Suy niệm
Suy niệm Lời Chúa Mùng Một Tết - Năm Quý Mão 2023: «Xuân vui mừng»
«XUÂN VUI MỪNG»
(St 1,14-18; Pl 4,4-8, Mt 6,25-34)
Lm. Quốc Vũ
1. Xuân vui mừng
Những tia nắng ban mai, cùng với làn gió nhẹ thoang thoảng hương hoa, những cánh én chao nghiêng ngoài bầu trời, cho ta nghe rất rõ lời của giai điệu mùa xuân: «Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời».
Mùa xuân là mùa của niềm vui. Niềm vui cho em thơ tung tăng khoe áo mới và nhận những bao lì xì; niềm vui cho những nam thanh nữ tú cập kè yêu thương, niềm vui cho các cụ già được thêm tuổi mới sum vầy bên con cháu. Còn sống là còn vui, vì giá trị lớn nhất của đời người bao giờ cũng là sự sống. Xuân đến đem niềm vui, niềm vui của cảnh vật đất trời với muôn hoa khoe sắc, niềm vui của lòng người rộn ràng với bao nguyện ước và lời cầu chúc chân tình trao cho nhau.
Phụng vụ trong ngày đầu Xuân mới, Giáo hội hướng con cái mình đến một niềm vui trong Chúa, qua lời của thánh Phaolô: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,5). Vui trong Chúa để cho tâm hồn được thư thái, để trở nên hiền hòa và rộng rãi: hiền hòa trong cách cư xử, rộng rãi trong sự trao ban. Xuân có Chúa là xuân hạnh phúc; xuân hạnh phúc là xuân cho đi, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Xuân đến với mọi nhà cho mọi người cùng biết sống để trao ban.
2. Xuân bình an
Bình an là điều thiện mà con người luôn khao khát có được: bình an trong tâm hồn, bình an trong đời sống. Đặc biệt, trong những ngày đầu xuân, người ta thường chúc cho nhau những điều tốt đẹp: Xuân Hạnh phúc, Năm Mới An khang Thịnh vượng. “An” là bình an, yên ổn về mặt tinh thần; “Khang” là mạnh khỏe về mặt thể chất; “Thịnh vượng” là thăng tiến và tấn tới. Nghiệm thấy cuộc đời, có thịnh vượng thì mới được an khang. Thịnh vượng là đủ đầy: đủ về sức khỏe, đầy về tài lộc thì cuộc sống an khang hạnh phúc. Tuy nhiên, bao nhiêu mới gọi là đủ, thế nào mới cho là đầy? Có những người giàu có như ông phú hộ trong Tin Mừng Luca 12,13-21, xây hết kho lẫm này đến kho lẫm khác mà vẫn không cảm thấy đủ, cho đến khi chết, ông vẫn chỉ là người bất hạnh. Trái lại, có những người tuy cuộc sống không được đầy nhưng luôn cảm thấy đủ, nên họ luôn được bình an. Đó là thứ bình an của Tin Mừng: “Anh em đừng lo lắng cho mạng sống mình: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo lắng cho thân thể: lấy gì mà mặc […] Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng […] Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng, chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà ngay cả vua Salômôn cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy” (cc. 25-29). Như thế, đối với Đức Giêsu, Bình an của Tin Mừng là sự phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa giàu lòng thương xót: “Đấng khiến mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt; và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45).
Hình ảnh “chim trời và hoa huệ” trong bài Tin Mừng, cũng như hình ảnh “mặt trời và mặt trăng” trong bài đọc I - sách Sáng thế, gợi nhắc chúng ta về trình thuật sáng tạo của Thiên Chúa: Ngài dựng nên mặt trời và mặt trăng vào ngày thứ tư (St 1,14-19), và mọi loài sinh vật vào ngày thứ năm (St 1,20-23); Ngài dựng nên mọi sự trước khi dựng nên con người theo hình ảnh Ngài vào ngày thứ sáu, và trao cho con người quyền bá chủ muôn loài. Đó là sự quan phòng đầy yêu thương, con người được hưởng mọi sự không thiếu thốn chi. Thế thì làm sao phải lo? Chim trời không sợ đói, thì sao con người phải sợ? Có mặt trời là có ánh sáng; có ánh sáng là có sự sống. Sự sống thân xác lệ thuộc vào mặt trời; sự sống đời đời chỉ có được nhờ Đức Kitô – Mặt trời công chính. Ai gắn kết với Đức Kitô thì có sự sống, được triển nở, được an khang thịnh vượng. Như thế, chúc Năm Mới An khang Thịnh vượng là đồng nghĩa chúc cho được có Chúa Kitô làm gia nghiệp – Người là bình an đích thực của mỗi người chúng ta cả đời này lẫn đời sau, bởi: “Chính Người là sự bình an của chúng ta” (Ep 2,14).
3. Năm Quý Mão nói chuyện Mèo
Thời gian là một chuỗi tuần hoàn đều đặn của những giây phút, ngày giờ, và tháng năm nối tiếp. Thời gian xoay vần từ những ngày đông chí đến lập xuân, và thế là hôm nay, lại cho ta thêm một mùa Xuân Mới: Xuân Quý Mão – cầm tinh con mèo.
Nói về con mèo, Kinh Thánh cũng có vài lần nhắc đến, điển hình như trong sách Isaia 13,20-21 đã thuật lại khi dân Israel bị lưu đầy bên Babylon, ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm rằng Babylon sẽ trở thành đổ nát và ra hoang phế, thành nơi cho thú hoang, chim trời trú ngụ: “Cho đến ngàn thu, nó sẽ không có người ở, không có một lều trú cho đến đời đời. Ở đó, mèo hoang làm ổ và cú vọ ở đầy. Ở đó, đà điểu sẽ lưu trú, và dê rừng tha hồ quẩng dỡn”. Như vậy, dưới cái nhìn của ngôn sứ Isaia, mèo hoang dã, bị liệt vào loại thú vật dơ bẩn, dữ dằn gớm tởm đối với con người.
Trong cuộc sống nhân sinh, mèo không chỉ đi vào đời sống vật chất của con người, mà còn gắn với nhiều ý nghĩa tinh thần, tính cách mang ẩn dụ sâu xa. Ít có con vật nào mà lại “đa tính cách” như loài mèo. Ở một con mèo, ta thấy vừa có những mặt tốt, vừa có nhiều mặt xấu dường như là đối nghịch nhau. Nó vừa giản dị gần gũi, lại vừa bí ẩn ma quái. Nó vừa tượng trưng cho sự từ tốn, hiền lành, nền nếp, nhưng lại là hình ảnh xấu về sự nhếch nhác, lông bông, tinh ranh…
a. Tính tốt cần được nói đến của mèo là hiền lành, dễ gần gũi. Bước đi, bước nhảy của mèo rất nhẹ nhàng, êm ái. Giác quan của mèo thính nhạy, định hướng tốt. Ích lợi không thể chối bỏ là mèo bắt chuột giúp cho đời sống con người bớt được nhiều thiệt hại về mùa màng. Trong ngành ẩm thực bình dân, nhiều người rất thích những món ăn chế biến từ thịt mèo thơm ngon bổ dưỡng vốn được mệnh danh là tiểu hổ, như: tiểu hổ xào sả ớt, mèo giả cầy, mèo nấu cam, mèo nấu rựa mận, tiểu hổ tái chanh, tiểu hổ hấp rau má, mèo nướng, mèo quay, mèo hấp bia… Chính vì vậy, mèo được dân gian nhìn nhận với thái độ yêu mến, bao dung.
b. Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi nhận ra rằng, dù mèo là một thú cưng, nhưng những ẩn dụ tiêu cực từ con mèo lại khá nhiều – nhiều hơn cả những ẩn dụ mang ý tích cực. Những ẩn dụ tiêu cực ấy thể hiện qua thái độ của dân gian khi dùng mèo để nói về những khía cạnh khác nhau của con người và cuộc sống:
Khi chỉ về vận may bất ngờ đến với kẻ nghèo hèn đang túng quẫn, hoặc khi muốn đề cập đến những vật vô giá trị, người đần độn, ngu ngốc… thì dân gian dùng hình ảnh: “Mèo mù vớ phải cá rán”.
Khi nói về hạng người lang thang vô giáo dục, thì dùng hình ảnh “Mèo mả gà đồng” hoặc “Mèo đàng chó điếm”. Thậm chí có khi bao hàm cả một sự đánh giá: “Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm”. Thật đúng là: “Mèo hoang lại gặp chó hoang; anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai”.
Nói về kẻ tinh ranh ma mãnh, thì nói: “Mèo già hóa cáo”.
Nói kẻ hà tiện, có tính bủn xỉn, thì: “Buộc cổ mèo, treo cổ chó ”. Hạng người này thường là loại: “Chó khô, mèo lạc” không có tài năng; khi có lợi thì dễ bị cám dỗ: “Như mèo thấy mỡ”; có gì riêng tư thì giấu kỹ: “Giấu như mèo giấu cứt” hoặc “Im ỉm như mèo ăn vụng” cốt để hưởng lợi một mình.
Thông qua con mèo, dân gian còn có ý phê phán kẻ không thấy lỗi mình, mà chỉ thấy lỗi người: “Chó chê mèo lắm lông”.
Còn làm việc không đến nơi đến chốn, chỉ giỏi ăn và khoe mẽ, thì có câu: “Ăn như rồng cuốn, uốn như rồng leo, làm như mèo mửa”, hoặc: “mèo khen mèo dài đuôi”.
Chuyện mèo còn nhiều, còn dài. Yêu - ghét, khen - chê … đều có đủ cả. Qua con mèo mà có thể thấy được cái nhìn sâu sắc, phong phú của dân gian về các khía cạnh của con người và cuộc sống, để rồi ta cũng có thể ngẫm về người, ngẫm về mình, hầu sống tốt cuộc đời này với nhau.
* * *
Xuân Mới đã về. Tiễn năm con cọp, đón năm con mèo, với những ước mơ và lời cầu chúc tốt đẹp đến cho mọi người, với những đức tính nổi trội của loài mèo là vô tư, gần gũi, ngoan hiền, thân thiện, sung túc, vị tha, và bao dung.
Xuân mới đã về, xin cầu chúc mọi người:
Một nụ cười cho lòng thêm ấm áp.
Một ánh mắt cho hạnh phúc tràn đầy.
Một cái nắm tay cho yêu thương còn mãi.
Một lòng nhân ái cho trọn vẹn niềm tin.
Một trái tim yêu cho vẹn nghĩa chung thủy.
Để đong cho đầy Hạnh phúc. Gói cho trọn Lộc tài. Giữ cho mãi An vui. Thắt cho chặt Phú quý. Cùng chúc nhau Như ý, Hứng cho tròn An Khang, Chúc năm mới Bình An. Mọi người đều Sung túc.
-
Suy niệm Lời Chúa CN V MC, năm A, Ga 11,1-45: "Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết" (24/03)
-
Suy niệm Lời Chúa Lễ Truyền Tin 25/3, Lc 1,26-38: Thiên Chúa mời gọi và lời đáp trả của con người (24/03)
-
Suy niệm Tin Mừng Ga 9,1-41, CN IV Mùa Chay, A: Tình yêu và sự chữa lành (18/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN III MC, A: Đức tin tiệm tiến (11/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN III MC, A: Gặp gỡ Chúa để được biến đổi (11/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN III MC, A: Đức Giêsu là nước hằng sống (11/03)
-
Suy niệm Lời Chúa CN II MC, A: Chúa Giêsu biến hình (04/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN II MC, A: Đức Giêsu Kitô – Con Thiên Chúa (04/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN II MC, A: Biến đổi để trở nên giống Chúa (04/03)
-
Suy niệm Tin Mừng CN II MC, A: Con người được biến đổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa (04/03)