Suy niệm

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Thứ IV Thường Niên, Năm C (M. Pacomio)

Những con người đau khổ đến với Đức Giêsu không phải để xem những điều lạ lùng nơi Đức Giêsu, nhưng họ đến với lòng khao khát được Ngài giải thoát khỏi đau khổ.

 

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Thứ IV Thường Niên, Năm C (Lc 4,21-30)

Đan sĩ: M. Pacomio Nguyễn Sơn Vinh

Người đời thường có câu: “Nhất thân, nhì thế”. Khi có người thân trong gia đình hay trong dòng họ làm lớn, người ta thường dễ cậy dựa vào thế người đó để tìm lợi lộc về cho mình. Xa hơn nữa, nếu trong làng mình có người làm quan, thì cả xóm cũng được thơm lây. Quả đúng như lời nói được lưu truyền trong dân gian: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Đó là quan niệm, là cách sống của người đời. Còn đối với Đức Giêsu, Ngài không sống theo quan niệm này. Ân sủng của Ngài không dành ưu tiên cho người thân, xóm làng nhưng được mở ra với hết mọi người, đặc biệt những con người nghèo nàn và đau khổ nhất.

Trước khi Đức Giêsu về quê, danh tiếng Ngài được đồn thổi khắp vùng. Chắc hẳn những dân làng Nazaret, quê hương Đức Giêsu, cũng đã nghe về danh tiếng của Ngài. Họ cảm thấy hạnh diện vì trong làng có người làm được những việc kỳ diệu. Tuy nhiên, “trăm nghe không bằng mắt thấy”, họ ao ước có một ngày nào đó được gặp lại Đức Giêsu và thấy tận mắt những điều lạ lùng mà Đức Giêsu đã từng làm khắp các vùng lân cận. Điều ước của họ gần trở thành hiện thực khi Đức Giêsu về quê. Ngài vào hội đường và giảng dạy cho dân chúng. Chứng kiến tận mắt những lời giảng dạy của Đức Giêsu, “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” (Lc 4,22). Trong thâm tâm, họ muốn thấy những dấu lạ nơi Đức Giêsu. Thế nhưng, nguyện ước của họ không thành hiện thực.

Câu hỏi được đặt ra, tại sao Đức Giêsu không làm dấu lạ tại quê hương mình? Phải chăng do dân làng không tiếp đón Đức Giêsu? Cho tới lúc Đức Giêsu từ chối làm phép lạ tại quê hương Ngài, không có một chi tiết nào nói lên sự ngược đại của dân làng đối với Đức Giêsu. Không những vậy, họ còn “tán thành và thán phục” về những lời giảng dạy của Đức Giêsu. Hơn nữa, nếu những người dân Nazaret muốn Đức Giêsu làm phép lạ thì một cách nào đó, họ công nhận Đức Giêsu là ngôn sứ, một người đáng được trân trọng.

Tuy nhiên, dù dân làng không có phản ứng ra bên ngoài, nhưng Đức Giêsu có thể hiểu thấu cõi lòng của họ. Ngài biết dân làng Nazaret muốn có sự ưu tiên đón nhận các phép lạ mà Đức Giêsu đã từng làm nơi các vùng lân cận. Điều này được thể hiện qua câu nói: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình”. Quả thật, câu nói này tuỳ vào từng bối cảnh mà có nhiều nghĩa khác nhau. Nhưng trong bối cảnh này, đây có thể là lời trách móc của người dân Nazaret đối với Đức Giêsu. Họ trách Ngài không chịu làm phép lạ tại quê nhà, mà lo quan tâm đến những nơi khác. Theo quan niệm của những người đồng hương với Đức Giêsu, việc Đức Giêsu làm phép lạ tại quê nhà là một chuyện đương nhiên, vì thầy thuốc phải dành sự ưu tiên chữa bệnh cho mình, cho người thân của mình trước rồi mới đến người ngoài. Đây phải chăng là một sự ích kỷ, không muốn chia sẽ ân sủng với tha nhân.

Mặt khác, một con tim đóng kín, một thái độ không biết chia sẽ là điều đi ngược lại với mong muốn của Đức Giêsu. Thật ra, Đức Giêsu đến trần gian không phải để cứu độ một cá nhân hay một nhóm người nào, nhưng cứu độ cả nhân loại. Nơi Ngài không có sự ưu tiên vùng miền; Ngài cũng không dành sự ưu tiên người Do Thái hơn dân ngoại, nhưng Ngài đến với tất cả những ai cần đến Ngài. Hơn nữa, những con người được Đức Giêsu quan tâm hơn cả không phải là những bà con láng giềng của Ngài mà chính là những con người đau khổ nhất, những con người bị xã hội bỏ rơi.

 Những con người đau khổ đến với Đức Giêsu không phải để xem những điều lạ lùng nơi Đức Giêsu, nhưng họ đến với lòng khao khát được Ngài giải thoát khỏi đau khổ. Ngoài niềm tin và lòng thành, những con người bị xã hội bỏ rơi đến với Đức Giêsu với sự đơn sơ và khiêm nhường. Điều này trái ngược với lòng tự cao tự đại của dân làng Nazaret, những con người nghĩ mình cùng quê với Đức Giêsu nên thiếu đi lòng khiêm nhường, xem mình có sự ưu tiên trong việc đón nhận ân sủng.

Như thế, khi từ chối làm phép lạ tại quê hương mình, Đức Giêsu muốn nhắn nhủ đến những người đồng hương của Ngài là không ai có quyền đòi hỏi, hoặc hưởng đặc quyền đón nhận ân sủng. Ân sủng được ban không qua mối tương quan huyết tộc hay hàng xóm, nhưng được ban một cách nhưng không cho hết mọi người, kể cả dân ngoại và những hạng người bị xã hội bỏ rơi.

Người Kitô hữu sau khi chịu phép rửa tội đều tạo nên một mối tương quan thân thiết với Đức Giêsu. Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng mình là người Công Giáo, là linh mục hay tu sĩ mà thiếu sự cố gắng, hay tỏ thái độ kiêu căng thì chắc hẳn sẽ bị Đức Giêsu từ chối như người đã từng làm với những đồng hương của Ngài.

Thiết kế Web : Châu Á