Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa Lễ Hiển Linh: Trở nên ánh sao của Thiên Chúa

Mừng lễ Hiển Linh hôm nay, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên ngôi sao để dẫn đưa người khác đến cùng Chúa. Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù, chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng thì chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.

 

 

TRỞ NÊN ÁNH SAO CỦA THIÊN CHÚA

(Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12)

 

Tùng Linh

 

Lễ Hiển Linh có thể gọi là Lễ ánh sáng[1]. Đó là ánh sáng của Thiên Chúa chiếu soi cho nhân loại. Trong Tin Mừng hôm nay, ánh sáng của ngôi sao lạ dẫn đường cho các vị đạo sĩ đến tìm gặp vua Giêsu trong cánh đồng Belem, được quấn vải đặt trong máng cỏ. Khi thấy Ngài, các ông đã dâng vàng, nhũ hương và mộc dược.

 

Tiếp liền sau Đại lễ Giáng Sinh, Giáo hội cử hành lễ Chúa Hiển Linh hay còn gọi là lễ Chúa Tỏ Mình. Theo một truyền thống rất xa xưa từ thế kỷ thứ II, thánh Justinô đã nói Chúa Giêsu đã sinh ra trong một chuồng bò lừa tại Belem. Bốn mươi ngày sau, thánh Giuse và Đức Maria đem Hài Nhi lên Đền thờ Giêrusalem để dâng cho Thiên Chúa như luật dạy. Sau khi dâng Chúa trong Đền Thánh, Thánh Gia không trở về Nazareth ngay mà lại trở về Belem. Chính nơi đây, các đạo sĩ, do một ngôi sao dẫn đường từ Phương Đông tới thờ lạy Chúa Giêsu và dâng cho Ngài lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược[2].

 

Lễ Hiển Linh theo nguồn gốc văn tự ἐπιφάνεια (Epiphany: manifestation or striking appearance). Tiếng Hy lạp cổ dùng chữ θεοφάνεια (Thiên Chúa tỏ mình). Theo truyền thống, Lễ này được cử hành vào ngày 6 tháng 1. Dịp Lễ này, các tín hữu Tây Phương tưởng nhớ ba nhà đạo sĩ thăm viếng Chúa Hài Nhi Giêsu và sự hiển linh của Con Chúa cho các Dân Ngoại. Trong khi các tín hữu Đông Phương tưởng nhớ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, được xem là sự hiển linh của Con Chúa cho toàn thế giới. Từ năm 1970, Giáo hội Công giáo Rôma, nghi thức Latinh đã cử hành Lễ Hiển Linh vào ngày 6 tháng 1 và là Lễ buộc. Các quốc gia khác có thể cử hành vào Chúa Nhật, sau ngày 1 tháng 1. Lễ Hiển Linh còn được gọi là Lễ Ba Vua[3].

 

Trong Bài đọc I, ngôn sứ Isaia viết: “Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi” (Is 60,1-3). Mặc dù dân Israel đang sống trong chốn lưu đày, nhưng ngôn sứ Isaia đã mơ tới ngày được hồi hương. Khi đó Giêrusalem sẽ được tái thiết lại huy hoàng và là nơi thu hút muôn dân tuôn đến. Trong khi cả trái đất ngập chìm trong tăm tối thì Giêrusalem lại bừng sáng, vì có Chúa là Ánh sáng đang ngự ở đó[4].

 

Trong Bài đọc 2, thánh Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm cao siêu được truyền ban cho các thế hệ. Nay Chúa cũng đang tỏ mình ra cho toàn thể nhân loại qua đời sống của Giáo hội: Mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các Tông Đồ và ngôn sứ của Người (Ep 3,5).

 

Trong số mở đầu Hiến chế về Giáo Hội (Lumen Gentium) của Công Đồng Vaticano II có viết: “Ánh sáng muôn dân là chính Chúa Kitô, nên Thánh Công Đồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội bằng việc rao truyền Tin Mừng cho mọi tạo vật” (LG,1).

 

Thật vậy, Thiên Chúa vẫn không ngừng lôi kéo cả nhân loại đến với Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Ngài vẫn không ngừng cho những ánh sao dẫn đường. Không phải là ánh sao trên trời cao, mà là ánh sáng Ngài gieo vào trong Giáo hội, gieo vào lòng mỗi người. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải trung thành với ánh sáng đó, và bước vào cuộc hành trình đức tin đầy mạo hiểm, như các nhà chiêm tinh ngày xưa[5].

 

Ngày nay, như ba nhà đạo sĩ xưa, còn có nhiều người vẫn đang tìm kiếm Chúa. Nhiều người muốn biết Chúa để theo Chúa nhưng họ không biết đường biết hướng. Cũng như Ba Vua, họ cần có những ánh sao soi đường dẫn lối.

 

Ngày nay, Chúa không dùng ngôi sao xuất hiện trên trời, nhưng muốn mỗi người chúng ta trở thành một ánh sao soi dẫn mọi người đến với Chúa. Chúa Giêsu cũng trao sứ mạng này cho các môn đệ: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ…” (Mt 5,14).

 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phản chiếu một phần ánh sáng của Người qua chứng tá việc lành phúc đức của chúng ta. Người nói như sau: “Như thế, ánh sáng của anh em phải chiếu tỏa trước mặt mọi người, để họ thấy việc lành phúc đức của anh em làm mà ngợi khen Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

 

Thánh Phaolô cũng kêu mời chúng ta: “Giữa một thế hệ gian tà sa đoạ, anh em hãy chiếu sáng như những vì sao trên vòm trời” (Pl 2,15).

 

Ánh sáng đó theo Đức thánh cha Phanxicô chính là ánh sáng đức tin hiện diện trong lòng chúng ta nhờ Chúa Giêsu và nhờ ánh sáng của Chúa Thánh Thần[6].

 

Là ánh sao, chúng ta cần có bổn phận phải giữ cho bản thân mình luôn luôn sáng. Vì nếu sao mà không sáng, thì sẽ chẳng có ích lợi gì, cũng như muối mà không mặn thì chỉ có cách đổ ra ngoài đường để người ta chà đạp lên mà thôi. Như đức TGM Ngô Quang Kiệt đã viết: “Là ngôi sao có nghĩa là phải có ánh sáng. Ngôi sao chỉ chiếu sáng khi chính bản thân nó có ánh sáng. Người Kitô hữu chỉ chiếu sáng khi chính cuộc sống của họ mang ánh sáng, phản chiếu ánh sáng nhận tự nơi Thiên Chúa[7].

 

Vì thế khi chúng ta trao ban ánh sáng đức tin, thì ánh sáng đó không thể tắt ngúm được, nhưng phải bùng lên cách mãnh liệt. Tuy nhiên, có những khi ánh sáng đức tin đó cũng sẽ bị mờ đi nếu chúng ta không tiếp nhiên liệu cho nó bằng tình yêu và những việc lành bác ái; không tiếp dầu Thánh Thần cho nó. Thêm nữa, muốn có ánh sáng đức tin, muốn cho cuộc sống mình luôn sáng thì chúng ta phải học hỏi và nghiền ngẫm Lời Chúa. Vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).

 

Chính những Lời Chúa dạy là ánh sao sáng, còn sáng hơn sao Bê-lem năm xưa[8]. Chính Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta, và làm cho ánh sáng trong ta mỗi ngày một sáng hơn.

 

Mỗi người chúng ta được mời gọi trở thành những ngôi sao thật sự toả sáng trong đêm tối cuộc đời để người khác nhận ra Chúa Cứu Thế bằng đời sống kết hợp mật thiết với Chúa và chân thành yêu thương nhau. Như thế là chúng ta mang lại niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho gia đình cũng như cho xã hội hôm nay.

 

Mừng lễ Hiển Linh hôm nay, Lời Chúa cũng mời gọi chúng ta: hãy trở nên ngôi sao để dẫn đưa người khác đến cùng Chúa. Nếu con người đang đi trong bóng tối của gian dối, hận thù, chúng ta hãy là những ánh sao của chân thành, phục vụ và yêu thương. Nếu thế giới đang chìm đắm trong bóng tối của buồn phiền, thất vọng thì chúng ta hãy là những ánh sao của niềm vui, an bình và hy vọng.

 

 

 ___________________________ 

 

[1] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Ánh sáng từ Belem – ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

[2] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Hãy làm cho ánh sáng toả sáng, Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

[3] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Tỏa sáng – Lm. Giuse Trần Việt Hùng

[4] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Những Ánh sao cuộc đời – Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

[5] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, trich trong Manna

[6] Đức thánh cha Phanxico, Kinh Truyền Tin, ngày 5-2-2017

[7] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Ánh sao đạo đức, ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

[8] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-le-hien-linh, Lm. Ignatiô Trần Ngà, Tìm gặp Thiên Chúa giữa lòng đời

 

 

Thiết kế Web : Châu Á