Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III MV, A: MONG ĐỢI ĐẤNG THIÊN SAI

Mùa Vọng là thời gian các tín hữu mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến với nhân loại trong khiêm hạ, khó nghèo và âm thầm.

 

MONG ĐỢI ĐẤNG THIÊN SAI

(Mt 11,2-11)

 

Duy Khang

 

Mở đầu triều đại của Đấng Messia, triều đại của Vua hòa bình, Gioan Tẩy Giả không phải là nhà chính trị gia, nhưng là vị ngôn sứ loan báo cho tất cả những ai muốn trở thành công dân của vương quốc này, đòi buộc họ phải: “Cải thiện đời sống” “ăn năn sám hối”. Mùa Vọng là thời gian các tín hữu mong chờ Chúa đến. Trong khi người Do thái mong Đấng Thiên Sai đến trong uy quyền vinh quang thì Chúa lại chọn đến với nhân loại trong khiêm hạ, khó nghèo và âm thầm. Gioan mời gọi dân chúng: “Hãy dọn đường cho Chúa, sửa lối cho ngay thẳng để Người đi”. Điều đó muốn nói lên rằng, để đón Chúa Giêsu ngự đến, đòi buộc người Kitô hữu phải canh tân, cải thiện đời sống, bằng cách chỉnh đốn lại cuộc sống cho ngay thẳng, cắt đứt những việc làm xấu xa, tội lỗi. Canh tân, cải thiện đời sống được thể hiện qua sự ăn năn sám hối.

 

Chúa Nhật III Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật của niềm vui (Gaudete). Vì thế, Lời Chúa mời gọi mọi người: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em!” (Pl 4,4). Hãy vui lên trong Chúa vì Đấng cứu độ đã đến gần. Hãy vui lên là chủ đề chính qua các bài đọc của phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Gioan Tẩy Giả Mong mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến và cảm nhận về sự hiện diện của Ngài. Chính Gioan Tẩy Giả là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến” (Ml 3,1). Thế nhưng, Gioan Tẩy Giả lại bắt đầu hoài nghi khi nghe người khác nói về Đức Giêsu. Gioan Tẩy Giả cũng như bao nhiêu người Do thái khác hy vọng một Đấng Cứu Thế xây dựng những định chế quốc gia. Vì thế, Gioan Tẩy Giả mới cho người đến để làm rõ sự việc này.

 

Tin Mừng kể, lúc đó Gioan Tẩy Giả đang ngồi trong tù, ngài liền sai môn đệ đến hỏi Đức Giêsu: “Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Các môn đệ của Gioan Tẩy Giả tới gặp lúc Đức Giêsu đang chữa bệnh cho dân chúng và xua trừ ma quỷ (x. Lc 7,21). Đức Giêsu nói, các anh cứ về thuật lại cho Gioan về những điều mắt thấy tai nghe.  Gioan Tẩy Giả rất vui mừng khi nghe môn đệ thuật lại những việc Đức Giêsu đã làm cho dân chúng (x. Ga 3,28-30). Thế nhưng, chính Gioan Tẩy giả cũng thắc mắc về Đức Giêsu và tự đặt câu hỏi cho chính mình. Tại sao Đức Giêsu không oai nghi và cư xử công thẳng như Đấng Mêssia thẩm phán mà Gioan đã loan báo cho dân chúng trước đó (x. Mt 3,10.12). Từ hoài nghi này đến hoài nghi khác của Gioan Tẩy Giả đã được Đức Giêsu gián tiếp trả lời cho ông về sứ mạng Thiên Sai của Người. Đức Giêsu cho họ thấy các việc Người đang làm ứng nghiệm sấm ngôn của Isaia về Đấng Thiên Sai.

 

Đức Giêsu chính là Đấng Thiên Sai, là Mục tử tốt lành xót thương và làm các dấu lạ để cứu giúp những người bệnh tật, bất hạnh như với sấm ngôn của Isaia: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Is 35,5-6a). Ngôn sứ Isaia còn nói khi Đấng Thiên Sai đến: “Các vong nhân của Ngài sẽ sống lại, xác họ sẽ đứng lên. Này những kẻ nằm trong bụi đất, hãy trỗi dậy, hãy reo mừng” (Is 26,19). Trong mạch văn này, từ “sống lại” diễn tả sự hồi sinh của dân Chúa và kẻ thù bị tiêu diệt vĩnh viễn. Còn ở đây vong nhân của Thiên Chúa được chính Thiên Chúa làm cho hồi sinh qua niềm tin vào Đấng Phục sinh của Chúa Kitô. Qua đó, Đức Giêsu cũng cảnh báo và chỉ cho người Kitô hữu biết, cần loại bỏ quan niệm về một Đấng Thiên Sai hành xử công thẳng và thiết lập một Nước Trời thế tục như dân Do thái đang mong. Chúa muốn chúng ta cần mong đợi một Đấng Thiên Sai đến đem bình an, đem sự hiệp nhất đến cho mọi người. Đức Giêsu đến trần gian, Người đã làm nhiều phép lạ chữa bệnh thể lý cho nhiều người, phục sinh kẻ chết... Chính Đức Giêsu là Đấng ngôn sứ Isaia đã loan báo.

 

Khi trả lời xong câu hỏi của môn đệ Gioan, Đức Giêsu hết lời khen ngợi Gioan Tẩy Giả là người khiêm nhường và sống khổ hạnh. Gioan Tẩy Giả chính là vị ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến trần gian, là tiếng hô trong hoang đia: “Hãy dọn sẵn một con đường để Đức Chúa ngự đến”. Đây là lời tuyên sấm của ngôn sứ Malakhi về một vị tiền hô đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến đã được ứng nghiệm. Gioan Tẩy Giả chính là vị tiền hô có sứ mạng đi trước dọn đường cho Đức Giêsu. Vì thế, Đức Giêsu bảo vệ Gioan Tẩy Giả để đánh tan sự hiểu lầm của dân chúng, khi cho rằng Gioan Tẩy Giả đã bị thất bại và bị Thiên Chúa bỏ rơi khi vua Hêrôđê bắt bớ. Nhưng không, chính Đức Giêsu đã đề cao lòng can đảm về đức tính bất khuất, can trường, dám làm chứng cho sự thật, nhất là không lùi bước trước bạo lực của vua chúa, quan quyền. Đức Giêsu còn nói, trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.

 

Gioan Tẩy giả là ngôn sứ cao trọng nhất trong thời Cựu Ước, nhưng ngài vẫn không thể sánh được với Đức Giêsu trong thời Tân Ước. Hơn nữa, Đức Giêsu đến thiết lập Nước Trời, ban ơn cứu độ và ban bố luật yêu thương, còn Gioan Tẩy Giả có sứ mạng đi trước dọn đường cho Người đến. Vâng! từ nay tiêu chuẩn mới của sự công chính là tình yêu, khác với tiêu chuẩn cũ là lề luật như lời thánh Phaolô: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3,28). Đức Giêsu luôn yêu thương những người bất hạnh, đau bệnh, những người nghèo túng, những người khuyết tật. Đức Giêsu luôn thể hiện những cử chỉ nhân ái, những lời nói đem lại tình yêu, sự khích lệ và hy vọng, vì Người hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

 

Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu cho chúng ta Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ mẫu mực, can đảm dám nói lên sự thật trước mặt vua Hêrôđê. Gioan Tẩy Giả là một mẫu gương đáng kính để ta noi theo.

 

Mỗi người chúng ta hãy nhận biết và ý thức rằng, Thiên Chúa mời gọi tôi sám hối, cải thiện và canh tân chính bản thân tôi, tại nơi tôi đang sống. Muốn có những ngày tốt đẹp hơn, chính chúng ta hãy gây dựng, tạo sự hiệp nhất, chứ không phải ngồi đó mà chờ đợi. Người Kitô hữu chỉ có thể loan báo Nước Trời cho người khác nếu họ biết thống hối ăn năn, biến đổi đời mình và làm chứng cho Nước Trời chứ không phải chỉ biết hưởng thụ, vui chơi, giải trí cho nhu cầu xác thịt.

 

Để kết xin mượn lời bài hát “Để Chúa đến” của nhạc sĩ Nguyễn Duy nói lên tâm tình chờ đợi Chúa đến: “Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, mùa cứu rỗi cho mọi nơi”. Chờ đơi Chúa đến, chúng ta cần phải có: “Một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, khiêm nhường và vững vàng trong sự thánh thiện, không bao giờ sống ngoài kỷ luật; tâm hồn đó luôn được bình an vì không tìm bản thân trong bất cứ công việc gì mà chỉ luôn tìm làm vinh danh Chúa” (Sách Gương Chúa Giêsu). Như thế, chúng ta mong chờ Chúa đến trong niềm vui vì Ngài là nguồn mạch yêu thương.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á