Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay, Năm C (M. Eugenio Nguyên)

Biến cố Chúa hiển dung không chỉ nhằm cũng cố niềm tin cho các môn đệ, mà còn mang một chiều kích sâu lắng hơn nhiều - Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy con người sáng láng sau biến cố Phục sinh của Người.

 

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, NĂM C

(Lc 9,28b-36)

 

M. Eugenio Nguyên

Chúa Nhật tuần trước Giáo hội mời gọi con cái mình cùng bước vào 40 ngày chay tịnh cùng Chúa Giêsu, thì vào Chúa Nhật này Chúa Giêsu kêu mời mọi người cùng lên núi với Người. Vì Chúa biết sức ta có hạn, nếu Chúa không ban ơn, tăng thêm sức mạnh thì ngay cả 40 ngày ngắn ngủi này cũng khó mà vượt qua chứ chẳng cần nói chi đến chặng đường cả cuộc đời.

Phải chăng biến cố biến hình này là một cuộc hội ngộ tình cờ, hay có sự sắp đặt trước của Thiên Chúa? Môsê và Elia, một ông luật pháp và một nhà tiên tri, cả hai đại diện cho thế hệ của giao ước cũ; ba môn đệ đại diện cho thế hệ của giao ước mới, còn Chúa Giêsu chính là người thực thi giao ước. Thế hệ cũ đang bàn giao sứ mệnh cho thế hệ mới. Sự chứng thực về công trình cứu chuộc của Thiên Chúa đã hứa nay đã có sự tiếp nối của thế hệ mới: mặt giáp mặt, chứ không phải nghe người khác thuật lại. Mặc dù vào thời điểm này, những người thuộc giao ước mới vẫn đang còn mơ màng, ngái ngủ, nói mà không biết mình đang nói gì... nhưng có ngày họ sẽ dùng cả mạng sống mình để làm chứng cho Đấng đang tỏ mình ra cho họ thấy hôm nay.

Điểm đáng chú ý của bài Tin Mừng là việc Môsê và Elia đàm đạo với Chúa Giêsu về cuộc "xuất hành" của Ngài, nghĩa là cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài sắp hoàn tất ở Giêrusalem. "Cũng có thể hiểu hai ông đã mang đến một bầu khí cánh chung. Nhiều người nghĩ rằng Elia phải đến trước để đi tiền hô cho Đấng Thiên Sai. Sự hiện diện của ông ở đây chứng tỏ thời đại Thiên Sai đã đến. Và Môsê nhà luật pháp của đạo cũ, nay đến chào mừng và "bàn giao" với nhà luật pháp mới" (Suy niệm của Gm. Nguyễn Sơn Lâm).

Còn theo chú giải của học viện Pio X cho rằng: "Cuộc biến hình của Chúa Giêsu là sự đáp trả của Chúa Cha đối với việc Ngài chấp nhận cuộc tử nạn với tình yêu. Quả thật, ít hôm trước, Chúa Giêsu đã loan báo cho các tông đồ cuộc tử nạn sắp đến của Ngài (...). Ngài đón nhận cái chết do ý muốn Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại".

Hình ảnh ba môn đệ ngủ mê mệt, ta sẽ gặp lại hình ảnh này trong vườn cây dầu, theo cha Nguyễn Thể Hiện, đó là "hình ảnh sự bất lực của người ta trong việc đi vào mầu nhiệm đó của Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu sẽ kéo họ ra khỏi tình trạng bi đát ấy nhờ ân sủng của Người và nhờ vinh quang của Người".

Chính đang khi cầu nguyện mà Chúa Giêsu được biến đổi. Chuyện này cũng hay xảy ra đối với các thánh trong những giây phút cầu nguyện và chiêm ngắm Chúa. Còn tôi, tôi muốn biến đổi mà sao qua bao nhiêu năm tháng cứ dậm chân tại chỗ, thậm chí còn đi thụt lùi? Suy niệm chặng thứ bốn của Năm sự sáng, ta sẽ biết rõ lý do ngay. Do ta không nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, mà ta chỉ dựa vào sức của ta thôi. Điều đó cũng cho ta thấy tại sao Chúa Giêsu thì cầu nguyện đến xuất thần còn các tông đồ thì lại ngủ mê mệt, thân phận con người là thế, xác đất vật hèn là vậy...

Tuy thế, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con người, cụ thể trong lúc Chúa đã đến gần ngày chịu khổ nạn mà các tông đồ vẫn còn u mê, yếu lòng tin. Vì thế mà đã có biến cố biến hình này, cũng theo như lời suy niệm của Học viện Pio X rất chí lý: "Vinh quang Thiên Chúa bao giờ cũng chỉ được ban cho chúng ta trong một chớp sáng mau qua vào những lúc được an ủi thiêng liêng sâu xa nhất: vừa sáng đủ để củng cố cho đức tin, vừa ngắn ngủi để khỏi xâm phạm tự do của nó. Suốt thời gian thử thách, Thiên Chúa vẫn là vị Thiên Chúa mai ẩn đối với người tín hữu, bởi vì Ngài là Cha và vì Ngài muốn được các tâm hồn tự do yêu mến. Cuộc biến hình là một gạch nối giữa ánh sáng mau vụt qua của Phép rửa và ánh sáng rạng ngời của ngày Phục sinh".

Ước gì qua ngày Lễ hiển dung, chúng ta cũng được biến hình đổi dạng trong Mùa Chay thánh này, từ bỏ con người cũ kỹ tội lỗi để mặc lấy con người sáng láng tinh tuyền như Chúa. Từ con người uể oải, ngái ngủ được trở nên con người sốt sắng, dấn thân vô vị lợi...

Biến cố Chúa hiển dung không chỉ nhằm cũng cố niềm tin cho các môn đệ, mà còn mang một chiều kích sâu lắng hơn nhiều - Chúa đã mặc khải cho chúng ta thấy con người sáng láng sau biến cố Phục sinh của Người. Đến phần tôi, tôi có làm gì để những anh chị em xung quanh tôi được biến đổi không, hay lại làm cớ cho họ vấp phạm nữa.

Lạy Chúa, xin lôi kéo chúng con lên khỏi những cơn mê lầm, đắm chìm vào những vinh quang giả tạo của thế gian này. Xin cho chúng con mặc lấy dũng lực của Chúa để tiếp tục cuộc hoài hương gian khó này. Amen.

 

                                                          

Thiết kế Web : Châu Á