Suy niệm

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay, Năm C (M. Viết Huy)

Có thể nói, phú quý như một thứ “mồi nhử” có sức cám dỗ con người ghê gớm; còn vinh hoa là một thứ “bả” có sức mê hoặc khiến con người không còn tỉnh táo, không làm chủ được bản thân nên dễ sa vào cạm bẫy lúc nào mà không hay biết.

   “VƯỢT QUA CÁM DỖ

ĐỂ SỐNG KIÊN VỮNG TRONG ĐƯỜNG LỐI THIÊN CHÚA”

(Lc 4,1-13)

M. Viết Huy

“Cám dỗ” là một thực tại gắn liền với thân phận của con người, cho dù nhìn nhận hay chối từ, thì nó vẫn hiện diện, tồn tại, và luôn song hành với cuộc sống con người. Từ thời nguyên tổ Ađam, Eva cho đến thời hiện tại của chúng ta, cám dỗ vẫn luôn hoành hành trong cuộc sống con người dưới nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi hơn. Có nhiều thứ cám dỗ hiện ra trước mắt chúng ta như: hưởng thụ, danh lợi, tiền bạc, vinh hoa phú quý...mà ông cha ta vẫn quen gọi chúng là ba thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Tin Mừng hôm nay, thánh Luca thuật lại sự kiện quỷ tìm cách cám dỗ Đức Giêsu, sau thời gian Người ăn chay bốn mươi đêm ngày.

Thánh sử Luca thuật lại: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!” (c.2-3). Đây là một kiểu cám dỗ đánh thẳng vào nhu cầu đòi hỏi của thể xác khi đang trong trình trạng đói. Đức Giêsu là con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, thế nên Người cũng có những nhu cầu ăn uống như mọi người. Thể xác khi đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, mệt thì cần nghỉ ngơi... Chính vì vậy, quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu khi Người đang trong cơn đói, sau khi nhịn ăn bốn mươi đêm ngày. Thế nhưng, Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ đó, khi Người khẳng định: “Con người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (c.4).

Cơm bánh tuy cần để nuôi sống con người, nhưng nó chỉ có giá trị và hữu ích khi nó được sử dụng đúng cách và đúng chức năng. Thế nhưng, biết bao người vì miếng ăn đã đánh đổi nhân cách, lương tâm, lòng đạo đức...để có được nó. Thay vì sử dụng nó để làm phương tiện nuôi sống thể xác, người ta lại tôn nó thành cùng đích và thần thánh hóa nó trong cuộc đời. Nhân cơ hội này, Chúa Giêsu xác định lại giá trị và chỗ đứng đích thực của “lương thực trần thế” mà Thiên Chúa đã định cho nó từ thuở ban đầu, và truyền dạy cho chúng ta một chân lý, đó là: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”(Mt 4,4). Chỉ có Lời Thiên Chúa mới là lương thực trường tồn đem lại sự sống vĩnh cựu, còn “của ăn hư nát” chỉ giúp con người thoát khỏi cái đói chóng qua ở đời này mà thôi.

Không cám dỗ được Đức Giêsu về nhu cầu ăn uống, quỷ lại đem Đức Giêsu lên một ngọn núi cao, từ ngọn núi này quỷ chỉ cho Đức Giêsu thấy tất cả vinh hoa, phú quý của thế gian và nói: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả đều thuộc về ông.”(c.6-7). Quỷ rất mưu mô, xảo quyệt, khi cám dỗ Đức Giêsu về miếng ăn không thành, nó liền quay sang danh vọng, phú quý.

Thật ra trong kiếp trần gian, mấy ai mà không ít nhiều bị vương vấn, khi đứng trước vinh hoa, phú quý? Hỏi có mấy ai không muốn, có mấy ai khước từ phú quý, lợi danh? Là con người, ai cũng ham danh vọng, chức quyền, tiền bạc... Vì quyền bính là sức mạnh, là uy thế để cho con người ăn trên ngồi trốc, sai khiên người khác, được mọi người tôn vinh và quy phục... Chính vì vậy, ai cũng ước được vinh hoa phú quý, ai cũng bị quay cuồng trong những cám dỗ danh vọng. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không, Người biết tất cả sức mạnh, quyền năng và vinh hoa phú quý đến từ Thiên Chúa và chỉ thuộc về Thiên Chúa. Hơn nữa, chính Thiên Chúa mới là Đấng duy nhất con người phải kiếm tìm và tôn thờ, chứ không phải là vinh hoa trần thế, thứ nay còn mai mất. Chính thế, Đức Giêsu nói với ma quỷ: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”(c.8).

Không chịu thua, một lần nữa quỷ đưa Đức Giêsu lên nóc đền thờ Giêrusalem, rồi bảo Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (c.10-11). Đây là một lời thách thức đầy thâm ý của ma quỷ, nó đánh thẳng vào tính tự cao, tự đại của con người. Lời thách thức này ta cũng được chứng kiến khi Đức Giêsu bị treo trên thập giá: “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Ê, mi là kẻ phá Đền thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!” (Mc 15,29-30). Trước những lời thách thức đó, Đức Giêsu đã không làm theo, vì Người biết đó không phải là cách mà Chúa Cha muốn. Vì vậy, Người đã phán với ma quỷ: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (c.12).

Đức Giêsu đến thế gian không phải để phô trương, tìm hư danh, sống trong kiêu căng, tự mãn...và thâu tóm thế giới cho mình. Nhưng trái lại, Người đến thế gian để làm theo ý muốn của Chúa Cha là cứu độ con người. Người phải đi con đường hẹp chứ không phải con đường thanh thang; con đường khiêm nhường phục vụ, hy sinh và dâng hiến mạng sống cho toàn thể nhân loại vì tình yêu, chứ không phảicon đường vinh hoa phú quý trần thế; con đường ngang qua khổ giá để bước vào vinh quang.

Có thể nói, phú quý như một thứ “mồi nhử” có sức cám dỗ con người ghê gớm; còn vinh hoa là một thứ “bả” có sức mê hoặc khiến con người không còn tỉnh táo, không làm chủ được bản thân nên dễ sa vào cạm bẫy lúc nào mà không hay biết.

Là người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta hãy noi gương bắt chước Người thực thi ba chiều kích trong mùa chay thánh này, đó là: cầu nguyện, chay tịnh và thực thi đức ái. Cầu nguyện giúp ta kết hợp với Thiên Chúa, tìm sức mạnh nơi Người và thi hành thánh ý Thiên Chúa trong niềm tín thác; chay tịnh giúp ta chế ngự tính mê ăn uống và ham muốn xác thịt; bác ái giúp ta quên mình để hướng tới tha nhân trong tình yêu thương. Nhờ ba chiều kích trên, ta mới có đủ sức mạnh và tỉnh thức, hầu có thể đứng vững trong ân nghĩa Chúa, khi đối diện với những cơn cám dỗ của ma quỷ.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thắng ma quỷ không phải bằng quyền năng, nhưng bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, chay tịnh và chính nhờ động lực yêu mến Thiên Chúa Cha, Chúa đã thi hành ý Chúa Cha cách trọn vẹn.

Xin cho mỗi người chúng con cũng biết chuyên cần cầu nguyện, thực hành chay tịnh, thực thi bác ái mỗi ngày trong cuộc sống, để cùng với Chúa và trong Chúa, chúng con giữ được lòng trung tín đến cùng. Amen.                                                                       

 

 

                                                                                                                      

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á