Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN II TN, A: ĐỨC GIÊSU - CON CHIÊN ĐÍCH THỰC

Hình ảnh con chiên đã in sâu vào tâm thức của dân Israel. Khi nói đến con chiên, dân Israel sẽ nghĩ đến con chiên Vượt Qua đã giải thoát cha ông họ khỏi Ai Cập; khi nhắc đến con chiên, họ sẽ nghĩ đến con chiên như là một lễ vật để đền tội thay cho dân; khi nói đến con chiên, họ sẽ nghĩ đến con vật hiền lành và câm nín khi bị sát tế. Vì thế, khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giesu là Chiên Thiên Chúa thì dân chúng đã hiểu Ngài là ai.

 

 

ĐỨC GIÊSU - CON CHIÊN ĐÍCH THỰC

(Ga 1,29-34)

 

 

Tùng Linh

 

“Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Câu nói của Gioan Tẩy Giả làm cho ĐGH Benedicto XVI phải thốt lên: “Chiên Thiên Chúa có nghĩa là gì? Tại sao gọi Đức Giêsu là Chiên”. Và tại sao con chiên này lại xóa tội trần gian?”[1] Có lẽ mỗi người chúng ta cũng thắc mắc và tự hỏi: “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” nghĩa là gì?

 

“Đây Chiên Thiên Chúa”- Câu giới thiệu của ông Gioan hàm chứa cả một kho tàng mặc khải về Con Thiên Chúa trong suốt dọc dài lịch sử cứu độ.

 

Mở đầu sách Sáng Thế, chiên con của Abel trên lò than hồng là của lễ thay cho lòng tin kính Thiên Chúa, được Thiên Chúa chấp nhận: “Abel dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng” (St 4,4). 

 

Dân Israel sống thân phận nô lệ ở Ai Cập nên kêu cầu Thiên Chúa và Thiên Chúa đã nhớ đến dân Ngài. Đức Chúa đã làm những dấu lạ điềm thiêng tại nước Ai cập. Thiên Chúa giáng chín tai họa xuống Ai Cập: Nước biến thành máu (x. Xh 7,14-21); Nạn ếch nhái (x. Xh 7,26-8,10); Nạn muỗi (x. Xh 8,12-13); Nạn ruồi nhặng (x. Xh 8,16-27); Nạn ôn dịch (x. Xh 9,1-6); Nạn ung nhọt (x. Xh 9,8-11); Nạn mưa đá (x. Xh 9,13-33); Nạn châu chấu (x. Xh 10,1-17); Cảnh tối tăm (x. Xh 10,21-26). Nhưng sau tất cả “lòng Pharao ra chai đá và vua không chịu thả cho dân Israel đi” (x. Xh 7,22; 8,11.15.28; 9,7.12.35; 10,20.27).

 

Khi Thiên Chúa quyết định giải phóng dân Israel ra khỏi Ai Cập (x. Xh 11,1), Ngài đã truyền cho Môisê hướng dẫn Dân mừng Lễ Vượt Qua. Mỗi gia đình giết một con chiên ăn mừng lễ. Con chiên đó phải lành lặn không một tỳ vết và vừa tròn một tuổi. Khi giết chiên, dân Israel phải lấy máu chiên bôi lên cửa nhà mình. Máu chiên chính là dấu hiệu phân biệt giữa người Israel với người Ai Cập. Sứ thần Thiên Chúa thấy vết máu chiên sẽ đi qua mà không sát hại con đầu lòng Israel. Nhờ vết máu chiên ấy, các con đầu lòng Israel được cứu (x. Xh 12, 3-5).

 

Con chiên trong Cựu Ước được biết đến như là một lễ vật để đền tội thay cho dân. Trong sách Xuất Hành, con chiên được nói đến nhiều hơn cả. Theo truyền thống Tư tế, thì hằng ngày, người ta sát tế hai con chiên, một con buổi sáng và một con ban chiều. Khi sát tế như thế, họ dâng nó lên Thiên Chúa để cầu xin ơn tha tội cho mình và đồng loại (x. Xh 29,38-42).

 

Hình ảnh con chiên mang tội của dân được diễn tả khi kẻ có tội tiến đến bên cạnh con chiên chuẩn bị để làm của lễ, úp hai tay mình lại và đặt lên đầu chúng. Sau đó, vị Tư Tế đại diện cho người có tội sẽ sát tế con chiên đó hoặc thả chúng vào rừng. Trong truyền thống của người Do thái thì đây là hình thức xóa tội cho mình và anh em: “Suốt thời gian sắp tới, mỗi ngày các ngươi hãy hiến tế trên bàn thờ hai con chiên tuổi được một năm, một con hiến tế vào buổi sáng, con kia vào buổi chiều” (Xh 29,38-39). 

 

Con Chiên đền tội gánh lấy tội lỗi của muôn người và dâng mình làm hy lễ (Lv 14, 10-14). Chiên con bị dẫn đến lò sát sinh (x. Gr 11,19).

 

Mỗi năm vào tháng A-Víp, dân Israel đều mừng lễ Vượt qua kính đức Chúa: “Anh em hãy giữ tháng A-Víp và mừng lễ Vượt qua kính Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì trong tháng A-Víp, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã đưa anh em ra khỏi Ai cập vào ban đêm” (Đnl 16,1).

 

Hình ảnh con chiên đã in sâu vào tâm thức của dân Israel. Khi nói đến con chiên, dân Israel sẽ nghĩ đến con chiên Vượt Qua đã giải thoát cha ông họ khỏi Ai Cập; khi nhắc đến con chiên, họ sẽ nghĩ đến con chiên như là một lễ vật để đền tội thay cho dân; khi nói đến con chiên, họ sẽ nghĩ đến con vật hiền lành và câm nín khi bị sát tế. Vì thế, khi Gioan Tẩy Giả giới thiệu Đức Giesu là Chiên Thiên Chúa thì dân chúng đã hiểu Ngài là ai.

 

Đức Giêsu có giống như những gì Gioan Tẩy Giả nói không? Truyền thống Kitô giáo đã nhận thấy nơi Đức Kitô - “Con chiên Vượt Qua” đích thực[2]. Nếu căn cứ vào Tin Mừng của thánh Gioan, thì chính biến cố sự chết của Đức Kitô đã đặt nền móng cho truyền thống “Con Chiên Vượt Qua”. Chúa Giêsu đã chịu chết chiều áp lễ Bánh không men (x. Ga 18,28; 19,14.31), vậy là chính ngày Lễ Vượt Qua, vào lúc xế trưa (x. Ga 19,14), đúng ngay giờ mà, theo Luật định, người ta hiến tế các chiên con nơi Đền Thờ. Sau khi chết, Người không bị đánh gẫy ống chân như những tử tội khác (x. Ga 19,33) và thánh sử nhận thấy nơi sự kiện này việc thực hiện nghi thức đã định về Chiên Vượt Qua (x. Ga 19,36; Xh 12,46)[3].

 

Joachim Jeremias[4] giúp chúng ta hiểu thêm điều này. Đức Giêsu bị đóng đinh vào ngày lễ Vượt Qua và bấy giờ Người được xem như chiên vượt qua của cuộc xuất hành ra khỏi Ai cập, đã được nên trọn: sự giải thoát khỏi quyền lực chết chóc của Ai Cập và được tự do của lời hứa. Từ lễ Vượt qua, biểu trưng con chiên trở thành nền tảng để hiểu Đức Kitô.

 

Truyền thống Giáo hội, nhất là các Tông đồ cũng khẳng định Đức Giêsu cũng là Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta (x. 1Cr 5,7). Thánh Phêrô xác tín: chúng ta đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của con chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô (x. 1Pr 1,19). Đức Giêsu vừa là Người Tôi Tớ đau khổ, im lặng bị dẫn đến lò sát sinh và gánh tội lỗi muôn dân, vừa là Chiên Vượt Qua biểu tượng cho việc Israel được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu. Toàn bộ cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ mạng của Người là “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (GLHTCG 608). Đức Kitô là con chiên tinh tuyền, không tì ố (x. GLHTCG 756). Con chiên đã bị giết là Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại, vị Thượng Tế duy nhất của cung thánh đích thực, “vừa là chủ tế vừa là lễ vật, vừa dâng vừa được dâng lên” (GLHTCG 1137).

 

Nói về Đức Giêsu, con chiên xóa bỏ tội trần gian, Joachim Jeremias[5] viết: “Con Chiên Vượt qua đích thực, xóa tội lỗi trần gian. Yên lặng như con chiên hiến tế, Đấng cứu độ đang hấp hối trên thập giá, đã thay chúng ta đi vào cõi chết; qua việc đền tội bằng cái chết vô tội, Người đã xóa đi lỗi lầm của toàn thể nhân loại”.

 

Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI[6] cũng khẳng định thêm: “Cũng như máu chiên vượt qua giữa vai trò quyết định cho việc giải thoát Israel ra khỏi áp bức của Ai cập, thì Người Con đã trở thành tôi tớ-mục tử, đã trở thành con chiên, Người trở thành sự bảo đảm cho cuộc giải phóng không những cho Israel, nhưng cho cả “thế giới”, cho toàn thể nhân loại.

 

Qua những gì vừa trình bày, chúng ta hiểu câu giới thiệu của Gioan Tẩy Giả như thế nào. Thánh Gioan đã dùng ngôn ngữ biểu tượng là con chiên để nói về Đức Giêsu là con chiên hiền lành của Abel dâng lên Thiên Chúa; Đức Giêsu là con chiên vượt qua cứu thoát dân Israel khỏi sự áp bức của Ai Cập; Người là con chiên bị sát tế trên bàn thờ để đền tội cho dân; Ngài cũng là con chiên hiền lành câm nín khi bị sát tế. Và trong giờ sau hết, Ngài đã sát tế bản thân mình trên thập giá để dùng bửu huyết cứu chuộc nhân loại. Hằng ngày trên bàn thờ hy tế trong Thánh lễ, Ngài đã hiến tế làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Chúng ta cũng được gọi là “con chiên”. Vì thế, chúng ta cũng biết noi gương con chiên đích thực là Đức Giêsu, ‘sát tế” bản thân mình hằng ngày để làm “lương thực” và “cứu chuộc” mọi người.

 

 

_______________________________________________

 

 

[1] Joseph Ratzinger, Đức Giêsu thành Nazareth, Phần I, Nxb Tôn Giáo, tr. 49.

[2] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển I, tr. 246.

[3] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Quyển I, tr. 247.

[4] Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 49.

[5] Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 50.

[6] Joseph Ratzinger, Sđd, tr. 50

 

 

Thiết kế Web : Châu Á