Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa CN V MC, năm A, Ga 11,1-45: "Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết"

Nơi Thiên Chúa, quyền năng và lòng thương xót luôn tồn tại, nhưng để quyền năng và lòng thương xót ấy được thi thố nơi con người thì cần sự “đồng ý” của con người, nghĩa là cần phải tin. Ở điểm này, Marta như một tia sáng cho chúng ta noi theo.

 

 

 

“NẾU CÓ THẦY Ở ĐÂY, EM CON ĐÃ KHÔNG CHẾT”

(Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)

 

Luân An

 

Với con người, sống không chỉ là đời sống thể lý mà còn có đời sống tinh thần. Bằng chứng là khi thân xác được đáp ứng mọi nhu cầu, người ta vẫn không cảm thấy thỏa mãn. Ngược lại, khi đời sống vật chất đủ đầy, con người hướng tới đời sống tinh thần, tìm đến những lãnh vực khác như: nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, thời trang, giải trí… Riêng với người Kitô hữu, ngoài đời sống vật chất, đời sống tinh thần, còn có đời sống tâm linh. Thánh Augustinô đã kinh nghiệm về điều này sau khi trải qua bao thú vui trần thế với những tháng ngày ăn chơi hưởng thụ: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải cho đến khi con được nghỉ yên trong Chúa”. Sau khi chay tịnh bốn mươi đêm ngày trong sa mạc, Đức Giêsu thấy đói, ma quỷ đến cám dỗ, Người đã khẳng định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên chúa phán ra” (Mt 4,4). Nếu sống giữa cuộc trần này con người chỉ dừng lại ở đời sống thể lý thì xem ra đời sống ấy chẳng có ý nghĩa gì.

 

Bước vào Chúa Nhật V Mùa Chay, các bài đọc Lời Chúa hướng chúng ta đến sự sống mới hay sự phục sinh.

 

Trong bài đọc I, tiên tri Êdêkien nhắc lại lời Thiên Chúa hứa với dân Israel, rằng chính Ngài sẽ phục hồi sự sống cho họ: “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel” (Ed 37,6.13). Nói đến tiên tri Êdêkien, phải nói đến thị kiến về những bộ xương khô nằm la liệt trong thung lũng. Đây là hình ảnh về dân tộc Israel đã bị tàn lụi do tội lỗi, bệnh tật và những khó khăn khi họ phải sống trong cảnh lưu đày. Nên ông nhắc nhở họ ý thức rằng, nếu họ sống ở trong đất nước mình, nhưng vẫn còn ở xa Thiên Chúa, thì họ vẫn còn ở trong sự lưu đày tinh thần hay vẫn ở trong sự chết. Bởi vậy, chỉ có Thần Khí Đức Chúa mới có thể giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và sự chết.

 

Trong bài đọc II, thánh Phaolô đã khẳng định chỉ có Thánh Thần của Đức Giêsu mới có thể mang lại sự sống cho chúng ta: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Theo thánh Phaolô, điều kiện để chúng ta có được sự sống của Thần Khí đó là chúng ta phải luôn kết hiệp với Đức Kitô: “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội lỗi đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống” (Rm 8,10).

 

Nói cách khác, không có Thần Khí của Đức Chúa, con người dù khỏe mạnh cũng phải chết. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63).

 

Trong bài Tin Mừng, chủ đề về sự sống mới, được thánh sử Gioan trình bày một cách rõ nét hơn qua việc Đức Giêsu dùng quyền năng của Người làm cho Lazarô sống lại. Lazarô là người bạn được Đức Giêsu yêu quý, anh bị bệnh nặng. Chị của Lazarô là Marta và Maria cho người đi báo tin cho Đức Giêsu và xin Người đến cứu chữa em mình, nhưng khi Chúa Giêsu đến, Lazarô đã chết được bốn ngày và đã được mai táng trong mồ. Theo lẽ tự nhiên, một người đã ở trong mồ bốn ngày thì không còn cách nào để sống được. Marta, chị của Lazarô, đã thâm tín như vậy: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày” (c.39). Tuy nhiên, khi gặp Đức Giêsu, câu đầu tiên mà Marta nói với Chúa lại là: “Nếu Thầy ở đây, em con đã không chết”. Câu nói này một đàng xem như một lời trách móc, nhưng mặt khác lại như một lời xác tín. Chị xác tín rằng nếu có Chúa ở đây thì em chị sẽ không chết. Từ lời xác tín này, Đức Giêsu từ từ hé mở cho chị thấy chính Ngài là sự sống và là sự sống lại, ai tin vào Ngài thì dù đã chết cũng sẽ đựơc sống. Marta đã tin và em chị là Lazarô đã được sống lại.

 

Sự kiện Lazarô sống lại, một mặt cho chúng ta xác tín hơn về quyền năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Quả thật, Đức Giêsu không chỉ là Đường, là Sự Thật mà còn là Sự Sống. Ngài có quyền năng trên kẻ sống cũng như người chết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không bào giờ phải chết” (cc.25-26). Mặt khác, cũng qua sự kiện này cho chúng ta thấy niềm tin là yếu tố quan trọng để làm nên phép lạ. Có thể nói, niềm tin như là một sự mặc cả giữa Thiên Chúa và con người. Nơi Thiên Chúa, quyền năng và lòng thương xót luôn tồn tại, nhưng để quyền năng và lòng thương xót ấy được thi thố nơi con người thì cần sự “đồng ý” của con người, nghĩa là cần phải tin. Ở điểm này, Marta như một tia sáng cho chúng ta noi theo. Nơi chị, niềm tin không phải chỉ trên sách vở hay qua các bài giáo lý mà tin có đối thoại, tin nhờ sống và kết hiệp với Đức Giêsu.

 

Như đã nói từ đầu, với người Kitô hữu, sống không chỉ có đời sống thể lý hay đời sống tinh thần mà còn có đời sống tâm linh. Để có được đời sống tâm linh sung mãn không gì khác hơn người Kitô hữu phải luôn sống kết hiệp với Đức Giêsu. Hình ảnh gia đình Bêtania phải là hình ảnh mẫu để chúng ta noi theo và sống kết hiệp với Người.