Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I Mùa Vọng, Năm A: TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

Vậy tỉnh thức ở đây được hiểu như thế nào? Tỉnh thức không chỉ là không ngủ, hay cũng không chỉ là chong đèn rồi khoanh tay ngồi chờ, cũng không phải chờ đợi với thái độ thụ động. Nhưng tỉnh thức ở đây có thể hiểu là hành vi phản tỉnh. Phản tỉnh để nhận ra lầm lạc mà trở về với chân lý, phản tỉnh để từ bỏ đời sống tội lỗi trở về với đời sống công chính, phản tỉnh để từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô.

 

TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA

(Mt 24,37-44)

 

Viết Huy

 

Giáo hội khởi đầu một năm Phụng Vụ mới bằng Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa chuẩn bị, mong chờ ngày Chúa đến. Ngày Chúa đến trong bình diện cánh chung là ngày tận thế, ngày quang lâm, ngày sau hết, ngày tận cùng của thế giới. Ngày đó mọi người đều phải ra trước tòa Chúa, để chịu phán xét về những việc mình đã làm; ngày đó mọi sự được phơi bày ra ánh sáng, mọi người được thưởng phạt công minh. Ngày Chúa đến trên bình diện cá nhân, là ngày chết của từng người trong chúng ta; nói theo cách giảm tránh là ngày trừ trần, ngày quy tiên, ngày vĩnh biệt trần thế để đi về lòng đất mẹ... của từng người.

 

Ngày cánh chung hay ngày vĩnh biệt của từng người luôn mang tính bất ngờ, nằm ngoài sự kiểm soát và dự tính của con người.

 

Báo Dân Trí đưa tin, vào lúc 18h15 ngày 1/9/2014, chiếc xe khách thuộc hãng Sao Việt xuất phát từ thị trấn Sapa hướng về thành phố Lào Cai, khi đi đến đoạn đường thuộc địa bàn xã Toong Sành, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, thì bất ngờ tài xế mất tay lái, lao xuống vực thẳm chừng 200m, làm 12 người tử vong.

 

Vào ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng và kinh hãi, khi nghe hai tòa nhà trung tâm thương mại thế giới ở New York hoàn toàn bị bình địa bởi khủng bố và khoảng ba ngàn người chết trong đó.

 

Chắc hẳn trong số họ không ai ngờ đó là hành trình, là ngày cuối cùng của đời mình. Vì họ được bảo đảm trên chiệc xe hãng sang và được bao bọc bởi hai tòa nhà kiên cố, biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Thế nhưng: “Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ôn biết bao!” thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống” (1 Tx 5,3).

 

Qua hai biến cố trên, ta thấy được đời người luôn mang tính mong manh, bất ngờ, và không ai biết trước được ngày mình phải ra đi vĩnh viễn.

 

Chính vì tính bất ngờ của đời người, nên qua bài Tin Mừng của thánh Matthêu hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi mọi người hãy tỉnh thức và sẵng sàng. Người minh họa tính bất ngờ của ngày quang lâm, ngày tận cùng của nhân loại bằng biến cố lụt hồng thủy trong Cựu Ước: “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Cuộc quang lâm Con Người cũng sẽ như vậy” (c. 37-39).

 

Việc Chúa đến với mọi người chúng ta trong giờ chết cũng bất ngờ như biến cố thời ông Nô-ê, nên chúng ta cần phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

 

Vậy tỉnh thức ở đây được hiểu như thế nào? Tỉnh thức không chỉ là không ngủ, hay cũng không chỉ là chong đèn rồi khoanh tay ngồi chờ, cũng không phải chờ đợi với thái độ thụ động. Nhưng tỉnh thức ở đây có thể hiểu là hành vi phản tỉnh. Phản tỉnh để nhận ra lầm lạc mà trở về với chân lý, phản tỉnh để từ bỏ đời sống tội lỗi trở về với đời sống công chính, phản tỉnh để từ bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới trong Đức Kitô. Tỉnh thức ở đây cũng có thể hiểu là đời sống tâm linh luôn kết hợp với Chúa và sống trong ân nghĩa với Người. Như thế, tỉnh thức không có nghĩa chỉ ngồi chờ Chúa đến như cái xác không hồn, mà là phải luôn sống yêu thương, phục vụ, làm tròn phận vụ mà Chúa trao phó; nhất là luôn thanh tẩy tâm hồn, thánh hóa bản thân, nỗ lực gia tăng những việc lành phúc đức. Muốn vậy, cần có một tâm hồn khiêm nhường, luôn biết lắng nghe và thức tỉnh để nhận ra được đâu là ý Chúa.

 

Tóm lại, tỉnh thức là sống tròn đầy hai điều răn mến Chúa và yêu người. “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi It-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,30-31). Đây là hai điều răn cần thiết và quan trong nhất để được hưởng sự sống đời đời.

 

Đã mang thân phận con người, ai ai cũng cần suy gẫm về cuộc sống trần thế mau qua, chóng tàn này. Thật vậy, cuộc đời con người là tạm bợ, mong manh. Thế nên, ông cha ta có câu: “Đời người như hơi nước dễ tan, như hơi thở mau qua, như bông hoa sớm nở chiều tàn”.

 

Có thể nói, cuộc đời không chỉ phù du, mà còn kèm theo tính cách bất ngờ. Không ai biết được ngày nào, giờ nào Chúa đến gọi ta ra khỏi đời này. Chính vì tính chất bất ngờ đó, nên chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.

 

Chúa đến bất chợt, có thể hôm nay, ngày mai, hay ngay lúc này. Tuy nhiên, chết lúc nào, giờ nào, cách nào và thế nào, điều đó không quan trọng. Vấn đề là chúng ta đã sẵn sàng cho đời sau qua giây phút sống hiện tại như thế nào? Vì số phận mai sau của chúng ta được quyết định bằng cách sống ngay giây phút hiện tại, ngay tại đời này. Có thể nói, qúa khứ thì đã qua đi, đã trôi vào dĩ vãng, tương lai thì chưa tới, là một mầu nhiệm, chỉ còn lại giây phút hiện tại là phương tiện thiết yếu để chúng ta vun đắp “chất liệu” cho cuộc sống mai sau.

 

Nếu đời này chúng ta sống yêu thương, phục vụ; sống vị tha, khiêm nhường; sống công chính, thánh thiện... thì đời sau chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc bên Chúa. Trái lại, nếu đời này chúng ta sống trong ích kỷ, vô cảm, lãnh đạm, ghen ghét, hận thù... thì đời sau chúng ta phải chịu án phạt trầm luân và phải sống trong đau khổ, xa cách Thiên Chúa (x. Mt 25,31-46).

 

Vậy là người Kitô hữu, là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta đã sẵn sàng chuẩn bị cho giờ Chúa viếng thăm chưa? Hay chúng ta vẫn còn mê lầm trong tội lỗi, sống trong đam mê, cuồng si những thứ phù vân? Đây là câu hỏi mà mỗi người chúng ta cần phải trả lời cho chính mình hôm nay và ngay lúc này.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á