Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN II MC, A: Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa

Thông thường dân chúng phải lắng nghe lời Chúa qua miệng các ngôn sứ, nhưng ở đây là vâng nghe trực tiếp Đức Giêsu. Điều này nói lên rằng Ngài chính là Logos, là Ngôi Lời hằng hữu, là Con Thiên Chúa. Lời của Ngài cũng chính là lời Chúa Cha vì Ngài đến để hoàn toàn làm theo thánh ý Cha. Hay nói đúng hơn, toàn thể con người Ngài, từ suy nghĩ, lời nói tới việc làm, là Lời của Chúa Cha.

 

 

Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa

(Mt 17,1-9)

 

M. Michael Hội

 

Trong Tin Mừng hôm nay thánh sử Matthêu trình bày việc Chúa Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ biết Ngài là Đấng Kitô (Messia), Con Thiên Chúa. Sự kiện Chúa Hiển Dung diễn ra trong cuộc hành trình của Ngài lên Giêrusalem để hoàn thành con đường cứu chuộc nhân loại. Con đường này không hề dễ dàng, nhưng phải vượt qua đau khổ và sự chết mới đạt tới vinh quang. Chương trình cứu độ này đã được Thiên Chúa vạch ra từ trước, vì thế Đức Giêsu quyết thực thi cho đến cùng thánh ý Chúa Cha, và Ngài cũng đã mặc khải cho các môn đệ biết, nhưng các ông lo sợ và ra sức can ngăn (x. Mt 16,21-23). Có lẽ vì thế mà Đức Giêsu đã mặc khải bản tính Thiên Chúa và vinh quang phục sinh của Ngài để củng cố lòng tin cho các môn đệ, cũng như cho mọi Kitô hữu chúng ta.

 

Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều tường thuật Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Tin Mừng Mt cho biết rằng: “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông”(Mt 17,2a). Khác với các thị kiến trong sách ngôn sứ Daniel hay sách Khải Huyền, sự việc Đức Giêsu biến hình diễn ra ngay trước mắt nhiều người. Điều này cho thấy biến cố Chúa Hiển Dung là một sự kiện lịch sử, diễn ra trong điều kiện bình thường chứ không phải trong giấc mơ hay trong lúc xuất thần của một cá nhân nào đó. “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2b). Phép so sánh này nói lên rằng Đức Giêsu chính là nguồn của ánh sáng, ánh sáng bởi ánh sáng. Ngài chính là ánh sáng bừng lên trong đêm tối, dẫn đưa Israel cũng như toàn nhân loại vượt thắng bóng tối tử thần (x. Is 9,1).

 

Bên cạnh Đức Giêsu lúc này xuất hiện hai nhân vật quan trọng bậc nhất trong lịch sử dân Do Thái: Môsê là vị thủ lãnh, anh hùng dân tộc, đã dẫn đưa Israel thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập; Êlia là đại ngôn sứ, ông nổi tiếng vì lòng nhiệt thành làm chứng cho Chúa và làm nhiều phép lạ. Thêm nữa, các ông là hai trong số rất ít người được trực tiếp diện kiến “Thiên Nhan” và đàm đạo với Thiên Chúa (x. Xh 24,1-18; 1V 19,9-18). Tin Mừng Mt không cho biết Môsê và Êlia đã nói những gì, nhưng sự hiện diện và đàm đạo của các ông với Đức Giêsu đã mặc khải và làm chứng rằng: Đức Giêsu đích thực là đấng Messia mà các ông và các ngôn sứ khác từng loan báo. Quả thực Ngài là thủ lãnh của các thủ lãnh, ngôn sứ của của các ngôn sứ, Đấng Messia muôn dân hằng mong đợi đã đến để giải phóng dân Israel và toàn thể nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi.

 

Hơn thế nữa, Đức Giêsu không dừng lại trên bình diện là thủ lãnh hay ngôn sứ như Môsê hay Êlia, Ngài còn được mặc khải là “Con Thiên Chúa” qua chính lời của Chúa Cha: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 17,5a). Đây là lần thứ hai trong Tin Mừng Mt Thiên tính của Đức Giêsu được mặc khải một cách chính thức từ trời cao, từ Thiên Chúa, sau lần Ngài chịu phép rửa tại sông Gio-đan (x. Mt 3,17). Lần này mặc khải còn kèm theo mệnh lệnh: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5b), hoặc “các ngươi hãy nghe Ngài[1] nếu dịch sát bản văn Hy Lạp. Mệnh lệnh này đòi hỏi người nghe phải tập trung hoàn toàn vào con người Đức Giêsu, lắng nghe điều Ngài nói, tin tưởng việc Ngài làm, vâng theo và thực hành những gì Ngài truyền dạy. Thông thường dân chúng phải lắng nghe lời Chúa qua miệng các ngôn sứ, nhưng ở đây là vâng nghe trực tiếp Đức Giêsu. Điều này nói lên rằng Ngài chính là Logos, là Ngôi Lời hằng hữu, là Con Thiên Chúa. Lời của Ngài cũng chính là lời Chúa Cha vì Ngài đến để hoàn toàn làm theo thánh ý Cha. Hay nói đúng hơn, toàn thể con người Ngài, từ suy nghĩ, lời nói tới việc làm, là Lời của Chúa Cha. Vậy giờ đây chúng ta không còn phải đoán ý Thiên Chúa qua miệng các ngôn sứ, nhưng là lắng nghe trực tiếp Lời của Ngài nơi con người Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử yêu dấu của Chúa Cha (x. Dt 1,1-2).

 

Đức cố Giáo Hoàng Benedict XVI đã trình bày sự hiện hữu của Đức Giêsu trong tư cách là Con, “là hiện hữu khai mở trọn vẹn, một hiện hữu bởi và cho.”[2] Trong tư cách là Con, Ngài hiện hữu do bởi Cha, Ngài không có cũng không dành bất cứ điều gì là của riêng, nhưng sống hoàn toàn bởi và cho Cha, và vì thế Ngài hoàn toàn giống như Cha và nên một với Cha.[3] Chính Đức Giêsu đã mặc khải điều này trong Tin Mừng Gioan khi nói: “Người Con không thể tự mình làm gì mà chỉ làm điều thấy Chúa Cha làm, vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy” (Ga 5,19); “Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30); và vì thế, “tôi với Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Quả thật, tất cả con người Đức Giêsu, mọi lời nói việc làm của Ngài là cho “ý Cha thể hiện”. Ngài đã vâng theo ý Cha, trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, mặc lấy xác phàm nhân, sống như người trần thế, và lại bằng lòng chịu chết như một tên tử tù, để thực thi sứ vụ cứu chuộc nhân loại (x. Pl 2,7-8).

 

Với tư cách là những người đồng thừa tự với Đức Giêsu Kitô (x. Rm 8,17), chúng ta, những Kitô hữu, cũng được mời gọi sống trong chiều kích “bởi” và “cho” như Ngài đã sống. Một khi không còn sống cho mình, nhưng sống trong sự khai mở trọn vẹn với Thiên Chúa, tức là kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, noi gương Ngài từ bỏ, chấp nhận đau khổ, hy sinh bản thân vì tha nhân, chúng ta sẽ trở nên những Kitô hữu đích thực và được thừa hưởng vinh quang của con cái Thiên Chúa.

 

Xin Chúa cho mọi người chúng ta biết sống như thánh Phaolô Tông đồ đã cảm nghiệm: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

 

 

_____________________________

 

[1] Trích bản văn Hy Lạp: ἀκούετε αὐτοῦ.

[2] J. Ratzinger, Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb Tôn Giáo 2009, tr. 194.

[3] x. Sđd, tr. 194-195.