Suy niệm

ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

Có thể nói, chiêm niệm và hoạt động là hai chiều kích sống của một con người hiện sinh, vừa có tính nội tâm vừa thể hiện ra trong các tương quan, vừa tâm linh lại vừa vật chất, vừa thể hiện ra bằng các hoạt động hữu hạn lại vừa khát vọng vươn tới vô biên...

 

 

 ƠN GỌI CHIÊM NIỆM

 

 

Có thể nói, chiêm niệm và hoạt động là hai chiều kích sống của một con người hiện sinh, vừa có tính nội tâm vừa thể hiện ra trong các tương quan, vừa tâm linh lại vừa vật chất, vừa thể hiện ra bằng các hoạt động hữu hạn lại vừa khát vọng vươn tới vô biên...

 

Tự bản chất con người là con Thiên Chúa vì được Thiên Chúa sáng tạo và quan phòng dưỡng nuôi, cũng vì là con Thiên Chúa, nên tự thâm tâm của con người có một khát vọng vô biên hướng về tuyệt đối. Bởi thế, có những con người được thôi thúc mãnh liệt để họ thao thức kiếm tìm, khát khao chiêm ngưỡng Thiên Chúa và dấn thân cho sự nghiệp của Người.

 

Như thế, việc tìm gặp Thiên Chúa trước hết là một ơn gọi đến từ Thiên Chúa, nhưng vì Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối và nhiệm mầu nên sự hữu hạn của con người cần một sự liên lỷ tìm kiếm khôn ngơi. Sự tìm kiếm đó trước hết đến từ việc chiêm niệm, qua các kỳ công và kiệt tác của Thiên Chúa trong vũ trụ trời đất, đặc biệt con người tìm về chốn tĩnh lặng cùng với sự thinh lặng nội tâm để lắng nghe và chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

 

1. Ơn gọi chiêm niệm

 

Chiêm niệm được dịch bởi chữ meditation, nghĩa là trạng thái thức tỉnh và giác ngộ chân lý rồi sống với chân lý ấy (theo Kitô Giáo, giác ngộ chân lý tức đạt được Thiên Chúa chính là Chân Lý tuyệt đối).

 

Chiêm niệm là đi vào hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa đến độ có thể nhìn bằng đôi mắt của Thiên Chúa và yêu thương bằng trái tim của Thiên Chúa. Chiêm niệm là kinh nghiệm về Thiên Chúa, mà kinh nghiệm về Thiên Chúa căn bản nhất là kinh nghiệm được yêu thương, được ấp ủ trong một mối tình vô biên không điều kiện. Dù chiêm niệm được hiểu như một lối sống hay như một phương pháp cầu nguyện, thì mục tiêu tối hậu của chiêm niệm là sự biến đổi trong Thiên Chúa qua cảm nghiệm về tình yêu của Người. Dù việc chiêm niệm có thể đạt được mọi lúc mọi nơi đối với những bậc thánh nhân, nhưng điều chắc chắn, đúng nghĩa và dễ đạt được chiêm niệm hơn cả chính là sự đơn độctĩnh lặng để hòa vào Thiên Chúa trong hiện tại vĩnh hằng. Các thần học gia gọi phương thế giữ mình trong im lặng là sự an trú trong tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa ẩn giấu trong cõi im lặng. Muốn gặp Thiên Chúa thì hãy vào cõi im lặng và trong trạng thái tĩnh lặng vượt khỏi biên giới ngôn ngữ, tư tưởng và ý niệm, tâm hồn hoàn toàn khuất phục Thánh Linh. Lúc ấy tâm hồn sống trong sự hiện hữu vĩnh hằng của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã thanh lọc tâm hồn trong những lần đan sĩ đến an trú trong Người. Hữu thể của con người đã nối kết với Thượng Đế ở một nơi ngoài tầm của ngôn ngữ, của lý trí và của những thực thể. Sự sung mãn của tình yêu Thiên Chúa tồn tại bao phủ tâm hồn đan sĩ. Từ đó mọi việc tầm thường làm trong ngày đều có ý nghĩa hơn, vì có cảm nhận Thiên Chúa đứng đàng sau mọi việc. Đan sĩ thấy Thiên Chúa hiện diện khắp nơi và đan sĩ sống với lòng cảm mến tri ân.

 

- Từ chiêm niệm đến ơn gọi chiêm niệm

 

Cũng cần biết thêm rằng, từ khởi thuỷ cho đến nay, có không ít những vĩ nhân khao khát đi tìm chân lý, họ nỗ lực khám phá về những thực tại siêu hình từ việc chiêm ngưỡng thiên nhiên, suy tư những kiệt tác trong vũ trụ như là những dấu vết của Thượng Đế, trắc nghiệm về sự vận hành của các hiện tượng trong trời đất… Đặc biệt nhìn thấy sự khổ lụy của nhân sinh và tìm phương thế giải thoát (Budha), tìm sự an thái trong cái gọi là “Đạo” (Lão Tử), tìm theo thiên mệnh để sống kiếp nhân sinh (Khổng Tử)… Có một điểm chung là hầu như tất cả vĩ nhân đó đều đạt được tu thân từ việc tĩnh niệm trong một không gian đơn độc và tĩnh lặng trước khi hoá đạo. Gần với chúng ta hơn cả là các vĩ nhân trong Kinh Thánh, phần lớn các mặc khải về Thiên Chúa và lãnh nhận sứ vụ đều được diễn ra từ chốn tĩnh lặng và đơn độc: Môisê trong sa mạc Madian, Êlia nơi hang núi Horeb…

 

Tuy nhiên, dù nỗ lực tìm kiếm của các vĩ nhân, hay được gọi như các tổ phụ và ngôn sứ trong Kinh Thánh, thì tất cả đều không thể đạt được một sự thật tròn đầy về Thượng Đế, vì “không ai có thể biết Thiên Chúa trừ khi Con Một Ngài mặc khải cho”. Nghĩa là chúng ta chỉ đạt được Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu là con đường duy nhất, nên tất cả mọi ơn gọi, mọi cách chiêm ngưỡng đều qua Đức Giêsu, nhờ Đức Giêsu và trong Đức Giêsu, bởi “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”.

 

Vì thế, thiết nghĩ không kể các mô hình “cộng đoàn tách biệt” kiểu Qumrân, có thể nói, phương cách sống đời chiêm niệm hay linh đạo chiêm niệm được khai sinh từ ngày Đức Giêsu đi vào nơi sa mạc (tĩnh lặng), để ăn chay (khổ chế) và đàm đạo với Thiên Chúa (cầu nguyện) bốn mươi đêm ngày (x. Mt 4). Hình ảnh này được thánh Phaolô họa lại khi ngài vào cầu nguyện trong sa mạc ba năm để được Chúa dạy dỗ. Thế nhưng, đời sống chiêm niệm Kitô Giáo chỉ thực sự nở rộ từ thế kỷ thứ III. Như chúng ta biết, suốt ba trăm năm năm đầu, Giáo Hội đã trải qua những cơn bách hại đẫm máu. Gương anh dũng của các vị tuẫn đạo đã thắp lên ước nguyện hy sinh nơi các Kitô hữu. Nhưng để xứng đáng đón nhận phúc cao quý ấy, các Kitô hữu chấp nhận một “cuộc tử đạo liên lỷ” trong đời sống thường nhật. Từ đó, họ khám phá ra một cuộc hy sinh khác khi không còn bách hại, tuy không đổ máu, nhưng không kém phần đau thương để chết đi mỗi ngày, đó là rút vào nơi thanh vắng để hy sinh, khổ chế, cầu nguyện và đền tội cho mình cũng như cho mọi người. Thế rồi đời sống đan tu cũng manh nha xuất phát từ đây.

 

- Từ ơn gọi chiêm niệm đến đan tu

 

Đan tu có nghĩa là “đơn”, chữ đan tu được dịch từ monachus trong tiếng La-tinh bởi gốc Hy Lạp là monos - monakos, nghĩa sống một mình cho Chúa và với Chúa một cách triệt để trong nơi tĩnh lặng.

 

Trong những thế kỷ đầu, cuộc đời thanh vắng là đặc điểm phân biệt đan sĩ với các nhà tu hành sống giữa cộng đoàn tín hữu. Khoảng giữa thế kỷ thứ III, phong trào đan tu xuất hiện tại Ai-cập, Syria, Palestina rồi lan rộng sang Châu Au. Đời đan tu bắt đầu do một số các vị trên tìm ẩn mình trong hoang địa, tuỳ theo đời sống cô tịch có tính cách cá nhân như độc tu, với những biến dạng ẩn tu và đan sĩ hành hương; hoặc sống tập thể như viện tu đã dần dần hình thành những tổ chức từ ẩn tu đến tu trào cộng đoàn.

 

- Từ đan tu đến đan viện

 

Khi có nhiều người tìm vào sa mạc hoặc vào rừng hay những nơi xa đô thị, cũng như nhiều tâm hồn tìm đến với các bậc chân tu để được thụ huấn gương nhân đức và những cảm nhận thiêng liêng về Thiên Chúa, tạo nên những đòi hỏi một sự trật tự và hiệp nhất cần thiết. Bên cạnh đó với muôn màu muôn vẻ của những phương cách tu hành nên cũng không thiếu những bất cập xảy ra. Từ đó một số vị thánh đan tu đã thiết lập nên các đan viện và đưa ra đường lối sống cộng tu và những quy luật cần thiết, với những bản luật sơ khai cho đến cuốn Tu Luật đan tu được xem là hoàn chỉnh và quân bình của thánh Biển Đức ra đời.

 

Trải qua thời gian, cùng với những chuyển biến của thời đại, sự thay đổi của chính trường, sự sụp đổ của đế quốc Rôma, việc dân man di xâm chiếm Âu Châu, việc thống nhất Âu Châu dưới thời Charlemagnes, việc đẩy mạnh công tác truyền giáo, việc thiết lập các trung tâm văn hoá trong các tu viện, việc can thiệp của những ông hoàng trong việc dâng cúng đất đai tiền của… đã tác động không nhỏ đến linh đạo đời sống thiêng liêng của các đan viện nên đã phát sinh những cuộc “về nguồn” và cũng từ đó đã xuất hiện đan tu Xitô, được khởi đầu do thánh Robert Molesme (+1112), thánh Alberic (+1109), thánh Stephen Harding (+1136) và Xitô đạt tới đỉnh cao nơi thánh phụ kiệt xuất Bernard Fontaines (+1153). Thánh Bernard được Mabillon tặng danh hiệu là “giáo phụ cuối cùng” vì nơi giáo lý của ngài kết tinh toàn bộ tu trào đan tu, vừa trở về với linh hứng nguyên thuỷ của thánh tổ Biển Đức, vừa có cái nhìn mới mẻ về linh đạo Kitô Giáo…

 

2. Con đường chiêm niệm

 

Con đường chiêm niệm hay linh đạo chiêm niệm hiểu cách đơn giản là một phương cách tìm gặp Chúa, sống với Chúa và thánh hoá bản thân qua đời sống tĩnh lặng và khổ chế. Các bậc thầy tu đức đã khám phá ra nhiều cách thế giúp các môn sinh đạt tới đích cuối cùng là Thiên Chúa.

 

Xét về lịch sử có nhiều linh đạo tu trì với lần lượt các linh phụ kiệt xuất như thánh Antôn, thánh Pachomio, thánh Basilio, thánh Augustino, thánh Gioan Kim Khẩu, Jean Cassien… Nổi bật và còn ảnh hưởng lớn cho tới ngày nay là hai nền linh đạo Biển Đức và Xitô được giới thiệu sau đây:

 

Linh đạo Biển Đức:(Toàn bộ linh đạo được viết ra trong cuốn Tu Luật Biển Đức).

 

Đối với thánh Biển Đức, muốn dấn bước trên đường đức ái cần phải kín múc nghị lực và ánh sáng nơi Lời Chúa. Vâng lời, im lặng và khiêm tốn là những yếu tố thiết yếu nơi những ai muốn tiếp nối công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Thánh Biển Đức đặc biệt đề cao đức khiêm nhường. Nhờ đức khiêm nhường, đan sĩ chu toàn được mọi nghĩa vụ đối với Chúa và tha nhân. Có thể nói “Tất cả phương pháp tu đức của thánh Biển Đức được gồm tóm trong việc thực thi đức khiêm nhường” (x. D. Godefroid Belorgey). Cuối cùng, hai nghĩa vụ nổi bật trong đời tu Biển Đức là cầu nguyện lao động (Ora et Labora).

 

Linh đạo Xitô: (được đúc kết theo thánh Bernard).

 

Cùng với thánh tổ Biển Đức, thánh Bernard quan niệm đan sĩ như một người đi tìm Thiên Chúa, đòi hỏi phải vượt qua nhiều chặng đường trong sự trợ giúp của ơn thánh. Các chặng đường này theo thánh Bernard là tương đương với cấp độ yêu mến của đan sĩ: Khởi đầu từ yêu mình vì mình, đến yêu Chúa vì mình, rồi yêu Chúa vì Chúa và cuối cùngla yêu mình vì Chúa. Tất cả sự trọn lành hệ tại đức mến, nhưng yếu tố làm tăng trưởng lòng mến là nhờ khiêm nhường, vì khiêm nhường là trở nên “nghèo” (trống rỗng) trước mặt Thiên Chúa và trở thành điều kiện để đón nhận ân sủng. Kết điểm của tiến trình yêu mến là sự chứng nghiệm thiêng liêng vì “Thiên Chúa dựng nên con người với mục đích là thông hiệp với Người” (De Consid. V, 24). Sự thông hiệp trọn vẹn với Thiên Chúa được thánh Bernard mô tả là một cuộc giao duyên huyền nhiệm.    

                                                                                          

3. Ơn gọi chiêm niệm trong Giáo Hội

 

Một thoáng nhìn lại lịch sử đời tu trong Giáo Hội, thiết nghĩ những người sống đời đan tu chiêm niệm có thể tự hào về lịch sử và những đóng góp của mình. Thật vậy, có thể nói, đời tu trong Giáo Hội bắt đầu từ chiêm niệm đan tu, nghĩa là đời tu ban đầu chỉ mang tính chiêm niệm và mãi cho tới thế kỷ XIII mới xuất hiện các dòng “nhập thế” như dòng thánh Phanxicô (1182-1226) và dòng thánh Đaminh (1170-1221), nhưng kể cả các dòng hoạt động thì cũng không thể thiếu đời sống cầu nguyện và những phút tĩnh lặng bên Chúa. Đan tu chiêm niệm cũng có công trong việc nuôi dưỡng tinh thần đạo đức cho nhiều tâm hồn khi “Giáo Hội bước ra khỏi hầm trú”, các đan sĩ với cây thánh giá, cuốn sách và cái cày đã khai sáng nên một Châu Âu văn minh, thiết lập nhiều trung tâm văn hoá như ở Monte Cassino, Vivarium, Fulda, Eischnauer… Đặc biệt thế kỷ XI – XII với việc chấn hưng Giáo Hội do Đức Giáo Hoàng Gregorio VII khởi xướng, đa số các vị chủ chăn, các nhà truyền giáo và các bậc thầy thiêng liêng đều xuất phát từ đan tu. Trong các bậc thầy kiệt xuất thời này phải kể đến là thánh Damiano và thánh Bernard.

 

Đời sống đan tu không phải là một chức vụ đặc biệt trong Giáo Hội, cũng không phải được thiết lập do một bí tích riêng như đời linh mục hoặc hôn nhân, vì đặc tính cá biệt của đời đan tu không nằm trong phạm vi dấu hiệu của bí tích, nhưng trong phạm vi thực thể của ơn thánh được thông ban qua các bí tích. Đời sống đan tu đơn thuần là nơi mà trong đó mọi sự được tổ chức để những phương thế tác thánh mà Giáo Hội gìn giữ, mang nhiều hoa trái sự sống trong Thần Linh.

 

Vì thế, đan tu sinh hoạt thực thụ trong chính trung tâm Giáo Hội và một cách nào đó gồm tóm tất cả mầu nhiệm của Giáo Hội. Hiến Pháp đan tu trình bày cách sống mà Giáo Hội mong muốn cho những ai chỉ muốn sống để phát triển nơi mình cách viên mãn những mầm mống ơn thánh đã được ký thác trong lòng mình, bằng việc công bố Lời Chúa và cử hành các mầu nhiệm tôn thờ, nhờ sự ưng thuận tự do của mình. Với danh nghĩa này, đan tu tác thánh một khía cạnh nội tâm nhất của truyền thống Giáo Hội và gương mẫu cho mọi Kitô hữu.

 

Đàng khác, trong mức độ đem ra sử dụng những phương thế tác thánh này đã có nhiều hoa quả nơi mình, nhờ lời cầu nguyện và đời sống thánh thiện, như mọi bạn hữu của Chúa, đan sĩ hưởng quyền cầu bầu rất thế lực giống như một tư tế thiêng liêng. Đồng thời, sự thánh thiện của đan sĩ có sức thu hút các tâm hồn cách mạnh mẽ nhờ vẻ đẹp linh thiêng tỏa chiếu rạng ngời, và góp sức vào việc dẫn đưa các linh hồn vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa và làm tỏ hiện sự hiện diện kín nhiệm của Chúa trên trần gian.

 

Thế nhưng, một cách nào đó, đặc biệt ngày nay, trong quan niệm của một số người vẫn xem ơn gọi chiêm niệm đan tu như một xự “xuất thế” toàn diện, hoàn toàn xa lạ với xã hội và dửng dưng trước nhu cầu truyền giáo của Giáo Hội. Thật ra, thời nào cũng thế, ơn gọi chiêm niệm vẫn hết sức cần thiết cho Giáo Hội và cho công cuộc cứu thế. Bởi đời sống chiêm niệm đan tu là một dấu hiệu về Nước Thiên Chúa và đời sống của các đan sĩ như phác hoạ ra trước mắt người đời cảnh sống trong Nước Thiên Chúa, ở đó vang lên những lời ngợi khen, một nếp sống bình an thánh thiện, không bị giằng co toan tính sự đời và người ta lui tới để được nhìn thấy cảnh sống và hít thở bầu không khí đó. Giáo Hội đặc biệt ngưỡng mộ đan tu chiêm niệm không dựa trên sự hình thành lâu đời, mà là những giá trị huyền bí thanh cao, bất biến, một sự sống luôn trẻ trung, trào tràn và lưu chuyển trong lòng Giáo Hội. Giáo hội đánh giá cao đời đan tu chiêm niệm vì “căn bản chiều kích chiêm niệm là một thực tại ân sủng”, làm cho con người nhận biết Thiên Chúa và cảm nghiệm được chiều sâu thẳm của Người, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II khẳng định:

 

“Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cung hiến cho cộng đoàn Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa của mình, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm mà phong phú” (VC 8).

 

Hiền Lâm

 

Thiết kế Web : Châu Á