Suy niệm

Suy niệm Tin mừng CN II MC, A: BIẾN ĐỔI

Qua biến cố biến hình trên núi Tabor, Chúa Giêsu muốn báo trước vinh quang sáng láng trong ngày Chúa phục sinh, để nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, giúp các ông hiểu rằng phải trải qua đau khổ thập giá, cái chết mới đạt tới vinh quang phục sinh.

 

 

BIẾN ĐỔI 

(Mt 17,1-9)

 

M. Phêrô Bình

 

Mùa Chay là thời gian thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những khuynh hướng xấu của tội, đồng thời cũng là mùa của những biến đổi, đổi mới theo hình ảnh Đức Kitô. Lời mời gọi đổi mới được thể hiện qua biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor: “Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết” (Mt 17,2). Qua đó, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người cũng phải được “biến đổi”, để được chiêm ngưỡng vinh quang phục sinh của Người. Vậy, chúng ta phải biến đổi như thế nào?

 

Sau khi tiên báo về cuộc thương khó, Chúa Giêsu đưa các môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor. Trong lúc cầu nguyện, Chúa Giêsu biến đổi dung mạo: “Mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết”. Cuộc biến đổi này nhằm tiên báo vinh quang phục sinh của Chúa Giêsu sau khi trải qua đau khổ, và củng cố niềm tin cho các môn đệ, để họ dễ dàng đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết thương đau của Người trên thập giá. Thế nhưng, các môn đệ lại không hiểu, họ cứ tưởng đó là vinh quang Nước trời, và các ông ngây ngất trước vẻ đẹp vinh quang của Chúa. Ông Phêrô lên tiếng: “Nếu Thầy muốn, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Các ông muốn kéo dài thị kiến, muốn mình được ở lại mãi trong vinh quang mà Đức Giêsu tỏ hiện. Thế nhưng, đó chỉ là một thoáng vinh quang báo trước vinh quang ngày phục sinh mà thôi. Giáo Lý Hội thánh Công giáo, số 556 đã viết: “Sự biến hình cho ta nếm trước ngày quang lâm vinh hiển của Chúa Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác khốn khổ của chúng ta, để hóa nên giống như thân xác vinh hiển của Ngài”.

 

 

Bởi vậy, Chúa Giêsu đưa các ông xuống núi để các ông tiếp tục con đường đi theo Chúa. Đi theo Chúa thì phải chấp nhận từ bỏ ý riêng, vác thập giá để đi theo Chúa, và cuối con đường thập giá mới nở hoa vinh quang. Vinh quang đích thật chính là vinh quang của những người tham dự vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của chính Đức Giêsu. Vì thế, để có được vinh quang Nước Trời, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng nghỉ, phải chấp nhận chết cho tội, ý riêng và ngay cả sự sống của mình. Hành trình này quả là cam go, không dễ, sẽ có người chán nản mà bỏ cuộc. Biết trước được như vậy, nên Đức Giêsu biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông.

 

Ngày nay, chúng ta không được diễm phúc chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Chúa như Phêrô, Giacôbê và Gioan khi xưa, nhưng chúng ta lại được mời gọi đi ngay vào cuộc biến hình của chính cuộc đời chúng ta trong ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội, con người cũ của chúng ta biến mất và được mặc lấy con người mới, theo hình ảnh Đức Kitô. Tuy nhiên, qua thời gian và những yếu đuối của con người, chúng ta không thể tránh khỏi sai lầm, khiến chúng ta lại bị tội lỗi bủa vây. Bởi vậy, chúng ta cần phải biến đổi mỗi ngày, như lời thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).     

 

Hơn nữa, người tu sĩ đi theo Đức Kitô cần phải được biến đổi quyết liệt hơn. Trong “Tông Huấn Vita Consecrata”, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Các Tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27); sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến Hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40)”. Người tu sĩ cũng vậy, phải biến đổi từng ngày, qua nhiều năm huấn luyện trong nhà dòng mới biến hình thành một tu sĩ: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tập sinh, khấn sinh, nhiều năm sau mới khấn trọn đời và vẫn tiếp tục hành trình biến đổi đời mình nhờ gặp gỡ Chúa Kitô.

 

Tuy nhiên, người tu sĩ đừng vội cắm lều ở bất cứ giai đoạn nào của đời tu, vì đây chỉ là nơi dừng chân để lấy sức tiến về Trời mới đất mới. Trong cuộc hành trình vĩnh cửu có những bóng mát cho đời và chúng ta được phép dừng chân lấy sức để rồi tiếp tục ra đi. Nếu cắm lều ở lại, sẽ chẳng bao giờ tới đích. Bởi vậy, chúng ta phải được biến đổi từng ngày, hay nói cách khác biến đổi liên lỉ không ngừng. Như Chúa biến hình vinh quang sáng láng, để chúng ta cũng biết biến đổi: biến đổi từ con người cũ do tội lỗi gây ra thành con người mới theo hình ảnh Đức Kitô; biến đổi từ con người ích kỷ tham lam thành người biết  yêu thương hy sinh và phục vụ mọi người; biến đổi từ con người kiêu căng tự đắc thành người khiêm nhu tin tưởng và phó thác vào Chúa.

 

Qua biến cố biến hình trên núi Tabor, Chúa Giêsu muốn báo trước vinh quang sáng láng trong ngày Chúa phục sinh, để nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ, giúp các ông hiểu rằng phải trải qua đau khổ thập giá, cái chết mới đạt tới vinh quang phục sinh. Để đạt tới vinh quang phục sinh với Chúa, các môn đệ cũng cần được biến đổi đời sống qua việc vâng giữ lời Chúa Giêsu. Nguyện xin Chúa giúp chúng con biết vâng lời Ngài, biến đổi con người tội lỗi thành con người mới theo hình ảnh của Ngài, và giúp chúng con can đảm bước theo Chúa đến cùng, trên đường gian khổ của Thập giá để được tham dự vào vinh quang phục sinh với Ngài. Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á