Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN II MC, A: CHÚA HIỂN DUNG

“Lên núi” và “xuống núi” của thầy trò Chúa Giêsu kể như là hành động của hành trình đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu cho ba Tông đồ thân tín lên núi để chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người, nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi, và Người mặc khải cho các Tông đồ biết rằng muốn được hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước của Người phải chấp nhận con đường “khổ giá” của Người.

 

 

CHÚA HIỂN DUNG

(Mt 17,1-9)

 

 M. Thadeo Thọ

 

Bài Tin mừng Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, thánh Matthêu tường thuật cuộc biến đổi dung nhan của Chúa Giêsu trên núi, các nhà chú giải cho là núi Tabor, để mặc khải mầu nhiệm cứu độ: Chết và sống lại, nhục nhã và vinh quang, hai phương diện này luôn song hành trong nhiệm cục cứu độ. Có chết mới có phục sinh; có tử nạn mới có ơn cứu độ, đó là phương thức đời sống đạo cho những bước theo chân Chúa Giêsu. Như lời Chúa Giêsu dạy: “Ai muốn theo Ta, hãy vác thập giá mỗi ngày mà theo Ta”; lại nữa, “Không có Thầy, các con không thể làm gì được”. Vì thế, các Tông đồ của Chúa Giêsu không thể theo Thầy Giêsu mà không vác thập giá và các ngài không thể rao giảng Tin mừng nếu chưa có ơn Chúa Thánh Thần. Bao lâu Thánh Thần chưa được trao ban, thì bấy lâu giáo huấn của Chúa vẫn vô hiệu và chưa dẹp bỏ được ô nhục thập giá mà người Do Thái và dân ngoại gắn mác. Chúa Giêsu đã biết trước và truyền cho các ông khi từ trên núi xuống: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy”.

 

“Lên núi” và “xuống núi” của thầy trò Chúa Giêsu kể như là hành động của hành trình đức tin Kitô giáo. Chúa Giêsu cho ba Tông đồ thân tín lên núi để chiêm ngưỡng dung nhan vinh hiển của Người, nhưng chỉ trong khoảnh khắc thôi, và Người mặc khải cho các Tông đồ biết rằng muốn được hưởng phúc vinh quang đời đời trong Nước của Người phải chấp nhận con đường “khổ giá” của Người. 

 

Lên Núi

 

Trước lúc Chúa Giêsu chịu khổ nạn, Người đem ba môn đệ đi theo mình là Phêrô, Giacôbê và Gioan “lên núi”. Nơi đây, các ông được chiêm ngưỡng dung nhan vinh quang rạng ngời của Con Người. Vinh quang mà Giacôbê và Gioan đã mơ ước (x. Mt 20,20-23) giờ đây đã xuất hiện với các ông. Việc quang lâm của Con Người mà thiên hạ sẽ thấy trong Vương quốc của Người cũng đã được thực hiện cách tượng trưng trong “thị kiến” (Mt 17,1-9) trên núi Tabor. Cuộc biến hình có mục đích cho các môn đệ ưu ái thấy trước vinh quang của ngày sau hết, vinh quang nay đang tập trung nơi con người Giêsu. Từ trong đám mây, Thiên Chúa phán truyền cho các môn đệ phải vâng lời, tín thác vào Chúa Giêsu - Con Yêu Dấu của Ngài; vâng lời Chúa Giêsu không gì khác hơn là bước theo chân Người trên con đường thập giá, con đường tới Giêrusalem để tiến đến trong vinh quang Nước Trời.

 

Lên núi Tabor chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa, đây là sự mặc khải cho các môn đệ: “Chúa Giêsu là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Dt 1,3); trên khuôn mặt Người là vinh quang Thiên Chúa (2 Cr 2,8). Ánh vinh quang thiên quốc trên khuôn mặt Chúa Giêsu cũng đã rực lên trong đêm Giáng sinh, bao trùm các mục đồng (Lc 2,9-10). Hôm nay ánh vinh quang Thiên quốc đã phủ lấy Chúa Giêsu, mặc khải trước thời gian trạng thái tương lai Chúa Giêsu sẽ đạt đến, khi được đưa vào vinh quang (1Tm 3,16). Làm cho ba môn đệ của Chúa Giêsu ngất ngây, hạnh phúc tràn đầy. Tông đồ Phêrô phải thốt lên: “Lạy Ngài, chúng con ở đây thật là hay!” (c. 4). Thánh Tông đồ đã muốn ở luôn trên núi này, thế mới ngỏ ý với Chúa Giêsu để làm ba cái lều (c. 4). “Tôi sẽ dựng ba lều”. Theo truyền thống Do Thái, nơi ở Thiên quốc được biểu trưng bằng các nhà tạm đời đời (x. Lc 16, 9), họ cho rằng trong thời sau hết, Thiên Chúa sẽ ở giữa dân Người (Ed 37,27) trong lều của Vinh quang Người, dân chúng sẽ cắm lều xung quanh Đấng Mesia của họ (Ga 1,14). Người đã dựng lều của Người giữa chúng tôi, và chúng tôi đã thấy vinh quang của Người. Thánh Phêrô tưởng đã đến lúc thiết lập thiên đàng ở trái đất, để cuộc thần hiện trên núi Tabor sẽ kéo dài mãi mãi, ông muốn khai mào sự nghỉ ngơi cánh chung.

 

Trên núi biến hình, được chiếu sáng bởi dung mạo Chúa Giêsu và nơi y phục của Người, đám mây đã ngự xuống làm dấu chỉ có Thiên Chúa hiện diện. Mây rợp bóng bao trùm các nhân vật, tương tự quyền năng của Đấng tối cao đã phủ bóng trên trinh nữ Maria trong ngày truyền tin (Lc 1,35). Có Lời Thiên Chúa phán từ đám mây: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (c. 5). Bởi thế, hôm nay không phải chỉ mình Chúa Giêsu biến hình cho riêng Người, nhưng còn cho các Tông đồ của Người. Các tông đồ đã khám phá ra nguồn gốc thần linh của lời giáo huấn mà họ phải vâng nghe. Đây không chỉ là một khám phá siêu việt trong thế giới thần linh khi các ông được vào trong đám mây thiên quốc, nhưng từ đây, các ông đang lập thành một cộng đoàn với Chúa Giêsu với triều thần thiên quốc, bao lâu họ lắng nghe Lời Người.

 

Xuống Núi

 

Cuộc chơi nào cũng có hồi kết, hạnh phúc tạm bợ rồi cũng qua, và các ông phải xuống núi. Khác với lên núi Tabor, lần này, Người cùng với ba Tông đồ này đi vào vườn Ghetsêmani (Mt 27,37), họ lại phải chứng kiến và nếm trải “cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu”. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết chỗi dậy” (c. 9). Đây là Bí mật Thiên Sai. Chúa Giêsu ban lệnh này để tránh mọi xáo động có tính cách chính trị thiên sai trong dân chúng; để sau phục sinh và được tràn đầy Ơn Chúa Thánh Thần, sẽ không còn mối quan ngại nào nữa, nhưng là một sự khảng khái, thẳng giọng loan Tin mừng Chúa Giêsu cho toàn thế giới.

 

Từ nay, sự biến đổi hình dạng của Chúa Giêsu không còn tạm thời như trên đỉnh núi Tabor, nhưng là một cuộc biến đổi hình dạng từ cõi chết bước vào cõi sống. Thân xác Người đã Phục sinh vinh hiển đời đời trong Nước của Cha Người, vì Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.

 

Nếu ta cùng chết với Người, ta cùng hiển trị với Người (Rm 6,8). Các Tông đồ ưu ái của Chúa Giêsu phải xuống núi với Chúa Giêsu, tiến vào thành Giêrusalem, để cùng với chịu đau khổ, và chịu chết với Người. Có xuống núi để chịu khổ hình, mới có được sự sống đời đời (lên núi thánh) làm gia nghiệp. Có đổ máu, mới có Ơn cứu độ. Tất cả những gì Israel hy vọng một Đấng Thiên Sai từ trên trời xa xôi, nay đang thành thực tại nơi trần thế. Chúa Giêsu, Đấng biến hình không đến từ trời, nhưng từ trời xuống trái đất, Người không nói tiếng nói từ trời, nhưng là nói tiếng nói của con người, hành động của con người, Người Tôi Trung, Tôi Tớ đau khổ (x. Is 42,1). Khi xuống núi, ba Tông đồ không còn phải nghe Đấng từ đám mây phán ra, nhưng là nghe Đấng Tôi Trung, Đấng tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Trong cuộc biến hình này, có thể các Tông đồ, khi đón nhận Lời Thiên Chúa phán từ đám mây, phải vâng nghe lời Người, thì các ngài cũng đã chấp nhận và vâng nghe Chúa Giêsu là Người Tôi Tớ đau khổ, đã chấp nhận liệt vào hàng tội nhân và tùng phục Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự như Chúa Giêsu.

 

Đáp lại lòng tùng phục của Chúa Giêsu, Chúa Cha đã biến đổi Người cách vinh quang. Khi nghe công bố Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa từ trước muôn đời, là tiếng nói từ trời, làm cho ta tin vào giáo huấn mới về số phận mà Thiên Chúa đã đặt định cho Người Tôi Trung của Chúa: không phải là đường uy quyền trần thế, mà là đường vinh quang thiên quốc, đi ngang qua nhục nhã và khiêm hạ.

 

Trong Mùa Chay thánh này, theo những bước chân của thầy trò Chúa Giêsu từ trên núi xuống: chúng ta cùng với Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện, hãm mình đền tội, chịu đau khổ, chịu thử thách… và như Chúa Giêsu đã căn dặn các môn đệ của Người: đừng loan báo thị kiến, vinh quang của Thiên Chúa cho ai, nếu chúng ta chưa sống tinh thần thập giá, chưa chết với Chúa Giêsu, chưa phục sinh với Người, nhưng hãy loan báo khi ta đã thực thi điều Thiên Chúa đã phán dạy từ đám mây: “Hãy vâng nghe lời Người”.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á