Suy niệm

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, NĂM B: “CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG” (M. Bêđa)

Chết cho tội lỗi là chết cho ý riêng mình, là chết cho những đam mê dục vọng làm ta xa lìa Chúa...

 

Ga 12, 20-32

“CHẾT ĐỂ ĐƯỢC SỐNG

M. Bêđa 

Hôm nay là Chúa Nhật V Mùa Chay năm B, cũng là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Chay. Gần bước vào Tuần Thánh, phụng vụ lời Chúa cho chúng ta suy niệm về ý nghĩa cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu trên thập giá. Tin Mừng thánh Gioan hôm nay đã dùng hình ảnh hạt lúa được gieo vào lòng đất phải mục nát để trổ sinh nhiều bông hạt khác. Thiết tưởng, đó cũng là hình ảnh Chúa Giêsu đã báo trước cho mọi người biết Người sẽ phải chết, và qua cái chết đó sẽ mang lại ơn cứu độ cho những ai tin vào Người.

Trước hết, bằng một lời mạc khải, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh hạt lúa được gieo xuống lòng đất để báo trước cuộc khổ nạn của Người sắp phải chịu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ‘Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Theo định luật tự nhiên, hạt lúa hay bất cứ thứ hạt giống thực vật nào đều mang một ý nghĩa truyền sinh, hay một mầm sống. Nhưng để mầm sống đó được phát triển và sinh hoa kết trái, nó phải trải qua tiến trình biến đổi  hoàn toàn, nghĩa là phải mục nát và chết đi. Chẳng hạn, để có mùa gặt bội thu, trước đó phải có những hạt lúa được gieo vào lòng đất và phải trải qua trạng thái biến đổi, từ dạng hiện thời là hạt lúa để trở  thành cây lúa và trổ sinh nhiều bông hạt khác. Có thể nói, Đức Giêsu chính là hạt lúa được Chúa Cha gieo vào trần gian. Người đã chấp nhận quy luật này là sẽ phải chịu đau khổ, phải vác thánh giá và nhất là phải chấp nhận chết đi. Nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã không đi vào ngõ cụt như những người đương thời lầm tưởng là họ đã tiêu diệt được Người. Nhưng thực ra họ đã lầm, vì qua cái chết của Người mà Người đã mở ra một sự sống bất diệt, để quy tụ tất cả mọi người thành một cộng đoàn đông đảo được hưởng ơn cứu độ.

Tiếp đến Đức Giêsu nói rõ hơn: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”. (Ga 12,25). Nhìn vào lịch sử Giáo Hội thời sơ khai, chúng ta biết rằng: Dưới thời các hoàng đế La-mã, Giáo Hội đã phải trải qua 300 năm cấm cách bách hại đạo một cách dã man, và không biết bao nhiêu người đã đổ máu ra làm chứng cho đạo Chúa. Cũng vậy, đọc lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, chúng ta biết Tin Mừng được rao giảng vào thế kỷ 16, từ đó cho đến thế kỷ 19, trải dài hơn ba thế kỷ cũng đã gặp bao cấm cách, nhất là thời Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã có trên 130.000 người đã hy sinh mạng sống để truyên xưng đức tin. Trong số đó có 117 vị đã được Giáo Hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Cái chết của các vị tử đạo nói lên rằng: Sự sống này không phải là tuyệt đối, và cái chết cũng chưa phải là hết, hay là cùng đích, nhưng là cửa ngõ dẫn đưa chúng ta về với Đấng mà chúng ta đã tin và tôn thờ. Cũng qua cái chết của các ngài mà sản sinh một Giáo Hội Việt Nam hùng mạnh hôm nay. Hay như câu nói lừng danh của Tertuliano: “Những hạt máu của những vị tử đạo là những hạt giống làm nảy sinh ra những người kitô hữu khác”.

Sau cùng, noi theo Đức Kitô và các thánh tử đạo Việt Nam, mỗi người kitô hữu chúng ta cũng được Chúa mời gọi hãy trở thành những hạt lúa cần phải vùi xuống đất, chết đi để trổ sinh nhiều bông hạt. Chúng ta không có diễm phúc chết như Chúa hay các thánh tử đạo về thể xác, nhưng chúng ta hãy chết cho tội lỗi.

Chết cho tội lỗi là chết cho ý riêng mình, là chết cho những đam mê dục vọng làm ta xa lìa Chúa. Chết cho tội lỗi cũng có nghĩa là chết cho những toan tính gian tham và độc ác, chết cho tính ích kỷ và hận thù của chúng ta. Hay nói theo thánh Phaolô là chết cho con người cũ của chúng ta, để qua đó trở thành con người mới theo hình ảnh Thiên Chúa.

 “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22) . Như vậy, theo quan niệm của thánh Phaolô về con người cũ là con người sống, yêu, ghét, suy nghĩ và hành động theo sự thúc đẩy của satan, của ma quỷ, khiến con người không cưỡng nổi quyền lực của nó.  Ngược lại, con người mới là con người biết từ bỏ cách nói năng, hành động, suy nghĩ theo kiểu của thế gian, của xác thịt, để mặc lấy con người mới là con người của Đức Kitô, nói năng, hành động, suy nghĩ theo Người. Và chúng ta cũng có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Ước gì, trong Mùa Chay Thánh này là cơ hội giúp mỗi người chúng ta biết hoán cải đời mình là chết cho tội lỗi, cho con người cũ, để trở thành con người mới, con người sống thánh thiện hơn, mến Chúa và yêu người hơn, cũng giống như hạt lúa mì phải chết đi, thì nó mới sinh được nhiều bông hạt khác.

 

M. Bêđa Phùng-Bá-Mỹ

Thiết kế Web : Châu Á