Suy niệm
Suy niệm Lời Chúa Thứ 2, Tuần XXXIV TN, C: Dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa
DÂNG HIẾN TRỌN VẸN CHO THIÊN CHÚA
(Mt 12,46-50)
Tùng Linh
Hôm nay Giáo hội mừng lễ Đức Maria dâng mình trong đền thờ. Theo thánh Gioan Lasan, không phải vô cớ mà Hội thánh tôn vinh sự kiện Đức Trinh Nữ rất thánh dâng mình trong Đền thờ bằng một ngày lễ. Bởi vì chính trong ngày nầy mà Đức Trinh Nữ đã dâng mình cho Thiên Chúa, để hoàn toàn thuộc về Người suốt đời.
Lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ bắt nguồn từ bên Giáo hội Đông phương, tưởng niệm ngày thánh hiến thánh đường Đức Maria ngày 21 tháng 11 năm 543 tại Giêrusalem. Giáo hội Đông phương coi biến cố thánh hiến này như cuộc đi vào “Đền thờ của Đức Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa”.
Họ mừng lễ trong vòng sáu ngày từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 11, và dựa vào Ngụy thư Tiền Tin Mừng theo thánh Giacôbê được soạn vào giữa thế kỷ thứ II. Trong đó, tác giả kể lại câu chuyện Đức Trinh nữ lúc còn nhỏ đã được dâng hiến vào Đền thờ và ở lại đó cho đến 12 tuổi: “Thầy tư tế đón tiếp con trẻ và chúc phúc như sau: Thiên Chúa đã chúc tụng danh của con trong mọi thế hệ… Thiên Chúa ban cho con trẻ ân sủng của Người, và nó nhảy mừng, và mọi người trong nhà Ísrael yêu mến con trẻ…”.
Lễ này được cử hành bên Tây phương từ thế kỷ thứ IX tại các đan viện bên Ý, rồi sau đó lan tràn tới bên Anh. Vào năm 1373, Đức Giáo Hoàng Grégoire XI sống tại thành Avignon (Pháp) bắt đầu cho cử hành lễ Đức Mẹ dâng mình trong Đền thờ. Đây cũng là do công lao của một hiệp sĩ, Philippe de Mézièrès, sau thời gian sống bên Đông phương đã về phổ biến lễ này bên Tây phương với hy vọng tìm nối kết lại với anh em Hy lạp và Đức Giáo Hoàng Sixte IV ghi vào lịch phụng vụ vào năm 1472.
Biến cố Đức Mẹ dâng mình và sống âm thầm trong đền thờ chính là thời gian Mẹ tận hiến cho một điều cao cả hơn và trọng đại hơn; có thể ví von thế này, như Chúa Giêsu trước khi bắt đầu sứ vụ, Người đã vào sa mạc, thì Đức Maria cũng được vào đền thờ để chuẩn bị đón nhận sứ vụ được Thiên Chúa trao gửi trong tương lai - làm Mẹ Thiên Chúa.
Trong đền thờ, Đức Maria lớn dần với đầy đủ mọi nhân đức, Đức Maria nghiêm chỉnh đi trong đường lối giới luật Chúa. Ngài sống rất gương mẫu, với y phục nết na, dáng điệu đoan trang, tiếng nói dịu dàng, gương mặt tươi sáng luôn phản chiếu một tâm hồn trinh trong đầy nhân đức, xứng đáng với thiên chức Mẹ Thiên Chúa mai sau[i]. Trong đền thờ, Mẹ rất ân cần cầu nguyện, đọc Thánh Kinh và siêng năng mọi việc lành[ii].
Trong đền thờ, Mẹ tuyên khấn giữ đức đồng trinh, không chiếm hữu tài vật nào ở đời, và đặt trọn ý muốn vào tay Thiên Chúa[iii]. Kết quả của việc Đức Trinh Nữ rất thánh ở trong Đền thờ là sự biến đổi lòng Trinh Nữ thành một đền thánh[iv].
Chỉ cần nhìn vào biến cố Truyền Tin khi Đức Maria vâng theo ý Chúa, người ta cũng thấy đầy đủ những yếu tố cho phép hiểu rằng việc dâng mình của Mẹ trong đền thờ không đơn thuần là việc đạo đức, mà còn là công trình quan phòng nhằm chuẩn bị xa gần cho mùa cứu rỗi. Từ thái độ bối rối khi nghe lời sứ thần đề nghị biểu lộ sự ý thức của Mẹ, đến câu hỏi xin sứ thần giải thích cho thấy Mẹ hoàn toàn tự do, và đến khi đáp tiếng “xin vâng” thì Mẹ đã thể hiện lễ dâng đời mình bằng cả trách nhiệm cao độ.
Cuộc đời của Đức Mẹ là cả một lễ dâng mình kéo dài kể từ lúc Mẹ được ơn Đầu thai Vô nhiễm Nguyên tội, rồi được sinh ra, và đỉnh cao là ở đồi Sọ, gần Thập giá Đức Giêsu. Theo Công đồng Vatican II: “Đức Maria đã tận hiến làm tôi tớ Chúa, phục vụ thân thế và sự nghiệp của Con Ngài”.
Noi gương Đức Maria, các đan sĩ hôm nay cũng tuyên khấn lại, nói cách khác, chúng ta dâng mình lại theo mẫu gương Mẹ, dâng trọn vẹn để sống mật thiết với Chúa Giêsu và công cuộc cứu thế của Người.
Mỗi người hãy kiểm điểm xem: chúng ta đã dâng gì cho Chúa và dâng cho Chúa thế nào? Chúng ta có dâng hiến hoàn toàn cho Chúa không? Chúng ta có dâng cho Chúa cả hồn lẫn xác không?
Chúng ta hãy dâng cho Đức Maria trí khôn của chúng ta, trái tim chúng ta, ngũ quan của chúng ta, con người và cuộc đời của chúng ta, và nhờ Mẹ dâng tất cả lên cho Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói rằng những ai thi hành ý muốn của Cha Ngài người ấy là mẹ Ngài, là anh em Ngài. Ngài muốn ban cho các môn đệ Ngài, và cho mỗi người chúng ta một giá trị lớn lao hơn, là được làm anh em Ngài, được làm mẹ Ngài.
Khi giảng về đọan Tin Mừng này, thánh Augustino trong giờ Kinh sách lễ Đức Maria Dâng Mình Trong Đền Thờ, đã viết: “Đối với Đức Maria, là môn đệ Chúa Kitô quan trọng hơn là Mẹ Chúa Kitô...Ngài đã nghe lời Thiên Chúa và đã ôm ấp Lời ấy…Tâm hồn ngài đã giữ gìn chân lý hơn là lòng dạ ngài giữ gìn xác thể. Chân lý, đó là Đức Kitô trong tâm hồn Đức Maria; xác thể, đó là Đức Kitô trong lòng dạ Đức Maria. Điều ở trong tâm hồn thì lớn hơn điều ở trong lòng dạ.”
Qua đó, Chúa Giêsu muốn nói tới Đức Maria, người đã quyết tâm, với một tình yêu mến bao la, hiến dâng cho Thiên Chúa trọn tâm tình và ý hướng cho đến trọn đời. Chúa Giêsu không có ý phủ nhận liên lệ giữa Ngài và Đức Maria mà Ngài muốn nói tới mối liên hệ khác, cao trọng hơn, đó là việc qui hướng về Thiên Chúa, Cha trên trời.
Đức Trinh Nữ Maria dâng mình trong Đền thờ để trọn đời hiến dâng cho Thiên Chúa, và phục vụ công trình cứu chuộc loài người. Thiết lập Lễ Đức Mẹ dâng mình, Giáo hội cảm tạ Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Trinh Nữ Maria trong hàng con cái loài người, chuẩn bị người lên chức phẩm cao sang là làm Mẹ Thiên Chúa, và cộng tác trong công cuộc Cứu thế. Đồng thời, Giáo hội tôn vinh ngợi khen Đức Trinh Nữ đã sẵn lòng tuyệt đối tận hiến mình cho Thiên Chúa, và Giáo hội cũng khuyến khích mọi người noi gương Mẹ dâng mình cho Chúa, để sống với Chúa và cho nhiệm cục cứu rỗi của Người.
____________________________
[i] Theo thánh Damasceno
[ii] Theo thánh Anselmo
[iii] Theo thánh Bonaventura
[iv] Theo thánh Lasan
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Dụ ngôn hai người con (01/10)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Ai đã thi hành Lời Chúa? (30/09)
-
Chúa Nhật XXVI TN, Năm A, Mt 21,28-32: Sự tương phản giữa lời nói và việc làm (30/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Thiên Chúa đo lường bằng những tiêu chuẩn khác (23/09)
-
Chúa Nhật XXV TN, Năm A, Mt 20,1-16a: Lòng nhân hậu của Thiên Chúa (23/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Đâu là giới hạn của tha thứ? (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: "Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha" (16/09)
-
Chúa Nhật XXIV TN, Năm A, Mt 18,21-35: Tha thứ không giới hạn (16/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Kiên trì trong việc sửa lỗi cho anh em (09/09)
-
Chúa Nhật XXIII TN, Năm A, Mt 18,15-20: Sửa lỗi cho nhau trong đức ái (09/09)