Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III MV, A: ĐỨC TIN VỮNG MẠNH CỦA GIOAN

Khi nhắc lại lời ngôn sứ của Isaia, Đức Giêsu muốn nói với Gioan Tẩy Giả rằng, Đấng Cứu Độ sẽ đến và khi Ngài đến sẽ làm gì để khai mạc thời kỳ Cứu Độ. Thế mà, ngay lúc này, Đức Giêsu đã đến và làm những việc ấy (x. Is 35,5-6; Is 26,19; Is 61,1), từ đó, Gioan Tẩy Giả phải kết luận rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và thời cứu độ đã đến.

 

 

ĐỨC TIN VỮNG MẠNH CỦA GIOAN

(Mt 11,2-11)

 

Tùng Linh

 

Khi giới thiệu về Đấng Messia, Gioan Tẩy Giả đã dõng dạc tuyên bố với các môn đệ ông: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Bên bờ sông Giođan Gioan cũng đã xác quyết: Ngài phải rửa cho tôi chứ không phải là tôi rửa cho Ngài (x. Mt 3,14). Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giày cho Ngài (x. Mc 1,7; Lc 3,16). Gioan cũng đã chứng kiến những sự kiện lạ lùng sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, với sự tỏ lộ đặc biệt của Chúa Thánh Thần, và lời xác quyết của Thiên Chúa Cha (x. Mc 1,10-11). Thế nhưng, giờ đây ông lại sai các môn đệ đến chất vấn Đức Giêsu. Trước hành động đó của ông, một số người cho là ông Gioan bị thử thách về đức tin, một số người khác lại cho rằng ông không tin Đức Giêsu là Đấng Messia. Vậy đâu là sự thật?

 

Trước câu hỏi đó của Gioan, ĐGM Ngô Quang Kiệt phải thốt lên: “Thật lạ lùng đến khó hiểu. Người đi mở đường, người giới thiệu Đấng Cứu Thế nay lại nghi ngờ người mà mình giới thiệu. Đó là bi kịch của thánh Gioan Tiền Hô. Câu hỏi cho thấy thánh nhân ở trong một tâm trạng hoang mang. Đức tin của ông chao đảo. Nửa tin nửa ngờ” [1]. Ngài đưa ra hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất: Chúa Giêsu có những việc làm khác với lời Gioan loan báo. Nguyên nhân thứ hai: Gioan bị giam trong tù.

 

Nguyên nhân thứ nhất. Đối với ông, Đức Kitô là Đấng mạnh mẽ. Ngài đến sau ông, nhưng mạnh hơn ông (x. Mt 3,11). Ngài như người cầm rìu chặt mọi cây không sinh trái và quăng vào lửa (x. Mt 3,10). Ngài còn như người cầm nia sàng sảy (x. Mt 3,12), thóc lép thì cho vào lửa, thóc mẩy thì thu vào kho. Ngài sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và lửa (x. Mt 3,11). Thế mà khi Đức Giêsu đến, Người đã hành động khác hẳn. Không oai phong, quyền lực, Đức Giêsu tỏ ra là Đấng Cứu Thế tràn đầy lòng nhân từ: “Người không bẻ gẫy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”. Gioan Tiền Hô loan báo sự trừng phạt. Nhưng Đức Giêsu lại đến để cứu chữa, tha thứ. Đức Giêsu nói: “Con Người đến không phải để lên án, nhưng để cứu chữa” hoặc “chỉ những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”. Thật là trái ngược. Trách nào Gioan chẳng hoang mang!

 

Nguyên nhân thứ hai. Gioan bị ngược đãi. Hơn nữa ông cảm thấy mình thất bại. Đi rao giảng sự công chính nhưng chỉ gặp bất công. Đi rao giảng ơn giải thoát nhưng lại bị giam cầm. Hết rồi những sứ điệp rực lửa. Hết rồi thời hy vọng tràn đầy. Thê thảm hơn nữa, ông tự hỏi: Sao Đấng Cứu Thế không đến giải thoát mình? Sao Ngài để cho sứ giả của Ngài mòn mỏi trong tù? Sao Ngài để cho bạn hữu bị khinh miệt cười chê? Lời sấm của Isaia còn rành rành: “Đấng Cứu Thế sẽ mở cửa phóng thích tù nhân”. Thế mà sao chờ đợi hoài chẳng thấy. Và Gioan nghi ngờ: hay Ngài không phải là Đấng Cứu Thế. Bị giam cầm, bị ngược đãi, Gioan còn có thể chịu được. Nhưng mối nghi ngờ gặm nhấm, thiêu đốt tâm hồn ông. Ông e sợ mình đã lầm đường, lầm người.

 

Trước câu hỏi đó của Gioan, nhóm Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt [2] cũng nhận định. Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên vào thời Matthêu, đã gặp nhiều lôi thôi với đồ đệ của Gioan Tẩy Giả (x. Cv 19,1-7 chẳng hạn), với "người phái Gioan", những kẻ cứ mải lặp lại câu hỏi của thầy họ: Đấng Thiên Sai mà thầy loan báo có đúng là Đức Giêsu không?

 

Ông đã nghe nói về các việc Chúa Giêsu làm, nhưng không tài nào giải thích được. Phải chăng ông đã chờ đợi những “việc” thuộc loại khác, như một phong trào quần chúng bột phát, một cuộc phán xét công thẳng trên các kẻ thù của Thiên Chúa chẳng hạn? Thế nhưng cuộc phán xét đầy sóng gió mà chính Gioan đã cảm thấy được vài dấu hiệu đầu tiên (khi Đức Giêsu chịu phép rửa) lại đã chẳng xảy đến.

 

Nhóm này cũng đi đến một kết luận như vậy khi khởi từ Ml 3,1, một bản văn cũng được dùng để định nghĩa sứ mệnh Gioan (x. Mt 11,10): “Này Ta sai sứ giả Ta, và nó sẽ dọn đường trước mặt Ta”. Tiếp theo sứ giả, Chúa sẽ thân hành đến: “Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người hiện ra? Vì người đến như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của người giặt ủi, Người sẽ ngự mà luyện kim, mà lọc bạc; Người sẽ thanh luyện con cái Lêvi...” (Ml 3, 2-3). Hình ảnh có thay đổi đấy nhưng bao giờ cũng vẫn là cuộc phán xét thanh luyện sẽ xô nhào tội nhân vào lửa.

 

Vì là sứ giả, nên Gioan tự coi mình như có trách nhiệm chuẩn bị Israel đón chờ cuộc phán xét khủng khiếp; gương sáng và lời nói của ông chỉ muốn đưa tội nhân hối cải và thoát khỏi hình phạt đời đời đang đe dọa họ. Một khi “Đấng phải đến” xuất hiện, thì không còn giờ tránh thoát sức mạnh hủy diệt của Người. Đàng khác, Gioan cũng ý thức vai trò phụ tá của mình đối với Đức Giêsu. Song những gì ông biết về cách thức Đức Giêsu thi hành sứ vụ Người hoàn toàn không tương ứng với ý tưởng ông có về cuộc phán xét sẽ phải xảy ra.

 

Một số người nói Gioan nghi ngờ và không tin cũng có cái lý của họ. Thứ nhất, thời ông Gioan, phong trào “Messia giải phóng” rất mạnh. Dân Do Thái bị Đế quốc Roma thống trị khiến phong trào này mạnh hơn. Họ mong ước Messia Vương Đế sẽ đến giải phóng họ. Lúc này, những bản văn Cựu Ước làm cho lòng hăng say của họ sôi lên. Họ nhớ lại những sấm ngôn của Đức Chúa: “Giêrusalem hỡi, hãy ngước mắt nhìn Đức Vua lẫm liệt oai phong; này Vị Cứu Tinh ngự đến giải thoát ngươi khỏi xiềng xích gông cùm” [3]. Ta sẽ cất hết gánh đè vai ngươi, ách buộc cổ ngươi (x. Is 10,27). Còn rất nhiều câu Kinh Thánh khác nhưng chỉ xin lấy hai câu để chứng minh điều đó.

 

Thứ hai, theo như Noel Quesson [4], chúng ta cố đặt vào địa vị của Gioan. ông đang ở trong ngục, trong cái chiến lũy Macheronte, một pháo đài, khiếp đảm và kiên cố của Hêrôđê xây dựng chắc chắn vào một mỏm núi đá của hoang mạc Môáp, phía đông Biển Chết. Ông ta có giờ để suy nghĩ. Đó là một tù nhân bị giam trong bốn bức tường. Đây là thử thách khủng khiếp nhất: “đức tin” bị nao núng... Một thứ tiếng kêu phá hoại khơi gợi ông ta: “Tất cả chuyện gì anh tin cho tôi giờ, đều sai lầm cả... Giêsu của anh đâu phải Đấng Mêsia, ông ta không có khả năng giải thoát anh ra khỏi ngục.

 

Trong bài suy niệm của mình, JKN [5] lại viết rằng, có thể lúc đó ông tự hỏi: Nếu Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế mà ông có sứ mạng tiền hô cho Ngài, thì tại sao ông lại phải ngồi tù thế này? Nếu Ngài là Đấng Cứu Thế, thì ắt hẳn Thiên Chúa phải để ông ở ngoài hầu hợp tác với Ngài thiết lập triều đại mới chứ! Ông sẽ phải là cánh tay mặt của Ngài chứ!

 

Mặc dầu những lý chứng ấy thật chắc chắn và có ý nghĩa. Tuy nhiên, con người Gioan không phải là vậy. Chúng ta hãy cùng đọc qua những lời Kinh Thánh viết về Gioan. Trước hết, ông là Ngôn sứ của đấng tối cao (x. Lc 1,76). Chúng ta cũng biết trong Cựu Ước, ngôn sứ là người thế nào! Thứ đến, ông là sứ giả được Thiên Chúa sai đến trần gian. Tin mừng Matthêu và Marco viết: “Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con (x. Mt 11,10; Mc 1,2). Và hơn nữa, ông là một người đầy Thánh Thần (x. Lc 1,15). Đức Giáo Hoàng Benedicto XV trong Tông Thư Maximum Illud khẳng định: “Ai rao giảng Thiên Chúa thì bản thân họ phải là một người của Thiên Chúa” [6]. Gioan không những rao giảng về Đấng Messia mà còn làm chứng về Đấng ấy. Vậy ông không phải là người của Thiên Chúa sao! Vậy lý do gì mà ông còn nghi ngờ Đức Giêsu không phải là Đấng Messia? Lý do gì mà ông không tin Ngài là Đấng phải đến. Và Gioan cũng không phải là một cây sậy ngả nghiêng trước gió. Ông vẫn tin, bất chấp mọi sự. Gioan Tẩy Giả chỉ biết tin và tin[7]. Theo như tác giả bài viết “Đấng Sẽ Đến” [8] khẳng định Gioan đã tin chắc Đức Giêsu người Nadarét chính là Đấng Messia. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [9] giúp chúng ta khẳng định điều đó. Gioan Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Đức Giêsu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Như vậy ông cho thấy rằng Đức Giêsu vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh (x. Is 53,7) và gánh tội lỗi muôn dân (x. Is 53,12), vừa là Chiên Vượt Qua biểu tượng cho việc Israel được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu (x. Xh 12,3-14). Toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ mạng của Người là “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

 

Lật lại những trang Cựu Ước, nhất là những trang của tiên tri Isaia, chúng ta cũng thấy những lời ông tiên báo về Đấng Messia rất khớp với những gì Đức Giêsu đã làm: Xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, bênh kẻ nghèo trong xứ sở. Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà (x. Is 11,4). Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò (x. Is 35,5-6).

 

Như thế thì phải hiểu câu hỏi của Gioan như thế nào. William Barlay [10] sẽ trả lời điều đó. Ông viết: Một số người cho rằng câu đó không phải là câu hỏi cho Gioan mà là cho các môn đệ của ông. Có thể khi Gioan đàm đạo với môn đệ mình trong tù, họ hỏi ông, Đức Giêsu có thật là Đấng phải đến không, Gioan bảo họ: “Nếu các ngươi nghi ngờ, chưa rõ Giêsu là ai thì hãy đi xem Ngài đang làm gì, và có thể làm được những gì, lúc đó các ngươi sẽ hết nghi ngờ ngay”.  

 

Theo bài Tin Mừng, có thể Gioan nghi ngờ và ngạc nhiên ở chỗ thấy Đức Giêsu thực hiện công trình cứu độ khác với công trình ông suy diễn và mong chờ là Đấng Cứu Độ “phải cầm nia, rê sạch lúa, thu vào kho lẫm thóc mẩy, bỏ vào lửa thóc lép” (Mt 3,12). Một số người khác cho rằng câu hỏi của Gioan phát xuất từ niềm vui và hy vọng đang vươn lên. Ông đã thấy Chúa lúc Ngài chịu phép rửa, bây giờ ở trong tù ông càng nghĩ nhiều hơn về Ngài. Càng suy nghĩ, ông càng tin chắc Ngài là Đấng phải đến. Và bây giờ ông đặt tất cả hy vọng của mình vào câu hỏi trắc nghiệm này. Có thể đây không phải là câu hỏi của một người thất vọng và thiếu kiên nhẫn mà là câu hỏi của một người mà ánh mắt đang sáng ngời hy vọng, một người hỏi chỉ cốt để xác minh hy vọng của mình.

 

Cũng nhờ câu hỏi của Gioan Tẩy Giả mà Đức Giêsu khẳng định cho các môn đệ của ông biết Ngài chính là Đấng Messia, đồng thời cũng thanh luyện [11] cái nhìn của môn đệ ông về dung mạo Đấng Cứu Thế. Sự nghiệp Messia sẽ bắt đầu giống như cuộc đời của người “Tôi Tớ đau khổ” [12]. Thanh luyện đó được ĐGM Ngô Quang Kiệt[13] diễn giải:

 

“Đấng Cứu Thế không phải là vị vua oai phong từ trời ngự xuống trên đám mây. Nhưng chỉ là một hài nhi bé nhỏ sơ sinh xuất hiện giữa loài người như một mầm cây bé bỏng.

 

Đấng Cứu Thế không phải là vị vua sang trọng ngự trong cung điện nguy nga. Nhưng chỉ là anh thợ mộc nghèo hèn sống trong một làng quê hẻo lánh.

 

Đấng Cứu Thế không phải là vị quan tòa oai nghiêm hét ra lửa, thở ra khói. Nhưng chỉ là một lương y hiền từ đến chữa lành những vết thương, an ủi những ưu sầu, nâng đỡ người yếu đuối, tha thứ kẻ tội lỗi.

 

Đấng Cứu Thế không đến trong vinh quang huy hoàng, trong chiến thắng rực rỡ. Nhưng chỉ âm thầm và tình nghĩa như một người bạn thân thiết.

 

Đấng Cứu Thế không đến trong hàng ngũ những người quý phái có địa vị cao trọng trong xã hội. Nhưng lui tới với những người bé nhỏ nghèo hèn, những thành phần bị gạt ra bên lề xã hội”.

 

Chúng ta thấy bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe rất phù hợp với bài đọc I của tiên tri Isaia: “Hãy làm cho mạnh mẽ những bàn tay rời rã, và hãy làm tăng sức những đầu gối mỏi mòn. Phải nói cho những người nhát đảm rằng: hãy can đảm lên, đừng sợ hãi. Đây Thiên Chúa các ngươi sẽ đến và cứu độ các ngươi…Bấy giờ mắt người mù sẽ nhìn thấy và tai những người điếc sẽ được nghe, người què sẽ nhảy như nai…” (Is 35,3-6a).

 

Hơn nữa, khi nhắc lại lời ngôn sứ của Isaia, Đức Giêsu muốn nói với Gioan Tẩy Giả rằng, Đấng Cứu Độ sẽ đến và khi Ngài đến sẽ làm gì để khai mạc thời kỳ Cứu Độ. Thế mà, ngay lúc này, Đức Giêsu đã đến và làm những việc ấy (x. Is 35,5-6; Is 26,19; Is 61,1), từ đó, Gioan Tẩy Giả phải kết luận rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ và thời cứu độ đã đến.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả giúp chúng ta xác quyết rằng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Người đã đến, đã chết để cứu chuộc chúng ta, đã sống lại và đang sống ở giữa chúng ta. Người đã giải phóng chúng ta và bao nhiêu con người khác đang bị giam cầm trong tội lỗi. Chúng ta hãy vui mừng vì chúng ta đã được Ngài cứu độ và được sống trong Ngài. Chúng ta không phải chờ đợi một ai khác nữa.

 

 ___________________________________________

 

 

[1] http://hoidongxitothanhgia.com/loi-chua/cn-i-mv-a-dung-mao-duc-kito-duc-tgm-giuse-ngo-quang-kiet-3132.html 

[2] https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/17027-cau-hoi-cua-gioan-tay-gia-chua-nhat-iii-mua-vong-nam-a.html

[3] x. Sách Các GKPV Mùa Vọng và Giáng Sinh, trang 58.

[4] https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15200-55-bai-suy-niem-chua-nhat-vii-thuong-nien-nam-c.html#s50

[5] https://tonggiaophanhanoi.org/phung-vu/suy-niem-loi-chua/suy-niem-chua-nhat/15200-55-bai-suy-niem-chua-nhat-vii-thuong-nien-nam-c.html#s44

[6] ĐGH Benedicto XV, Tông Thư Maximum Illud, số 26.

[7] Bài “Mùa Vọng Của Đức Tin” trên website: www.tgphanoi.org

[8] Bài “Đấng Sẽ Đến” trên website: www.tgphanoi.org

[9] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 608.

[10] William Barclay, Chú giải Tin Mừng Matthêu Tập 1, tr. 338-339.

[11] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển II, tr. 46.

[12] Ibid

[13] http://hoidongxitothanhgia.com/loi-chua/cn-i-mv-a-dung-mao-duc-kito-duc-tgm-giuse-ngo-quang-kiet-3132.html

 

Thiết kế Web : Châu Á