Suy niệm

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM C: "GƯƠNG MẪU KHIÊM NHƯỜNG" (Minh An)

Gioan Tẩy giả được xem là người có lòng khiêm nhường thẳm sâu khi làm tiền hô cho Đấng Mêsia, thì Đấng Mêsia còn có lòng khiêm nhường tột đỉnh hơn cả Gioan nữa.

 

Lc 3, 15-16. 21-22

GƯƠNG MẪU KHIÊM NHƯỜNG

Minh An

Có thể nói được rằng, Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa năm C, là Chúa Nhật ghi dấu về sự khiêm nhường thẳm sâu của vị Gioan tiền hô, được mệnh danh là kẻ dọn đường và Đức Giêsu con Thiên Chúa sủng ái, nhưng cũng cúi mình xuống nhận phép rửa như muôn người khác.

Thật vậy, thánh sử Luca, trong bài Tin Mừng của mình đã cho chúng ta thấy rõ được sự khiêm nhường thẳm sâu của Gioan tiền hô và sự khiêm nhường tột cùng của Đức Giêsu, con Thiên Chúa.

 

*Gương khiêm nhường của Gioan tiền hô

Hôm qua thứ bảy, sau Lễ Hiển Linh, chúng ta được đọc bài Tin Mừng của thánh Gioan 3,22-30, và nơi đọan Tin Mừng này, thánh sử Gioan nêu lên gương sáng nơi vị Gioan tẩy giả về lòng khiêm nhường, và sự liêm chính. Cho dù, Gioan Tẩy giả đang nổi lên như cồn, nhiều người yêu quý, nhiều người tử hỏi có lẽ ông là Đấng Messia, thế nhưng, Gioan chỉ muốn mình nhỏ lại, để Đấng Mêsia thật, được lớn lên: Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại (Ga 3,30).

Còn tác giả Luca, trong bài tường thuật của mình, đã cho ta thấy rõ về Gioan Tiền hô là con người khiêm nhường thẳm sâu hơn nữa, khi ông chỉ cho mình là kẻ nô lệ, không xứng đáng để xách dép cho Đấng Mêsia: “có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Lc 3, 16).

Gioan tẩy giả đã ý thức được thân phận của mình chỉ là kẻ dọn đường, và phép rửa ông làm cho dân chúng bằng nước, không thể so sánh với phép rửa mà Đấng Mêsia sẽ làm cho người ta trong Thánh Thần, nên ông đã nhìn nhận mình là tôi tớ, hay nô lệ cho Đấng Mêsia mà thôi: “ phần tôi tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước[…]còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” ( Lc 3, 30).

Phép rửa của Gioan bằng nước là một nghi thức tượng trưng, để diễn tả tâm tình thống hối của người ta; còn phép rửa của Đấng Mêsia là một cuộc tuôn đổ Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ đi sâu vào tâm hồn con người ta như lửa thiêu đốt lòng nhiệt thành vậy.

Ý thức được phép rửa của Đấng Mêsia cao cả như thế, Gioan đã phải thu mình nhỏ lại, để Đấng Mêsia lớn lên. Đó chính là lòng khiêm nhường của người dọn đường trước Đấng sẽ đến và trước dân chúng.

 

* Gương khiêm nhường của Đấng Mêsia

Gioan Tẩy giả được xem là người có lòng khiêm nhường thẳm sâu khi làm tiền hô cho Đấng Mêsia, thì Đấng Mêsia còn có lòng khiêm nhường tột đỉnh hơn cả Gioan nữa.

Thật vậy, Ngài là Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế ( x. Pl 2, 6- 7). Người là Chúa các Chúa, Vua muôn vua, là chủ muôn lòai, muôn vật…( Kinh Tôn Vương). Thế nhưng, Người đã hòa vào đám đông để lãnh phép rửa như những người khác: “ khi tòan dân chịu phép rửa thì Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” ( Lc 3, 21).

Tác giả Luca không nói rõ ai đã làm phép rửa cho Đức Giêsu; còn tác giả Tin Mừng Matthêu và Tin Mừng Marcô đều khẳng định, chính Gioan tẩy giả đã làm phép rửa cho Người (x. Mt 3, 13-16; Mc 1, 9-10).

Tác giả Matthêu và Marcô cho người ta biết Đức Giêsu chịu cúi mình lãnh phép rửa của Gioan như những người khác tại dòng sông Gio-đan. Tuy là một Thiên Chúa cao cả, quyền uy nhưng lại để cho một thụ tạo thấp hèn lấy nước từ dòng sông đổ lên đầu, như những tội nhân đến với Gioan, cho dù vị tiền hô đã từ chối mãnh liệt: “Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê, đến sông Gio-đan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! Nhưng Đức Giêsu trả lời: bây giờ cứ thế đã” (Mt 3, 13-15). Quả đúng là Ngôi Hai Thiên Chúa có lòng khiêm nhường đến tột đỉnh nhất.

 Nhờ lòng khiêm nhường tột cùng, Chúa Giêsu đã cúi mình đón nhận phép rửa của Gioan tẩy giả, Ngài được chính Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiện hữu và họat động trong Người. Người được Chúa Cha khen ngợi và sủng ái: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” Lc 3, 22).

Chúa Giêsu ắt hẳn là con yêu quý của Chúa Cha. Nhưng Chúa Giêsu trở thành con yêu quý của Cha là vì Người biết ý của Cha và làm theo thánh ý Cha trong mọi sự. Người luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha, và luôn làm theo, cho dù trong những thời khắc đau thương nhất, khi phải chịu khổ hình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hòan tất công trình của Người” ( Ga 4, 34). Đó chính là sự khiêm nhường tột đỉnh của Con Thiên Chúa.

Tóm lại, trong ngày mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Giáo Hội chỉ cho chúng ta biết rõ về hai gương mẫu của sự khiêm nhường: nếu như vị Gioan tiền hô được mệnh danh là người khiêm nhường thẳm sâu thì Đức Giêsu là Đấng khiêm nhường đến tột cùng, vì Ngài là Chúa nhưng đã trở nên: “giống anh em về mọi phương diện” ( Dt 2,17).

Còn chúng ta thì sao? Khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, chúng ta đã trở thành con cái Chúa, nhưng chúng ta có lòng khiêm nhường thật sự không? Chúng ta có sống đúng với chức phận của mình để được Chúa khen ngợi và sủng ái không?

Vậy nên, nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Chúa Cha thì chính chúng ta cũng hãy noi gương thánh Gioan tẩy giả, sống khiêm nhường thẳm sâu; bắt chước Chúa Giêsu không những chỉ khiêm nhường tột đỉnh, nhưng luôn cầu nguyện, để thấy được ý Chúa và sẵn sàng bỏ ý riêng làm theo ý Chúa. Có như thế,  Chúa Cha cũng sẽ khen ngợi chúng ta như khen ngợi Chúa Giêsu, “các con yêu dấu của Ta, các con đã làm đẹp lòng Ta mọi đàng”.

Thiết kế Web : Châu Á