Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III PS, C: HÃY ĐỂ THẦY GIÊSU BIẾN ĐỔI

Nhận ra Đấng Phục Sinh không phải là điều dễ đối với các môn đệ và đối với mỗi chúng ta. Vì còn sống cố chấp, còn loay hoay trong “đêm tối” của những lối hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chưa thực sự lắng nghe tiếng Chúa là: “thả lưới bên phải mạn thuyền” để vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn trong đêm đen.

 

 

HÃY ĐỂ THẦY GIÊSU BIẾN ĐỔI

(Ga 21,1-19)

 

M. Duy Khang

 

Vào một buổi chiều ảm đạm trên Biển hồ Tibêria, các muôn đệ và các ngư phủ bận rộn với công việc trong khoang tàu: nào là kiểm tra máy móc, giặt và vá lưới. Sau cái chết của Đức Giêsu, nhịp sống của các môn đệ thật buồn bã và  chán nản như người mất hồn, như người đứng trước đường hầm u tối của cuộc sống không có tương lai. Họ mất hết phương hướng tươi trẻ của cuộc sống nơi thôn nghèo thanh bình một thời gắng bó của những người ngư phủ trên Biển hồ. Họ chẳng biết làm gì khi không còn Thầy Giêsu. Các môn đệ còn đang ở Biển hồ nên máu nghề nghiệp của các môn đệ lại nổi lên, các ông lại trở về với thuyền xưa lưới cũ chèo chống cho qua ngày. Sở dĩ họ hăng hái là vì họ luôn sống trong tinh thần phó thác và cậy trông vào Chúa, cho dù đó là việc nhỏ nhất.

 

Để xua tan không khí ảm đạm ấy, ông Phêrô chợt lên tiếng “tôi đi đánh cá đây”, lời nói của vị Tông đồ trưởng, cũng là người đứng đầu Giáo hội vang lên như để mời gọi các tông đồ khác, đừng buồn bã chán nản nữa, mà hãy xắn tay áo lên để Giáo hội bắt đầu bước vào cuộc hành trình mới. Các môn đệ khác đồng thanh đáp “chúng tôi cùng đi với anh (Ga 21,3). Và họ ra khơi nhưng tiếc thay họ vất vả suốt đêm mà không một con cá nào dính lưới. Họ là những ngư phủ lành nghề – Biển hồ rất nhiều cá. Cá thường xuất hiện vào ban đêm. Biển yên sóng lặng,…. thật là lý tưởng cho việc đánh cá nhưng vận may vẫn không đến với các môn đệ lành nghề chài lưới. Có ai ở đời dám vỗ ngực tự hào mình là người tài giỏi, “Ai nên khôn mà không khốn một lần”. Dù thất vọng và thiểu não, nhưng họ vẫn ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm, và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại này. Tuy nhiên, đó không phải là lý do để họ nản chí mà bắt đầu một khởi sắc mới cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa sau khi Đức Giêsu sống lại. Giáo Hội không dậm chân tại chỗ và không được phép ù lì trong thử thách bủa vây muốn bóp nghẹt Giáo Hội. Giáo hội của Chúa Giêsu muôn đời vẫn thế bao lâu mà toàn thể nhân loại vẫn đang quằn quại trong bóng tối sự chết, Giáo hội vẫn luôn đồng hành với con người.

 

Ông bà ta thường nói: “Sau cơn mưa trời lại sáng hay Sau nỗi đau sẽ là hạnh phúc!”. Trong Tin mừng Thánh Gioan biết: “Lúc rạng đông”, có nghĩa thời điểm mặt trời vừa ló rạng, bình minh của một ngày mới, Đức Giêsu Phục sinh xuất hiện đến trên bờ biển với dáng vẻ một dân chài thứ thiệt bắt chuyện làm quen: “Này các chú, không có gì ăn ư”?. Các ông thưa: “Thưa không” (Ga 21, 5). Đúng là: “Có thực mới vực được đạo, có đạo mới tạo nên gạo”. Đức Giêsu, “Dung Nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” (Tông Huấn Misericordiae Vultus, 1) đã đem đến sự tin tưởng và bình an cho các môn đệ. Sự xuất hiện của Đức Giêsu trùng vào lúc bình minh có một ý nghĩa sâu sắc, chào một ngày mới trong sự bình an của Chúa Phục Sinh. Thánh Gioan muốn nói: Đức Giêsu là Ánh sáng thế gian, khi Ngài xuất hiện thì thế gian không còn chìm trong bóng tối vì Đức Giêsu là Mặt Trời Công Chính. Câu chuyện dẫn các môn đệ đến một kinh nghiệm “thả lưới bên mạn thuyền”, theo lời của vị khách quý. Các môn đệ ngạc nhiên, ủa! thả lưới ở giữa biển còn chưa ăn ai, mà bây giờ lại thả lưới ngay tại bờ thì có gì mà bắt. Suy nghĩ như vậy nhưng các môn đệ cũng làm theo lời vị khác lạ và các môn đệ đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi thuyền gần như chìm. Ngài nói: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”. Cá mới bắt được còn tươi roi rói, các ông quây quần bên bếp than hồng cùng chia sẻ bữa ăn đầy ý nghĩa với vị khách lạ. Bên bếp than đỏ hồng, mùi cá nướng bốc lên thơm phức và câu chuyện trao đổi càng ngày càng rôm rả vì các ông chưa từng chứng kiến mẻ cá lạ lùng như thế. Đức Giêsu muốn các ông ăn cá vừa bắt được, vì đây là kết quả của sự lao động cực nhọc, và cũng là kết quả của việc các môn đệ nghe lời Đức Giêsu một vị khách vừa lạ và vừa quen mà thả lưới. Cử chỉ đầm ấm thân thương của vị khách lạ ngồi bẻ bánh và trao cho từng người trong các môn đệ đã khơi gởi lên như một kỷ niệm lại ùa về trong ký ức khiến các môn đệ nhận ra vị khách đang ngồi giữa các ông chính là Đức Giêsu vừa sống lại từ cõi chết. Đối với các môn đệ, kỷ niệm còn ghi đậm dấu ấn đó là cử chỉ “bẻ bánh” trong bữa tiệc ly không bao xa, cử chỉ của tình thầy trò, tình huynh đệ và của sự sẻ chia. Cử chỉ ấy có sức lay động và biến đổi khiến các môn đệ nhận ra đó là Đức Giêsu. Đức Giêsu lại nói: “Các con hãy lại ăn”. Như vậy, trong tất cả các lần Đức Giêsu hiện ra, không ai nhận ra Ngài ngay lúc gặp mặt. Đó là đặc điểm của Đức Giêsu Phục sinh. Tại sao họ không nhận ra? Vì Đức Giêsu đã Phục sinh, thân xác Đức Giêsu đã được biến đổi. Đức Giêsu đến, Ngài vẫn gần gũi, thân mật quan tâm các môn đệ một chách chu đáo như thuở ban đầu. Thật là một Thiên Chúa mà việc lớn không bỏ, việc nhỏ không quên!

 

“Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến, liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”,  đó là Gioan. Chính vì được Đức Giêsu yêu mến, nên Gioan có một tình yêu đặc biệt đối với Thầy mình. Phêrô “liền khoác áo vào, vì đang ở trần rồi nhảy xuống biển”. Đứng trước Thầy mình, đứng trước Con Thiên Chúa mà Phêrô đã tuyên tín tại miền Cêsarê thì không thể cởi trần được. Đây là thái độ kính cận và tôn trọng Đức Giêsu nơi Phêrô vị tông đồ trưởng. Sức sống Chúa Phục Sinh được ban cho các tông đồ để biến đổi các ông từ chỗ làm việc không mấy kết quả đến có kết quả ngoài sức tưởng tượng một mẻ cá thần kỳ từ bên mạn thuyền gần bờ. Thánh Gioan viết: “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa”. Đó là tất cả những gì Đức Giêsu đã chuẩn bị cho các môn đệ bữa sáng. “Mẻ cá lạ lùng” “bữa ăn của Chúa”, diễn tả hai khía cạnh bất khả phân của thực tại Giáo Hội, mời gọi nối tiếp sứ mạng của Đức Giêsu, loan báo Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Và để nhận ra sự hiện diện ẩn mình của Đức Giêsu, chỉ cần ta có con mắt đức tin và tình yêu.

 

Điểm tâm xong, Đức Giêsu hỏi Phêrô: “Simon, con có yêu mến thầy hơn người khác không”? Cả ba lần Phêrô đều nhấn mạnh và trả lời: “Thưa Thầy, có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Câu trả lời cũng đủ cho Phêrô xác tín tình yêu của ông đối với Đức Giêsu trước mặt các tông đồ khác. Vâng! chính Chúa biết con, còn hơn con biết con, Chúa biết tận đáy lòng con là con yêu mến Chúa. Đức Giêsu muốn giao cho Phêrô một trọng trách quan trọng trong Giáo hội trước mặt các tông đồ khác như để mọi người cùng chứng kiến. Đức Giêsu giao cho Phêrô là một trọng trách quá lớn, vượt quá cố gắng nỗ lực của Phêrô. Đức Giêsu đòi hỏi Phêrô phải có một tình yêu mãnh liệt, một tình yêu dấn thân thật sự vì Tin Mừng và chỉ khi nào Phêrô yêu Đức Giêsu trên hết mọi sự, thì Phêrô mới có thể hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó. Sứ mệnh của Đức Giêsu giao phó cho Phêrô: “Con hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy”. “Đoàn chiên ”, bao gồm cả chiên mẹ lận chiên con nhưng chiên con nhiều hơn chiên mẹ là tất cả các Kitô hữu trong Giáo hội, cụ thể là các giáo dân. Sứ vụ mới của Phêrô được nâng cao người kế vị Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành như Gioan viết:“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11). Đây là quyền tối thượng của Phêrô mà Đức Giêsu trao phó, cũng như các người kế vị ngài, là các Giáo hoàng. Đó là quyền tuyệt đối của Giáo hoàng trên cả Giáo hội.

 

Lời cuối cùng của Chúa và là một mệnh lệnh: “Hãy theo Thầy”. Đức Giêsu mời gọi Phêrô đứng lên để đi theo Ngài, một tiếng gọi thân thương và dứt khoát bước đi theo Chúa. Đây là lần thứ hai Đức Giêsu mời gọi Phêrô bước theo Ngài tại Biển hồ Tibêria: “Lần đầu đi theo Ngài để làm Tông đồ; còn lần này, Đức Giêsu mời gọi Phêrô đi theo Ngài để chăn dắt Giáo hội của Đức Giêsu”. Chính sự thích ứng này đã làm phát sinh niềm hy vọng và tin tưởng nơi ông Phêrô, sau khi Phêrô đã phải đau khổ vì phản bội, để Phêrô còn có thể bước theo Đức Giêsu. Phải chăng như một lời nhắn nhủ tế nhị cho những ai nắm quyền? Trong bất cứ lãnh vực nào, uy quyền được trao trước tiên là một yêu cầu: lãnh nhận một vai trò mục vụ đòi hỏi nhiều tình yêu.

 

Nhận ra Đấng Phục Sinh không phải là điều dễ đối với các môn đệ và đối với mỗi chúng ta. Vì còn sống cố chấp, còn loay hoay trong “đêm tối” của những lối hẹp hòi, ích kỷ, nhát đảm và sợ hãi. Chưa thực sự lắng nghe tiếng Chúa là: “thả lưới bên phải mạn thuyền” để vượt qua được nỗi sợ hãi, nỗi thất vọng cô đơn trong đêm đen. Hãy nhìn nhận và đón nhận Đức Giêsu Phục sinh vẫn xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, qua những cử chỉ yêu thương với tha nhân. Vì Ðức Giêsu Phục Sinh cũng vẫn đang hiện diện và đồng hành để can thiệp trong từng công việc  giữa chúng ta.

 

Cử chỉ tôn kính của Phêrô khi nhận ra Đức Giêsu liền mặc áo nhảy xuống nước đáng để chúng ta noi theo. Có bao giờ chúng ta vào Nhà thờ gặp gỡ Chúa với thái độ tôn kính như vậy chưa? Hay bất kính khi ăn mặc hở hang, khoe mốt này mốt nọ, vô tình biến nhà thờ thành nơi biểu diễn thời trang. Trong niềm tin phó thác hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Ngài, cuộc đời chúng ta sẽ được hạnh phúc tràn đầy ơn thánh trong Chúa Phục Sinh. Ước gì mỗi người chúng ta luôn khát khao tìm kiếm Đức Giêsu như Đấng giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và chán chường trong đêm đen của cuộc đời, để niềm vui Phục Sinh luôn chiếu sáng cuộc đời chúng ta trong từng giây phút.

Thiết kế Web : Châu Á