Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXII Thường Niên, năm B: "LUẬT THÁNH SẠCH" (Phê-rô Bình)

Những hình thức đạo đức bên ngoài cần phải thể hiện nội tâm của tâm hồn. Không phải rửa tay sạch là tâm hồn sạch.

 

Mc 7,1-8a.14-15.21-23

"Luật Thanh Sạch"

Vấn đề “thanh sạch, bẩn dơ” là chuyện muôn thuở, từng nơi và mọi thời. Ngay thời đại chúng ta, vấn đề “thanh sạch” cũng được mọi người quan tâm, đặc biệt vấn đề môi trường, thực phẩm bẩn quá nhiều trên thị trường là mối nguy hại cho con người ngày nay. Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy, Đức Giêsu đã tranh luận với người Pha-ri-sêu và các kinh sư, về việc giữ luật thanh sạch. Đức Giêsu khẳng định “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7,15). Như vậy, Đức Giêsu đã đi ngược lại với quan niệm về “thanh sạch” của người Do-thái.

Thiên Chúa ban lề luật cho người Do-thái như là bảo chứng của lòng trung thành giữa Dân với Thiên Chúa. Bởi vậy, đối với người Do-thái, việc giữ luật là rất quan trọng. Người Do-thái tuân giữ 10 giới răn của Thiên Chúa được ghi khắc trên bia đá qua ông Mô-sê, ngoài ra còn có bộ Thánh Kinh, trong đó ghi chép rất nhiều những truyền thống và tập tục của cha ông đã truyền lại. Cụ thể là luật Mô-sê có cả thảy 613 điều, trong đó 365 điều cấm và 248 điều buộc. Người Do-thái giữ luật rất tỉ mỉ, đặc biệt là luật ngày Sa-bát và luật “thanh sạch” mà chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

Theo đúng tập tục của tiền nhân, người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Nếu ai không làm theo luật dạy thì họ cho là ô uế, và bị loại ra ngoài. Bởi vậy, khi nhìn thấy các môn đệ Đức Giêsu dùng bữa mà chưa rửa tay, họ đã thắc mắc và cho rằng các môn đệ đã lỗi luật và vi phạm nghi thức tôn giáo truyền thống về luật thanh sạch: “Sao môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?”(Mc 7, 5). Qua đó cho thấy, người Do-thái quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”. Họ lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi giới răn của Thiên Chúa.

Bởi vậy, Đức Giêsu đã phê phán thứ tôn giáo hình thức vụ luật của người Pha-ri-sêu và các kinh sư: “Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm” (Mc 7, 8a). Họ đã lầm lạc khi không thi hành giới răn của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục của loài người. Họ chỉ thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách Chúa. Họ chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ. Hơn nữa, họ quan tâm đến vẻ hình thức bề ngoài hơn điều cốt lõi bên trong tâm hồn con người. Điều đó đi ngược lại với tinh thần của giới luật mà Thiên Chúa đã ban cho họ.

Đức Giêsu đã đề cao tinh thần của giới luật, khi khẳng định: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được, nhưng cái gì từ con người xuất ra, mới là cái làm cho con người ra ô uế” (Mc 7, 15). Chúa Giêsu đã phân biệt sự thanh sạch theo nghi thức, tập tục với sự thanh sạch mà Thiên Chúa mong muốn, đó là thái độ đúng đắn của tấm lòng, phát xuất từ bên trong tâm hồn chứ không phải chỉ là hình thức bên ngoài. Bởi vậy, con người ra ô uế hay không là do từ bên trong con người phát ra. Nếu từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người... sẽ làm cho con người ra ô uế” (x. Mc 7,15.21-23).

Nếu trong con người phát ra những lời yêu thương, được hành động cách cụ thể qua giới răn “mến Chúa và yêu người” (x. Mc 12,30) thì con người mới trở nên thanh sạch trước mặt Thiên Chúa. Giới răn mà Thiên Chúa đã ghi khắc vào tâm hồn con người, không ai được thêm bớt gì ngoài giới răn đó. Như trong Sách Đệ Nhị Luật: “Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa” (Đnl 4,2). Chỉ cần sống theo luật Chúa thì con người sẽ được thanh sạch. Nhờ sống theo luật Chúa con người có thể tìm lại được chính mình nơi Thiên Chúa và tha nhân.

Như vậy, mến Chúa và yêu tha nhân mà không thể hiện bằng hành động là thứ tình yêu giả dối, chỉ có trên đầu môi chót lưỡi. Người Do-thái, họ chỉ sống theo luật của tiền nhân một cách cứng ngắc mà không sống đúng tinh thần của lề luật. Họ giữ luật cách hình thức bên ngoài; hay nói cách khác, họ chỉ giữ luật theo mặt chữ, mà mặt chữ sẽ dẫn đến sự chết; còn luật Chúa sẽ làm cho sống nhờ Thần Khí: “Chữ viết thì giết chết, nhưng Thần Khí thì ban sự sống” (2Cr 3,6). Nhờ Thần Khí, con người trở nên thanh sạch không chỉ trong tâm hồn mà cả nơi thân xác nữa.

Cũng vậy, trong đời sống đạo đức, cái có thể làm cho chúng ta ra ô uế thường phát xuất từ bên trong tâm hồn mà ra. Những hình thức đạo đức bên ngoài cần phải thể hiện nội tâm của tâm hồn. Không phải rửa tay sạch là tâm hồn sạch. Điều quan trọng là chúng ta có một tâm hồn thanh sạch lòng ngay. Qua đó, Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng: những thứ từ bên trong con người phát ra, tức là những tư tưởng xấu sẽ làm cho con người ra ô uế. Thế nên, hãy chỉnh đốn lại tâm hồn mình hơn là chú ý những hình thức bên ngoài dễ có tính hình thức, đôi khi còn giả hình.

Tóm lại, qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu muốn cho chúng ta thấy, con người ra ô uế không phải từ bên ngoài vào, như “rửa tay trước khi ăn” như người Do-thái quan niệm, nhưng từ lòng con người phát ra những ý định xấu và làm những điều sai trái mới làm cho con người ra ô uế. Qua đó, Đức Giêsu dạy cho chúng ta bài học, đó là sự thanh sạch đích thực không phải cái mã bề ngoài; nhưng sự thanh sạch đích thực nằm trong tâm hồn con người.

Pet. Bình

Thiết kế Web : Châu Á