên Chúa đã đi bước trước để đức tin con người được hoàn thiện. Khi bị trục xuất ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu gặp lại anh và mạc khải cho biết Ngài là Con Thiên Chúa, anh liền tuyên xưng đức tin: “Lạy Thầy, tôi tin” (Ga 9,37). Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã minh định điều đó. Trong đức tin, trí khôn và ý chí con người hợp tác với ân sủng của Thiên Chúa: “Tin là một hành vi của trí khôn chấp nhận chân lý mạc khải theo lệnh của ý chí được ân sủng Thiên Chúa tác động”[8].

 

Như vậy, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở mắt cho anh mù bẩm sinh. Chúa giúp anh sáng cả mắt thể xác và con mắt tinh thần. Nghĩa là Chúa đã giúp anh đạt đến đức tin hoàn hảo. Ước gì mỗi người chúng ta, mặc dù không bị mù thể xác nhưng rất dễ trở nên mù quáng đời sống tâm linh do dục tình, do lòng tham lam, kiêu căng, ghen tị... cũng được Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian chiếu giãi ánh sáng trên chúng ta hết “mù lòa” để chúng ta xứng đáng làm con Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta ngày càng sống tốt đẹp hơn để chúng ta “nên trọn lành như Cha chúng ta là Đấng trọn lành”. Amen.

 

 

 _______________________________________

 

 

[1] Tgp Hà Nội, Người Mù.

[2] Tgp Hà Nội, Suy niệm của ĐHY. Phaolô Phạm Đình Tụng - Bài 1.

[3] Tgp Hà Nội, Trần Ngà, Mù Lòa và Mù Quáng.

[4] Đức Thánh Cha Phanxico, Tông Huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỷ, số 16.

[5] Gp Thái Bình, Bước nhảy của niềm tin, Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu An.

[6] Tgp Hà Nội, ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt, Ngọn Đèn Đức Tin.

[7] Tgp Hà Nội, Thiên Phúc, Cửa Sổ Tâm Hồn.

[8] GLHTCG, số 155.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á