Suy niệm

Suy niệm CN III MV năm C (M. Ephrem Hoàng Quốc Tuấn)

Phép rửa sám hối của Gioan chỉ là cử chỉ tỏ lòng sám hối, không là bí tích, không tất yếu phát sinh hiệu quả tha tội. Phép rửa của Chúa Giêsu thiết lập là bí tích: Người lãnh nhận bí tích Rửa tội được tha tội tổ tông và tội mình làm.

 

CN III MV Năm C

Lc 3, 10-18

M. Ephrem Hoàng Quốc Tuấn

Lời Chúa qua miệng của Gioan Tiền Hô tiếp tục vang lên trong bài Tin Mừng, cần phải hoán cải, phải thay đổi hướng đi, thực thi đức công bằng, sống tình liên đới và tiết độ là những giá trị không thể tách rời khỏi một cuộc sống của người kitô hữu. Ngài đã gây được một phong trào sám hối trong dân Do thái, đã lôi kéo được đông đảo dân chúng đến nghe giảng và tỏ dấu sám hối bằng cách dìm mình trong nước. Chính đời sống và lời giảng của ông có sức lôi cuốn người ta đến với sông Giođan để được ông làm phép rửa. Phép rửa của Gioan nhằm giúp con người bày tỏ lòng hoán cải, để chuẩn bị đón Đấng Mêsia sắp đến (Mt 3, 7-12). Chính vì thế trong thâm tâm ai nấy tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cới quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và lửa”(Lc 3,16).

“Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” nghĩa là gì? Kiểu nói này dùng để không những phân biệt phép rửa của Chúa Giêsu với phép rửa của Thánh Gioan, người chỉ làm phép rửa “bằng nước”, mà còn phân biệt toàn bộ con người và việc làm của Chúa Giêsu với con người và việc làm của vị Tiền Hô. Nói cách khác, trong mọi việc làm của Người, Chúa Giêsu là Đấng làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần.

“Làm phép rửa” ở đây có một ý nghĩa phúng dụ: nó có nghĩa “làm ngập, tắm rửa hoàn toàn và dìm ngập” y hệt nước làm cho cơ thể. Chúa Giêsu “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” theo nghĩa Người “ban Thần Khí vô hạn lượng” (x. Ga 3,34), Người “đổ tràn” Thần Khí của Người (x. Cv 2,33) xuống trên toàn nhân loại đã được cứu chuộc. Câu này có ý nói tới biến cố Hiện Xuống hơn là bí tích Rửa Tội, như ta có thể diễn dịch từ đoạn Công Vụ: Gioan làm phép rửa với nước, nhưng một ít ngày nữa, các con sẽ được chịu phép rửa với Chúa Thánh Thần” (Cv 1,5). Do đó, kiểu nói “làm phép rửa trong Chúa Thánh Thần” xác định việc làm có tính yếu tính của Chúa Kitô, một việc làm đã xuất hiện trong các lời tiên tri của Cựu Ước về Đấng Mêsia, nhằm hướng tới việc tái sinh nhân loại qua việc đổ tràn Chúa Thánh Thần (x. Ge 2, 28-29).

Chúng ta thử so sánh phép rửa sám hối của Gioan và bí tích rửa tội của Chúa Giêsu thiết lập có khác và giống nhau không?
 
          Xin thưa rằng hai phép rửa đều có chỗ giống và khác nhau: điểm giống nhau cả hai đều dùng nước để nói lên ý nghĩa thanh tẩy tội lỗi. Cả hai đều đòi buộc người lãnh nhận phải thực tâm sám hối tội lỗi và sống công chính.
 
          Điểm khác nhau: Phép rửa sám hối của Gioan chỉ là cử chỉ tỏ lòng sám hối, không là bí tích, không tất yếu phát sinh hiệu quả tha tội. Phép rửa của Chúa Giêsu thiết lập là bí tích: Người lãnh nhận bí tích Rửa tội được tha tội tổ tông và tội mình làm.

          Như lời Thánh Kinh dạy Thiên Chúa của chúng ta là một “ngọn lửa thiêu” (Xh 24,17; Is 33,14; Dt 12,29). Phép rửa bằng Thánh Thần và lửa này là cách thức Thiên Chúa nhóm lên ngọn lửa trong tâm hồn chúng ta để chúng ta sẽ ra đi và chia sẻ tình yêu của Người. Đó là cách thức Thiên Chúa làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn, Đấng đã chỉ muốn làm hài lòng Chúa Cha trong mọi điều Ngài nói và mọi việc Ngài làm. Đó là cách thức xây dựng Hội Thánh của Ngài qua việc trao quyền năng cho dân Người thực hiên những cách củng cố công việc mà Chúa Giêsu đã làm. Thật là vinh dự để lãnh nhận Thánh Thần cách này!

Phép rửa bằng nước rửa sạch chúng ta khỏi tội lỗi nguyên tổ và đưa chúng ta vào trong một mối tương quan mới với Thiên Chúa. Phép rửa “trong Thánh Thần” là điều đã xảy ra cho các tông đồ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các ngài được đổ đầy sự dũng cảm và quyền năng của Chúa. Họ được rửa được dìm hoặc nhận chìm vào trong sự sống của Chúa Thánh Thần, Đấng đã thực hiện những điều kỳ diệu nơi họ và qua họ, và Người cũng muốn làm cho chúng ta.

 “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy thanh tẩy con. Xin hãy đặt trái tim con lên ngọn lửa để con nên nhân chứng giữa dòng đời hôm nay”.

Thiết kế Web : Châu Á