Suy niệm

NGƯỜI VIỆT TIẾP CẬN VÀ SỐNG LỜI CHÚA (Lam Châu)

Khi Lời Chúa được rao truyền trên mảnh đất Việt Nam, đông đảo những người dân của đất nước hình chữ S này đã đón nhận một cách nồng nhiệt. Họ đã đọc, suy gẫm và thực hiện những điều Chúa dạy trong cuộc sống.

 

NGƯỜI VIỆT TIẾP CẬN VÀ SỐNG LỜI CHÚA 

 

Lam Châu 

Châu Á là cái nôi của các tôn giáo lớn trên thế giới, nơi đây hội tụ Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và có thể kể thêm Do Thái giáo và Kitô giáo. Một châu lục được coi là nơi phát sinh nhiều tôn giáo như vậy phải nói yếu tố con người là quan trọng nhất. Việt Nam cũng là nơi được xem hội đủ hầu hết những tôn giáo kể trên, điều này không có nghĩa là người Việt “ba phải”, Đạo nào cũng theo, mà người Việt có tính cách bao dung về tôn giáo. 

Vì thế, tại Việt Nam, so với Ấn Độ giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo thì Kitô giáo xuất hiện muộn nhất, nhưng không vì thế mà kém phát triển. Sau đây người viết xin tìm hiểu đề tài: “Người Việt tiếp cận và sống Lời Chúa”. 

Đây không phải là một đề tài mới lạ, vì hàng ngày chúng ta được nghe, đọc, suy niệm Lời Chúa, nên người viết muốn tìm hiểu đôi nét về cách tiếp cận, hiểu và sống Lời Chúa của người Việt như thế nào, đồng thời nêu lên những thuận lợi, khó khăn và những thành quả mà người Công giáo Việt đã đạt được, nhằm duy trì và phát huy tốt hơn với thời đại hôm nay. 

 

I. BIẾT KINH THÁNH LÀ BIẾT ĐỨC GIÊSU 

 

1. Tầm quan trọng của Lời Chúa

Vịnh gia đã không nói quá khi cho rằng:

 “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,

Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). 

Thật vậy, Giáo hội từ buổi sơ khai, các Tông đồ đã ý thức được Lời Chúa chính là Thiên Chúa đang ở với họ, đồng hành cùng họ. Vì thế, các Tông đồ chuyên cần đọc Lời Chúa, cầu nguyện, tham dự lễ bẻ bánh (x. Cv 2,2). Truyền thống đó được hun đúc nhờ lòng nhiệt huyết của các Tông đồ, muốn cho mọi người được đón nhận Lời Chúa, nhận biết Đức Giêsu chính là vị Cứu Thế đến giải phóng con người khỏi tội lỗi, giải thoát họ khỏi xích xiềng của ma quỷ, đưa con người từ cảnh nô lệ tội lỗi sang cuộc sống tự do của người con Chúa. Đức Giêsu trở thành con đường dẫn đưa con cái về với Chúa Cha, là sự thật giải thoát con người và là sự sống để cho con người thông phần vào sự sống thần linh của Ngài (x. Ga 14,6). 

Thánh Gioan đã viết rằng: “Còn những điều đã được chép ở đây để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Vì thế, thánh Giêrônimô có lý do để qủa quyết: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Đức Giêsu Kitô”. 

Quả thật, nếu không có những lời chứng của các Tông đồ để lại, chúng ta cũng không thể biết Đức Giêsu là ai! Nhưng chúng ta đã được diễm phúc đón nhận lời Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến với con người. Ngài là Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Những người đã được Lời Chúa hoán cải và trở thành những vị đại thánh như: Thánh Antôn (251-356), thánh Augustinô (356-430), thánh Ignace de Loyola (1491-1556)… 

Khi Lời Chúa được rao truyền trên mảnh đất Việt Nam, đông đảo những người dân của đất nước hình chữ S này đã đón nhận một cách nồng nhiệt. Họ đã đọc, suy gẫm và thực hiện những điều Chúa dạy trong cuộc sống. Quả thực, họ đã không “hổ thẹn” khi được người ta tặng cho danh hiệu Đạo mới là “Đạo của những người yêu thương nhau”. Nhưng lý do nào người Việt lại đón nhận Lời Chúa cách nhiệt thành như vậy? 

 

2. Những lý do

Có thể có nhiều lý do khác nhau, nhưng ở đây người viết xin nêu lên một vài lý do chính:

Thứ nhất, cách trình bày Lời mạc khải đều nhắm vào trọng tâm là Đức Giêsu - Con Thiên Chúa làm người - chịu đóng đinh, chết và sống lại để cứu nhân độ thế. Điều này cho thấy Đức Kitô là Thiên Chúa, là Đấng Duy Nhất, Đấng tạo dựng muôn loài. Ngài dạy dân chúng phải yêu thương nhau và thực thi tình bác ái đối với mọi người. Cách trình bày này cũng tương đối giống với người Việt. Người Việt có tín ngưỡng thờ Trời và tin vào Ông Trời. Danh từ Ông biểu thị một ngôi vị, hữu ngã, một bản vị biệt lập, siêu việt hơn trời xanh và làm chủ của vũ trụ càn khôn. 

Ngoài danh xưng phổ thông “Ông Trời”, người Việt còn quen dùng nhiều danh xưng khác như: Tạo Hoá, Con Tạo, Hoá Công, Thượng Đế, Thiên Chúa hay Chúa Trời. Người Việt tin vào Trời vì Trời là Đấng Hoá công và quan phòng vạn vật: „Trời sinh, Trời dưỡng“, „Trời sinh voi, Trời sinh cỏ“. Ông Trời rất công bằng, công minh chẳng thiên vị ai: Trời có mắt. Không có Trời ai ở với ai. “Ông Trời” là Đấng thương xót vô cùng, vì yêu thương là bản tính của Ngài: Trời đánh còn tránh miếng ăn. 

Qua những phẩm tính của “Ông Trời”, chúng ta thấy Ông Trời chính là Thiên Chúa của Kitô giáo. Nếu khác thì đó cũng chỉ là khác về tên gọi mà thôi. Vì thế, người tin theo „Thiên Chúa Giáo hoàn toàn tin vào “Đức Chúa Trời”: đó mới thật là đạo chung cho cả dân tộc Việt Nam“[1].

Vì có quan niệm về Trời như thế nên khi Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, một số người Việt đã sẵn sàng đón nhận và tin theo. 

Thứ đến, cách giảng dạy của Đức Giêsu rất gần gũi, dễ hiểu nhờ Ngài dùng dụ ngôn mà nói[2]. Những dụ ngôn này rất gần với đời thường nhưng ngầm chứa những thông điệp, ý nghĩa mà Đức Giêsu muốn nhắm đến. Nếu nói theo người Việt thì những dụ ngôn vừa ngắn, vừa súc tích, có thể nói là “ý tại ngôn ngoại”, tức ý ở ngoài lời. Người Việt cũng giải thích nguồn gốc vũ trụ, con người và tất cả mọi sự bằng những câu truyện như Hồng Bàng Thị, truyện thần thoại, cổ tích…  và tất cả những câu truyện trong Lĩnh Nam Chích Quái. 

Từ những câu truyện này, các học giả đã tìm hiểu, nghiên cứu và tìm ra ý nghĩa của chúng. Người Việt không có Kinh Thánh cũng chẳng có Kinh điển. Tuy nhiên, những câu chuyện trong Lĩnh Nam Chích Quái đã để lại cho hậu thế những trang sử và huyền sử đầy minh triết, triết lý và những nguyên tắc cho những mối tương quan giữa con người với con người, giữa con người với Thượng đế và vũ trụ vạn vật[3]. 

Qua những điều đã được trình bày trên, người Việt có những thuận lợi và khó khăn gì khi đón nhận và sống Lời Chúa? 

 

 II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM ĐÓN NHẬN VÀ SỐNG LỜI CHÚA 

 

1. Những thuận lợi

1.1 Con người

Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân lấy Âu Cơ đẻ ra bọc trứng, nở ra trăm con. Như thế, dân tộc Việt Nam thuộc dòng tộc Con Rồng Cháu Tiên. 

Tuy nhiên, xét về nguồn gốc của người Việt Nam và theo các nhà nhân chủng học, người Việt Nam thuộc đại chủng Nam Á (Austroasiatique). Xét về mặt chủng tộc, người Việt Nam gần gũi hơn với các tộc Chàm, Khmer và các nước Đông Nam Á, kể cả Đông Nam Á Hải Đảo. Sở dĩ như vậy vì khoảng 10.000 năm TCN, Việt Nam và các dân tộc này đều thuộc đại chủng Indonésien (Cổ Mã Lai hay Đông Nam Á tiền sử). Dần dần, khoảng 5.000 năm TCN, đại chủng Indonésien tách thành Indonésien nói ngôn ngữ Nam Đảo như Chàm, Raglai, Êđê và tách nhóm thứ hai là chủng Nam Á (Austroasiatique) còn gọi là Bách Việt[4]. 

 

1.2 Ngôn ngữ

Theo các nhà nhân chủng học thì người Việt Nam thuộc đại chủng Nam Á, còn gọi là Bách Việt nên dùng ngôn ngữ Nam Á. Đến thời Bắc thuộc, Việt Nam chịu sự cai trị của Trung Quốc nên về mặt ngôn ngữ, Việt Nam đã dùng chữ Hán của họ. Nhưng về sau, người Việt đã dùng chữ Nôm, một phát kiến của người Việt, dựa trên chữ Hán nhưng phiên âm theo cách đọc Việt. Đến thế kỷ XVII, Đạo Công Giáo đã được truyền tại Việt Nam, để việc truyền giáo đạt kết quả, các linh mục Dòng Tên, giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1593-1660) và một số người Việt đã phát minh ra chữ Quốc Ngữ, dựa trên mẫu tự của chữ La-tinh, Bồ Đào Nha, Ý và mấy dấu của Hy Lạp để làm thành chữ mà chúng ta đang dùng[5]. Từ đây, người Việt có ngôn ngữ riêng, thuận lợi cho việc phát triển đất nước, tôn giáo, kinh tế, văn hoá… 

 

1.3 Đời sống và văn hoá

Người Việt chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước nên sống thành cộng đồng, ngày đêm gắn bó với ruộng đồng, thiên nhiên, mưa nắng, đất trời, do đó có mối liên hệ chặt chẽ giữa Thiên-Địa- Nhân, nhất là gắn bó với sự thiêng liêng gần gũi của sông nước. Từ tâm thức này, người Việt giàu tình cảm, lạc quan, phóng khoáng, yêu thiên nhiên; yêu quý tình nghĩa nam nữ, vợ chồng; tinh vi, khéo léo, thích nghi với môi trường và văn hoá. 

Nét văn hoá nổi bật nhất của người Việt là việc tổ chức đời sống thành cộng đồng, làng xã. Họ ý thức được rằng, con người không phải là những đơn vị sống riêng lẻ nhưng là những nhân vị sống có tương quan với nhau. Do đó, người Việt đã sớm tổ chức cuộc sống cộng đồng để tương trợ lẫn nhau. Việc tổ chức đời sống được chia thành ba cấp độ chủ yếu: Gia đình, làng xã và quốc gia. 

Các sinh hoạt chủ yếu và cũng là biểu tượng truyền thống của văn hoá cộng đồng là Cây đa - Bến nước - Sân đình. Đây là những biểu tượng không những mang tính vật chất mà còn mang tính chất tâm linh: 

“Qua đình ngã nón trông đình

Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”. 

Từ nền văn hoá nông nghiệp đến việc tổ chức đời sống, đã hình thành lối suy tư Việt, hay tư tưởng Việt. 

 

1.4 Tư tưởng

Ở Việt Nam, người dân chủ yếu làm nghề nông nên người Việt có trực giác và tư duy phát sinh từ việc tiếp cận, thích nghi và chinh phục thiên nhiên. Trong tâm thức người Việt, lúc nào cũng có hai thực tại đối xứng: Trời – đất, lửa – nước, núi - sông, ngày – đêm, nam – nữ, vợ – chồng, mẹ – cha… đó là những thực tại “lưỡng nguyên” của đời sống nông nghiệp. Do đó, người Việt cũng cảm nhận và tư duy theo thể “lưỡng phân lưỡng hợp” hay triết lý Âm Dương. Âm dương là hai mặt của một thực tại liên kết với nhau theo kiểu biện chứng: Không có gì hoàn toàn âm hoặc không có gì hoàn toàn dương, bởi trong âm có dương và trong dương có âm. Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau: Âm cực dương sinh, dương cực âm sinh. 

Vì thế, ở Việt Nam, tư duy “lưỡng phân lưỡng hợp” biểu lộ rất đậm nét qua khuynh hướng cặp đôi ở khắp nơi: Từ tư duy đến cách sống, từ các dấu vết cổ xưa đến những thói quen hiện đại[6]. Nhờ lối tư duy theo triết lý Âm Dương và suy tư thiên về tổng hợp mà người Việt có đời sống quân bình, không quá khích hay nhu nhược, không có tính cách kỳ thị, bài trừ tôn giáo nhưng chung sống hoà bình. Đây là những nét son của người Việt, nhờ đó các tôn giáo có điều kiện phát triển ở Việt Nam, trong đó có Đạo Công Giáo. 

Tuy có nhiều thuận lợi nhưng khi Đạo Công Giáo được truyền vào Việt Nam, vẫn còn đó những khó khăn mà người rao giảng cũng như người đón nhận phải vượt qua. 

 

2. Những khó khăn

2.1 Tây Phương hoá Lời Chúa

Như đã nói trên, Đức Giêsu và Lời Mạc Khải của Thiên Chúa phải đi qua Châu Âu mới đến được người Việt nhờ những nhà truyền giáo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Ý… nên những gì mà họ trình bày về Đức Giêsu đều mang văn hoá, suy tư, phong tục và cách sống của người Tây Phương. Thật vậy, người Tây Phương có cái nhìn nhị nguyên, thiên về phân tích và biện biệt. Cái gì họ cũng tìm hiểu đến kỳ cùng của sự hiểu biết, tức “chẻ sợi tóc làm tư”. Triết học của Platon, Aristote và Plotin đã ảnh hưởng quá mạnh mẽ trên nền triết học Hy Lạp nói riêng và Âu Châu nói chung. 

Vì thế, cái gì họ cũng phân chia rạch ròi: Con người có hồn và xác, xác đối lập với hồn, xác chỉ là mồ chôn, hồn mới quan trọng, hay đen trắng, thị phi... Tư tưởng triết học này đã ảnh hưởng khá sâu đậm trên cách suy tư và sống đạo của Tây Phương cũng như khi Đạo được truyền vào Việt Nam. Hơn nữa, học thuyết của Platon và Plotin một lần nữa được Augustino “rửa tội” và cho gia nhập Đạo Công Giáo. Từ tư tưởng nhị nguyên, trọng hồn khinh xác này đã làm cho nhiều người Công Giáo sống “nửa người, nửa thánh”, lo đánh tội, hãm mình, ép xác lấy hồn… Những quan niệm đó của Tây Phương đã ít nhiều ảnh hưởng trên cách suy tư, đón nhận và sống Lời Chúa tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, từ Công đồng Vaticano II, được mệnh danh là Lễ Ngũ Tuần mới, đã long trọng minh định rằng: “Con người duy nhất xác hồn”[7], chứ không trọng hồn khinh xác. Vì thế, những hệ luỵ của quan niệm nhị nguyên cũng dần dần được loại bỏ. 

Quả thực, sống đạo là tạo cho con người có một cuộc sống bình an, vui tươi, hạnh phúc chứ không gây buồn phiền hay Đạo trở thành gánh nặng cho con người, vì “Đạo bất viễn nhân“, tức Đạo không xa con người; cho nên chính khi sống đạo, người ta mới đạt Đạo. Mục đích của việc sống đạo là được kết hợp với Chúa và cuối cùng là được cứu độ chứ không phải chỉ mang một hình thức bề ngoài như các Pharisêu (x. Mt 16,5; 23,13) hay sống đạo theo kiểu “Luân lý đóng và Tôn giáo tĩnh”, tức sống một cách máy móc, hình thức, rập khuôn mà Henri Bergson đã đề cập đến.  

 

2.2 Việc chuyển ngữ

Khó khăn này thuộc về chúng ta, những người Công Giáo Việt Nam. Từ khi Lời Chúa được gieo trồng trên mảnh đất Việt Nam năm 1533, khoảng 300 năm sau, người Việt mới được đọc Lời Chúa bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình[8]. Có thể nói, Đức Giêsu đã đến đất Việt sớm hơn nhưng vì những lý do bất khả kháng mà sau 300 năm, người Công Giáo Việt mới được đụng chạm đến “Lời sự sống”! 

Tuy nhiên, ngày nay, tại Việt Nam đã có nhiều bản dịch Kinh Thánh nhưng chưa có sự thống nhất giữa cách dùng từ, dùng ý và cũng chưa có một bản dịch thống nhất từ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Mặc dù sự cố gắng không mệt mỏi của những cá nhân và tập thể dành cho việc dịch Kinh Thánh[9]. 

Nhưng điều quan trọng mà các dịch giả phải lưu ý là cách dùng từ, ngữ để chuyển ngữ. Việc dùng từ, ngữ phải hết sức thận trọng, không gây phản cảm hay hiểu lầm và đôi khi đối với người Việt còn là sực xúc phạm. Người Việt nào cũng tự hào mình là Con Rồng Cháu Tiên, nhưng trong bản dịch Kinh Thánh lại nói Rồng là Quỷ, là Satan (x. Kh 12,9)[10]. Hay “Kẻ ngu si tự nhủ: Làm chi có Chúa Trời!”[11]. Phải chăng những người không tin có Thiên Chúa đều là những kẻ ngu si, khờ dại, dốt nát hay mê lầm? 

Vì thế, khi chuyển dịch, các dịch giả cần phải chọn từ, ngữ sao cho phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam. Bản dịch không nhất thiết phải theo sát chữ, mà có lúc phải chuyển dịch thế nào để thích hợp với người đọc, người nghe, và thích hợp với bối cảnh, miễn là sự thích ứng này không thay đổi ý nghĩa của một điều quan trọng thuộc niềm tin. Điều này rất cần thiết và quyết định sự thành công của các dịch giả đối với tác phẩm mình chuyển ngữ. 

 

2.3 Thành kiến và ý thức hệ

Khi Đạo Công Giáo được truyền sang Việt Nam, phần lớn các giáo sĩ đều là người Tây Phương, họ đi theo những chuyến tàu chở hàng qua trao đổi và buôn bán với người Việt. Đức Giêsu và Lời mạc khải cũng theo những chuyến tàu đó để đến với người Việt Nam. 

Chuyện tưởng chẳng có gì nhưng thật khó khăn vì những nhà chức trách Phong Kiến Việt Nam cho Đạo Công Giáo là “tả đạo” hay “Gia tô tả đạo”. Vì thế, các vị vua, những người đứng đầu Việt Nam mặc dù có những người tỏ ra thiện cảm với Đạo mới, nhưng cũng có những người cho đó là sự xâm lăng văn hoá và một ngày không xa có thể nhuốm màu chính trị. Do đó, các vị vua có những biện pháp nhằm ngăn chặn như trục xuất các giáo sĩ, cấm dân chúng tin theo và nếu người nào ngoan cố sẽ bị xử tử. Vì chính sách hà khắc này mà biết bao con dân Việt Nam Công Giáo đã phải chịu cảnh đầu rơi máu chảy. Vì thế, lịch sử Giáo hội Việt Nam kể từ khi Tin Mừng được gieo vãi vào năm 1533, là một lịch sử được viết bằng nước mắt, gian khổ kéo dài từ năm 1627 đến cuối thế kỷ XIX. Có thể nói Giáo hội Việt Nam đã đứng vững để vượt qua những cuộc bách hại là nhờ lòng đạo đức đã đâm rễ sâu với một đức tin vững vàng[12]. 

Đến nửa đầu thế kỷ XX, Việt Nam bước vào thời kỳ mới, Đảng cộng sản lên nắm chính quyền, vì theo đường lối Marx-Lenin, mà Marx- Lenin quan niệm “tôn giáo là nha phiến của nhân dân, là tiếng kêu của những người đau khổ, lầm than, là vong thân, là công cụ của những thế lực cầm quyền” nên tìm cách loại bỏ hoặc gây khó khăn. 

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chính sách của Việt Nam đối với tôn giáo đã thông thoáng hơn, tự do hơn. Những bước tiến này giúp người Công Giáo Việt Nam thực hiện điều mà Thư Chung của HĐGMVN năm 1980 đã viết: “Sống tốt đạo đẹp đời”“Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. 

Hiện nay, tại Việt Nam, vẫn còn đó những thành kiến, những quan niệm không mấy thiện cảm đối với Đạo Công Giáo, tuy đã bớt hà khắc hơn nhưng không vì thế mà có thể thay đổi não trạng một cách dễ dàng trong một hay hai ngày được. 

Nếu triết gia Husserl, người khởi xướng phương pháp Hiện Tượng Học đòi hỏi khi chúng ta quan sát một đối vật phải có ba giảm trừ: Giảm trừ triết học, giảm trừ yếu tính, giảm trừ hiện tượng luận, nghĩa là loại trừ những thứ triết học đã có trong đầu ta, chỉ chú ý đến một điểm duy nhất của đối tượng và biến đối tượng đang đối diện với ta thành một hiện tượng thuần phác như nó đang hiện diện nơi đây và lúc này [13]. 

Cũng vậy, khi những người Việt đón nhận Lời Chúa, họ cũng được mời gọi phải có những giảm trừ những gì đã Âu hoá Lời Chúa, giảm trừ những quan niệm, ý thức hệ để đón nhận Lời Chúa với tính cách, văn hoá và nhận thức của người Việt, với lòng bao dung tôn giáo, biết đón nhận cái hay, cái tốt và cũng cần loại bỏ những điều không còn phù hợp để làm phong phú hoá đời sống đạo đức của mình, đồng thời duy trì và phát huy đời sống đạo đức ấy. 

 

III. DUY TRÌ VÀ PHÁT TRIỂN 

 

1. Mẫu gương của Cha Ông

Khi loại bỏ được những khó khăn, người Việt mới có thể đón nhận và sống Lời Chúa với bản chất vốn có của mình, đó là lòng hiếu hoà, bao dung, không kỳ thị bài trừ và có khuynh hướng nhất nguyên, tổng hợp. Văn hoá và nền văn minh lúa nước cũng đã tác động đến con người và cuộc sống của người Việt. Họ luôn sống gắn bó với thiên nhiên, đất trời nên hiền hoà nhưng cũng bất khuất. Các Thánh tử đạo Việt Nam là những người đã sống như thế. 

Các Thánh tử đạo Việt Nam là những mẫu gương cho con cháu noi theo. Họ đã lắng nghe, đón nhận và sống những Lời Chúa dạy. Các ngài đã vượt qua những rào cản của ý thức hệ, những quan niệm để sống đạo với tâm tình của người Việt. 

Nếu Tertuliano xác nhận: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu”, thì máu các Thánh tử đạo Việt Nam cũng là những hạt giống trổ sinh những Kitô hữu nhiệt thành. Hạt giống ấy được gieo xuống mảnh đất Việt, mục nát để trổ sinh muôn ngàn bông hạt khác. Các Kitô hữu Việt Nam xứng đáng với danh hiệu Con Cháu Các Anh Hùng Tử Đạo. 

Các Thánh tử đạo Việt Nam tuy không để lại những tác phẩm lớn như “Tự Thuật” của thánh Augustino, bộ “Tổng Luận Thần Học” của thánh Thomas Aquino hay “Một tâm hồn” của thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu… nhưng có thể nói tác phẩm lớn nhất của các Thánh tử đạo Việt Nam chính là cuộc sống của các ngài, là đức tin mạnh liệt và cuối cùng chịu chết vì niềm tin vào Đức Giêsu. Đối với các ngài, hiểu và sống, đón nhận và thực hành hay tri và hành đều là một, nghĩa là tri hành như nhất. 

Nếu nhà triết học hiện sinh vô thần J.P. Sartre coi cái chết là chấm dứt dự phóng, là phi lý, là dang dở, vì cái chết như một dòng điện xẹt qua cuộc đời, làm cho con người hụt hẫng, thì cái chết của các Thánh tử đạo Việt Nam lại là chìa khoá dẫn đưa các ngài vào cõi sống. Các ngài đã chọn cái chết một cách anh dũng, chết vì niềm tin và chết vì lý tưởng mình đã chọn chứ không chết một cách mù quáng. 

Mẫu gương của các Thánh tử đạo Việt Nam như ngọn gió lành thổi vào đời sống kitô hữu Việt Nam, là động lực thúc dục, mời gọi con cháu noi gương, bắt chước, để hạt giống niềm tin các ngài đã gieo vãi sẽ hứa hẹn một mùa gặt bội thu cho Giáo Hội Việt Nam. 

Tuy nhiên, phần con cháu của các ngài không chỉ dừng lại hay chiêm ngưỡng mẫu gương đó mà thôi nhưng phải sống và dấn bước hành trình mà các ngài đã đi, để phát huy và làm cho hạt giống Lời Chúa lớn lên.

 

2. Cách đọc và sống Lời Chúa ngày nay của người Việt 

Mặc dù gương của các Thánh tử đạo Việt Nam vẫn chói ngời và dòng máu các ngài vẫn đang chảy trong huyết quản của con cháu. Nhưng dường như dòng máu ấy đã bị pha loãng bởi những tạp chất và bởi nguồn nước đã bị ô nhiễm? 

Cuộc sống với muôn vàn khó khăn, từ tinh thần, vật chất, điều kiện sống tới môi trường sống đã ít nhiều tác động đến đời sống hôm nay của người Việt cũng như những người Công giáo Việt. Khoa học kỹ thuật phát triển, toàn cầu hoá kinh tế, thế lực của đồng tiền… đã ít nhiều làm thay đổi những giá trị đạo đức truyền thống và đang trên đà rơi tự do! Người Việt hôm nay đang hối hả chạy đua với cuộc sống nhằm tìm kiếm, tích luỹ vật chất để bù lại những tháng ngày hàn vi cơ cực. Vì những xáo trộn đó mà người Công giáo Việt Nam ngày nay đã bị ảnh hưởng và có phần lơ là về đời sống đạo đức, về cách đọc và sống Lời Chúa? Câu trả lời có lẽ là không. Vì lo tích luỹ vật chất mà không nuôi dưỡng tinh thần, người ta sẽ cảm thấy lòng mình trống rỗng, vô vọng. Vì vật chất không phải là tất cả. Cuộc sống con người phải được cân bằng giữa vật chất và tinh thần như đôi cánh của cái diều, nếu bị gãy một trong hai, diều sẽ chao nghiêng và rơi khỏi bầu trời tự do. Người Công giáo Việt Nam nên cố gắng quân bình cuộc sống giữa hai thái cực: vật chất và tinh thần. 

Hy vọng rằng những thử thách trên, người Công giáo Việt Nam sẽ vượt qua và có thể đó là những cơ hội để tôi luyện đức tin của họ. Vì những tia sáng nhỏ nhoi cũng có thể xua tan bóng tối của màn đêm và một nhúm men nho nhỏ cũng làm dậy men cả thúng bột. Cũng vậy, dầu đức tin nhỏ như hạt cải cũng có thể làm được điều kỳ diệu như lấp biển, dời non. Khi vượt qua được những khó khăn, Con Cháu Rồng Tiên - Con Cháu các Thánh tử đạo Việt Nam sẽ tiến về quê hương thiên quốc, vì họ đã đón nhận Lời Chúa, sống Lời Chúa và nhất là sống như Đức Giêsu đã sống, “vì họ sống ở trần gian nhưng họ là công dân nước trời, họ sống giữa những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi chờ đợi sự bất hoại trên thiên quốc”[14]. 

 

Kết luận 

Đức Giêsu được sinh ra trên mảnh đất Á Châu nhưng đã phải đi vòng qua Châu Âu mới đến được Việt Nam. Khi đi qua Châu Âu, mặc dù Đức Giêsu và Lời của Ngài đã được người Âu Châu “phẩu thuật” bằng những tư tưởng, văn hoá và văn minh của họ nhưng khi đến Việt Nam, người Việt vẫn tiếp nhận Ngài như người nhà của mình bằng văn hoá và bằng tâm tình Việt. Họ đã đọc, đã cảm nhận, đã suy tư và đã sống Lời Thiên Chúa. Nhờ đó đức tin và đời sống đạo đức của người Việt ngày càng được cũng cố, càng lớn mạnh và toả hương nhân đức giữa cộng đồng mà họ đang sống. Noi gương các Thánh tử đạo Việt Nam, người Công giáo Việt tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và đón nhận lời chúc phúc của Ngài: “Trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí, trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phúc lành. Chúng sẽ mọc lên giữa đồng cỏ, như dương liễu bên dòng nước” (Is 44,3-4).

 

______________________________________________________

[1] x. Đường Thi, Thiên Chúa Giáo và Tam Giáo, Tủ sách đàm đạo Tôn giáo 2000, tr. 402.

[2] x. Mt 3,3.

[3] x. Kim Định, Bộ Triết lý An Vi; Trần Văn Đoàn, Tổng quan về Triết học và Việt Triết; Nguyễn Đăng Trúc, Văn hiến - nền tảng của minh triết, Định Hướng Tùng Thư, tái bản lần đầu 2004; Nguyễn Đăng Trúc, Tiếp cận tư tưởng Việt Nam Quyển I&II, Định Hướng Tùng Thư, tái bản 2004.

[4] x. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo Dục 1998, tr. 26-27.

[5] x. Lm. Augustino Nguyễn Văn Trinh, Lịch sử Giáo hội Việt Nam, T II, tr. 357.

[6] x. Trần Ngọc Thêm, sđd, tr. 56-57.

[7] x. Gaudium et Spes, số 14.

[8] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Dân, Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Tài liệu hội thảo mùa Phục Sinh 2004, tr. 8.

[9] Bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn và Nhóm Các giờ kinh phụng vụ...

[10] Kinh Thánh, bản dịch của Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Dòng Chúa Cứu Thế 1976.

[11] Tv 14,1, Bản dịch của Nhóm CGKPV.

[12] x. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Dân, sđd, tr. 79.

[13] x. Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Thời Mới xuất bản 1968, tr. 169-177.

[14] Trích thư gửi Deognetus.

Thiết kế Web : Châu Á