Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa CN II PS: BÌNH AN GIỮA TÂM DỊCH CORONA

Bình an của Chúa không chỉ thể hiện nơi dấu chỉ ngôi nhà thờ vật chất tráng lệ mà người Kitô hữu đón nhận được qua cử hành phụng vụ, nhưng bình an của Chúa còn ngay ở nội tại là ngôi đền thờ thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Sự bình an của Chúa không đến trong lo lắng, sợ hãi...

 

 

BÌNH AN GIỮA TÂM DỊCH CORONA

(Cv 2,42-47; 1 Pr 1,3-9; Ga 20,19-31)

 

Đình Ủy

 

Thế giới tính đến ngày 18.4.2020 với số người nhiễm virus vũ Hán lên đến 2.224.4262 người và 153.177 người chết. Khi đối diện với nghiệt ngã của đau khổ, sự dữ, cái chết thảm khóc như thế nhân loại như đang đi vào đoạn đường hầm tăm tối dài thăm thẳm! Giữa thử thách bi đát cho thân phận mong manh của con người, không ít người đã lo lắng, kinh hãi thốt lên Thiên Chúa ở đâu? Ngài có thể làm gì cho con người trước đại nạn này? Lời Chúa Chúa nhật II Phục Sinh soi sáng cho chúng ta biết giữa đại dịch Corona Vũ Hán, Thiên Chúa là Đấng cứu rỗi và là bình an cho nhân loại!

 

Thực tế bi thảm của nhân loại. Trước nạn Corona Vũ Hán, một loại virus có kích thước khoảng 1, 2 ∕ 1000000 mm, nó vô hình trước mắt con người, nhưng làm điêu đứng các quốc gia hùng mạnh, các nhà khoa học lỗi lạc; sức mạnh kinh tế, quân sự các cường quốc cũng đều đang bị lung lay. Sự hoài nghi từ nguồn gốc virus, cùng với đó tác hại của nó lan rộng sâu vào trong mọi phương diện trên khắp hoàn cầu. Tất cả nói lên sợ hãi, lo lắng kinh hoàng làm lung lay con người. Nhưng bình tâm nhìn lại thì người ta vẫn thấy khía cạnh tích cực đang xuất hiện như là một tia sáng cuối đường hầm le lói.

 

Thảm cảnh lớn của nhân loại đối diện hôm nay, khi quy chiếu về nhóm môn đệ trong cuộc thương khó của Đức Kitô cũng có nào phần  đó tương ứng về khía cạnh tinh thần. Các môn đệ bị phân tán, bị người Do Thái truy nã, ngược đãi, ngay cả thầy Giêsu cũng bị họ diết chết. Ngày  Phục Sinh đáng lẽ ra cũng là ngày vui mừng trọng đại, nhưng khi chưa gặp được Đức Giêsu, các môn đệ cũng đang sợ hãi: Họ đóng cửa, vì sợ người Do Thái (x. Ga 20,1). Những Quốc gia hiện đại cũng phong tỏa, cấm cửa vì sợ Virus Corona Vũ Hán. Con người sợ bị virus lây nhiễm, tấn công và giết chết. Nhưng với các tín hữu, có một cách nhìn khác, dưới lăng kính của người có đức tin, các môn đệ hàng ngày họp nhau cầu nguyện, siêng năng bẻ bánh (x. Cv 4,32-35). Khi sự bám víu trần thế hay cường quyền không còn nữa, lúc đó con người chỉ còn một chỗ trông chờ duy nhất ở nơi Thiên Chúa. Phép lạ đã đến, Đức Giêsu Kitô đã đến trong nỗi cô đơn, sợ hãi và tuyệt vọng của các môn đệ cũng là của con người hiện tại: “Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở các cửa đều đóng kín vì họ sợ Người Do Thái” (Ga 20,19). Đức Giêsu đã đến ban bình an và Thánh Thần cho họ: “Bình anh cho anh  em” (Ga 20,20). Niềm vui vỡ hòa. Thất vọng của các môn đệ nay là hy vọng. Đức tin của người môn đệ như ngọn đèn leo lét trước bão tố, nay đã bừng sáng lên.

 

Các Kitô hữu trong bối cảnh hiện tại cũng đang trong cơn thử thách: từ đại thánh đường Phêrô ở Roma nguy nga tráng lệ, các trung tâm hành hương đến các nhà thờ ở thị thành, thôn quê, làng mạc, hay miền sơn cước của nhiều quốc gia dần bị giới hạn hay đóng cửa. Chúng ta nhìn có thể thấy, một bức tranh ảm đạm như lời vị ngôn sứ bi ai kêu lên: “Đền thờ thánh danh, nghi lễ phụng tự nay không còn nữa”…. Có thể nhiều người nghĩ Thiên Chúa đang vắng mặt, Ngài đang ngủ say trên con thuyền đang bị sóng gió, bão tố đánh cho tả tơi hay lịch sử lặp lại như tiếng kêu thảm thiết của chính Đức Kitô: “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của Con, sao Ngài bỏ rơi Con” (Mt 27,46). Hay thử thách các môn đệ trong những đêm trường tử nạn của thầy mình. Thử thách đến nỗi ngôi mộ an táng Chúa cũng trống vắng. Ai trộm xác thầy Giêsu? Cái tột đỉnh đau đớn, thử thách khi mà Thiên Chúa vắng bóng. Và ai đó cũng có thể nghĩ, Thiên Chúa đang bóc trần trụi đi những gì con người bám víu mà không phải là Thiên Chúa, để sinh ích cho những ai yêu mến Người.

 

Thế giới đang lo lắng, sợ hãi, nhưng một mặt con người vẫn còn ánh sáng hy vọng soi chiếu, bình an đang le lói. Con người có thể nghèo hơn của cải vật chất, nhưng họ vẫn có thể dễ dàng chia sẻ cho nhau hơn khi hoạn nạn. Con người có thể còn nhiều bất đồng, nhưng họ có thể dễ dàng đồng tâm tìm ra những giải pháp tích cực hơn:  hợp tác, lên án trước sự gian trá, độc ác, sự dữ do chính con người tạo ra... Cũng nhiều người chết do virus Corona hơn so với những bệnh truyền nhiễm khác, nhưng sự sống con người cũng được quan tâm, lo lắng, trân quý bảo vệ hơn bởi người thiện chí.

 

Với người Kitô hữu, mặc dù giữa trăm chiều thử thách, nhưng bình an của Chúa  như lời thánh Phêrô gửi cho các cộng đoàn Kitô hữu trong toàn đế Rôma là lời hứa đích thực: “Do lượng hải hà Thiên Chúa cho chúng ta được tái sinh để lãnh nhận niềm hy vọng sống động nhờ Đức Kitô đã sống lại để được hưởng gia tài không hư hoại…là những người nhờ  niềm tin được Thiên Chúa giữ gìn hầu được ơn cứu độ Người đã dành sẵn” (1 Pr 1,3-5).

 

Bình an của Chúa không chỉ thể hiện nơi dấu chỉ ngôi nhà thờ vật chất tráng lệ mà người Kitô hữu đón nhận được qua cử hành phụng vụ, nhưng bình an của Chúa còn ngay ở nội tại là ngôi đền thờ thiêng liêng trong tâm hồn mỗi người. Sự bình an của Chúa không đến trong lo lắng, sợ hãi: “Các môn đệ đóng cửa”, nghĩa đen là sợ người Do thái, nhưng “đóng cửa” cũng có thể xem như đóng cửa tâm hồn, đóng các giác quan lại với ngoại tại:  “Anh em hãy vào phòng đóng cửa lại…” (Mt 6,6). Đóng cửa với mọi thọ tạo, mọi bám vúi, lo lắng, để sẵn lòng nghe tiếng Chúa. Đóng cửa lại để trầm tư chiêm nghiệm giới hạn mong manh của thân phận con người, để biết bình an là trân quý, bảo vệ hồng ân sự sống trước virus Vũ Hán hủy diệt, cũng như những gì đang tàn phá hồng ân sự sống là sức khỏe thể chất lẫn tinh thần mà Thiên Chúa ban tặng. Và trên hết, lắng động tâm hồn để đón nhận bình an là tình thương quan phòng Thiên Chúa dành cho mỗi người trong nhân loại.

 

Như thế, với đại nạn Corona Vũ Hán đang tàn phá nhân loại, chúng ta vẫn thấy  khía cạnh tích, ánh sáng hy vọng vẫn bừng lên để xua tan những sợ hãi. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Cho dẫu con người làm ra sự dữ thì Thiên Chúa vẫn luôn trung tín yêu thương quan phòng. Tình thương quan phòng - lòng thương xót Thiên Chúa ban tặng cho con người ơn cứu độ đó là bình an thật sự giữa đại nan virus cũng như giữa những nghịch cảnh cuộc đời. Lòng thương xót Chúa vẫn luôn hiện diện kín ẩn, bình dị trong sâu kín tâm hồn con người. Nơi đó như kho tàng, hay viên ngọc quý mà mỗi người cần đức tin, lời nguyện cầu cá vị với Thiên Chúa, không để lo lắng sợ hãi che mất. Bình an đó cũng cần những tấm lòng trân quý sự sống nhân vị của bản thân, đồng loại, hướng đến bảo vệ giữ gìn, để trở thành đền thờ Thiên Chúa. Như thế dẫu cho bóng tối sự dữ, đen tối của tội lỗi, giữa đại dịch, lòng người vẫn thấy ánh sáng hy vọng: Thiên Chúa bình an của con người.

 

Lạy Thiên Chúa là Cha nhân hậu giàu lòng xót thương! Xin Cha ghé mắt nhìn nhân loại chúng con đang khổ cực, sợ hãi biết chừng nào trước đại dịch Virus Corona, xin Cha biến đổi sự đau khổ của các bệnh nhân, lo lắng của các y bác sĩ, những người thiện nguyện góp phần tranh đấu với virus, những người lao động thất  nghiệp thành bình an và  niềm an vui.  Amen.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á