Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III MC: SỨ VỤ LOAN BÁO BÌNH AN

Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta xác định cách rõ nét sứ vụ loan Tin mừng bình an của Chúa Giêsu. Sứ vụ loan báo lời bình an: Lời tha thứ tội lỗi. Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế, Đấng ấy sẽ đến và loan báo lời tha thứ, cũng có nghĩa là loan báo sự sống, ơn giải thoát.

 

 

SỨ VỤ LOAN BÁO BÌNH AN

(Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42)

Năm A,B,C

 

Viết Trung

 

Lời bình an đã trở thành ân sủng cho chúng ta, hệ tại ở việc chúng ta được cứu độ, được giao hòa, được tha thứ và thương xót, được sống, được nên công chính, điều cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa là yêu thương tội nhân và mong muốn tội nhân sám hối để được sống, đúng như Ngài đã phán qua tiên tri Edêkiel: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (Ed 33,11). Như vậy, Thiên Chúa yêu thương dân người bằng một tình yêu cụ thể.

 

Bài đọc một trích từ sách Xuất Hành đã cho chúng ta cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa dành cho cộng đồng Israel trong sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê, nhưng Thiên Chúa đã yêu thương con cái Israel nên đã dùng bàn tay của ông Môsê mà ban phát những gì họ kêu xin: “Đức Chúa phán “trên tảng đá ở núi Khô rép. Ngươi sẽ đập vào tảng đá, từ tảng đá, nước sẻ chảy ra cho dân được uống” (Xh 17,5-6). Trong công cuộc cứu độ, Thiên Chúa yêu thương và ban bình an của cho con người, nhưng đồng thời cũng kêu gọi thái độ đáp trả của con người.

 

Bài đọc hai, thánh Phaolô diễn tả bình an của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta là mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Rm 5,1). Bình an là mục đích của cuộc tạo dựng mới, tức là sứ vụ của Đức Kitô. Thánh Gioan diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10). Như vậy, được nên nghĩa tử của Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong Ngài, chúng ta được ban tràn đầy ân sủng Thánh Thần. Thánh Phaolô diễn tả sự bình an khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

 

Nơi khác, Chúa Giêsu tái xác định lại sứ vụ của Ngài khi trả lời cho những môn đệ của Gioan Tẩy giả: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin mừng” (Lc 7,22).

 

Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng ta xác định cách rõ nét sứ vụ loan Tin mừng bình an của Chúa Giêsu. Sứ vụ loan báo lời bình an: Lời tha thứ tội lỗi. Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế, Đấng ấy sẽ đến và loan báo lời tha thứ, cũng có nghĩa là loan báo sự sống, ơn giải thoát. Đấng ấy xuất hiện cũng có nghĩa là cửa trời - Vườn Địa Đàng lại được mở ra. Rảo qua các trang Tin mừng, đặc biệt là Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy hình ảnh Chúa Giêsu - Đấng dịu hiền với những lời tha thứ và bình an dành cho con người: “Nếu chị nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị, cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).

 

Khi được tiếp xúc với Chúa Giêsu, con người có niềm vui và bình an. Tất cả những lời tha thứ của Chúa Giêsu đều cho thấy đây quả thật là lời đem lại bình an và hy vọng cho con người. Sự tha thứ còn muốn nói đến việc giải thoát người ta khỏi quá khứ của họ và chữa lành các mối tương quan. Trong việc rao giảng của Chúa Giêsu, tha thứ có nghĩa là hoà giải với Thiên Chúa và với cộng đoàn. Lời hoà giải, lời tha thứ của Chúa Giêsu đã đem lại bình an cho tâm hồn, và mở ra một hy vọng mới. Đức Giêsu đã đi bước trước: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).

 

Người phụ nữ nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ…” (Ga 4,19). Thực vậy, Đấng cứu độ con người, đã biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức con người đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Nguời thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để con người được tái sinh và đổi mới. Lòng nhân hậu của Thiên Chúa còn thể hiện rõ cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô ở chỗ Ngài không lên án người phụ nữ nhưng đã thể hiện một tình thương tha thứ những lầm lỗi: “Ta đến để tìm và chữa những gì đã hư mất” (Mt 18,11). Điều Thiên Chúa muốn là cứu chuộc tất cả mọi người. Ân sủng và sự sống đời đời chính là nhận biết Người là Đấng duy nhất là Thiên Chúa thật: “Nhưng giờ đã đến - và chính lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Chính Đức Kitô đem lại bình an và sự sống đời đời cho những ai đặt lòng tin vào Ngài, cho họ được đến gần Thiên Chúa: “Trong Đức Kitô và nhờ tin vào Người, chúng ta được mạnh dạn và tin tưởng đến gần Thiên Chúa” (Ep 3,12). Người phụ nữ nói: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự” (Ga 4,25).

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con được tràn đầy ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, để chúng con đến với Chúa và với anh em bằng một tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ và sẵn sàng yêu thương phục vụ mọi người, qua những công việc hằng ngày, hầu làm sáng danh Chúa, như Chúa đã nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4,26).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á