Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN II TN, A: Hãy loan báo Đức Kitô đến với mọi người

Lời Chúa hôm nay và mãi mãi nhắn nhủ chúng ta hãy quên mình, và nhiệt thành rao truyền danh Chúa Kitô đến với người khác, giới thiệu Chúa với sự xác tín chân thật, nói về Chúa cho mọi người và sống trọn tình yêu như Chúa đã hiến tế cứu độ nhân loại.

 

 

HÃY LOAN BÁO ĐỨC KITÔ ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI

(Ga 1,29-34)

 

M. Anrê Tường

 

Loan truyền danh Chúa Kitô đến với mọi người là sứ mệnh quan trọng thiết thực của Giáo hội, tức là loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân tộc, theo mệnh lệnh của Đức Kitô đã truyền lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo (Mc 16,15). Điều đó có nghĩa là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng của Giáo hội vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ muôn người. Thật vậy, mang trên mình danh Kitô hữu, mỗi người chúng ta có sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa giữa trần gian, trong môi trường sống qua sự hiện diện của mình. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta về nhân chứng của Chúa Kitô, đó là thánh Gioan Tẩy Giả. Ông rao giảng về Chúa Kitô rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Quả thật, thánh Gioan đã sẵn sàng dấn thân hi sinh cả cuộc đời để loan báo Đức Kitô đến với mọi người. Trong ý nghĩa đó, mỗi người chúng ta cũng hãy hân hoan dấn bước rao truyền Đức Kitô đến với tha nhân.

 

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh sử Gioan trình thuật cho chúng ta về chứng nhân trung thành rao giảng Danh Đức Kitô cho mọi người, đó là thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài luôn trung tín đích thực dù trải qua nhiều biến cố, đối diện bao nỗi đau thương; đồng thời, ngài sẵn sàng giới thiệu cả môn đệ riêng của mình đến với Đức Kitô vì ngài xác tín rằng, Đức Kitô là Đấng tối cao, là Thiên Chúa đến cứu độ trần gian. Thánh nhân sẵn sàng hạ mình xuống để nâng Chúa lên, sống đúng với con người thật của ngài. Cuộc đời chứng nhân loan báo của ngài phải đánh đổi chính mình mà đỉnh điểm là cái chết quá đau thương khi bị chặt đầu vì bảo vệ Chân Lý, bảo vệ đức tin.

 

Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi suy tư về việc làm sao để đem Thiên Chúa đến với người khác đã từng nhận định rằng: con người thời đại đang đói khát Thiên Chúa. Do đó, nếu người Kitô hữu đang được đón nhận Tin Mừng cứu độ, là nguồn nước trường sinh mà nhân loại đang tìm kiếm, thì không có lý do gì mà từ chối không đem Tin Mừng ấy cho những người đang đói khát Chân Lý. Chính trong ý hướng này, việc gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với tha nhân cũng là một phương cách truyền giáo tới những người chưa nhận biết Chúa.

 

Thật vậy, tất cả sứ mệnh của Giáo hội quy tụ trong việc rao truyền Tin Mừng cứu độ. Đó là ân sủng và là lời mời gọi riêng, tự bản tính sâu xa của Giáo hội[1]. Mệnh lệnh ấy vẫn “luôn giữ giá trị linh động và cần phải được thi hành”. Do vậy, Giáo hội không thể tránh né sứ mệnh đem Tin Mừng đến cho muôn người chưa nhận biết Chúa Kitô. Đó chính là công việc đặc biệt truyền giáo mà Đức Kitô đã trao phó và còn trao phó mỗi ngày cho Giáo hội, cách riêng là với từng người Kitô hữu. Vì thế, khi đã được lãnh nhận bí tích Rửa tội, người tín hữu không được vênh vang hay tránh né mà thực thi như một bổn phận cần thiết, đúng như lời thánh Phaolô Tông đồ nhắn nhủ: “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

 

Lời xác tín đó của vị Tông đồ Phaolô đã chuyển tải tính cấp thiết của sứ mạng loan báo Tin Mừng, mà không ai được quyền từ chối đáp lời. Thật thế, người Kitô hữu được mời gọi làm vườn nho của Thiên Chúa, hầu cộng tác nhiệt thành đầy trách nhiệm trong sứ mạng của Giáo hội; không ai được phép ở không, không làm gì cả. Đặc biệt, trong thời đại đầy dẫy sự cám dỗ lôi cuốn này, thì lại càng khẩn thiết và quý giá hơn với sự đóng góp của mỗi người Kitô hữu trong công cuộc giới thiệu Đức Kitô cho người khác. Hơn nữa, việc loan báo không bao giờ ngưng lại. Cho nên, Giáo hội luôn cố gắng và nhiệt huyết để hoàn thành sứ vụ loan báo này[2]. Nói cách khác, sứ vụ rao giảng Tin Mừng là sự hiện hữu của Giáo hội, nghĩa là nếu không thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thì Giáo hội trở thành một Giáo hội không tỏa sáng. Do đó, mỗi người Kitô hữu đều phải ý thức sứ mạng của mình một cách sẵn sàng như lời của thánh Phaolô đã quả quyết (x. 1Cr 9,16).

 

Vậy chúng ta thực thi bằng cách nào, đó là chúng ta truyền giáo bằng lời rao giảng, và nhất là bằng chứng nhân hành động thiết thực, trong đó đức bác ái là linh hồn, là ngọn lửa lan tỏa thu hút của công cuộc truyền giáo. Việc truyền giáo nếu không được đức bác ái hướng dẫn, nghĩa là nếu không xuất phát từ một thúc đẩy sâu xa của tình yêu Chúa, và động lòng trắc ẩn với tha nhân thì có nguy cơ bị thu hẹp vào một hoạt động thuần túy từ thiện và xã hội[3]. Thực vậy, tình thương mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chính là trọng tâm của kinh nghiệm và việc rao giảng Tin Mừng. Để từ đó, những người tiếp nhận tình thương ấy, lại trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa. Tình thương của Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho thế giới, là tình thương được trao ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu. Thánh Gioan minh chứng: “Tình thương của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ qua điều này là Thiên Chúa đã sai Con duy nhất của Ngài đến trong thế gian, để chúng ta nhờ Người mà được sống” (1Ga 4,9).

 

Như vậy, một lần nữa, cần phải nhấn mạnh rằng, mỗi người ý thức trọng trách cao cả này, để chúng ta không quên lãng, hay bỏ bê, sống mất dưỡng khí, không thu hút được người khác khi họ không nhận ra được dấu chỉ tình yêu của chúng ta. Vì thế, Lời Chúa hôm nay và mãi mãi nhắn nhủ chúng ta hãy quên mình, và nhiệt thành rao truyền danh Chúa Kitô đến với người khác, giới thiệu Chúa với sự xác tín chân thật, nói về Chúa cho mọi người và sống trọn tình yêu như Chúa đã hiến tế cứu độ nhân loại. Amen.

 

 

 ________________________

 

 

[1]x. Tông Huấn Kitô Hữu Giáo Dân, Christifideles Laici, (30/12/1988), số 33c.

[2] x. Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi, (08/12/1975), số 53c.

[3] x. Thông Điệp Caritas in Veritate, số 4.