Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa CN XXXI TN, A: SỐNG TINH THẦN BÁT PHÚC

Theo tinh thần „bát phúc“, không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách mới là người hạnh phúc, nhưng là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì Đức Kitô...mới là những người được chúc phúc và hạnh phúc mà họ có được là hạnh phúc thật.

 

 

SỐNG TINH THẦN BÁT PHÚC

(Kh 7,2-4.9-14; 1 Ga 3,1-3; Mt 5,1-12a)

 

Lam Châu

 

Hôm nay, Giáo hội long trọng mừng kính các Thánh Nam Nữ, là những người đã lắng nghe lời Chúa và thực thi những điều Ngài dạy. Cụ thể, các Ngài đã thực hành những điều Đức Giêsu truyền dạy được thánh Matthêu thuật lại trong „bài giảng trên núi“ hay còn gọi là „bát phúc“.

 

Khi Matthêu trình thuật „bát phúc“ trong khung cảnh „trên núi“, ngài muốn nhắc nhớ núi Sinai, nơi ông Môsê lãnh nhận lời của Đức Chúa (x. Xh 24) và truyền lại cho dân Israel. Với dụng ý này, hôm nay, cũng trên núi, Matthêu giới thiệu Đức Giêsu như một Môsê mới, là Lời của Đức Chúa, truyền lại cho Israel mới là các tông đồ và toàn thể nhân loại điều Luật mới, Luật có hiệu lực vĩnh viễn, những ai thi hành Luật này sẽ được chúc phúc, được gọi là con Thiên Chúa, được hưởng hạnh phúc Nước Trời.

 

Vậy, để có được Nước Trời, chúng ta phải sống tinh thần „bát phúc“ như thế nào?

 

Trước tiên, hãy „có tâm hồn nghèo khó“. Những người có tâm hồn nghèo khó tức là „nghèo khó về phương diện tinh thần“. Đây là những người nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, nên họ phó thác trọn vẹn đời mình cho Ngài.

 

Thứ đến, hãy sống „hiền lành“. Người hiền lành thường không nổi giận, không gây áp lực với Thiên Chúa và với tha nhân; trái lại họ luôn sống bình thản, chấp nhận thánh ý của Ngài.

 

Tiếp theo, phúc cho những „ai sầu khổ“: Đây là những người đang sống với tâm hồn trĩu nặng, với nỗi buồn sầu lớn lao, nhưng hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Ngoài ra, họ cũng có thể buồn sầu vì thấy con người đóng chặt cửa lòng, ít mở lòng ra với những giá trị thiêng liêng thuộc Nước Trời.

 

Những người „khát khao nên công chính“ cũng được Chúa chúc phúc. Họ sống phù hợp với những gì Thiên Chúa muốn. Sự công chính này phải được thực thi không những trong tương quan với Thiên Chúa mà còn với tha nhân nữa.

 

Để được chúc phúc, chúng ta còn phải có lòng „xót thương người“. Những người có lòng thương xót nghĩa là họ đau lòng trước một hoàn cảnh bất hạnh của tha nhân. Vì thế, họ mở lòng để xoa dịu nỗi cùng cực của những người bất hạnh. Những người này còn biết trợ giúp người túng quẫn và tha thứ nếu tha nhân lỗi lầm.

 

Để thừa hưởng Nước Trời, đòi hỏi phải chúng ta phải „có tâm hồn trong sạch“: Những người có tâm hồn trong sạch thì không xảo trá, gian tà; nhưng luôn tìm kiếm điều thiện hảo, yêu mến sự ngay thẳng và chân thật. Vì có tâm hồn trong sạch nên họ luôn chân thành trong việc tìm kiếm chân lý, ngay thẳng trong mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.

 

Ngoài ra, hãy là những người „xây dựng hòa bình“. Những người xây dựng hòa bình không có nghĩa là những người có tính khí an hòa, nhưng là những người „tích cực thiết lập hoặc tái lập hòa bình tại những nơi đang có chia rẽ“. Xây dựng hòa bình còn có nghĩa là mời gọi giao hòa và cổ võ nền công lý nhân bản toàn diện. Họ không chỉ cố gắng kiến tạo một thế giới vắng bóng chiến tranh, chia rẽ, mà còn xây dựng một xã hội trong đó mọi người được hưởng những điều kiện thuận lợi, nhờ đó giúp con người tăng trưởng về nhân bản cũng như tinh thần.

 

Cuối cùng, những ai „bị bách hại vì sống công chính“ sẽ được Chúa chúc phúc. Đây là những người chịu bách hại vì dấn thân sống phù hợp với những gì Thiên Chúa muốn hay vì những xác tín tôn giáo của mình. Sự bách hại này Đức Giêsu muốn nói đến các môn đệ hoặc những ai theo Ngài đang bị bách hại nhiều cách (x. Mt 10,17-25; 24,9). Họ có phúc không phải do bị bách hại, nhưng do trung thành với Đức Giêsu khi phải chịu đau khổ vì Ngài.

 

Những người bị bách hại, giờ đây „họ đang đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế...Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên“ (Bài đọc 1 - Kh 7,9.14).

 

Như vậy, những ai thực hiện lời Thiên Chúa, cụ thể những điều Đức Giêsu dạy trong „bát phúc“, sẽ được Thiên Chúa yêu thương, được gọi là con của Ngài. Khi Đức Kitô xuất hiện, họ nên giống như Người (x. Bài đọc 2: 1 Ga 3,1-3), và được ban thưởng Nước Trời làm gia nghiệp.

 

„Nước Trời“ hay „Nước Thiên Chúa“ ở đây không có nghĩa là một lãnh thổ hay một nơi chốn, mà là quyền chúa tể của Thiên Chúa được bày tỏ một cách rõ ràng trên những người thực thi điều Chúa dạy. Đây không phải là quyền thống trị của một bạo chúa, mà là hành động quan phòng nhân hậu của một vị Mục tử. Ngài sẽ chứng tỏ Vương quyền của Ngài vượt trên tất cả. Những ai sống theo lời Đức Giêsu dạy sẽ thuộc về Thiên Chúa, còn Ngài - Đấng đầy quyền năng và nhân ái, sẽ là Chúa tể của họ.

 

Là con người, trong suốt cuộc đời, chúng ta không ngừng kiếm tìm hạnh phúc. Tiếc rằng, có những người tìm kiếm hoài mà chẳng thấy hạnh phúc; có khi thấy hoặc sở hữu hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy lại chóng qua. Đức Giêsu đã đến để chỉ cho chúng ta biết hạnh phúc đích thực nằm ở đâu, ai là những người thực sự hạnh phúc ở đời này.

 

Theo tinh thần „bát phúc“, không phải những người giàu có, nổi tiếng, oai phong hiển hách mới là người hạnh phúc, nhưng là những người nghèo, khiêm tốn, ngay thẳng, biết thương người, xây dựng hòa bình, chịu bách hại vì Đức Kitô...mới là những người được chúc phúc và hạnh phúc mà họ có được là hạnh phúc thật.

 

Hôm nay, mừng lễ Các Thánh Nam Nữ trên trời, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết noi gương bắt chước Các Thánh, luôn tìm kiếm Thiên Chúa và thực thi những điều Ngài dạy, để cùng được hưởng hạnh phúc với Chư Thánh trên trời. Amen.

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á