Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III TN, B: BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN VÀ LỜI MỜI GỌI

Ngày xưa, khi khai mở sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu đã đưa ra một thông điệp và chọn gọi các môn đệ để thực hiện sứ vụ của Ngài. Thông điệp đầu tiên của Chúa Giêsu và việc Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên để lại cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ.

 

 

BÀI GIẢNG ĐẦU TIÊN VÀ LỜI MỜI GỌI

(Mc 1,14-20)

 

M. Alexis Thiện

 

Các vị giáo hoàng hay các vị chính khách khi được chọn luôn có những bài diễn văn, hay những bài giảng, thông điệp mở đầu cho triều đại hay nhiệm kỳ của mình. Bài giảng hay bài diễn văn đó mang một thông điệp cho thấy được những ưu tư cùng với chương trình và định hướng sẽ được thực hiện trong tương lai. Sau khi đã được chọn và đưa ra thông điệp cho nhiệm kỳ mới, vị tân chức sẽ chọn cho mình những nhân sự mới để cùng thực hiện những gì đã được nhắm đến. Chính Chúa Giêsu ngày xưa khi khai mở sứ vụ công khai của mình, cũng đã đưa ra một thông điệp và chọn gọi các môn đệ để thực hiện sứ vụ của Ngài. Thông điệp đầu tiên của Chúa Giêsu và việc Ngài kêu gọi các môn đệ đầu tiên để lại cho chúng ta nhiều điều suy nghĩ.

 

Sứ điệp đầu tiên khai mở sứ vụ công khai của Đức Giêsu

 

Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.  Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Sám hối và tin vào Tin Mừng là sứ điệp đầu tiên khai mở sứ vụ công khai của Đức Giêsu, một lời mời gọi cho tất cả mọi người để được ơn cứu độ. Sứ điệp này định hướng cho toàn bộ hành trình rao giảng của Ngài. Đức Giêsu đi khắp nơi rao giảng là để kêu gọi mọi người sám hối và đón nhận Tin Mừng.

 

Sám hối: với bản chất bất toàn và dễ sai lỗi, sám hối là thái độ cần có của mỗi người. Sám hối là nhận biết những lỗi lầm thiếu sót của mình để thay đổi, canh tân đời sống mình cho tốt hơn. Tuy nhiên, theo cha Rolheiser, sám hối còn mang một nghĩa rộng hơn thế. Gốc của từ “sám hối” là “metanoia.”  Nhưng từ “sám hối” không bao hàm đủ ý nghĩa mà Chúa Giêsu muốn nói…từ “metanoia” có nghĩa rộng hơn. Từ “metanoia” có gốc từ hai từ Hi Lạp. Meta nghĩa là phía trên, và Nous nghĩa là tinh thần. Metanoia – hay Tinh thần Hướng thượng, mời gọi chúng ta vươn lên trên những bản năng bình thường, đi vào một tinh thần vươn cao hơn khuynh hướng tư lợi và tự vệ vốn thường nảy sinh những cảm giác cay đắng, tiêu cực và thiếu cảm thông bên trong chúng ta. Metanoia mời gọi chúng ta đón nhận mọi tình trạng dù bất công đến thế nào, bằng một tấm lòng thông hiểu và cảm thông. [1]

 

Như thế, sám hối là cách thức tốt nhất để chúng ta chuẩn bị tâm hồn cách xứng đáng hầu đón nhận và tin vào Tin Mừng.

 

Tin vào tin Mừng: Tin Mừng mà chúng ta tin là Tin Mừng nào? Thánh Marco trả lời cho chúng ta: Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Như thế, Tin Mừng của Thiên Chúa là toàn bộ lời rao giảng của Đức Giêsu. Tin mừng này có sức cứu độ con người. Hơn nữa, Tin Mừng này còn là chính Đức Giêsu, Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng mà Thiên Chúa gửi đến trong nhân loại để qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, nhân loại được đón nhận ơn cứu độ. Vì thế, tin vào Tin Mừng là tin vào lời Đức Giêsu rao giảng và tin vào chính Ngài. Đó là điều kiện để lãnh nhận ơn cứu độ. Nhưng tin cũng bao hàm việc sống và thi hành theo Tin Mừng đó nữa.

 

Sám hối và tin vào Tin Mừng là đề tài xuyên suốt từ khi khởi đầu sứ vụ công khai cho đến khi về trời của Đức Giêsu. Đây cũng là sứ vụ mà các môn đệ của Ngài phải tiếp tục thực hiện như lời Ngài phán trước khi về trời.

 

Qua sứ điệp đầu tiên của Đức Giêsu, chúng ta cần nhìn lại chính bản thân mình. Giữa một xã hội dường như đánh mất cảm thức về tội và đề cao tự do cá nhân, liệu chúng ta có còn biết sám hối nữa hay không? Chúng ta đã tin và thi hành theo Tin Mừng Đức Giêsu như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

 

Lời mời gọi và lời đáp trả

 

Sau khi đưa ra thông điệp, Đức Giêsu tuyển chọn và mời gọi những con người bước theo Ngài. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa mời gọi bốn môn đệ đầu tiên trong số các môn đệ của Ngài. Chúa mời gọi các ngài để tiếp nối sứ vụ của Chúa. Mục đích này được thánh sử nói tới khi thành lập nhóm Mười hai: ‘Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” (Mc 3,14).

 

Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ đầu tiên như một sự tình cờ khi đang đi dọc theo biển hồ Galilê, chứ không được báo trước để các môn đệ suy nghĩ, tính toán và quyết định. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu là một bất ngờ với các môn đệ. Lời kêu gọi ấy đến với các ông khi các ông đang làm những công việc thường ngày để mưu sinh. Biến cố này gợi cho chúng ta về ơn gọi của ngôn sứ Êlisa, ông cũng được Thiên Chúa gọi qua ngôn sứ Êlia khi đang cày ruộng. Êlisa đã xin thầy mình cho được trở về để từ biệt gia đình, ông giết bò ăn mừng, lấy cày làm củi để nấu thịt. Nơi Êlisa chúng ta thấy một sự dứt khoát bước theo thầy mình khi ông bỏ tất cả những gì là thiết thân, cả những gì làm phương tiện để nuôi sống bản thân. Ngày hôm nay, các môn đệ đầu tiên cũng cho chúng ta thấy sự dứt khoát và mau lẹ bước theo Thầy Giêsu, thậm chí các ông còn dứt khoát và mau lẹ hơn cả ngôn sứ Êlisa nữa. Hai ông Phêrô và Anrê lập tức bỏ chài lưới mà đi theo Người; thái độ của Giacobe và Gioan cũng không thua kém khi các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.

 

Mặc dù lời kêu gọi của Chúa Giêsu không hàm chứa một lời hứa hẹn hấp dẫn nào, Ngài chỉ đơn giản mời gọi: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”, nhưng các ông khi bỏ lại tất cả những gì thiết thân với mình: nghề nghiệp, gia đình, cha mẹ; bỏ lại một cuộc sống bình lặng, ổn định thậm chí là khá giả như anh em nhà Dê-bê-đê, khi có cả thuyền và người làm công, để theo Chúa Giêsu. Các ông hẳn là những con người dám liều và thích phiêu lưu.

 

Nhìn về ơn gọi của các môn đệ đầu tiên cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại ơn gọi của chính mình: ơn gọi làm Kitô hữu, ơn gọi làm đan sĩ. Thông thường người ta vẫn dành chữ ơn gọi cho những người sống đời thánh hiến, tu trì. Tuy nhiên, khi lãnh nhận danh hiệu Kitô hữu qua Bí tích Rửa tội, điều đó cũng bao hàm sự thánh hiến và ơn gọi trong đó nữa. Dù sống trong bậc sống nào, người Kitô hữu cũng được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, mang sứ mạng và ơn gọi sai đi để làm chứng cho Tin Mừng. Để sống ơn gọi đó, người Kitô hữu cần phải đến với Chúa Giêsu Kitô, cần có một tâm hồn siêu thoát, dám bỏ lại những gì là cũ kỹ để mang lấy một đời sống mới trong Tin Mừng. Ơn gọi - lời mời gọi của Chúa không chỉ đến một lần trong đời nhưng diễn ra hằng ngày trong cuộc sống mỗi người, giữa những khi chúng ta đang làm những công việc mưu sinh thường ngày như các môn đệ xưa kia vậy.

 

Lời rao giảng: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng cũng như lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu xưa kia vẫn còn vang vọng trong thế giới ngày nay. Sứ điệp đó không chỉ dành cho những người chưa tin nhận biết Chúa nhưng còn cho chính những người Kitô hữu. Đó là một lời mời gọi nhưng cũng là một lời chất vấn cho những người môn đệ Chúa Giêsu về niềm tin, về sự sám hối, về sự đáp trả của mình.

 

 

_______________________________

 

[1] https://phanxico.vn/2016/11/08/tu-hoang-tuong-den-sam-hoi/

 

 

Thiết kế Web : Châu Á