Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN II Mùa Vọng, C: SÁM HỐI - DỌN ĐƯỜNG CHỜ CHÚA ĐẾN

Nếu lời mời gọi sám hối của Gioan xưa được cụ thể hóa bằng việc chịu phép rửa bằng nước, thì hôm nay ngoài việc chịu phép rửa trong Thánh Thần và lửa, bí tích Hòa giải chính là dấu chỉ tỏ tường của việc sám hối mà Chúa đang mong chờ chúng ta đến với Ngài.

 

 

 

SÁM HỐI - DỌN ĐƯỜNG CHỜ CHÚA ĐẾN

(Lc 3,1-6)

 

Quang Tân

 

Mùa vọng là thời gian Hội thánh sống lại niềm mong đợi Chúa đến lần thứ nhất, qua đó canh tân lòng nhiệt thành mong đợi Chúa đến lần thứ hai (x. GLHTCG 524). Với niềm mong đợi ấy và ngang qua Lời Chúa hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống mình để sám hối - dọn đường chờ Chúa đến.

 

Trong tâm tình sống lại niềm mong đợi Chúa đến lần thứ nhất, chúng ta không thể không nhắc đến một sứ giả được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Con của Người giáng trần. Vị sứ giả ấy chính là Gioan Tiền Hô. Có thể nói cả cuộc đời ông là một tiếng hô về sự sám hối. Đi khắp vùng ven sông Giođan, ông rao giảng, mời gọi mọi người chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Ông luôn hô rằng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Ðức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3,4-5). Dân chúng lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa (Lc 3,7). Nhiều người tưởng ông là Đấng Mêsia (x. Lc 3,15), là Êlia (x. Ga 3,21)… nhưng ông luôn nhận mình chỉ là tiếng người hô trong hoang địa (x. Ga 1,23).

 

Nếu lời mời gọi dọn đường chờ Chúa đến trần gian của Gioan xưa có tính cấp thiết thế nào, thì hôm nay trong niềm mong đợi Chúa đến lần thứ hai, thiết nghĩ lời mời gọi ấy cũng không kém phần quan trọng khi kêu mời chúng ta sám hối và trở về với Chúa, trở về bằng cách: thay đổi nội tâm, thay đổi cái nhìn và thay đổi lối sống. Do đó:

 

- Mọi thung lũng của hiềm khích, thù hận, dục vọng, ước muốn xấu xa… cần phải lấp cho đầy bằng yêu thương, tha thứ, ý nghĩ cao thượng và nghĩa cử tốt đẹp. Chỉ như thế chúng ta mới có thể đến với nhau và đến với Chúa được.

 

- Mọi núi đồi của ích kỷ, kiêu căng, tham lam, mê đắm bạc tiền … cần phải bạt cho thấp bằng vị tha, khiêm hạ, quảng đại và siêu thoát. Chỉ như thế chúng ta mới có thể đến với nhau và đến với Chúa được.

 

- Mọi quanh co của phóng túng, trụy lạc, lọc lừa, dối trá, mưu mô, xảo quyệt… cần phải uốn cho ngay bằng điều độ, thanh khiết, chân thật và đơn sơ. Chỉ như thế chúng ta mới có thể đến với nhau và đến với Chúa được.

 

- Mọi lồi lõm của ghen tương, độc ác, bất hòa, chia rẽ, nói hành nói xấu[1]… cần phải san cho phẳng bằng khoan dung, nhân hậu, hòa thuận, đoàn kết và lời chúc phúc. Chỉ như thế chúng ta mới có thể đến với nhau và đến với Chúa được; đồng thời được Chúa viếng thăm trong ngày Người quang lâm…

 

Nếu lời mời gọi sám hối của Gioan xưa được cụ thể hóa bằng việc chịu phép rửa bằng nước, thì hôm nay ngoài việc chịu phép rửa trong Thánh Thần và lửa, bí tích Hòa giải chính là dấu chỉ tỏ tường của việc sám hối mà Chúa đang mong chờ chúng ta đến với Ngài, dâng lên Ngài mọi yếu đuối lỗi lầm của chúng ta đã trót phạm với Ngài. Chỉ như thế tâm hồn chúng ta mới xứng đáng là máng cỏ cho Chúa ngự.

 

Trong tâm tình chờ mong Chúa đến, chúng ta nguyện xin Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người chúng ta, để thần trí, tâm hồn và thân xác chúng ta, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta quang lâm (x. 1Tx 5,23).

 

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nhìn lại cuộc sống mình để sám hối và trở về với Chúa. Chỉ như thế chúng con mới có thể tiến lại gần với nhau và với Chúa được, đồng thời chúng con cũng được Chúa viếng thăm trong ngày Người quang lâm; ngày “Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về” (Mc 13,27) ở với Người trên thiên đàng. Amen.

 

 

 _____________________________

 

[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-tu-si-noi-hanh-noi-xau-hai-huoc.html: Đức Thánh Cha Phanxicô nói cách hài hước rằng có một loại thuốc để chữa trị thói nhiều chuyện, đó là cắn vào lưỡi. Ngài nói: “Trước khi nói xấu về người khác, hãy cắn vào lưỡi của bạn để lưỡi sưng to lên trong miệng của bạn và bạn sẽ không thể nói xấu.” Ngài nhấn mạnh: “Xin hãy tránh thói nhiều chuyện, điều phá hoại cộng đoàn!”

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á