Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh, Năm C (M. Phêrô Bình)

Chúa Giêsu - Mục tử nhân lành đã dùng động từ “biết” để diễn tả một mối tương quan thân mật giữa chủ chiên và đàn chiên. Cái “biết” thâm sâu đó không phát xuất từ kiến thức của cái đầu, nhưng phải đến từ lòng tin yêu cảm mến của con tim. Chúa Giêsu biết từng con chiên đồng nghĩa với việc Ngài yêu thương từng con chiên một.

 

NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH

(Ga 10,27-30)

 

M. Phêrô Bình

Bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để diễn tả sự quan tâm và lòng yêu thương của Thiên Chúa đối với Dân Người. Chúa Giêsu tự giới thiệu Người là Mục tử nhân lành (x. Ga 10,11). Người Mục tử yêu thương, chăm sóc và biết từng con chiên của mình. Như Người đã nói: “Chiên Tôi, thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27). Tại sao Chúa Giêsu lại dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để nói về mối tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người? Qua hình ảnh đó, Đức Giêsu muốn nói điều gì?

Hình ảnh người mục tử và đàn chiên rất gần gũi, gắn liền với lối sống du mục của dân Israel. Dân Israel chủ yếu sống bằng nghề chăn chiên. Ngày qua ngày, người mục tử và đàn chiên sống với nhau trên các sườn núi và đồng cỏ. Do đó, người mục tử biết rõ từng con chiên, mỗi con chiên cũng nhận biết tiếng của mục tử, và dễ dàng phân biệt với tiếng của người lạ. Hơn nữa, bản chất của con chiên thuộc vào loài động vật hiền từ và luôn nghe theo tiếng chủ. Chúng hiền đến nỗi dễ bị sói dữ rình rập ăn thịt. Bởi đó, vai trò của người mục tử là phải bảo vệ cho đàn chiên được an toàn, và dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh, nguồn suối mát trong để nghỉ ngơi.

Hình ảnh đó được báo trước trong Cựu ước để nói về Thiên Chúa là Vị Mục Tử nhân lành: “Thiên Chúa Giavê là Vị Mục Tử nhà Israel, là Đấng chăn giữ nhà Giuse” (Tv 80,2); “còn Israel là đoàn chiên do tay Người dẫn dắt” (Tv 79,13). Mỗi lần dân Israel đi xa đường lối của Thiên Chúa, Người lại kêu gọi họ hoán cải, trở về với Người, đồng thời Người hứa sẽ ban cho họ một Vị Mục Tử Mới, một Đavit mới, để hướng dẫn họ (x. Ed 34,23-24).

“Vị Mục Tử Mới” mà ngôn sứ Êdêkien nói tới chính là Chúa Giêsu Kitô, như Người đã từng nói: “Tôi chính là vị mục tử nhân lành” (Ga 10,11). Chúa Giêsu dùng hình ảnh người Mục Tử nhân lành để phác họa dung mạo của chính Người, và để bày tỏ chính mình cho con người. Người cũng dùng hình ảnh con chiên để nói về những ai đi theo Người, những ai thuộc về Người: “Chiên Tôi, thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27). Thật vậy, trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, Người luôn quan tâm, yêu thương, chăm sóc tất cả mọi người. Thế nhưng không phải ai cũng nghe được tiếng của Người, hay nói đúng hơn nghe mà không hiểu. Như trong bài Tin mừng hôm nay, khi người Do thái không nghe Người giảng dạy, không tin theo và chống lại Người. Phải chăng họ không thuộc về đoàn chiên của Chúa?

“Chiên Tôi, thì nghe tiếng Tôi”, chỉ những ai thuộc về đoàn chiên của Chúa thì mới nghe được tiếng Chúa. Tuy nhiên, để nghe được tiếng Chúa, chúng ta cũng phải biết lắng nghe. Lắng nghe không chỉ bằng đôi tai thể lý, nhưng cần phải lắng nghe tiếng Chúa bằng “tai lòng”. Để làm được như vậy, chúng ta cần phải có sự thinh lặng nội tâm. Bởi vì, Ngài không nói trong những bầu khí ồn ào ầm ĩ. Nhưng Ngài nói trong sự thinh lặng, chỉ những ai sống trong thinh lặng mới lắng nghe được tiếng Chúa, người đó thuộc về đoàn chiên của Chúa. Vậy chúng ta đã thực sự nghe tiếng Chúa chưa?

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào và náo nhiệt; trong khi tiếng Chúa thì quá nhẹ nhàng, nhẹ nhàng như lời thì thầm của gió, sâu thẳm như tiếng nói vọng từ đáy đại dương. Tiếng Chúa bị che lấp bởi muôn ngàn tiếng ồn ào luôn vang vọng bên tai chúng ta, đó là những thú vui vật chất như: tiền bạc, địa vị, danh vọng, đam mê… những thứ đó đã làm chúng ta không còn nhìn thấy Chúa, không còn nhận ra Chúa nữa. Thánh Augustino đã từng thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa ở trong con mà con cứ đi tìm Chúa ở bên ngoài”. Bởi vậy, chúng ta hãy trở về với cõi lòng mình để nhận ra Chúa, biết Chúa như Chúa biết chúng ta: “Tôi biết chúng và chúng theo Tôi” (Ga 10,27). 

Chúa Giêsu đã dùng động từ “biết” để diễn tả một mối tương quan thân mật giữa chủ chiên và đàn chiên. Cái “biết” thâm sâu đó không phát xuất từ kiến thức của cái đầu, nhưng phải đến từ lòng tin yêu cảm mến của con tim. Chúa Giêsu biết từng con chiên đồng nghĩa với việc Ngài yêu thương từng con chiên một. Đặc biệt, Chúa yêu thương những con chiên bệnh hoạn, ghẻ lở và xa lạc. Như trong dụ ngôn con chiên lạc, Chúa đã bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc (x. Lc15,4-7). Chúa qui tụ chúng thành đoàn chiên và chăm sóc chúng.

Hình ảnh Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành đã trở nên khuôn mẫu tuyệt hảo nhất cho tất cả những mục tử ngày hôm nay. Tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh Lễ làm Phép Dầu, trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh (28.3.2013), ngài nói với các Linh mục: “Tôi yêu cầu anh em hãy là những mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”. Đức Thánh Cha đã gợi lên một hình ảnh thật ấn tượng: mục tử phải có mùi của chiên. Người chăn chiên sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình đến nỗi mùi của chiên đã ngấm vào không những áo quần mà cả da thịt mục tử. Có như vậy, người mục tử mới biết, hiểu được con chiên của mình.

Tóm lại, qua bài Tin mừng hôm nay, thánh Gioan cho thấy Chúa Giêsu là Mục tử nhân lành. Ngài sống gần gũi, gắn bó với đàn chiên, lo lắng chăm sóc, bảo vệ đàn chiên của mình. Chúng ta là con chiên của Chúa, cũng được Chúa yêu thương, mặc dù khi chúng ta phạm tội, Chúa vẫn yêu thương và đi tìm chúng ta trở về. Bởi vì, chúng ta thuộc về đàn chiên của Chúa, và Chúa biết chúng ta. Cái “biết” thâm sâu đó làm chúng ta quyến luyến, gắn bó và ràng buộc đời mình với Chúa, giúp chúng ta từ bỏ chính mình để đi theo Chúa và có được cuộc sống hạnh phúc trong đàn chiên của Ngài. Amen.

Thiết kế Web : Châu Á