Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật VIII Thường Niên, Năm C (M. Bảo Hạnh)

Đạo đức giả hay lối sống giả hình là hình thức bề ngoài tốt lành thánh thiện nhưng tâm địa cực kỳ xấu xa. Đây là lối sống của rất nhiều người trong xã hội hôm nay.

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN, NĂM C (Lc 6,39-45)

 

M. Bảo Hạnh

Lời Chúa hôm nay bao hàm nhiều ý nghĩa để cho chúng ta suy niệm và áp dụng trong cuộc sống như: Gương mù gương xấu, sống giả tạo hay sống đạo đức giả, và con người tốt hay xấu là tự bản chất của họ. Ở đây, người viết xin khai triển một ý nhỏ, đó là lối sống đạo đức giả mà con người qua mọi thời vẫn còn vướng mắc vào nó.

Đạo đức giả hay lối sống giả hình là hình thức bề ngoài tốt lành thánh thiện nhưng tâm địa cực kỳ xấu xa. Đây là lối sống của rất nhiều người trong xã hội hôm nay.

Trong kho tàng văn chương dân gian có rất nhiều câu thâm thúy để mỉa mai, chê trách và lên án những hạng người này như: “Người thật lòng gian”, “ném đá giấu tay”, mạnh hơn nữa là những người sống “bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu gọi họ là nhưng kẻ “mồ mả tô vôi”, “những kẻ sống giả hình” hay Vịnh Gia gọi họ là những người sống đạo hình thức: “Miệng thì chúc phúc cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời” (Tv 62,5).

Chúa Giêsu, trong Tin Mừng hôm nay, cũng dùng dụ ngôn để giáo huấn các môn đệ về lối sống của những kể giả hình hay đạo đức giả này: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì không để ý tới?” (Lc 6, 41). Cả cái xà rất lớn chặn trước mắt họ thì họ không để ý đến nên họ không thấy, trong khi chỉ là cái rác nhỏ, là cái dằm trong mắt của anh em mình, họ lại để ý. Nói đúng hơn, họ chẳng nhận ra mình là vì „cái xà tà tâm“ đã che mất tầm nhìn của họ, họ tự nhận mình là sáng còn người khác thì đen tối nên họ càng tối hơn: “Nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào” (Mt 6, 23).

Thật vậy, người sống đạo đức giả là người luôn tô điểm cho mình bên ngoài một vẻ đẹp mĩ miều, nhằm che đậy cái xấu xa, giả tạo của mình. Họ sống với người bằng mặt chứ không bằng lòng, bởi thói hay ghen tương, so đo tính toán luôn ẩn chứa trong lòng họ. Họ luôn cho mình là nhất, là tốt. Bên ngoài, họ thích phô trương bằng những lời nói, hành động tốt của mình để mưu cầu lợi ích riêng, nhưng bên trong lại chất chứa sự xấu xa là tà tâm hay ác tâm. Vì tâm họ không thẳng, lòng họ không ngay, nên họ luôn tìm cách luồn lách lừa dối anh em, bạn bè, phản bội gia đình, người thân, hoặc xoi mói từng chăn tơ kẻ tóc, và xét đoán người khác, thậm chí là hạ bệ người khác, nhưng chính họ, họ lại sống chả ra gì nhưng luôn luôn tỏ vẻ là người công chính.

Ngoài xã hội, trong gia đình, thậm chí là trong cộng đoàn tu trì, căn bệnh đạo đức giả vẫn đeo bám một số thành phần nào đó làm ảnh hưởng đến đời sống của các thành viên. Phần đa hạng người này là những kẻ ham danh, hám lợi, chạy theo vật chất và hành động của họ rất thâm hiểm, luôn tô điểm cho mình một bình phong hoàn mĩ, dán mác người công chính, người quân tử…và xem người khác không ra gì. Họ chê trách, xâm xỉa, thọc mạnh người khác. Mình sai thì dùng môi dùng miệng theo kiểu “cả vú lấp miệng em” hay qua loa cho qua chuyện, trong khi anh em lỡ gây ra lỗi lầm nho nhỏ thì lại xé ra to; phanh trần, lên án hay tìm cách mách lẻo, tâu báo cấp trên, bề trên với mục đích là để hạ bệ người anh em mình, nhằm hướng quyền lợi về cho mình.

Với tư tưởng mồm loa mép giải, hạ bệ anh em để mình được thăng tiến đã là xấu rồi, chưa cần xét đến bản chất đạo đức của họ như thế nào. Theo tiến sĩ Trần Thì Giồng, trong tác phẩm „Họa phúc từ đâu đến“, thì hạng người này thường gây họa cho người khác bằng lời nhiều hơn là hành động. Đó là những người “đi gieo những gì làm ô nhiễm tâm hồn và cuộc sống của mình và của người khác, xúc phạm làm tổn thương đến giá trị, hủy hoại thanh danh đồng loại” (Tr. 9). Với người cả tin, hay những người cầm quyền, bề trên có tính cả nể, thích vuốt ve, xu nịnh; lời nói của kẻ đạo đức giả nghe có vẻ mĩ miều, đẹp đẽ, ấm lòng, nhưng vô tình đó lại là những lời gây chia rẽ, ngờ vực nhau, làm lệch lạc lối nhìn, lối nghĩ của người bề dưới. Lời nói của kẻ đạo đức giả có thể hủy hoại cuộc sống, đem lại buồn đau tủi nhục cho đồng nghiệp, cho người thân trong gia đình và cho người anh em mình trong cộng đoàn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu đã lên án gay gắt: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6, 42). Không những thế, Chúa Giêsu còn lên án và chúc dữ nhiều nơi khác trong Tin Mừng: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ...,các ngươi sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn” (Mt 23, 14).

Nguyên nhân của lối sống không chân thật này nó đến từ nhiều khía cạnh khác nhau như: môi trường giáo dục từ gia đình, học đường chưa chuẩn mực. Ảnh hưởng từ sự tha hóa đạo đức của xã hội hiện thời, một xã hội mà mọi người, mọi nhà và mọi nơi, mọi chốn đều có thể nói dối, lừa gạt nhau, chà đạp nhau. Những nguyên nhân này tạo cho con người có sự thay đổi về bản chất thiện của mình thành con người tha hóa về đạo đức. Họ trở nên những kẻ ma mãnh, ma lanh, ganh đua, thù ghét và tranh dành với người khác trên mọi lĩnh vực.

Là người Kitô hữu, mục đích của chúng ta hướng đến điều tốt, điều thiện hảo, là Thiên Chúa. Chính Ngài là Đấng tột đỉnh của sự thiện. Vì vậy, chúng ta hãy đến với Ngài “vì ách của Ngài êm ái, gánh của Ngài nhẹ nhàng”. Với đều kiện tâm hồn ta trong sáng, và sống đúng với bản chất của mình, sống thật với chính mình. Luôn luôn tự nhận biết mình là thân phận tội lỗi. Một khi nhận biết mình là lúc chúng ta mở ra tương quan với Thiên Chúa, và với tha nhân bằng tình mến và lòng bác ái. Triết gia cổ đại Hy-lạp Socrate đã từng khẳng định: “Hãy tự biết mình”. Ai biết mình sẽ thành công trong cuộc sống, ai không tự biết mình sẽ đi đến thất bại và đôi khi có thể hủy hoại cả cuộc đời. 

Không biết mình nhưng lại cho là biết người là một sai lầm lớn, vì “con người là một huyền nhiệm”, chỉ có Đấng sáng tạo mới biết được mọi sự nơi con người mà thôi.

Vì vậy, chúng ta phải tập tu tâm dưỡng tính, tự xét mình mỗi ngày để nhận thức mình là thân phận mỏng giòn và tội lỗi, chứ không phải là vỏ bọc người công chính để làm thẩm phán trước anh em mình. Phải suy xét con nguời mình, hiểu mình để hiểu nguời và sống thật với chính mình. Một khi biết mình và sống đạo đức, chúng ta sẽ biết cách gieo kinh nghiệm, kiến thức, tư tưởng, chia sẻ những ý tưởng, những lời hay ý đẹp, giúp người khác thoát khỏi những lo buồn, căng thẳng, để tâm trí họ được bình an; giúp họ thoát khỏi những lỗi lầm mắc phải, đó mới là người sống công chính.

Lạy Chúa, Chúa biết lòng con nhưng chúng con nhiều khi quên lãng Chúa. “Xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa” như thánh Augustino khi xưa từng khẩn nài xin Chúa, để chúng con biết yêu mến Chúa và hiệp thông với tha nhân trong cuộc sống. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á