Suy niệm

Suy niệm CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Antôn Quỳnh Hoàng Văn Liệu)

Đức Kitô Phục Sinh là một chân lý, là chứng thực của lời loan báo Tin Mừng, và là niềm hy vọng của những người tin.

 

Ga 20,1-9

"CHÂN LÝ PHỤC SINH"

 

Hôm nay Giáo hội Công giáo long trọng mừng đại lễ Chúa Kitô Phục Sinh. Đây là mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, và là một biến cố trọng đại đối với đức tin Kitô giáo. Bởi“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đức Kitô Phục Sinh cho chúng ta biết điều gì? Trong niềm hân hoan mừng ngày vinh thắng của Đức Kitô, xin được gợi ý ba điểm sau: Đức Kitô Phục Sinh là một chân lý, là chứng thực của lời loan báo Tin Mừng, và là niềm hy vọng của những người tin.

 

* Đức Kitô Phục Sinh là một chân lý.

Mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh là một biến cố có thật đã xảy ra trong lịch sử dân Do thái và được sách Tân Ước ghi chép lại rất rõ, sống động và cụ thể (x.Mc 16,1-8; Lc 24,1-12; Mt 28,1-8; Ga 20,1-10). Thánh Phaolô xác tín điều đó trong thư thứ nhất gửi cho tín hữu Côrintô: “Trước hết tôi truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng hư lời Kinh Thánh, rồi người được mai táng, và ngày thứ ba đã trổi dậy. Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với nhóm mười hai” (1Cr 1,3-4).

Theo trình thuật của thánh Phaolô chân lý mầu nhiệm Phục Sinh được diễn tả trong hai sự kiện đó là ngôi mộ trống và hiện ra. Sự kiện ngôi mộ trống được các tác giả sách Tin Mừng trình thuật qua sự kiện các bà Maria Macdala với bà Maria mẹ ông Giacôbê và bà Salômê đi viếng mồ Chúa, họ thấy ngôi mộ trống, và tảng đá lấp mồ Chúa đã lăn ra một bên, các bà hoảng sợ liền chạy về báo tin cho các môn đệ, ông Phêrô và Gioan chạy ra, các ông đã chứng thực điều đó như lời các bà đã báo (x. Mc 16,18, Mt. 28,1-8; lc 24,1-12; Ga 20,1-10). Ngôi mộ trống là một dữ kiện quan trọng và là một dấu chỉ căn bản để cho chúng ta xác tín vào niềm tin của Đấng Phục Sinh là Con Thiên Chúa làm người; “Trong các biến cố vượt qua, yếu tố đầu tiên mà ta gặp là ngôi mộ trống. Tự nó, điều này không phải là một bằng chứng trực tiếp. Việc thân thể Đức Kitô không còn trong mộ có thể được giải thích cách khác. Dẫu vậy, ngôi mộ trống là một dấu chỉ căn bản đối với mọi người. Việc phát hiện ngôi mộ trống là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận chính sự kiện sống lại” (GLCG số, 640).

Dữ kiện quan trọng thứ hai không kém để chứng thực rằng Chúa Giêsu đã Phục Sinh đó là các lần “hiện ra”. Trước tiên Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các bà đạo đức, trong lúc các bà hoảng sợ Chúa Giêsu nói với các bà: “Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nazaret, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, người không còn đây nữa. Chỗ đặt người đây này! Xin các bà về nói với môn đệ người và ông Phêrô rằng người sẽ đến Galilê rước các ông” (Mc 16,5-7). Sau đó người hiện ra với các môn đệ, đặc biệt là tông đồ Thomas kém lòng tin, ông đã được chạm tay vào thân thể của Đấng Phục Sinh, ông vui mừng phấn khởi, xác tín điều đó khi thưa với Người rằng “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra không hẳn là để chứng minh cho mọi người thấy Người đã sống lại, nhưng là để ứng nghiệm lời các tiên tri đã tiên báo về sứ vụ của Đấng Mêsia (x. Is, 53,7-9; Gn 1,2; Gr 12,9), và ứng nghiệm Lời Người đã nói với dân Do thái: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,18). Và cũng ứng nghiệm lời tiên báo về cuộc thương khó và Phục Sinh của Người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31; Mt 17,22-23; lc 9, 43b-45).

Với những lần Chúa Giêsu hiện ra, ngoài phạm vi lịch sử thuần túy nhân loại về nhân tính của Người, còn mang một sứ điệp sâu sắc đó là thần tính. Sự Phục Sinh của Đức Kitô cho ta biết Người là Đấng Hằng Hữu, là Con Thiên Chúa và cũng chính là Thiên Chúa thật. Đối với Chúa Giêsu cái chết không phải là một dấu chấm hết, mà là một chiến thắng vinh quang khải hoàn trong sứ mệnh Thiên Sai (x. Pl 2, 6-11). Người khẳng định điều đó cho các luật sĩ và biệt phái biết khi họ đòi hỏi hỏi một dấu lạ “Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ; nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giôna. Cũng như xưa tiên tri Giôna ở trong bụng ba đem ba ngày thế nào thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy” (Mt 12, 39-41; Lc 11, 29-32).

Qua hai bằng chứng ngôi mộ trống và các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh  giúp chúng ta tin và xác tín vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô. Đức Kitô là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật đã đến cứu chuộc nhân loại qua mầu nhiệm nhập thể là Đấng Emmanuel, qua con đường thập để bước vào niềm vui Phục Sinh. Nhờ cái chết của Người đã giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ tỗi lỗi, nhờ sự Phục Sinh vinh hiển mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới (x. Rm 4,25). Trong đêm canh thức Vượt Qua thánh thi Exsutet có đoạn: “Ôi tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang. Ôi đêm hồng, đêm nối kết trời đất, chỉ mình người biết giờ Đức Kitô từ cõi chết đã vinh thăng”.

 

* Đức Kitô Phục Sinh là chứng thực của lời loan báo Tin Mừng.

Chúa Giêsu Phục Sinh là tâm điểm của toàn bộ lời rao giảng của các Tông đồ cũng như tất cả đời sống đức tin của các tín hữu. Bởi vậy, lời loan báo sống động và hùng hồn nhất đó là lời loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Chính điều đó thánh tông đồ Phaolô đã xác tín rằng: “Nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1 Cr 15,14). Sách Giáo lý của Giáo hội đã nói rõ về tầm quan trọng đó như sau: “Trước hết sự Phục Sinh tạo nên việc xác nhận tất cả những gì chính Đức Kitô đã làm và đã giảng dạy. Tất cả các chân lý mà tâm trí nhân loại không thể đạt tới, đều được biện minh, một khi Đức Kitô Phục Sinh đưa ra lý chứng tối hậu, mà Người đã hứa, về thẩm quyền thần linh của Ngài” (GLCG số 651).

Đức tin của chúng ta đặt trên nền tảng Kinh Thánh và truyền thống của Giáo hội đặc biệt là qua các thánh Tông đồ. Họ là những người đã đã sống, đã được giáo huấn từ Đức Kitô, đã chứng kiến cuộc khổ nạn, và cái chết trên thập giá, đã đụng chạm vào thân thể của Đấng Phục Sinh và đã thông truyền cho chúng ta. Bởi vậy, lời loan báo về Đấng Phục Sinh là lời loan báo rất sống động, cụ thể được minh chứng bằng các chứng từ trong đời sống đức tin. Quả thực, việc Chúa Giêsu sống lại là một biến cố cực kỳ quan trọng đối với chính Người, với giáo huấn của Người, với các môn đệ cũng như với tất cả mọi người, vì đó là nền tảng cho niềm tin và sự cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người. Đối với Chúa Giêsu, sự sống lại chứng tỏ Người là người thật đã vượt qua đau khổ và chết, là Thiên Chúa Hằng Hữu được tôn vinh.

Được được sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh quả là một ân sủng vô cùng lớn lao. Các Tông đồ là những chứng nhân được lãnh nhận ân sủng đó đã hiên ngang thi hành sứ vụ, đã chiến thắng trước thế lực ba thù. Hạt giống Tin Mừng ngày càng phát triển và lan rộng khắp bốn phương trời. Khi lãnh nhận bí tích rửa tội chúng ta cũng nhận lãnh sứ sai đi: “Các con hãy đi khắp trần gian rao giảng Phúc Âm cho hết mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu rỗi; còn ai không tin sẽ bị luận phạt” (Mc 16,15). Công đồng Vatican II cũng nhấn mạnh điều đó như sau: “Giáo hội có bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô” (CĐVAT II  số 5). Đối với chúng ta hôm nay, sống, làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh là một món quà vô giá, nhưng quả là một thách đố vô cùng lớn lao. Bởi, chúng ta đang đối diện một thế giới của nền công nghiệp hoá, con người dần dần nhường chỗ cho robot, đời sống hưởng thụ vật chất chôn vùi đời sống tâm linh. Hằng ngày, chúng ta phải đấu tranh với biết bao thử thách ngang trái về sự xấu xa của tội lỗi, về sự gian ác bất công của chế độ trung cộng đánh mất nhân phẩm... Đứng trước thực trạng này chúng ta phải gì để đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người? Cây thập giá là câu trả lời cho mỗi người chúng ta về cuộc sống, lời rao giảng, và làm chứng cho niềm vui Phục Sinh.

 

* Chúa Kitô Phục Sinh là Niềm Hy Vọng của những người tin

Niềm hy vọng của Kitô hữu chính là Đức Kitô Phục Sinh, Đức thánh cha Phanxicô đã xác tín rõ điều đó cho khách hành hương vào sáng thứ 4, ngày 7 tháng 3 năm 2017 như sau: “Niềm hy vọng của chúng ta không phải là một ý niệm hay một tâm tình, nhưng là một Người, là Chúa Giêsu mà chúng ta nhận biết là sống và hiện diện nơi chúng ta và các anh em chúng ta”. Vâng, Chúa Giêsu Phục Sinh đã đem lại cho chúng ta niềm hy vọng vô cùng lớn lao đó là Đức Kitô Phục Sinh đang sống, và hiện diện trao ban bình an cho chúng ta “Bình an cho anh em” (Ga 20,21, 26). Sự bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi tâm hồn các Tông đồ một cách mãnh liệt, từ những người nhút nhát, hoang mang họ đã trở thành những chiến sĩ kiên cường, bôn ba khắp bốn phương trời để loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Chúng ta thử nhìn vào các Kitô hữu tiên khởi để cảm nghiệm sâu xa về niềm vui của họ. Họ hợp nhất với nhau, chuyên cần cầu nguyện, năng đến đền thờ, lắng nghe các tông đồ giảng dạy và nhất là siêng năng tham dự lễ bẻ bánh. Họ không còn chú trọng sống cho những gì thuộc hạ giới nhưng hướng về thượng giới. Tiền bạc, tài sản có giá trị nhất định, nhưng đối với các tín hữu tiên khởi thì chúng chỉ là thứ yếu. Họ sẵn sàng bán đất đai, của cải để lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Phần họ, họ dùng bữa cách đơn sơ và dành giờ để ca tụng Thiên Chúa. Chính đời sống yêu thương và hạnh phúc của họ là sức mạnh của Đấng Phục Sinh đang sống trong họ (x. Cv 2, 42-47).

Niềm hy vọng vào Chúa Giêsu phục sinh không chỉ dừng lại ở đời sống hiện tại mà còn mở ra cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống vĩnh cửu. “Chính Thầy là  sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Thầy, thì dủ đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25). “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu... như mọi người vì liên đới với Adam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15, 20-22). Đây chính là tâm điểm và cốt lõi của đức tin Kitô giáo, niềm hy vọng này là sức mạnh giúp chúng ta kiên tâm, bền chí để vượt qua những thử thách nghiệt ngã, ngang trái trong cuộc đời. Qua đó, chúng ta có được một niềm vui âm thầm, lặng lẽ và cảm nhận được sự bình an sâu sắc từ trong sâu thẳm tâm hồn. Vì chúng ta biết rằng: Tình yêu mạnh hơn sự sợ hãi, sự sống mạnh hơn cái chết và niềm hy vọng vượt thắng nỗi thất vọng. Chân lý này giúp chúng ta có một cái nhìn đích thự về Thiên Chúa, về con người, về cuộc đời, về sự sống, về sự chết, về tương lai của con người. Những cái nhìn này không thể chứng minh bằng lý trí, nhưng được thể hiện bằng đời sống đức tin qua cuộc sống chúng ta mỗi ngày.

 

Lạy Chúa Kitô Phục sinh, Chúa đã chiến thắng sự chết để bước vào vinh quang Phục Sinh, xin vì sự Phục Sinh của Chúa là niềm hy vọng Phục Sinh  của chúng con, để chúng con hoàn toàn đổi mới: Từ chán nản đến niềm hy vọng, từ sầu khổ đến niềm vui mừng hân hoan, từ đêm tối hận thù ghen ghét nghi kỵ đến hạnh phúc yêu thương ngọt ngào, từ đêm tối tăm của chết chóc lo sợ đến niềm hy vọng ánh sáng huy hoàng Phục Sinh. Amen.

 

Antôn Quỳnh Hoàng Văn Liệu

Thiết kế Web : Châu Á