Suy niệm

Suy niệm Bài Thương Khó Mt 26,14-27,66, CN Lễ Lá, A: Vì yêu thương nhân loại

Bởi đã mang kiếp phàm nhân, sống như người trần thế, nên Đức Giêsu cũng phải kinh qua đau khổ, có thể vì bệnh tật, đói khát, hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị chối từ và cao điểm là những nhà cầm quyền và các Thượng tế quyết định ra lệnh bắt Đức Giêsu.

 

 

VÌ YÊU THƯƠNG NHÂN LOẠI

(Mt 26,14-27,66)

 

M. Aelredo Quản

 

Vì yêu nhân loại lầm than, Thiên Chúa trao tặng Con Một yêu dấu là Đức Giêsu, để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, nô lệ ác thần, để trao ban sự sống thần linh, sự sống của Thiên Chúa cho con người. 

 

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã sáng tạo nên trời đất, muôn vật và cả con người chúng ta nữa, cho con người làm chủ tất cả mọi loài. Bản chất của Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8.16). Tình yêu ấy được bộc lộ nơi sự nhập thể của Con Một Ngài. Con Thiên Chúa đã từ bỏ địa vị là một Thiên Chúa để xuống thế làm người, không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Sự trao ban ấy đạt tới tột đỉnh trong cuộc tử nạn và Phục sinh của Ngài, nhờ đó chúng ta được cứu độ.

 

Đức Giêsu đã sống vì yêu và đã chết vì yêu. Chính tình yêu Ngài đã nuôi dưỡng, thôi thúc biết bao thế hệ những người tin quyết tâm sống cho tình yêu Ngài, như thánh Phaolô đã quả quyết: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14).

 

Tình yêu đòi buộc sự từ bỏ và hy sinh. Một tình yêu không hy sinh là một tình yêu trống rỗng, vô nghĩa. Hy sinh càng nhiều tình yêu càng sâu đậm. Tình yêu đích thực phải là một tình yêu biết cho đi, hy sinh và hành động.

 

Tuy nhiên, vì yêu thương mà Đức Giêsu trả một cái giá quá đắt. Vừa mới chào đời đã phải trốn sang Ai Cập, nơi đất khách quê người không ai nương tựa, để trốn khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê. Bởi đã mang kiếp phàm nhân, sống như người trần thế, nên Ngài cũng phải kinh qua đau khổ, có thể vì bệnh tật, đói khát, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị chối từ và cao điểm là những nhà cầm quyền và các Thượng tế quyết định ra lệnh bắt Đức Giêsu.

 

Trong vườn Giếtsimani, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Thánh Anphongsô Liguori suy niệm rằng: “Nỗi buồn này, vốn giáng xuống Chúa Giêsu Kitô trong khu vườn ấy một cách sâu sắc nhất, cũng đã giáng xuống Ngài trong suốt cuộc đời của Ngài; kể từ giây phút đầu tiên khi Ngài bắt đầu sống, đã từng thấy trước mắt Ngài những nguyên cớ của nỗi đau buồn nội tâm mình; trong số đó, nỗi đau khổ lớn lao nhất là cảnh tượng về sự vô ơn của con người đối với tình yêu mà Ngài đã bộc lộ cho họ trong cuộc Khổ nạn của Ngài[1]. Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài chẳng được đón nhận, bị chối bỏ, bị người đời khinh khi, bị người đời vô ơn, bị bỏ rơi và phản bội. Thánh Thomas Aquino đã có lý khi viết rằng: “Chúa Kitô đã phải đau khổ vì những người bạn bỏ rơi Ngài; trong tiếng tăm của Ngài, vì những lời phạm thượng ném vào Ngài; trong danh dự và vinh quang của Ngài, vì những lời nhạo báng và sỉ nhục chồng chất lên Ngài... trong tâm hồn Ngài vì buồn bã, mệt mỏi và sợ hãi[2].

 

Nhưng trong sự vô ơn, bội bạc của chúng ta, Ngài đã chọn cách chịu đựng một cách âm thầm và bất công vì lòng kiên nhẫn và tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta. Ngài chỉ mong chu toàn thánh ý Chúa Cha: “Này con đến để chu toàn thánh ý” (Tv 40). Mà thánh ý Chúa Cha trao là “chén đắng”, là nhục hình, để cho chúng ta được sống hạnh phúc.

 

Ai trong chúng ta cũng mong muốn một cuộc sống hạnh phúc, bởi vậy rất khó chấp nhận với những bất công, bỏ rơi, chỉ trích, lên án, nhạo báng, sỉ nhục, vô ơn mà người khác gây ra cho mình. Trần gian mọi sự đều chóng qua, Vịnh gia đã phải thốt lên:

 

“Lạy Chúa, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào,
ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế”
(Tv 39, 5).

 

Tóm lại, chúng ta được mời gọi sống tâm tình trở về với Thiên Chúa, trong Đức Giêsu. Nơi Ngài chứa chan mọi ơn phúc cho chúng ta được no thỏa mà thôi. Xin Chúa dẫn đưa chúng con về bên Chúa là nguồn mạch của ơn cứu độ. Amen.

 

 

__________________________

 

[1] Alphonsus Liguori, Cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu Kitô (New York: Anh em nhà Benzinger, 1887), 248.

[2] Thomas Aquinas, Summa Theologica, q. 46, mục 5.

 

 

Thiết kế Web : Châu Á