Suy niệm

SUY NIỆM TIN MỪNG CN III THƯỜNG NIÊN, NĂM C: "Tiếp nối Sứ Vụ" (M. Damiano Quang)

Sứ mạng của Chúa Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua Giáo hội và trong Giáo hội...

 

Lc 4, 14-21

"Tiếp nối Sứ Vụ"

M. Damiano Quang

Sau một thời gian ngược xuôi giảng dạy ở nhiều nơi, Chúa Giêsu trở về quê hương Nazareth than yêu. Vào ngày sabat, Người đến hội đường, người ta mời Người đọc sách thánh và giảng dạy. Đây là lần đầu tiên Chúa về Nadarét trong quãng đời công khai.

Theo luật lệ Do thái, bất cứ ai cũng có thể lên diễn đàn đọc và giải thích Kinh Thánh. Nhưng thường người có trách nhiệm coi sóc hội đường trao công việc đó cho những người đã am tường Kinh Thánh. Vì Chúa Giêsu đã giảng dạy ở nhiều nơi trước khi về Nadarét, nên việc người ta mời Người lên diễn đàn là chuyện bình thường. Theo thông lệ, vị diễn giảng đứng dậy đọc Sách Thánh, rồi ngồi xuống giải thích bài đọc đó. Hôm nay cũng vậy, người ta đưa cho Chúa cuốn sách Thánh. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn ngôn sứ Isaia nói về Đấng Cứu Thế sẽ đến và những việc Người sẽ làm. Đọc xong, Chúa gấp sách lại và ngồi xuống. Mọi người đều chăm chú nhìn Người và chờ đợi những lời giải thích của Người.

Người dõng dạc tuyên bố: "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe". Nội dung của sứ điêp của ngôn sứ được ứng nghiệm nói lên công việc Chúa Giêsu thi hành, là Loan Báo Tin Mừng

        Tin Mừng được loan báo là: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Giêsu nói rõ đối tượng ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng là đến với những người nghèo khó: “Người sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. Vậy ai sẽ là nghững người nghèo khó? Mọi người đều là những người nghèo: kẻ thì nghèo vật chất, người thì nghèo tinh thần. Như vậy Tin Mừng của Chúa được loan báo cho tất cả hết mọi người. Giáo hội luôn phục vụ những người nghèo. Sống nghèo tận tụy phục vụ người nghèo, đó là những nét nổi bật của Giáo hội. Sứ vụ ấy làm nên tinh thần khó nghèo của tám mối phúc.

Quả thực, suốt thời gian Chúa Giêsu sống và rao giảng, Người đã thực hiện từng chi tiết đoạn sách Thánh này. Người đã rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Người đã cảm thông, an ủi những tấm lòng sầu muộn. Người đã giải phóng những người bị tà ma ám ảnh, chữa lành tất cả những bệnh tật. Người đã khích lệ, tha thứ cho những người tội lỗi. Người đã hòa đồng với những người hèn hạ nghèo khó. Người không hề xua đuổi bất cứ ai. Người dạy phải quảng đại, bác ái, yêu thương đối với mọi người, kể cả kẻ thù, và không bao giờ được xét đoán bất công. Người muốn mọi giao tế giữa loài người với nhau phải được thể hiện trong yêu thương. Những dẫn chứng trên cho chúng ta thấy những lời ngôn sứ Isaia đã loan báo trước được ứng nghiệm đầy đủ nơi Chúa Giêsu. Người là Đấng Cứu Thế, Đấng Thiên Sai, đã thi hành trọn vẹn sứ mạng Thiên Chúa trao phó cho Người.

Sứ mạng của Chúa Giêsu, ngày hôm nay, vẫn được tiếp tục thực hiện qua Giáo hội và trong Giáo hội. Thực vậy, khi Chúa Giêsu hoàn thành thời gian sứ mạng của Người, Người gởi Thánh Thần đến cho các môn đệ để họ tiếp tục công bố Năm Toàn Xá của Thiên Chúa, loan Tin Mừng cho mọi người, rao giảng và thực hiện sự giải phóng toàn diện con người và xã hội. Nói rõ hơn, Giáo hội được đầy Thánh Thần từ ngày lễ Ngũ Tuần phải tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử. Như vậy, lời sách Isaia thâu tóm sứ mạng của Chúa Giêsu cũng là lời thâu tóm sứ mạng của Giáo hội mọi thời đại. Hôm nay sứ mạng ấy càng trở nên khẩn trương hơn.

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo hội đã ý thức sâu xa hơn về sứ mạng của mình. Điều này không có nghĩa là trước đây Giáo hội đã quên con người mà chỉ nghĩ đến "linh hồn". Thử hỏi: ai đã khai sinh ra các bệnh viện, các cô nhi viện, các trại phong, trại tế bần, trại dưỡng lãi... Ai đã khai hóa cho thế giới "man-di" của Âu Châu thời hậu đế quốc Rô-ma? Chính là Giáo hội. Cái mới của Va-ti-ca-nô II là quan niệm lại cho phù hợp với thời đại mà thôi.

Thiết kế Web : Châu Á