Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN III MC, A: Đức Giêsu là nước hằng sống

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta thấy một thứ nước còn cao quý và quan trọng hơn nước thiên nhiên rất nhiều. Đó chính là Đức Giêsu, Ngài là Nước Hằng Sống. Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa, ai uống nước này sẽ được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

 

 

ĐỨC GIÊSU LÀ NƯỚC HẰNG SỐNG

(Ga 4,5-42)

 

M. Giuse Tuấn

 

Nói đến các yếu tố làm nên sự sống, không thể không nói đến nước. Thật vậy, nước có vai trò vô cùng quan trọng đối với con người và tất cả sinh vật sống trên trái đất. Nước cần cho sự sống và mọi sinh vật phát triển. Nước vừa là môi trường, nhưng nó cũng chính là nguồn sống. Nếu không có nước sẽ không có sự sống; không có nước, con người và sinh vật sẽ chết.

 

Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan giới thiệu cho chúng ta thấy một thứ nước còn cao quý và quan trọng hơn nước thiên nhiên rất nhiều. Đó chính là Đức Giêsu, Ngài là Nước Hằng Sống. Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa, ai uống nước này sẽ được ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Trong Cựu Ước, nước biểu hiệu cho việc thanh tẩy, như chúng ta đọc thấy trong sách tiên tri Edekiel: “Ta sẽ vẩy nước sạch trên các ngươi để rửa các ngươi khỏi mọi nhơ bẩn của mình, và để các ngươi khỏi mọi ngẫu tượng của mình Ta sẽ tẩy rửa các ngươi” (Ed 36,25). Nước mang một ý nghĩa rất bao quát, nước biểu hiệu cho sự sống Thiên Chúa ban xuống trên thiên nhiên cũng như trên con người. Chúng ta đọc thấy điều này trong sách tiên tri Isaia: “Ta sẽ khai nguồn những con sông trên các đỉnh cao hoang trống, cùng những suối nguồn nơi các đồng bằng bát ngát; Ta sẽ biến sa mạc trở thành ao hồ và đất khô thành các giòng suối nước” (Is 41,18).

 

Trong Tân Ước, đặc biệt trong Tin Mừng Gioan, tác giả nói đến nhiều biểu tượng của “nước”: Nước hóa rượu ngon ở tiệc cưới Cana (Ga 2,7); nước mà trong đó người bệnh muốn chạm đến ở Betdatha (Ga 5,7); nước mở mắt cho người mù ở hồ Silôac (Ga 9,7), nước được Đức Giêsu loan báo ở Đền Thờ (Ga 7,38), nước của sự sống cho những ai muốn sinh lại bởi nước và Thánh Linh, được loan báo cho Nicôđêmô (Ga 8,5), sau cùng, nước chảy vọt ra từ cạnh sườn của Đấng chịu đóng đinh trên thập giá (Ga 13,39).[1]

 

“Nước Hằng Sống” là nước làm thỏa mãn mọi cơn khát của con người, làm cho con người hết khát, những ai uống nước này sẽ không còn khát nữa và được hưởng sự sống đời đời. Có thể hiểu nước hằng sống là mặc khải hoặc giáo huấn của Đức Giêsu (Cựu Ước dùng hình ảnh nước để chỉ Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa ban sự sống: Cn 13,14; 18,4; Is 55,1.3; Hc 24,21 so với Ga 4,14a). Nước hằng sống có thể là Thánh Thần do Đức Giêsu thông ban: Is 44,3; Ed 36,25-26… Ga 4,14b.[2]

 

Tại sao con người hết khát khi uống Nước Hằng Sống? Theo Đức Giêsu, khi uống nước này, nó sẽ trở thành mạch nước vọt lên trong người đó, và khi đã hình thành một mạch nước có sẵn trong người của họ thì làm sao họ còn khát nữa. Đức Giêsu đã ban Nước Hằng Sống, là ơn cứu độ, không những cho người phụ nữ trong Tin Mừng mà còn cho cả những kẻ nghe lời loan báo của bà mà tìm gặp Đức Giêsu và tin rằng Người là Đấng Kitô. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ là sự sống đời đời cho tất cả mọi người, miễn sao họ khao khát ơn cứu độ của Ngài.

 

Tại sao gọi Đức Giêsu là Nước Hằng Sống? Tại vì, thứ nhất, qua câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay giữa Đức Giêsu và người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã tỏ rõ cho người phụ nữ biết rằng: Ngài chính là Đấng Kitô, là Mêsia mà dân chúng mong đợi. Ngài chính là nguồn mạch phát sinh sự sống, nên gặp được Ngài là gặp được chính nguồn sự sống bất diệt: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14). Thứ đến, qua thứ nước thiên nhiên, Chúa Giêsu đã mạc khải cho chị ta biết có một thứ nước khác, siêu việt hơn nước thiên nhiên này, đó là nước hằng sống. Mà Đức Giêsu chính là Nước Hằng Sống. Thật vậy, ngay cụm từ “Nước Hằng Sống”, nó cũng cho ta biết giá trị của thứ nước ấy như thế nào, có nghĩa đó là thứ nước ban sự sống đời đời, vì thế mới gọi là “hằng sống”. Nhưng điều quan trọng Ngài muốn mạc khải cho người phụ nữ trong Tin Mừng biết, cũng như mỗi người chúng ta biết, nếu mỗi người nhận ra Ngài thì sẽ xin Ngài nước hằng sống đó.

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi khát khao nước hằng sống như Chúa mời gọi người phụ nữ trong Tin Mừng. Vì khát khao nước hằng sống chính là khao khát Chúa. Khi chúng ta gặp được Đức Giêsu là “Nước Hằng Sống”, chúng ta mới hết khát và thỏa mãn được cơn khát, khi đó chúng ta mới được hoàn toàn nghỉ ngơi trong Chúa. Như lời Vịnh gia: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 61,2). Hay như thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.

 

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống của chúng ta hiện nay ra sao? Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao nhu cầu hưởng thụ. Do đó, con người luôn khắc khoải và có những khao khát tìm đến nguồn nước là chính Chúa hay không, hay con người chỉ sống trong cảnh thù hận, ích kỷ… lo khao khát tiền tài, danh vọng, của trần thế mà thôi? Con người vẫn luôn mong được hạnh phúc, nhưng có biết bao người càng tìm càng mất. Tại sao vậy? Thưa, vì họ tìm và gắn bó vào những thực tại trần thế như: quyền, tiền, danh vọng, nhục dục… nên không bao giờ họ được khỏa lấp nỗi khát vọng trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Thật vậy, tình trạng của người phụ nữ trong Tin Mừng ngồi bên bờ giếng là một minh họa. Chị ta ngồi ngay bên miệng giếng, nhưng tâm hồn vẫn khát. Chị ta cứ ngỡ rằng khi lao mình vào những thú vui nhục dục… thì sẽ được hạnh phúc. Nhưng chị đã lầm, chị đã lầm to vì khi đặt lý tưởng, mục đích của cuộc đời chị sai chỗ, nhầm đối tượng.

 

Lạy Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống, xin Chúa cho chúng con luôn biết tìm kiếm Chúa là đối tượng duy nhất, là nguồn nước duy nhất mang lại sự sống đời đời cho chúng con. Nhờ đó, chúng con đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu chúng con đáng được hưởng hạnh phúc viên mãn nơi Ngài mà thôi. Amen.

 

 

 

 ______________________________ 

 

[1] x. Theo Lm. FX. Vũ Phan Long

[2] x. Bốn Sách Tin Mừng do Nhóm Phiên Dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội – 2006, tr. 322.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á