Suy niệm

Suy niệm Lời Chúa CN II MC, A: Chúa Giêsu biến hình

Chúa Hiển Dung nghĩa là Chúa tỏ hiện dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vị Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh, đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu.

 

 

 

CHÚA GIÊSU BIẾN HÌNH

(St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)

 

Tùng Linh

 

Hôm nay, Chúa nhật II Mùa Chay, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngưỡng dung nhan của Chúa Giêsu qua biến cố Hiển Dung. Chúa Hiển Dung nghĩa là Chúa tỏ hiện dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vị Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng chí thánh, đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu. Qua biến cố Chúa Giêsu biến hình đem lại điều gì cho các môn đệ và cho mỗi người chúng ta?

 

Bài đọc I, sách Sáng Thế cho chúng ta thấy, để chuẩn bị chương trình cứu độ loài người, Thiên Chúa đã chọn ông Abram làm tổ phụ một dân tộc. Vào thời điểm đó, ông Abram và bà Sarai còn hiếm muộn, vì tuổi đã cao mà chưa có con nối dòng. Thiên Chúa đã ban lời hứa: “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn, Ta sẽ ban phúc cho ngươi, cùng làm vinh danh ngươi, ngươi sẽ được diễm phúc” (St 12,2). Tổ phụ đã bước đi trong niềm tin phó thác và một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Theo lệnh Chúa, ông bà đã rời quê hương xứ sở đi đến miền đất Chúa hứa. Ông Abram đã trải qua biết bao thử thách thăng trầm. Ông vâng lệnh Chúa một cách vô điều kiện, ngay cả khi Thiên Chúa muốn ông hiến dâng đứa con trai độc nhất làm hy tế. Qua sự trung tín, Abram đã được Thiên Chúa đổi tên thành Abraham. Abraham trở nên tổ phụ của tất cả những người có niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất. Ông đã được Thiên Chúa đoái thương và ban cho có con đàn, cháu đống nối dòng trải qua muôn thế hệ từ đời nọ tới đời kia.

 

Bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi Timôthê và chúng ta cộng tác loan truyền Tin mừng cứu độ: “Anh thân mến, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng, nhờ sức mạnh của Thiên Chúa (2Tm 1,8). Phaolô tự nhận là đứa trẻ sinh non trong ân sủng cứu độ của Chúa, nhưng ông đã hết mình truyền rao chân lý mà ông đã lãnh nhận từ chính Chúa Kitô phục sinh. Cho dù đối diện với sự khó khăn, bị xua trừ, bắt bớ, đánh đập, tù đày và ngay cả sự chết, Phaolô vẫn một niềm tin tưởng và cậy trông vào sự sống trường sinh và vinh quang bất diệt mà Chúa Kitô sẽ thưởng ban. Tin mừng cứu độ đã được tiếp tục truyền rao đến khắp cùng bờ cõi, những ai tin vào Chúa Kitô thì sẽ được lãnh ơn cứu độ.

 

Tin Mừng Matthêu được trích đọc hôm nay, thuật lại chiều hôm ấy trên núi cao, ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê cũng có những trải nghiệm tuyệt vời về Chúa Giêsu. Cũng vẫn là con người Giêsu mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần nầy, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi, lại có cả Môsê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài.

 

Biến cố “Biến đổi hình dạng ở trên núi” (Mt 17,1-9) nằm giữa hai lần Đức Giêsu báo trước Thương khó và Phục sinh: Lần thứ nhất ở Mt 16,21-23 và thứ hai ở Mt 17,22-23. Chúng ta vẫn quen gọi: “Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc Thương Khó”, nhưng trong cả ba lần Đức Giêsu đều nói tới biến cố Phục Sinh bằng một câu ngắn ngủi: “Ngày thứ ba, Người sẽ trỗi dậy” (Mt 16,21; 17,23; 20,19).

 

Theo Lm. Giuse Lê Minh Thông, các môn đệ trong bản văn cũng như cộng đoàn Mátthêu cuối thế kỷ I và cả độc giả ngày nay không để ý, hay xem nhẹ ba lần báo trước sự Phục Sinh. Vì thế, trình thuật Đức Giêsu biến đổi hình dạng (Mt 17,1-9) nhằm làm lộ ra vinh quang tiềm ẩn nơi Đức Giêsu và nhất là mặc khải cho các môn đệ và cho độc giả biết Đức Giêsu là ai và chúng ta phải làm gì.[1]

 

Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết Người sẽ lên Giêrusalem để hiến thân chịu chết. Lời tiên báo này làm cho tinh thần các môn đồ bấn loạn. Phêrô thì kéo riêng Thầy mình ra và trách Người rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”, khiến Đức Giêsu phải nặng lời quở mắng: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,21-23).

 

Để củng cố tinh thần sa sút của các ông, nhằm giúp các ông vượt qua thử thách đau thương sắp đến và bền chí theo mình đến cùng, Chúa Giêsu bộc lộ cho ba môn đệ thân tín thấy chân tướng của Người: Người là Đấng uy nghi sáng láng, là Con yêu dấu của Chúa Cha. Trình thuật Tin Mừng được thánh sử Matthêu bắt đầu bằng sự tách biệt với đời thường về thời gian, về không gian và về con người: “Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1). Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Đây là “chóp đỉnh”, mục tiêu của cuộc hành trình. Khi đang ở trên đỉnh núi với Chúa Giêsu, ba môn đệ được ơn nhìn thấy Người trong vinh quang, chói ngời ánh sáng siêu nhiên. Một ánh sáng không đến từ bên ngoài, nhưng tỏa ra từ chính Chúa.[2] Biến hình giúp củng cố đức tin, đồng thời, cũng chính là giúp biến đổi con người các môn đệ và những kẻ đến với Đức Giêsu Kitô.

 

Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người. Môsê và Êlia vốn là hiện thân của Lề luật và các Ngôn sứ[3], nghĩa là cho toàn thể Cựu Ước. Như thế, tất cả Cựu Ước hiện diện để làm chứng và tôn kính vinh quang của Chúa Giêsu. Điều đáng để ý là giữa vinh quang xán lạn ấy, hai vị đàm đạo với Người về cuộc xuất hành (chết) của Người tại Giêrusalem (Lc 9,31). Như vậy, tất cả khung cảnh Biến Hình này đều đưa về viễn ảnh cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu.[4] Khi chỉ một mình ngài ghi nhận là “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, hẳn là tác giả Matthêu muốn ám chỉ Đức Giêsu là Môsê mới, còn Môsê ngày xưa chỉ có “da mặt sáng chói” mà thôi (x. Xh 34,30).[5]

 

Chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Lời phán dạy của Thiên Chúa Cha lần này y hệt lần Đức Giêsu chiu phép rửa trên sông Giođan: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt 3,17). Thiên Chúa Cha đã chứng nhận sứ mệnh cao cả của Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

 

Lòng đầy hoan lạc, các ông không muốn cho giây phút mầu nhiệm đó trôi đi. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt 17,4).

 

Đối với Kitô hữu chúng ta, Mùa Chay phải là thời gian của Hiển Dung[6]. Hay nói cách khác, hành trình khổ chế Mùa Chay đều có mục tiêu là một cuộc biến hình, một sự biến đổi, mà trong trường hợp chúng ta, đều có khuôn mẫu nơi Chúa Giêsu Hiển dung và được thực hiện nhờ ân sủng của mầu nhiệm Vượt qua của Người[7]. Trong Mùa Chay, chúng ta được mời gọi đi lên một ngọn núi cao” cùng với Chúa Giêsu và sống một kinh nghiệm thiêng liêng đặc biệt - sự khổ chế - như dân thánh của Thiên Chúa.[8] Giống như một cuộc leo núi, chúng ta cần phải khởi hành một lộ trình khó khăn đòi hỏi nỗ lực, hy sinh và tập trung.[9]

 

Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!”. Mệnh lệnh của Chúa Cha yêu cầu chúng ta cần lắng nghe Chúa Giêsu. Mùa Chay là thời gian ân sủng để chúng ta lắng nghe Lời khi Người ngỏ lời với chúng ta.[10] Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý cho chúng ta: Lời Chúa mà Giáo hội công bố cho chúng ta trong Phụng vụ. Chúa còn nói với chúng ta qua anh chị em của chúng ta, nhất là qua những khuôn mặt và câu chuyện của những người cần được giúp đỡ.[11]

 

Mùa Chay chính là thời gian để người tín hữu chọn lựa một hành động thiết thực: hoặc xé áo, hoặc xé lòng. Mùa Chay là mùa sám hối và canh tân. Sám hối, canh tân là bỏ đi con người tự mãn tự kiêu để mặc vào con người nhu mì khiêm tốn, là tháo gỡ khuôn mặt u mê tội lỗi để nhận lại khuôn mặt ngời sáng thánh thiện, là tẩy chay tâm địa ích kỷ để đón nhận tinh thần phục vụ yêu thương.[12]

 

Hãy xé lòng, đừng xé áo, nghĩa là “hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới” (Ed 18,31). Đó là điều rất khó khăn khó có thể làm được như thế. Khó, nhưng không phải là không thực hiện được, khi biết cậy dựa vào Thần Khí: “Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1,7).

 

Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Êphêsô cũng như cho chúng ta: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa (nói lời thô tục, nhảm nhí, cợt nhả) (Ep 5,4), nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em  trong Đức Kitô” (Ep 4,29.31).

 

Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cùng biến hình với Người. Biến hình với Chúa Giêsu là thay đổi cuộc sống của ta, là biến đổi tâm hồn ta, là mang vào lòng ta một trái tim mới, trái tim của yêu thương, của tin tưởng và cậy trông phó thác. Biến hình với Chúa Giêsu là vất bỏ ý riêng của ta, là chấp nhận và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa, là lên đường bước đi với Chúa trong tình yêu và ân sủng Ngài ban. Biến hình với Chúa Giêsu là từ giã con người tội lỗi yếu hèn của mình, là trở nên giống Ngài mỗi ngày mỗi hơn.

 

 

 ______________________________

 

[1] gpcantho.com, Lm Giuse Lê Minh Thông

[2] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[3] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[4] Chú Thích của Nhóm CGKPV

[5] Lm. FX. Vũ Phan Long, Tin Mừng Matthêu dùng trong Phụng Vụ, tr. 301.

[6] gpcantho.com, Lm Gioan Nguyễn Văn Ty

[7] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[8] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[9] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[10] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[11] ĐTC Phanxicô, Sứ Điệp Mùa Chay 2023

[12] gpcantho.com, Thiên Phúc