Suy niệm

NGƯỜI KHÔN TỚI CHỖ LAO XAO, TA DẠI TÌM NƠI VẮNG VẺ ( Jos Sỹ Thảo, OP)

Kì nghỉ hè, sau những chuyến rong chơi ồn ào giữa thế gian, gặp những thác lũ ồn ào của vật chất và tiếng gào thét của âm thanh đang chiếm chổ trong cuộc trần, tôi tìm về Đan Viện Thánh Mẫu Phước Lý, một nơi thanh vắng, tỉnh mịch cô liêu, nơi những đan sĩ thầm lặng sống đời Orare et Laborare (Cầu nguyện và Lao động).

 

NGƯỜI KHÔN TỚI CHỖ LAO XAO

TA DẠI TÌM NƠI VẮNG VẺ

 

Kì nghỉ hè, sau những chuyến rong chơi ồn ào giữa thế gian, gặp những thác lũ ồn ào của vật chất và tiếng gào thét của âm thanh đang chiếm chổ trong cuộc trần, tôi tìm về Đan Viện Thánh Mẫu Phước Lý, một nơi thanh vắng, tỉnh mịch cô liêu, nơi những đan sĩ thầm lặng sống đời Orare et Laborare (Cầu nguyện và Lao động). Các Đan sĩ sống an vui trong cảnh khó nghèo, lao động miệt mài rồi tàn lụi cuộc đời theo thời gian năm tháng, không khác gì những hạt lúa gieo vào lòng đất để trổ sinh bao hạt khác cho đời ngát hương. Họ thư thái trong cảnh tịch liêu vô ngôn trong giờ kinh phụng vụ linh thiêng, trong lao động âm thầm, quả là một nét đẹp giản dị mà cuốn hút, thế thôi!

Nơi đây, giữa một khoảng trời mênh mông bát ngát, tôi lui mình vào những phút giây vô vi tịch nhiên, vừa êm đềm vừa nhẹ nhàng, tôi lắng nghe tiếng chim trời hót, tiếng ve kêu, ngắm hàng cây cao vút, thỉnh thoảng những cơn gió nhè nhẹ phảng phất, tôi dõi theo những con người đơn sơ, nhỏ bé đang tìm đường giác ngộ nơi đây.

Khi cái Tâm lăng xăng đầy xáo động của tôi đọng lắng xuống, tôi như trở về cõi trống không, cái mà Lão giáo gọi là Vô Vi, Phật giáo gọi là Vô Tánh, Kitô giáo gọi là xuất thần. Tôi cảm thụ cái thư thái bình an như trút bỏ những gánh nặng nhọc nhằn của kiếp nhân sinh; còn lại trong thân xác một khoảng không hun hút. Tâm Trí Huệ giờ đây như đang “đối thoại” với trời đất, “lắng nghe” những mạch chảy thì thầm của thiên nhiên, tương hợp với vạn vật. Giây phút này tôi dễ dàng bước vào mối bang giao thân mật với Thiên Chúa, Đấng yêu thương tôi, khám phá ra sự hiện hữu của Người, cảm nhận được tình thương của Người. Quả thực, đây là một mãnh trời riêng của tình trời, tình đất, tình người. Trong phút giây lắng đọng tĩnh mịch vô ngôn đó, từ cõi lòng sâu thẳm tôi vọng lên mong ước: ước gì thời gian kéo mãi lúc này, để tận hưởng, để níu kéo thực tại, và niềm vui sẽ là bất tận.

Một cõi rất riêng, trong cuộc sống sôi động đầy bon chen này, đôi lúc cũng cần một chút “dại”, điều mà Nguyễn Công Trứ ngày xưa đã từng làm: “Người khôn tìm đến chỗ lao xao / ta dại ta tìm nơi vắng vẽ.”, để được hài hòa với thiên nhiên, cân bằng giữa ồn ào náo nhiệt và tĩnh lặng, giữa hoạt động thân xác và tâm linh, mà lấy thêm sức sống mới, khơi nguồn cảm hứng mới…và tiếp tục tung hoành với cuộc đời. Đó cũng là lẽ “dĩ bất biến ứng vạn biến”, đó cũng là cách làm cho đời mình trở nên sâu thẳm, rộng dầy; chìm vào cõi “chiêm niệm” mà vẫn hân hoan tha thiết hoạt động cho đời! Dù cho dòng đời vẫn luôn luân chuyển, trời đất luôn đổi thay, tìm về chốn cô tịch vô ngôn để sống hòa điệu với vạn vật đất trời, tâm giao thân mật với Đấng hằng yêu thương ,vẫn là điều cần thiết trong phận người vốn đã mong manh đầy bất trắc này.

 

 Jos Sỹ Thảo, OP

Thiết kế Web : Châu Á