Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I Mùa Vọng, C: TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay mời gọi “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Do đó, chúng ta đừng để mình bị “chộp bắt” bất thần, như con thú sa lưới, nhưng hãy “tỉnh thức”, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác và chờ đợi Chúa đến. Vì Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến nên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

 

 

TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN LUÔN

(Lc 21,25-28.34-36)

 

 M. Giuse Tuấn

 

Mùa Vọng là khởi đầu của niềm hy vọng lớn lao, là khởi điểm của việc đón chờ Chúa đến, là thời gian để sống niềm hy vọng trọn vẹn nhất: trời mới đất mới bắt đầu từ đây, trời mới đất mới của lòng thương xót và cứu độ. Ơn cứu độ khởi đi từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, đạt tới viên mãn trong Đức Kitô Giêsu, và được biểu lộ cách trọn vẹn trong ngày cánh chung.

 

Mùa Vọng loan báo sự khởi đầu của lòng thương xót, và đương nhiên có liên quan sâu xa đến ngày chung cuộc. Nhưng viễn ảnh chung cuộc này lại được trình bày như một đổi mới tận căn, đầy hy vọng và an ủi. Với việc nhập thể của Con Thiên Chúa, Thiên Chúa đã bắt đầu đối xử loài người với lòng thương xót, và cũng sẽ xét xử công minh con người trong ngày chung thẩm với cùng một lòng nhân ái bao la. Trong chiều hướng này, Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy sống tỉnh thức và cầu nguyện luôn” để chúng ta đón chờ Chúa đến.

 

Vậy, tại sao phải tỉnh thức và cầu nguyện? Tin Mừng Lc 21,34-36 cho ta biết vì không biết ngày giờ, nên phải tỉnh thức. Mọi lúc ta hãy làm theo ý Chúa, để bất cứ lúc nào sự chết có đến ta cũng sẵn sàng. Nếu tỉnh thức thì chết có đến, không bao giờ bị bỡ ngỡ như thánh Phaolô nói: “Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy đến như kẻ trộm bắt chợt anh em” (1 Tx 5,4). Tỉnh thức thì luôn luôn cố gắng sống thanh thoát (tránh dục vọng xác thịt, kiêu căng) và chuyên chăm cầu nguyện. Nếu sống được vậy thì ngày chết sẽ là ngày vui chứ không phải là ngày sợ hãi. Ngày đó ta sẽ sẵn sàng ra đón rước Chúa, vì Ngài là người Cha nhân lành chứ không phải quan tòa kết án.

 

Do đó, chúng ta phải đề phòng, “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời”. Nếu như còn cứ chè chén say sưa, lo lắng sự đời thì làm sao ta có thể nhận ra giờ Chúa đến với vũ trụ và với mình? Vì thế, trong Bài đọc II, trích thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thessalônica, thánh Phaolô đã khuyên: “Anh em thân mến, xin Chúa gia tăng và ban cho anh em tràn đầy lòng thương yêu nhau, và thương yêu mọi người như chúng tôi đối với anh em, để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3,12-13).

 

Vì thế, chúng ta “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn hầu đứng vững trước mặt Con Người”. Theo Đức Giêsu, tỉnh thức và cầu nguyện luôn là một thái độ tiếp nhận cách trọn vẹn và hào hứng một điều có tầm quan trọng rất lớn, mà điều quan trọng nhất của Con Người Giêsu, trong mạc khải cũng như trong sứ điệp, đã mang đến trần gian qua cuộc sống cũng như cái chết của Người, chính là tình yêu và lòng xót thương cứu độ của Thiên Chúa. Toàn bộ cuộc sống Người, từ khi sinh ra mặc lấy hình hài trẻ thơ và cư ngụ giữa nhân loại, cho đến chết trên Thập Giá… là để nói lên và làm chứng cho điều duy nhất đó. Đó là Ngài thiết lập một trật tự mới, và trong trật tự này, sự xấu xa nhất trần gian sẽ không còn phải là sa ngã vào các trọng tội thuộc lãnh vực luân lý, cho dầu là nặng nề và tầy trời tới mấy, mà là lãng quên hay chối bỏ lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa, là quay mặt đi với Con Người Giêsu, là không còn “đứng trước mặt Con Người biểu hiện tột đỉnh của Thiên Chúa yêu thương và nhân hậu.

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi “tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Do đó, chúng ta đừng để mình bị “chộp bắt” bất thần, như con thú sa lưới, nhưng hãy “tỉnh thức”, luôn sẵn sàng, luôn cảnh giác và chờ đợi Chúa đến. Vì Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng, mỗi ngày đều có thể là ngày Chúa đến nên chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.

 

Bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, những giây phút đầu tiên của năm Phụng vụ mới, chúng ta được Chúa mời gọi nhìn đến đích điểm sau cùng của cuộc đời là nhìn ngắm Chúa Giêsu ở cuối chân trời lịch sử, ở điểm kết thúc cuộc đời chúng ta trên trần gian này. Chúng ta cần tỉnh thức và cầu nguyện, nhưng chưa đủ, chúng ta còn phải gia tăng sự tỉnh thức để đừng bị ngã quỵ trước những cám dỗ, những cạm bẫy làm ta xa lìa Chúa. Chúng ta cần kiên trì và gia tăng đời sống cầu nguyện nhiều hơn nữa, để Chúa Giêsu trở thành người bạn của chúng ta mỗi ngày mỗi thân mật hơn, đến độ chúng ta không còn lo sợ trước ngày Chúa đến với chúng ta, dù là cách bất ngờ hay là biết trước.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tỉnh thức và chuyên cần cầu nguyện, sống bên Chúa mỗi ngày, nhờ đó Chúa ban lại sức sống thiêng liêng, nhờ đó chúng con có thể chống trả bao cơn mê đời hằng lôi kéo khiến chúng con ưu phiền ngả nghiêng để chờ đợi Chúa đến. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á