Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III Mùa Chay: ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC

Đền thờ mới sẽ thay thế đền thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Từ ý tưởng này, thánh Phaolô xác tín rằng, nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, Giáo hội cũng được gọi là đền thờ mới, thân thể vinh hiển của Đấng phục sinh (x. Ep 2,21-22; 4,12), và tất cả các tín hữu được kết hợp với Ngài (x. 1Cr 11,27).

 

 

ĐỀN THỜ ĐÍCH THỰC

(Ga 2,13-25)

 

Lam Châu

 

Chúa Nhật III Mùa Chay, chúng ta được nghe bài trình thuật của Tin mừng Gioan về việc Đức Giêsu thanh tẩy đền thờ Jerusalem. Đền thờ Jerusalem được vua Salomon xây dựng theo nguyện vọng của vua cha là David (x. 2 Sbn 3,1). Đền thờ này đã bị Nabucodonosor, vua Babylon phá hủy năm 587/6 tCN. Cũng tại nơi này, đền thờ Jerusalem thứ hai được xây dựng lại khi dân Israel hồi hương từ Babylon theo chiếu chỉ của vua Kyro khoảng năm 536-515 tCN dưới sự chỉ đạo của Zerubbabel (Er 1,1-3; 3,2.8-13). Theo sử gia Josephus Flavius, trong tác phẩm „Những chuyện cổ Do thái“, đền thờ này lại được vua Herode cung cấp tiền bạc để sửa sang lại cho huy hoàng, tráng lệ[1]. Đối với Do Thái giáo, đền thờ Jerusalem là niềm tự hào, là nơi thờ phượng Thiên Chúa của Israel.

 

Như thế, đền thờ là công trình xây dựng của con người, qua việc cung hiến, được dâng cho Thiên Chúa, dùng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và thuộc về Ngài. Vậy tại sao lại có sự kiện thanh tẩy đền thờ? Đâu là đền thờ đích thực?

 

Vào dịp lễ Vượt qua, Đức Giêsu lên Jerusalem, Ngài thấy trong đền thờ có kẻ bán chiên bò, bồ câu, đổi tiền. Ngài xua đuổi chiên bò, lật nhào bàn ghế, tung tiền của những kẻ đổi bạc... Hành động này của Đức Giêsu không nhằm tấn công đền thờ, nhưng chỉ nhắm đến những sự lạm dụng, vì sao? Mặc dù được quy định và hợp pháp, nhưng việc mua bán đã biến tướng và bị lạm dụng, nên Đức Giêsu muốn tái lập trật tự, vì đền thờ chỉ dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi.

 

Qua hành động Đức Giêsu vừa thực hiện, Ngài tấn công vào trật tự được ban hành bởi giới quý tộc Đền Thờ. Ở đây, Đức Giêsu „xuất hiện như một nhà canh tân, bảo vệ luật thanh sạch của Do thái“[2].

 

Đức Giêsu nói: „Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán“ (c.16), điều này chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, có uy quyền trong hành vi và lời nói. Nhưng người Do thái không nhận ra điều đó, họ vẫn thắc mắc: „Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?“ Những người hỏi Đức Giêsu đã không đọc lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi rằng: „Và bỗng nhiên Chúa thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào thánh điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mới mà các ngươi đợi trông đang đến“ (Ml 3,1-3).

 

Sự kiện này cũng được ngôn sứ Dacaria và Isaia báo trước: „Ngày ấy, sẽ không còn lái buôn trong Nhà Đức Chúa các đạo binh nữa“ (Dcr 14,21), vì „nhà của Đức Chúa sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho muôn dân“ (Is 56,7).

 

Không chỉ trả lời cho những kẻ hỏi Ngài, Đức Giêsu còn muốn nói điều xa hơn là mạc khải về cái chết và sự phục sinh của Ngài: „Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại“ (c.19). Thực ra, Đức Giêsu dùng ngôn ngữ biểu tượng, động từ Hy lạp „λύω“: phá hủy, còn có nghĩa là „làm tan rã“ và „ἐγείρω“: xây dựng lại, còn có nghĩa là trỗi dậy sau giấc ngủ, sau cái chết. Vì thế, không thể hiểu „làm tan rã“ hoặc „trỗi dậy“ với một ngôi đền thờ được làm bằng gạch đá, nhưng phải hiểu trong bối cảnh mầu nhiệm chính bản thân của Đức Giêsu. Đền thờ mà Đức Giêsu nói ở đây chính là thân thể Ngài.

 

Qua mầu nhiệm tử nạn, Đức Giêsu chính là Đấng công chính chịu đau khổ để thanh tẩy đền thờ và nền phượng tự cũ, nhằm xây dựng một đền thờ mới và thiết lập một nền phượng tự mới (cc.19-21). Vì sẽ đến lúc người ta không còn thờ phượng Thiên Chúa trên núi này hay trong đền thờ nọ, nhưng họ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật (x. Ga 4,22.24). Việc chuyển từ cái cũ sang cái mới sẽ được thực hiện nhờ cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu[3].

 

Đền thờ mới sẽ thay thế đền thờ cũ đã bị tục hóa chính là thân thể phục sinh của Đức Kitô. Từ ý tưởng này, thánh Phaolô xác tín rằng, nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, Giáo hội cũng được gọi là đền thờ mới, thân thể vinh hiển của Đấng phục sinh (x. Ep 2,21-22; 4,12), và tất cả các tín hữu được kết hợp với Ngài (x. 1Cr 11,27).

 

Vì đền thờ do con người xây dựng bằng gạch đá, có thể nay còn mai mất, bằng chứng là đền thờ Jerusalem huy hoàng, tráng lệ là vậy, nhưng cùng chịu số phận với thành Jerusalem, đã bị người Roma phá hủy „chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào“ (x. Lc 19,44) vào năm 70 sCN.

 

Như thế, chỉ có „đền thờ“ được xây dựng trên nền móng Đức Giêsu Kitô mới tồn tại mãi mãi. Đền thờ ấy chính là thân thể Ngài - Đấng phục sinh. Và nhờ Đấng phục sinh cứu chuộc, thánh Phaolô vừa thẩm vấn, vừa cho chúng ta biết: „Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao?...Vì đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và đền thờ ấy chính là anh em“ (1Cr 3,16-17).

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn xứng đáng là đền thờ, và là nơi thánh, để Chúa ngự trị mãi mãi trong tâm hồn chúng con. Amen.

 

____________________________

 

 

[1] Josephus Flavius, Antiquitates Judaicae, XV, 11, 1.

[2] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần 2, Nxb Tôn giáo 2011, tr. 24.

[3] x. Fx. Vũ Phan Long, OFM, Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong Phụng vụ, Nxb Tôn giáo 2014, tr. 113.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á