Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng CN 25 TN, B (M. Hữu Quỳnh)

chúng ta có phục vụ ai chính là vì chúng ta muốn phục vụ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được ai phục vụ thì cũng chỉ vì họ đang phục vụ Chúa Giêsu nơi chúng ta.

 

Mc 9, 29-36

 

Nếu chủ đề của tuần trước Chúa Giêsu thẩm vấn các môn đệ về danh tính của Người:Người ta nói Thầy là ai? Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai” (Mc 8,2-29), thì hôm nay thánh sử Macco cho ta biết về sứ mệnh của Chúa Giêsu qua việc loan báo lần thứ hai về cuộc tử nạn và Phục sinh: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31).

Cuộc loan báo này Chúa Giêsu muốn gợi lên cho các môn đệ ta điều gì? Đâu là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn gửi cho các môn đệ?

 

Các môn đệ là những người thân tín của Chúa Giêsu, các ông đã đồng hành cùng Chúa Giêsu trên mọi bước đường, đã chứng kiến những việc Chúa Giêsu đã làm và cũng được người giáo huấn. Thế nhưng, các ông không hiểu được sứ mệnh của Người đến trần gian để làm gì. Do đó, khi Chúa Giêsu loan báo về cuộc Tử nạn và Phục sinh các ông ngớ ngấn, tranh luận để tìm địa vị cho mình khi Người về vương quốc của Người. Điển hình anh em nhà Dêbêđê đến xin cho một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang (x. Mt 20,21; Mc 10,35), lời thỉnh cầu của hai môn đệ kia làm cho các môn đệ tức tối.

Phải chăng các môn đệ theo theo Chúa Giêsu để tìm địa vị, danh vọng và quyền lợi? Đâu là bài huấn giáo Chúa Giêsu cho các môn đệ?

 

Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng Người không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Người đã mặc lấy thân phận nô lệ (x. Pl 2, 6-7), để phục vụ “Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Chúa Giêsu tự nguyện phục vụ cho các các môn đệ qua hành động rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14-15). Là  người lãnh đạo nhưng Chúa Giêsu sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Đỉnh điểm Phục vụ của Người là tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Bởi vậy, khi bị đóng đinh trên thập giá Chúa Giêsu không kêu trách, oán hận những người hành hạ bắt bớ Người, mà còn cầu nguyện cho họ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

 

Lời tiên báo của Chúa Giêsu về cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người là nói đến cái chết nhục nhã trên thập giá và sự vinh thăng của ngày phục sinh. Đồng thời Người cũng tiên báo cho các môn đệ biết về sứ vụ của các ông cũng như vậy “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Con đường theo Đức Giêsu con đường thập giá đầy dẫy những nỗi gian truân, bắt bớ, hành hạ sỉ nhục...

 

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ bài học khiêm nhường phục vụ “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”(Mc 9,35). Thực vậy, đối với Chúa, người làm lớn sẽ là người phục vụ người khác, và đối tượng được phục vụ là những người nhỏ nhất, tức là những người hèn kém, những người nghèo khổ, và phục vụ họ là phục vụ Chúa. Như vậy, chúng ta có phục vụ ai chính là vì chúng ta muốn phục vụ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được ai phục vụ thì cũng chỉ vì họ đang phục vụ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Cho nên, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ mà là chúng ta có phục vụ không và phục vụ với tinh thần như thế nào?

 

M. Hữu Quỳnh

Thiết kế Web : Châu Á