Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I MC, C: VƯỢT QUA THỬ THÁCH

Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về biến cố Đức Giêsu trải qua thử thách trong bốn mươi ngày tại hoang địa, để rồi cùng với Đức Giêsu, chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Chúa Cha, tín thác nơi Người, vâng phục Người… thì chúng ta cũng sẽ vượt qua được những thử thách cam go trong thân phận người và trong đời sống đức tin của mình.

 

 

 

VƯỢT QUA THỬ THÁCH

(Lc 4,1-13)

 

 

Minh An

 

Có thể nói được rằng, sứ điệp lời Chúa trong ngày Chúa Nhật hôm nay, mời gọi mọi tín hữu cùng sát cánh với Đức Giêsu vượt qua những gian nan thử thách. Đức Giêsu đã vào hoang địa 40 ngày để chịu những thử thách do ma quỷ cám dỗ, nhưng Người đã vượt qua. Những thử thách cam go Đức Giêsu chịu đó, cũng chính là những thách đố mà hàng ngày các Kitô hữu phải trải qua.

 

Thật thế, thánh Luca dẫn chúng ta vào hoang địa để thấy Đức Giêsu chịu ma quỷ cám dỗ:“Khi ấy, Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ”. Yếu tố trong hoang địa, gởi nhớ cho chúng ta biết, xưa trong hoang địa dân Israel cũng chịu những thử thách, những cơn cám dỗ mang tính sống còn (x. Ds 11,4-34; 20,1-13; Xh 32,1-8). Tuy nhiên, dân Israel đã không vượt qua được những thử thách đó, còn Đức Giêsu đã vượt qua, vì Người có được kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa và được Thánh Thần hướng dẫn, nâng đỡ.

 

Thời gian bốn mươi ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu có lẽ cũng là hình bóng cho thời gian bốn mươi ngày Mùa Chay của chúng ta. Đây có thể nói được là thời gian của cám dỗ và thử thách, nhưng cũng vừa là thời gian của ân sủng, của cuộc gặp gỡ Thiên Chúa và được tràn đầy ơn Thánh Thần trên các Kitô hữu. Các Kitô hữu cũng sẽ vượt qua những thử thách như Chúa Giêsu trong đời sống đức tin, nếu họ cậy trông vào Chúa Giêsu và được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần.

 

Những thử thách mà Chúa Giêsu đã vượt qua trong hoang địa là những thử thách rất thực tế, xảy ra trong đời thường của các Kitô hữu, đó là: cám dỗ về miếng ăn (cái nồi); cám giỗ về chức quyền (cái ghế); và cám dỗ về đời sống tôn giáo (thử thách về niềm tin).

 

Cám dỗ thứ nhất: về miếng ăn

 

Cơn cám dỗ đầu tiên của Chúa Giêsu đó là biến đá thành bánh để ăn cho thoát khỏi cơn đói cồn cào: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi! Nhưng Đức Giêsu đáp lại: đã có lời chép rằng: người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Lc 4, 2b-4).

 

Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người có đủ quyền năng để thực hiện một phép lạ “hóa đá thành bánh”, nhưng Người đã không làm, vì Người muốn sống tư cách là Con như một con người đón nhận sự hiện hữu từ Thiên Chúa chứ không tự tại nơi mình. Hơn nữa, Người muốn đón nhận sự sống từ Cha như một ơn huệ hoàn toàn nhưng không. Như thế, ta có thể gọi Đức Giêsu là Đấng vâng phục hoàn hảo và sống đẹp ý Cha.

 

Ma quỷ cám dỗ về nhu cầu ăn uống, là nhằm đánh vào bản năng sinh tồn, đánh vào thân xác luôn đòi hỏi nâng niu, chiều chuộng của con người. Đây quả là nhu cầu thiết yếu, bởi trên thực tế, con người ta cứ mãi đánh bóng về nhu cầu vật chất, nhu cầu dung dưỡng thân xác…Khi con người chỉ chăm chú đến những nhu cầu dung dưỡng thân xác thì ắt hẳn bị lu mờ con mắt đức tin, không còn ý thức đến nhu cầu tinh thần, và nguy hiểm hơn, là đánh mất phẩm giá của mình để rơi vào một hình thức nô lệ cho vật chất và cái bụng. Do đó, họ dễ bị sa ngã.

 

Bởi thế, hãy cùng với Đức Giêsu, vượt qua thử thách này bằng cách tin tưởng vào Thiên Chúa, vào Lời hằng sống và hiệp thông với Người, vì chính Đức Giêsu đã đáp lời rằng: “Ngườ ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng do Lời Thiên Chúa phán ra”.

 

Cám dỗ thứ hai: về quyền bính

 

Cơn cám dỗ thứ hai mà Chúa Giêsu phải chịu đó là cơn cám dỗ về quyền lực: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy được trao cho tôi và tôi muốn trao cho ai tùy ý. Vậy, nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông” (Lc 4,5-7).

 

Cơn cám dỗ thứ hai này cũng lại là một nhu cầu khác, cao hơn và hấp dẫn hơn nhu cầu ăn uống, đó là quyền lực. Trong vườn địa đàng xưa, ông bà Ađam - Eva đã sa ngã bởi sự hấp dẫn bằng lời chào mời của con rắn muốn được như Thiên Chúa để biết mọi sự. Ông bà nguyên tổ đã nghe theo lời nó nên bị đánh bại, sa ngã: “Chẳng chết chóc gì đâu! Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt hai người sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4-5).

 

Ma quỷ đã nhắm vào cơn khát quyền lực vốn nằm sẵn trong tâm can của mỗi con người. Nó đã hứa hẹn“toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc”, vì nó biết rằng đàng sau những vinh hoa lợi lộc này làm cho con người ta tham vọng muốn cai trị kẻ khác và biến mình thành một thứ ngẫu tượng đáng được tôn thờ. Con người nếu không cảnh giác cao độ thì sẽ dễ bị sa ngã bởi lời chào mời hấp dẫn này như ông bà nguyên tổ xưa.

 

Chúa Giêsu đã không hề dễ dàng bị đánh bại bởi cơn cám dỗ này, vì Người luôn ý thức rằng, Người là Con Thiên Chúa và Người chỉ tùy thuộc vào một mình Thiên Chúa mà thôi: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải phụng thờ một mình Người mà thôi”. Hơn nữa, Người là Đấng Thiên Sai, mà con đường của Người đi là con đường khổ giá, chứ không phải con đường nhung lụa, con đường phẳng có kẻ hầu, người đón.

 

Ngày nay, cơn cám dỗ quyền bính vẫn mang tính thời sự trong xã hội loài người, nhất là trong Giáo hội và những người tin. Có nhiều người đã nấp dưới những vẻ bề ngoài rất cao thượng, nhưng lại chịu thỏa hiệp với những thế lực của sự dữ để thỏa mãn cơn khát quyền lực ích kỷ của mình, gây nên những thiệt hại, những đau khổ cho biết bao nhiêu người khác.

 

Để vượt qua cơn cám dỗ quyền lực này, cùng với Đức Giêsu, chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi, như chính Đức Giêsu chỉ yêu và tin vào Cha: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải phụng thờ một mình Người mà thôi”.

 

Cơn cám dỗ thứ ba: về niềm tin tôn giáo

 

Cơn cám dỗ cuối cùng trong hoang địa của Chúa Giêsu là cơn cám giỗ liên quan đến đời sống tôn giao hay niềm tin: “Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người lên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: nếu ông là con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá. Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại, đã có lời rằng: Ngươi có thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,9-11).

 

Đề thờ là nơi thánh thiêng, nơi thực hành lễ nghi tôn giáo, thế mà ma quỷ lại dùng chính nơi thánh thiêng này để cám dỗ Đức Giêsu. Đây quả đúng là cơn cám dỗ rất tinh vi, liên quan đến niềm tin tôn giáo. Nếu Đức Giêsu không giữ vững niềm tin vào Chúa Cha, không tín thác nơi Cha thì Người sẽ bị đánh bại bởi cơn cám dỗ tinh vi này.

 

Nhưng, không sao cả, ma quỷ đã thất bại dưới bàn tay của Đức Giêsu, vì Người đã không quy phục ma quỷ, mà ngược lại, Người còn dạy cho nó phải biết quy phục Thiên Chúa mới phải đạo. Sở dĩ Đức Giêsu đã chiến thắng tên cám dỗ về niềm tin nay, là vì Người trong tư cách là Con Thiên Chúa Người phải sống triệt để lòng tin của mình vào Cha. Khi sống triệt để niềm tin tưởng phó thác đó, Người sẽ chứng tỏ rằng Người là Con Thiên Chúa và là Đấng Mêsia mà đúng ra mọi quyền thần phải bái kính, thờ lạy.

 

Cơn cám dỗ thứ ba này quả đúng là rất xảo quyệt tinh quái. Vì nó không xúi giục người ta bỏ Chúa, nhưng khuyến khích người ta chạy đến cầu xin với Người để được người nâng đỡ: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng cho bạn khỏi vấp chân vào đá”, và khi không được như ý, thì làm cho con người ta dễ mất niềm tin. Nếu con người không có sự kiên định của Chúa Giêsu thì sẽ dễ bị sa lầy vào cơn cám dỗ này và bị đánh mất niềm tin của mình.

 

Hãy cùng với Chúa Giêsu, vượt qua thứ thách này bằng cách sống triệt để niềm tin của mình vào Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Người thì đời sống đức tin của chúng ta sẽ được đảm bảo và tên cám dỗ cũng khó lòng làm ta rung chuyển theo ý của nó.

 

Suy cho cùng, thời gian bốn mươi ngày trong hoang địa của Chúa Giêsu là thời gian của thử thách và ân sủng: thử thách vì Người phải chịu tên cám dỗ quấy phá tấn công, nhưng Người vẫn đứng vững; Ân sủng, vì Người được Thánh Thần hướng dẫn, nâng đỡ. Và Người được kết hợp mật thiết với Cha, tín thác nơi Cha và vâng phục Cha cách tuyệt hảo nhất, nên tên cám dỗ không thể đánh bại được Người.

 

Bốn mươi ngày Mùa Chay thánh của chúng ta cũng được gọi là những thách đố và ân sủng. Chúng ta bị thử thách bởi những cơn cám dỗ liên quan đến phận người, và đến đời sống đức tin. Nhưng cũng vừa là thời gian ân sủng Chúa ban, để chúng ta trở về với mình, gặp gỡ Thiên Chúa và được sống trong sự tràn đầy của ơn Chúa Thánh Thần.

 

Giáo hội mời gọi chúng ta suy niệm về biến cố Đức Giêsu trải qua thử thách trong bốn mươi ngày tại hoang địa, để rồi cùng với Đức Giêsu, chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Chúa Cha, tín thác nơi Người, vâng phục Người… thì chúng ta cũng sẽ vượt qua được những thử thách cam go trong thân phận người và trong đời sống đức tin của mình.

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á