Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay, Năm C (M. Viết Huy)

Khi chúng ta phạm tội, là lúc chúng ta khước trừ tình yêu của Thiên Chúa để đi hoang như người con thứ, và lúc chúng ta hận thù, ghen ghét, tẩy chay anh em mình, là lúc chúng ta trở thành người anh cả. Vì thế, chúng ta cũng cần trở về!

 

TÌNH YÊU PHỦ LẤP MUÔN VÀN TỘI LỖI

(Lc 15,1-3.11-32)

 

 M. Viết Huy

Cuộc sống sẽ toàn màu xám, u buồn, hận thù, thiếu niềm vui và hạnh phúc nếu không có vẻ đẹp và sự lấp lánh của tình yêu. Tình yêu là lối đi, là sợi dây liên kết con người lại với nhau, là sức mạnh, là niềm tin giúp con người vươn tới hạnh phúc. Vậy, phải chăng nếu vắng bóng tình yêu, con người sẽ rơi xuống vực sâu của bất hạnh? Ngoài con đường mang tên “tình yêu”, có còn lối đi nào dẫn con người tới bến bờ hạnh phúc không?

Để trả lời một phần nào cho câu hỏi này, chúng ta cùng tìm hiểu qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, được trích trong đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, chương 15,1-3.11-32, mà Giáo hội cho con cái mình nghe ở Chúa Nhật IV Mùa Chay,  Năm C.

Qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, hay còn được gọi là “Người con hoang đàng”, thánh Luca cho chúng ta xem một đoạn phim nói về tình yêu và lòng nhân từ của người cha đối với hai người con bất hiếu.

Để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ qua những cuộc vui thấp hèn, người con thứ đến xin người cha già chia gia sản: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia tài sản cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ gom tất cả rồi trậy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình” (cc.12-13). Người con thứ khước từ tình phụ tử, đoạn tuyệt với người cha già đã nuôi dưỡng, cưu mang anh, để ra đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Anh ra đi với một số tiền kếch xù, mục đích không phải tìm cho mình một tương lai, hay tự gầy dựng sự nghiệp, nhưng để thoát khỏi sự bao bọc, chở che của người cha; không còn bị ràng buộc bởi gia đình, làng xóm chi phối, hầu tự do sống theo ý thích; thỏa mãn thú vui hưởng thụ, ăn chơi, phóng đãng của mình. Anh đã phung phí hết tài sản do mồ hôi, công sức của người cha làm ra vào những cuộc vui vô bổ. Khi anh hết tiền, cũng là lúc anh bị đẩy xuống đáy của xã hội, phẩm giá của một con người trong anh dường như không còn. Chính Tin mừng Luca nói: “Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho” (c.16). Lúc cơ cực và tủi nhục nhất, anh mới nhận ra sự sai trái, lỗi lầm của mình và quyết tâm đứng lên trở về nhà cha.

Tình cảnh người anh cả cũng chẳng hơn, tuy sống với cha mình trong một mái ấm, nhưng từ lâu con tim anh đã trở nên băng giá, không còn chỗ cho người cha. Anh xem cha mình như một ông chủ hà khắc, còn anh chỉ là một đứa ăn, đứa ở trong nhà. Anh nói: “Cha coi, đã bao năm trời tôi hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để ăn mừng với bạn bè” (c.29). Thậm chí anh khước từ luôn người em của mình: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng” (c.30). Đứng trước những đứa con vô tâm, vô tình, bất hiếu..., thiết tưởng người cha già đau khổ tột cùng, lòng ông tan nát, sự xúc phạm đã lên tới đỉnh điểm.

Tâm trạng mỗi người khi nghe tiến trình câu chuyện, xem ra dễ có một thái độ ấm ức, trách móc, lên án hai người con bất hiếu và đồng cảm với nỗi lòng xót xa của người cha già. Trong tâm thức đó, người nghe thường phóng cái nhìn của mình vào cương vị người cha để dệt nên những tình tiết theo ý chủ quan cá nhân, và muốn đẩy câu chuyện tới một hậu quả bất lợi cho hai người con, như: Ông sẽ đuổi ngay đứa con thứ vừa trở về và mắng vào mặt nó: “Hãy cút đi, xéo khỏi mắt tao, hãy đi theo đám bạn xấu xa của mày. Mày đã làm nhục cho gia đình và tổ tiên. Mày xem cả dân làng đang chê cười, đàm tiếu về gia đình mình kìa!” (Xem ra cách hành xử này có thể đẩy anh chìm sâu vào con đường bất hạnh). Hay ít ra ông thử thách đứa con bằng những hình phạt trong một thời gian (Có lẽ đây là điều mà bất cứ người con nào đã bỏ nhà ra đi, khi trở về đều mường tượng ra. Nhưng hình phạt cũng không cất đi nơi anh nỗi bất hạnh và dằn vặt). Còn với người anh cả, ông sẽ trách mắng và dạy cho anh bài học xứng với sự thờ ơ, vô cảm của mình. Một cảnh tượng xem ra hợp lý và xứng với tội của từng người con đã gây ra, và xoa dịu đi phần nào thịnh nộ trong chúng ta. Nhưng trái với những phỏng đoán xem ra có phần hợp lý trên, thánh Luca đã đem đến cho người nghe từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về cách hành xử của người cha già. Dưới ngòi bút của thánh Luca, người cha trong dụ ngôn đã chẳng chọn cách nào trong những phỏng đoán trên.

Đối với người con thứ, thay vì ông đuổi con đi, ra hình phạt cho con... thì người cha lại làm ngược lại hoàn toàn. Ông phấn khởi, vui mừng, hân hoan... khi thấy đứa con trở về: “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để...Và bảo các đầy tớ rằng: Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay cậu, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!” (cc.20.22-23). Các hành động “chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh, hôn lấy hôn để” làm toát lên tình yêu của người cha luôn dành cho con trong sự nhớ mong, chờ đợi, dù nó có lỗi lầm đến đâu. Tình yêu trong ông càng lúc càng dâng trào và mạnh liệt. Còn cụm từ “mở tiệc ăn mừng” diễn tả tâm trạng hạnh phúc, con tim tràn ngập niềm vui của người cha khi thấy con trở về. Còn đối với người con cả, ông nhắc nhở một cách nhỏ nhẹ, khéo léo và nói cho anh biết tất cả những gì của ông đang có đều thuộc về anh. Ở đây, thánh Luca cho chúng ta bắt gặp một người cha không sợ xấu hổ, mất uy tín, không ngại bị đàm tiếu hay những điều xấu có thể xảy đến cho mình. Với ông, uy tín của người cha không ở chỗ giữ khoảng cách đối với con cái, nhưng ở chỗ yêu chúng và biết cách diễn tả tình yêu. Ông đã can đảm phá bỏ mọi lễ giáo giả tạo để sống cho tình yêu đích thực, và vì hạnh phúc của những người con. Chính tình yêu của người cha đã giải thoát hai người con khỏi những bất hạnh và tìm lại được hạnh phúc đích thực.

Hình ảnh người cha nhân hậu trong dụ ngôn cũng là hình ảnh Thiên Chúa, mà sứ điệp Tin mừng Luca muốn gửi tới mọi người chúng ta. Thiên Chúa luôn mong chờ con người trở về với Người, để được Người tha thứ và yêu thương. Trong tiếng Do-thái, người ta thường dùng hai hạn từ để nói về tình yêu của Thiên Chúa, đó là: “Hesed và Rachamin”. Hạn từ “Hesed” nói lên một tình yêu mang màu sắc nam tính, cho thấy sự uy dũng, tín thành, là một sự bảo đảm. Còn từ “Rachamin”, được Cựu ước sử dụng, có nghĩa đen là “lòng dạ người mẹ”, nói lên một tình yêu mang màu sắc nữ tính, tình yêu của một người mẹ. Người mẹ yêu con không phải vì con có công trạng, nhưng yêu con chỉ vì con là con mình. Tình yêu phát xuất từ dạ mẹ là một tình yêu đầy lòng trắc ẩn, nhân từ... tình yêu cho đi mà không mong nhận lại. Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương dù con người có bất trung, bất tín, phản bội. Người hằng kiếm tìm, chờ đợi con người trở về để nhận lấy tình yêu nhưng không, tỏa rộng, trắc ẩn và nhân từ nơi Người. Vì vậy thánh Gioan đã đinh nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Người yêu, yêu mãi không ngừng!

Đến đây, khi nhân ra được tình yêu của Thiên Chúa phủ tràn trên phận hèn của con người, cũng là lúc chúng ta cần hồi tâm, phóng chiếu đời mình vào thân phận người con thứ và đồng hóa mình vào nhân vật anh cả, lúc đó chúng ta giật mình nhận ra đâu đó hình ảnh của bản thân trong hai nhân vật. Vì khi chúng ta phạm tội, là lúc chúng ta khước trừ tình yêu của Thiên Chúa để đi hoang như người con thứ, và lúc chúng ta hận thù, ghen ghét, tẩy chay anh em mình, là lúc chúng ta trở thành người anh cả. Vì thế, chúng ta cũng cần trở về!

Tội lỗi, bất xứng là thân phận con người, nhưng tình yêu Thiên Chúa luôn chờ mong chúng ta quay về với Người: “Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27,10). Chính vì vậy, chúng ta đừng bao giờ thất vọng chôn vui mình trong tội, nhưng hãy đứng lên đi về cùng Cha, để được Người xót thương, thứ tha và tìm lại hạnh phúc vĩnh cửu trong tình yêu của Người.

Lạy Chúa, qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, thánh Luca cho chúng con nhận ra Ngài là người cha luôn yêu hương, dù chúng con có hư hỏng, bất trung... và hằng chờ mong chúng con trở về. Xin cho chúng con biết đứng lên, từ bỏ con đường tội lỗi và trở về với Cha. Amen.

 

Thiết kế Web : Châu Á