Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I Mùa Vọng, A: Tỉnh thức đón Chúa đến

Mùa Vọng, Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính.

 

 

TỈNH THỨC ĐÓN CHÚA ĐẾN

(Mt 24,37-44)

 

Tùng Linh

 

Hôm nay, Giáo hội bắt đầu một năm Phụng vụ mới, nghĩa là một lộ trình đức tin mới của Dân Thiên Chúa[1]. Những ngày Mùa Vọng chúng ta chuẩn bị tâm hồn chờ mong Chúa đến viếng thăm chúng ta. Lần thứ nhất xảy ra trong Mầu nhiệm Nhập Thể, lần viếng thăm thứ hai được diễn ra trong hiện tại: “Chúa không ngừng đến viếng thăm chúng ta, hết ngày này qua ngày khác, Người đều bước đi bên cạnh chúng ta”[2]. Lần thứ ba, Người sẽ đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói cho chúng ta biết là Chúa viếng thăm chúng ta lúc chúng ta không ngờ, giờ chúng ta không biết. 

 

Mùa Vọng được tổ chức để chuẩn bị đón Chúa Giêsu ngự đến, gồm có hai giai đoạn: Từ Chúa nhật I đến ngày 16/12, các bản văn Kinh Thánh dùng trong Phụng vụ nói lên sự mong đợi ngày Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang; từ 17/12 đến 24/12, trực tiếp nói đến ngày sinh nhật của Người. Theo tinh thần canh tân phụng vụ hiện nay, Mùa Vọng không còn là mùa thống hối nữa mà là mùa hân hoan mong đợi, mặc dầu phẩm phục vẫn là màu tím và không đọc Kinh Vinh danh.

 

Ngày của Chúa đến thật bất ngờ. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Thời ông Nôe thế nào thì ngày con người quang lâm cũng sẽ như vậy”. Vậy thời ông Nôe người ta sống thế nào? Sách Sáng Thế cho chúng ta biết: “Đức Chúa thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu. Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng.  Đức Chúa phán: “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, Ta hối hận vì đã làm ra chúng.” Nhưng ông Nôe được đẹp lòng Đức Chúa” (St 6,5-8). Trước nạn hồng thủy thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng.

 

Chúa Giêsu còn nói thêm, trong ngày đó, hai người cùng làm việc chung nhưng một người được cứu, một người không. Nhìn vào dáng vẻ, công việc và cuộc sống bên ngoài không có gì phân biệt giữa hai người, giữa hai người nông dân đang làm việc ngoài đồng hay hai người đàn bà đang cùng ngồi xay một cối cũng thế. Tuy nhiên, trước mặt Thiên Chúa lại có sự phân biệt, có sự khác biệt giữa họ. Đó là thái độ nội tâm.

 

Hai người đàn ông đang làm ruộng thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, người kia bị bỏ lại. Qua đó ta thấy một sự tuyển chọn, mà đã nói đến tuyển chọn thì phải có sự loại trừ. Vậy ai là người bị loại trừ và ai là người được tuyển chọn? Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô nói trong bài đọc 2, trích từ thư gửi tín hữu Rôma. Những người bị loại trừ là những người chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương. Những người được tuyển chọn là những người biết tỉnh thức, biết loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Họ là những người mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và không chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Mặc lấy Chúa Giêsu Kitô là gì? Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô trả lời: “Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,26-27).

 

Vũ khí của sự sáng ở đây là gì? Chúng ta hãy nghe thánh Phaolô hướng dẫn chúng ta: “Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối. Vậy hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an; hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Ep 6,13-17).

 

Chúng ta muốn được là một trong số người được tuyển chọn thì chúng ta phải biết tỉnh thức như Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến”. Ngài nói thêm: “Nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Bởi vậy Chúa Giêsu đòi hỏi ta phải canh thức luôn mãi, vì ngày của Chúa đến thật bất ngờ, đó là “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.

 

Tỉnh thức là “hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Tỉnh thức là “anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,10-13). Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích: “Tỉnh thức có nghĩa là theo Chúa, lựa chọn những gì Chúa Kitô đã chọn, yêu thương những gì Chúa đã yêu, để có một cuộc sống phù hợp với mình” [3].

 

Câu chuyện của thánh Đaminh Savio sẽ cho ta một bài học về tỉnh thức. Một hôm cũng vào tuần lễ đầu tiên của Mùa Vọng như ngày hôm nay, ngay đầu giờ dạy giáo lý, cha Don Bosco hỏi các em thiếu niên có mặt trong lớp: “Nếu các con đang vui chơi ngoài sân, bất thần Chúa đến và bảo rằng: 10 phút nữa, Chúa sẽ gọi các con về với Chúa, thì các con sẽ làm gì ngay lúc ấy?” Cả lớp im lặng suy nghĩ. Cha Bosco gọi em Antonio, em đứng lên ấp úng trả lời: “Dạ thưa cha, con sẽ chạy ngay về nhà để từ giã ba mẹ con, rồi con sẽ quay lại kịp theo Chúa!”

 

Cha Bosco lại chỉ em Benado, cậu ta vội đáp: “Thưa cha, con sẽ về phân phát hết tủ quần áo của con cho những người ăn mày trong xóm, còn số đồ chơi thì con tặng hết cho lũ trẻ nghèo khổ. Chắc Chúa sẽ hài lòng và ban thưởng cho con nhiều hơn!”

 

Khi cha gọi đến Camillo, cậu này do dự một chút rồi trả lời, vẻ như vẫn còn bối rối ghê lắm: “Có lẽ con nên vào Nhà Thờ để ngồi cầu nguyện đợi Chúa, thời gian đâu có bao nhiêu, nhỡ Chúa đến sớm hơn một chút thì sao?”

 

Tới phiên Stephano cậu trả lời ngắn gọn: “Con sẽ xin cha cho con xưng tội ngay, chắc chắn con sẽ vào Nước Trời”.

 

Cha Don Bosco hỏi Savio cùng một câu hỏi, Savio mỉm cười đơn sơ trả lời: “Thưa cha, con sẽ vẫn tiếp tục chơi ạ!” Nghe vừa dứt, cha Bosco vui mừng chạy tới ôm chầm lấy cậu bé 12 tuổi: “Ôi đúng rồi! Đó chính là câu trả lời mà cha đã chờ suốt nãy giờ. Savio, con yêu dấu của cha, con thật là xứng đáng ra đón Chúa bất cứ lúc nào trong đời!” Đức Bênêđictô XVI nói: “Chỉ có người tỉnh thức mới không cảm thấy bất ngờ”[4].

 

Khi xưa thánh Phaolô khuyên nhủ dân thành Rôma thế nào, thì chính những lời đó cũng khuyên nhủ chúng ta như vậy. “Thưa anh em, anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần”.

 

Mùa Vọng, Giáo hội đang sống là sống với hai chiều kích: một là tưởng niệm biến cố Nhập thể làm người của Đức Giêsu Con Thiên Chúa khi Ngài sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria; hai là chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Đó là lý do chữ “chờ đợi” được người ta nhắc nhiều trong Mùa Vọng. Vì sống cả hai chiều kích, nên người Kitô hữu phải mang tâm tình của dân Cựu Ước và của chính mình ngày hôm nay. Đặc biệt là chúng ta phải luôn sống tỉnh thức để chờ Chúa đến. Chúng ta hãy cải biến con người chúng ta bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

 

 

_______________________

 

[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin ngày 27-11-2016

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin ngày 27-11-2016 

[3] Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ, gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-1-mua-vong-a

[4] Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ, gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-1-mua-vong-a

 

 

Thiết kế Web : Châu Á