Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN II TN, C: SỰ HIỆN DIỆN CỦA MẸ

Mẹ Maria hiện trong tiệc cưới, Mẹ quan sát và thấy điều đó và Mẹ đã can thiệp. Kết quả là rượu ngon lại dư đầy, niềm vui lại được nối tiếp và kéo dài thêm mãi. Bản chất của tình yêu là thế, luôn đi bước trước, tự nguyện, tự hiến, không cần sự tác động hay một sự thôi thúc nào từ bên ngoài.

 

 

 

SỰ HIỆN DIỆN CỦA MẸ

(Ga 2,1-11)

 

 

Luân An

 

Mẹ, một hình ảnh thân thương và gần gũi không những trong đời sống thường ngày mà còn cả trong tục ngữ ca dao cũng như thi ca nghệ thuật. Chúng ta không biết có bao nhiêu câu ca dao tục ngữ cũng như bao nhiêu áng văn trác tuyệt viết về mẹ. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là dù tất cả các lãnh vực nói trên có viết về mẹ bao nhiêu khi sánh với tình yêu và sự hy sinh mà người mẹ dành tặng cho con của mình thì cũng chẳng thấm vào đâu! Bởi “lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…” (Y Vân). Sự bao la của lòng mẹ dành cho con và cho đời không gì có thể sánh ví được.

 

Tin mừng hôm nay kể lại câu chuyện tiệc cưới tại miền Cana, trong tiệc cưới này có sự hiện diện của Mẹ - Đức Maria: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Đức Giêsu đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ tôi chưa đến”. Thân mẫu Người nói với tha nhân: “người bảo gì các anh cứ làm theo…”.

 

Những ai đã đọc trình thuật Tin mừng hôm nay hẳn đã biết kết thúc đoạn Tin mừng này là phép lạ nước hóa thành rượu khởi đi từ sự thỉnh cầu của Đức Maria. Tuy nhiên, từ lời thỉnh cầu đi tới phép lạ, Mẹ đã phải đối diện với nhiều cung bậc cảm xúc xét về phương diện thể lý. Còn về phương diện đức tin, mẹ cũng phải đối diện với một thử thách tuy âm thầm nhưng hết sức lớn lao. Bởi đó điều đầu tiên ta thấy được nơi sự hiện diện của Mẹ trong tiệc cưới là tình yêu dẫn đến sự cảm thông.

 

Như Tin mừng thuật lại thì sự hiện diện của Mẹ trong tiệc cưới chỉ với vai trò là một khách mời. Đã là khách mời thì chuyện còn rượu hay hết rượu hẳn là chẳng can hệ gì tới Mẹ. Thế nhưng, tình yêu và sự nhạy bén trong bản chất nữ tính nơi Mẹ thôi thúc Mẹ phải can thiệp: “Họ hết rượu rồi”. Trong tiệc cưới, “rượu” là một thứ không thể thiếu được, bởi nó mang đến cho con người niềm vui, niềm phấn khởi: “…chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người” (Tv 104). Hơn nữa, trong tiệc cưới, “rượu” còn nói lên tính hiếu khách mà chủ tiệc muốn dành cho mọi người tham dự: “Ai ai cũng thiết đãi rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn” (c.10). Bởi đó, tiệc cưới mà thiếu rượu thì xem như mất đi niềm vui, mất đi tất cả. Mẹ hiện trong tiệc cưới, Mẹ quan sát và thấy điều đó và Mẹ đã can thiệp. Kết quả là rượu ngon lại dư đầy, niềm vui lại được nối tiếp và kéo dài thêm mãi. Bản chất của tình yêu là thế, luôn đi bước trước, tự nguyện, tự hiến, không cần sự tác động hay một sự thôi thúc nào từ bên ngoài: “Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ” (Lm. Hiền Lâm).

 

Mẹ hiện diện như điểm tựa niềm tin. “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi”, Khi thấy thiếu rượu Đức Maria đã thỉnh cầu với con của mình rằng: “Họ hết rượu rồi”. Thế nhưng, Mẹ đã nhận được câu trả lời không mấy thiện cảm, hay không muôn nói là câu trả lời có vẽ bất kính. Thế nhưng ở một phương diện khác thì chúng ta thấy không những không bất kính mà lại mở ra cho chúng ta nhìn thấy vai trò của Mẹ trong Giáo hội là điểm tựa niềm tin cho chúng ta. Trước câu trả lời của Đức Giêsu, con của Mẹ, Mẹ không tỏ ra nao núng hay phản ứng gì, nhưng một lòng tin tưởng và phó thác vào con của mình: “Người bảo gì các anh cứ làm theo”. Một câu nói tưởng như đơn giản nhưng Mẹ đã phải đánh đổi cả đời mình bằng hai tiếng “Xin vâng” và bước đi trên hành trình đức tin đầy gian khó của mình: “Vì yêu thương, Thiên Chúa đã thanh luyện Mẹ, uốn nắn Mẹ. Và vì thế đã để Mẹ trải qua những kinh nghiệm đớn đau khi tin nhận và bước theo Chúa” (Gm. Ngô Quang Kiệt, Hành trình đức tin của Đức Maria). Mẹ đau khổ khi sinh hạ Chúa Giêsu trong cảnh cơ bần: Không nhà cửa, không giường chiếu, không mùng mền. Thiếu thốn mọi phương tiện. Chung số phận với súc vật. Mẹ đau khổ khi bị vua Hêrôđê truy lùng tìm giết con nên phải trốn sang Ai Cập. Con trẻ sơ sinh yếu ớt. Sản phụ chưa được nghỉ ngơi lại sức đã phải lên đường trốn chạy. Mẹ đau khổ khi lạc mất con trong đền thờ: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và còn biết bao nhiêu đau khổ và gian nan mà Mẹ đã phải trải qua. Thế nhưng, chính nhờ những đau khổ và gian nan này mà Mẹ trở nên điểm tựa niềm tin cho con cái Mẹ: “Qua lời “Xin vâng” của Mẹ mà Hội thánh được bắt đầu. Mẹ là gương mẫu cho đời sống đức tin của Hội thánh. Đức tin kiên vững của Mẹ là nền móng vững chắc cho chúng ta tựa vào” (Hoành Sơn SJ, Đức Maria đại diện cho Hội thánh).

 

Hình ảnh tiệc cưới tại miền Cana năm xưa phải chăng là phản ảnh của Giáo hội hôm nay? Trong tiệc cưới năm xưa có sự hiện diện của Mẹ và nhờ Mẹ chuyển cầu, niềm vui tiệc cưới lại tiếp tục được kéo dài. Trong Giáo hội hôm nay, Mẹ cũng đang hiện diện và đồng hành, để cùng với con cái của Mẹ vượi qua mọi thử thách gian nan. Hẳn thật, “vai trò của Đức Maria đối với Hội thánh ngày càng tỏ rõ qua các lần hiện ra của Ngài. Vâng, không một vùng trời Công giáo nào mà không được chứng kiến những cuộc hiển linh của Đức Mẹ: Mẹ hiện ra khi thì để an ủi và khích lệ con cái lúc gặp bách hại, khổ đau, khi thì để kêu gọi sám hối và cầu nguyện lúc tín hữu đang trên đà sa đọa”.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á