Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN I MC, C: SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

“Liên đới” là một điều gì tất yếu và hiển nhiên trong vũ trụ này: Liên đới Đấng tạo hóa, với con người, với vũ trụ và muôn loài khác. Con người mang nơi mình hai chiều kích liên đới. Chiều kích với Thiên Chúa qua Đức Kitô và chiều ngang với con người, tạo vật.

 

 

 

SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI

(Lc 4,1-13)

 

Duy Khang

 

“Liên đới” là một điều gì tất yếu và hiển nhiên trong vũ trụ này: Liên đới Đấng tạo hóa, với con người, với vũ trụ và muôn loài khác. Con người mang nơi mình hai chiều kích liên đới. Chiều kích với Thiên Chúa qua Đức Kitô và chiều ngang với con người, tạo vật. Với nhãn quan này, vào ngày thứ tư lễ tro, sau khi chủ tế kêu mời người Kitô hữu sám hối qua cử chỉ xức tro với lời mời gọi: “Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta bước vào Phụng vụ Mùa Chay với các hình thức: “Cầu nguyện, hy sinh, sám hối, hãm mình, bố thí, bác ái và làm việc tông đồ”. Giáo hội muốn đưa chúng ta những điều này, vì một cách nào đó chúng ta đã xa lìa Thiên Chúa trong thời gian qua.

 

1. Liên đới với Thiên Chúa

 

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa ra hình ảnh Đức Giêsu, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã được Chúa Thánh Thần tác động đưa vào hoang địa để sống tình liên đới mật thiết hơn với Chúa Cha bằng “cầu nguyện và chay tịnh”, thời gian 40 ngày trong sa mạc. Sau thời gian đó Đức Giêsu cảm thấy đói và ma quỉ liền đến cám dỗ Đức Giêsu về ba phương diện như: Vui thú, lợi lộc và danh vọng. Nhưng Đấng mà Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết:“Ngài sống không chỉ nhờ cơm bánh nhưng còn bằng Lời Thiên Chúa nữa” (Lc 4,4). Đức Giêsu dùng câu nói của Môsê dạy dỗ dân Israel ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỉ (x. Đnl 8,3). Sự cám dỗ của ma quỉ không thắng được Đức Giêsu vì Ngài chỉ nhận quyền lực từ Thiên Chúa (x. Lc 1,32b). Đức Giêsu chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất Ngài phải tôn thờ (x. Lc 4,8). Và Đức Giêsu đã không chấp nhận nơi ma quỉ thái độ thử thách quyền năng của Thiên Chúa bằng lời Kinh thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x. Lc 4,12 ; Đnl 6,16).

 

Đứng trước những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết. Đức Giêsu luôn luôn sống trong tình liên đới với Chúa Cha, vì đây là “chiều kích liên đới của Đức Kitô hàm chứa trong Ngôi vị của Ngài”[1]. Dù bị cám dỗ về mọi mặt, nhưng Đức Giêsu đã không mềm lòng trước cái lợi và quyền lục vật chất nên Ngài chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỉ. Vũ khí Đức Giêsu sử dụng để chống lại các chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha, luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha và quyết tâm làm vui lòng Chúa Cha.

 

Khi nói đến cầu nguyên, ai cũng biết, ai cũng rõ cả! “Cầu nguyện” là điều thiết yếu của mối dây liên đới giữa Thiên Chúa và con người. Khi con người không còn cầu nguyện tức là đã vô tình cắt đứt liên đới với Ngài. Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở về với Ngài trong chay tịnh và cầu nguyện là trở về để tìm lại sự liên đới với Thiên Chúa. Chúng ta trở về với Thiên Chúa bằng hình thức cầu nguyện nguyên thủy và sơ đẳng nhất luôn xuất hiện trên môi miệng chúng ta đó làtiếng kêu la, than vãn, rên xiết”…Vì chúng ta sinh ra trong tiếng kêu la, sống trong những lời than vãn, và có khi chết trong tiếng rên xiết. Hình thức nầy xem ra thô thiển, yếu đuối, nhưng thật ra chúng ta có thể nói được, đây là điểm then chốt quan trọng mang tính chất hết sức cậy trông của con người vào Thiên Chúa. Ngay chính Đức Giêsu cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ và cao vượt hơn cả là tiếng kêu lớn của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, trong giờ phút hấp hối tưởng chừng như Thiên Chúa Cha đã bỏ rơi Ngài. Chính vì vậy, dù là Thiên Chúa nhưng Đức Giêsu cũng là con người giống như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách như chúng ta" (Dt 4,15). Như vậy, cầu nguyện không phải là thái độ mong đợi Thiên Chúa biết đến, nhưng đó là xác tín của niềm tin nơi con người vào Thiên Chúa, dư âm của nỗi khát khao ân ban từ trong tình liên đới trào vọt ra đến Đấng vô biên. Lời cầu nguyện “năng động” nhất khi chúng ta đồng hành với Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc của Ngài. Và chiều sâu của tâm hồn chúng ta lan tỏa trên bề mặt là thoát ra khỏi chính mình, để dấn thân, xả kỷ và để liên đới với người khác: từ Thiên Chúa đến tha nhân.

 

2. Liên đới với tha nhân

 

Con người sống không chỉ sống một mình, nhưng là sống cùng, sống với mọi người. Vì “không ai là một hòn đảo”[2]. Từ khởi nguyên, con người được tao dựng để sống trong tình liên đới, nhưng tội lỗi đã cắt đứt tình liên đới ấy. Con người quay lưng lại với Đấng tạo hóa, và con người đối đầu lại với nhau bằng cách tranh chấp oán thù…Bóng tối sự ác bao phủ, đau khổ chồng chất trên đầu con người. Mò mẫm trong vũng tối, mong giải quyết những thực trạng bằng chính những giải pháp của mình, nhưng con người không tìm ra lối thoát. Nhành lìa cây mà sống được sao? Thiên Chúa là “sự sống” và là “sự sống lại”. Ai tự tách mình khỏi “sự sống” là ở lại trong bóng tối của sự chết. Thiên Chúa không làm ra cái chết, Ngài đã muốn chúng ta sống và Con của Ngài đã đi từ sự chết đến sự sống để cứu chuộc nhân loại và những ai liên đới với Người thì được sống. Con người ở trong sự chết là vì chưa thực thi sự công chính của Thiên Chúa. Do đó, con người mới chỉ xé áo chứ không xé lòng, chỉ rao giảng, biên chép chứ không sống lề luật: Mến Chúa và yêu người.

 

Con người mong tìm kiếm Thiên Chúa nhưng bằng cách này hay cách khác trốn tránh khỏi tình liên đới với tha nhân chỉ vì “sợ” thua thiệt (Lc 15), mà quên đi lời Chúa dạy: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34). Chính vì sợ thua thiệt và không thực thi thánh ý của Chúa mà con người bị ma quỉ cám dỗ, nó lừa đảo rất tinh vi và xảo quyệt khi gây ra ảo tưởng để đánh lừa nhằm đưa con người vào cái bẫy là sự chết. Kẻ chủ động cám dỗ là ma quỉ, trung gian cám dỗ là người hay hoàn cảnh chung quanh. Như vậy, chúng ta có ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt. Để tránh được ba kẻ thù này, chúng ta hãy tin tưởng vào lòng Chúa thương xót như lời Đức Giêsu dạy: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt 6,13). Vậy, chúng ta hãy cậy trông và hãy tỉnh thức để cầu nguyện vì Đức Giêsu đã từng dạy và mời gọi các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ của ma quỉ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Hãy sống tình liên đới với Thiên Chúa và tha nhân, vì chúng ta yếu đuối dễ sa ngã và phạm tội nếu không được Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giêsu: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Hơn nữa, “Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,31). Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và mỗi người chúng ta phải trừ ma quỉ bằng sự cầu nguyện và ăn chay, vì: "Loại quỉ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay" (Mc 9,29). Và Đức Giêsu “muốn mỗi người chúng ta đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3,9), để trở về với Thiên Chúa.

 

Nếu con người chỉ sống cho mình thôi thì làm sao sống liên đới với người khác. Thiên Chúa thì luôn ban ơn cho người lành cũng như kẻ dữ: “Ơn Thầy đủ cho con”“ai gõ cửa thì sẽ được mở cho”(Mt 7,7b )…còn chúng ta thì sao? “Điều gì các ngươi muốn hay làm cho Ta, hãy làm cho người ta!” Muốn liên đới với Thiên Chúa hãy tìm lại sự liên đới với tha nhân. Hãy làm hòa với Thiên Chúa và tha nhân trước khi chúng ta dâng của lễ. Đó là điều kiện, là giải pháp hữu hiệu và cũng là câu trả lời cho hai chiều kích liên đới. Chúng ta hãy chiến đấu bằng sự khiêm hạ, bỏ đi ý riêng mình để vâng theo thánh ý Thiên Chúa; sống tình liên đới với mọi người chung quanh và coi thường của cải vật chất, không ham danh vọng chức quyền trần gian mà làm hại đến người khác. Hơn nữa, chúng ta:“đừng vội vàng vạch trần tội lỗi của người khác khi Chúa nhân từ che đậy tội lỗi cho bạn”. Như vậy, trong tâm tình Mùa Chay, chúng ta hãy hãm mình ăn chay và cầu nguyện để làm chủ bản thân và có lối sống tiết độ để gia tăng nội lực thiêng liêng hướng tới Đấng Siêu Việt.

 

Ước gì mỗi người chúng ta ý thức được lời mời gọi của Giáo hội qua phụng vụ Lời Chúa về mối liên đới “mến Chúa và yêu người” (Mc 12,39-31). Mỗi người chúng ta hãy hy sinh sống tâm tình Mùa Chay thánh, bớt ăn tiêu để quảng đại chia sẻ bác ái với tha nhân như Chúa hứa: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đức Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41; Mt 10,42). Hãy chuyên cần học hỏi và sống lời Chúa để đón nhận được ơn Thánh Thần thì chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma quỉ: “ma qu, thế gian và xác thịt”, hầu mỗi người chúng ta hợp nhất với Chúa trong Thánh Thần để xóa tan sự dữ của ma quỉ, nhất là biết đi trên con đường nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vụ tha nhân như Chúa, để chúng ta sẽ ngày càng lớn lên trong tình yêu mến Chúa và yêu người. Amen.

 


 _________________________

 

 

[1] x. Kitô học, tr. 21.

[2] X. Thomas Merton, “Không ai là một hòn đảo”, Thanh Bằng chuyển ngữ (SG: Văn Hóa, 1969), tr. 31.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á