Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa CN XXV TN, B: TRÂN QUÝ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

Nếu phường vô đạo, kẻ hung tàn đang hạ thấp, hủy hoại phẩm giá con người thì trái lại người công chính luôn trân quý, làm cho phẩm giá của bản thân cũng như của tha nhân ngày một hoàn hảo hơn trong ơn gọi làm người. Phẩm giá con người được hoàn tất trong ơn gọi làm người với những đức tính tự nhiên, siêu nhiên và hồng ân trở nên con Thiên Chúa.

 

 

TRÂN QUÝ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

(Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37)

 

Đình Ủy 

 

Phẩm giá con người là giá trị cần được tôn trọng, trân quý như nhau trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, hành vi của những kẻ hung tàn đang từng ngày hạ thấp, hủy hoại phẩm giá cao quý của bản thân cũng như của tha nhân. Dưới ánh sáng của phụng vụ Chúa Nhật XXV, Lời Chúa sẽ cho chúng ta thấy đâu là những hành vi cần tránh của phường vô đạo đang hủy hoại phẩm giá cao quý ấy và đâu là những đức tính cao đẹp làm cho phẩm giá sáng chói, rạng ngời của người công chính cần được áp dụng trong đời sống? Giữa những chân giá trị khác nhau về đức tính tự nhiên, nhân đức siêu nhiên, phải chăng thiên chức làm con Thiên Chúa sẽ làm tròn đầy cho phẩm giá con người?

 

Phẩm giá con người bị hủy hoại

 

Con người vốn dĩ “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng hệ lụy của tội lỗi bên này là yếu đuối do thân phận hữu hạn, bên kia nữa lại là những ham muốn xác thịt đã làm cho phẩm giá con người đang từng ngày bị đe dọa và hủy hoại. “Phường vô đạo” hủy hoại chính phẩm giá của bản thân từ nội tại đến những hành vi ngoại tại với tha nhân.

 

Thật vậy, người vô đạo, kẻ hung tàn trong thâm tâm đã có sẵn tà tâm. Theo thánh Giacôbê tông đồ, phường vô đạo từ trong thâm tâm đã có lòng ham muốn khoái lạc và tính ghen tương (x. Gc 3,16-4,3). Cũng vậy, không chỉ ở nơi các tín hữu mà nơi các môn đệ tính ghen tương cũng bám rễ, xem ai là người lớn nhất. Các ông bàn tán đến nỗi Đức Giêsu phải can thiệp: “Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các môn đệ: dọc đường anh em bàn tán với nhau  điều gì vậy?” (Mc 9,33). Tin mừng thánh Marcô cho biết các môn đệ phân bì so đo hơn thiệt, ham muốn chức vị với nhau: “Khi đi đường, các ông cãi nhau ai là người lớn hơn cả” (Mc 9,34). Sách Khôn ngoan cho biết một thái độ sống khác hơn đang từng ngày hạ thấp phẩm giá bởi lời tự thú của chính kẻ vô đạo với hành động vi phạm lề luật và lối sống không theo lễ giáo: “Tên công chính chống lại việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2,12). Ở đây, không phải người công chính trách thán, tố cáo trực tiếp, nhưng chính lối sống của người công chính theo lề luật đã không ngừng tố cáo những con người đang nuông chiều theo mọi thứ vô đạo. Sự hiện diện và lối sống của người công chính là lời tố cáo đanh thép với phường vô đạo.

 

Như thế, khi con người nội tâm chất chứa những hành vi gian ác, tà ý, phường vô đạo sẽ mưu mô, gài bẫy, hạ nhục người công chính, với thời gian họ sẽ hủy hoại, xâm phạm phẩm giá của tha nhân như: tra tấn, kết án và giết chết người công chính (x. Kn 2,12-18). Ở phương diện rộng lớn và trong chiều kích xã hội, phường kiêu ngạo, kẻ hung tàn nổi lên chống đối người công chính (x. Tv 53,5), gây chiến tranh và xung đột (x. Gc 4,1-2) với đồng loại. Những tranh chấp, chia rẽ giữa tha nhân hay cộng đồng, chiến tranh giữa các quốc gia trong lịch sử cũng bởi sự ghen ghét, đố kỵ từ lòng con người mà ra.

 

Phẩm giá con người được trân quý

 

Nếu phường vô đạo, kẻ hung tàn đang hạ thấp, hủy hoại phẩm giá con người thì trái lại người công chính luôn trân quý, làm cho phẩm giá của bản thân cũng như của tha nhân ngày một hoàn hảo hơn trong ơn gọi làm người. Phẩm giá con người được hoàn tất trong ơn gọi làm người với những đức tính tự nhiên, siêu nhiên và hồng ân trở nên con Thiên Chúa.

 

Với những đức tính tự nhiên vốn có của người công chính, thánh Giacôbê đã tôn vinh:  Người công chính là người khôn ngoan. Họ mang trong mình những đức tính: “Thanh khiết, hiền hòa, khoan dung, mềm dẻo, không thiên vị, xây dựng hòa bình” (x. Gc 3,1-4,3). Vịnh gia trong bài đáp ca với cảm nghiệm sâu sắc cuộc sống tâm linh cho biết người công chính có những đức tính đáng trân quý là con người của thờ phượng với những tâm tình luôn sẵn sàng, liên lỷ cầu nguyện xin Chúa tha thứ và nâng đỡ, tự nguyện dâng lễ tế và ca tụng thánh danh (x. Tv 53,8). Một cách trổi vượt hơn, cũng trong chiều kích nhìn nhận giá trị cao quý phẩm giá con người, thầy dạy trong sách Khôn ngoan cho chúng ta biết tuyệt đỉnh của phẩm giá con người có những đặc điểm khác biệt. Người công chính là con Thiên Chúa, được Ngài viếng thăm và cứu chuộc (x. Kn 2,12-20).

 

Hơn ai hết, Đức Giêsu Kitô đã trân quý phẩm giá con người một cách đặc biệt. Tin Mừng Marcô thuật lại: “Người đặt một đứa trẻ giữa các ông, ôm lấy nó và nói: ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì Danh Thầy, là tiếp đón Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). “Đứa trẻ” ở đây có nghĩa là em bé hay người tôi tớ. Em bé hay người tôi tớ được Đức Giêsu ôm lấy và tiếp đón. Trong tương quan với Ngài và Thiên Chúa Cha,  em bé, người tôi tớ là những người bé nhỏ, tuy nhiên cũng như bất cứ con người nào, họ  đều có một phẩm giá thật cao cả.  Hẳn thật, từng trang Kinh Thánh cho biết con người có phẩm giáo cao quý, bởi vì con người là “hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), được tạo dựng nên giống hình ảnh bản tính Ngài (x. Kn 2), trở nên dưỡng tử (Ep 1,5), được thông  phần bản tính Thiên Chúa  (2 Pr 1,4) và được cứu chuộc (x. Cl 1).

 

Như vậy, Lời Chúa đã phác thảo hai hình ảnh đối lập về người vô đạo với người công chính, chúng ta nhận ra những hình ảnh đó đang hiện sinh trong cuộc sống của người Kitô hữu hôm nay. Phẩm giá con người đang từng ngày bị xâm phạm và hủy hoại bởi sự dữ, ác thần, nhưng chính yếu vẫn do lòng người ghen tuơng, đố kỵ,…và ham muốn. Có thể nói phường vô đạo, kẻ gian ác không chỉ bằng lòng với việc ăn chơi hưởng thụ, họ còn trở nên bất nhân với người công chính và những kẻ yếu đuối. Người công chính lại là những người nghèo, người góa bụa, kẻ cô thân cô thế, không thể tự bảo vệ chính mình, luật Môsê cấm đối xử tệ với họ (x. Lv 19,32). Ở đâu đó trên thế giới với đại dịch virus Vũ Hán đang cho thấy thảm cảnh đó xảy ra nơi thị thành, những cái chết tức tưởi của nhiều người nam nữ, phụ lão ấu nhi bởi tính lợi nhuận của một số nhóm nhỏ lợi ích, hay ở nơi thôn quê cũng như miền rừng núi, mạng sống an toàn của con người phải đánh đổi không bằng những kg lương thực để “chích những loại thuốc” phòng bệnh không được quyền chọn lựa.

 

Dẫu biết rằng bóng tối sự dữ đang bủa vây người công chính, nơi họ vẫn ngời lên ánh sáng của hy vọng, bằng nghị lực, để sống khôn ngoan, xây dựng hòa bình, với những tài năng Thiên Chúa phú bẩm. Nếu gạt đi những tiêu cực trong hoàn cảnh hôm nay, chúng ta vẫn thấy ánh sáng của hy vọng ấy đang từng ngày được thắp lên. Những ánh mắt cảm thông, cánh tay chung chia, trái tim rộng mở của người thiện tâm đang đương đầu với bóng dáng sự chết trong đại dịch. Họ dù bất kỳ màu gia, ngôn ngữ và tôn giáo, tất cả đều mong chia sẻ tình người để cho những người nghèo, kẻ bé nhỏ bị gạt ra bên ngoài lề xã hội có cơ hội được sống và làm cho phẩm giá phẩm giá con người được tôn trọng.

 

Trong đại dịch thảm kịch đang xãy ra từng ngày ở Sài Gòn, cũng như một số nơi trên quê hương Việt Nam, các thiện nguyện viên là giáo dân, các tu sĩ cùng với những người khác đã ở tuyến đầu, tham gia cứu trợ người nghèo bằng tình liên đới, đã làm cho bác ái Kitô giáo trỗi lên mạnh mẽ trong xã hội. Họ được vun đắp từ “thanh khiết, hiền hòa, khoan dung, mềm dẻo, không thiên vị, xây dựng hòa bình” (x. Gc 3,1-4,3).  Những đức tính cao đẹp đó đang từng ngày làm cho phẩm giá của các thiện nguyện viên và mọi người ngày càng trở nên cao quý.

 

Tuy nhiên, có thể nói rằng, vượt trên hết những chân giá trị con người có như tài năng, tình thương, soi chiếu trong ánh sáng mặc khải thì điều làm cho phẩm giá con người được cao cả, trân quý hơn hẳn là con người trở nên con cái Thiên Chúa, gọi Ngài là Cha. Vào cuộc trần biết có phẩm giá cao quý là con Thiên Chúa, mỗi người cần trân quý phẩm giá ấy cũng như phẩm giá anh chị em và ở lại, gắn kết với Thiên Chúa bằng tình con thảo như cành với cây nho (x. Ga 15,5) để sinh hoa trái làm lễ tế và xưng tụng danh Thiên Chúa thiện hảo:

 

“Lạy Chúa, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.

Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế,

Lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài,

Thật danh Ngài thiện hảo” (Tv 53,6-8).

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á