Suy niệm

Hồi ký: VỊ HIẾN SINH CUỐI CÙNG

Những người còn lại, có thể là những con người tương phản với thầy - vô cảm với siêu nhiên, có thể là những con người tương tự như thầy - đang khắc khoải tìm Chúa. Thầy Bảo Lộc qua đời - vị Hiến Sinh cuối cùng của Phước Lý ra đi, sự kết thúc của thầy có thể lay động tâm hồn chúng ta: chúng ta đang “hiến-sinh” cho ai và vì điều gì?

 

 

Hồi ký: VỊ HIẾN SINH CUỐI CÙNG

 

 

Tôi viết những dòng này trước linh cữu của thầy Bảo Lộc vào đêm cuối cùng trước khi chôn cất thầy. Một sự phân cách rõ rệt ngay bây giờ giữa người sống và người chết, sự phân cách giữa dương thế giới hạn và vĩnh cửu vô cùng như hiển hiện trong tâm trí tôi. Thầy đã hoàn thành cuộc sống, thầy ngừng suy niệm, còn tôi ngồi đây với bao niệm suy về cuộc đời thầy và bao cuộc đời tương tự hoặc tương phản.

 

“Mạnh giỏi chăng là được 80”, Thánh Vịnh nói thế, nhưng trừ thầy, thầy sống thọ đến năm 92 tuổi. Dù thọ đến mấy thì “Sống ở đời ai không phải chết?”, cũng đến lúc thầy từ giã dương gian. Một cái chết được biết bao người ngưỡng mộ và ước muốn, ước gì thọ như thầy, ước gì bền đỗ, ước gì đạo đức như thầy, ước gì thông thái như thầy,...các em Tập sinh nói với nhau như vậy. Đúng là cuộc sống của thầy là cuộc sống đáng ao ước, bởi chưng cuộc đời ngày nay quá xô bồ bát nháo, nếm trải được sự bình an của thầy quả là điều quý giá.

 

Nhiều anh em gọi tôi là “đệ tử” của thầy Bảo Lộc, vì tôi có nhiều thời gian tiếp xúc thầy hơn, nhiều lần tôi sử dụng tư tưởng của thầy và giúp thầy đánh máy các bài viết. “Sư phụ tìm, Nghị ơi!”, anh em nhắn, tôi biết thầy thường đợi tôi ở lầu chuông để giải thích thêm một điều gì đó thầy nói hôm trước. Tuổi trẻ của tôi đã gắn bó với thầy, “ngồi dưới chân thầy” là kiểu nói rất đúng mà tôi đã từng như thế trong những năm Nhà tập. Có quá nhiều điều tôi đã học hỏi được từ thầy vì thầy là bậc thông thái mà trong Đan viện ai cũng công nhận. Cũng vì sự thông thái đó mà cho tới tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu hết những gì thầy chia sẻ, tôi cũng chưa hiểu hết tập tài liệu viết tay mà thầy nói: nghiên cứu và hoàn thành nó. Cầm những tờ giấy của thầy trên tay, tôi không sao hiểu nổi, nhưng điều khó hiểu nhất về thầy là sự từ bỏ quá quyết liệt, có khi là quá đáng theo cách nghĩ của nhiều người ngày nay.

 

Mới 11 tuổi (1941), thầy đã bắt đầu cuộc đời tu học, xong tú tài, là chủng sinh, là giáo sư, là ký giả,...và trong suốt 57 năm, thầy sống bậc Hiến sinh trong Đan viện Phước Lý. Các cha anh trong Dòng kể lại, thầy đã không trở về gia đình ngày nào sau đó và họa hiếm vài lần, cực chẳng đã mới phải ra khỏi cổng để đi khám bệnh. Có nhiều lý do để giải thích sự dứt khoát của thầy, nhưng riêng tôi, sau những lần nghe thầy tâm sự, tôi nghĩ lý do của sự từ bỏ đó là: chỉ để kết hợp với Chúa. Như bài thơ Một nguyện ước mà thầy tha thiết kết vần:

 

“Con xin tìm Chúa đêm ngày

Mong sao biết được về Ngài rõ hơn!

Bởi Ngài Chí Thánh Chí Tôn

Vô biên vô tận, vĩnh tồn toàn năng!

Phận con thụ tạo nghèo nàn

Sớm còn tối mất, ngàn lần đáng thương.

Nhưng dù khốn khổ trăm đường

Ẩn thân bên Chúa, con hằng bình an

Bởi Ngài chí ái chí nhân

Khôn lường quảng đại, vô ngần bao dung

Dù cha mẹ có bỏ con

Chúa luôn tiếp nhận, chăm nom đêm ngày

Rồi đưa vào Nước của Ngài

Vô cùng hạnh phúc, tuyệt vời an vui

Cho con cảm nghiệm Tình Trời

Mênh mông vô hạn, ngàn đời tín trung.”

 

Quan điểm của thầy về cuộc đời mang đậm nét triết lý vô thường, điều thầy khao khát là vĩnh cửu từ Thiên Chúa.

 

“Ôi! Hạnh phúc nào hơn

Được ngắm nhìn Thiên Chúa

Cùng ngưỡng vọng suy tôn

Những lẽ “Chân” siêu việt!

Tầng chiêm niệm quá cao

Nên ít người vươn tới!

Đời chiêm niệm thế nào?

Cũng ít người thông cảm.”

                                                                            

                                                                                                               (Thơ Chiêm niệm – Bảo Lộc)

 

Đúng là thật khó để cảm thông khi nhìn vẻ “khắc kỷ” của thầy, nhưng cái khó cảm thông đó lại là niềm riêng của bậc chân tu sau ngần ấy năm dương thế.

 

Là người tri thức nhưng thầy Bảo Lộc muốn vươn lên tầng chiêm niệm, thầy đã dùng tất cả thời gian của cuộc đời để suy nghĩ về Chân – Thiện – Mỹ, tư tưởng của yhầy trong các bài nghiên cứu rất sâu sắc, nhưng cuối cùng thầy lại nghĩ: “Tư tưởng có nhiều tầng. Cao nhất là chiêm niệm. Nơi suy luận im tiếng. Để chiêm ngưỡng siêu thăng” (Thơ Mầu nhiệm tư tương – Bảo Lộc). Khi đã đưa ra chọn lựa cơ bản của cuộc đời, thầy đã dồn tất cả tâm trí lực vào sự chiêm niệm, thầy tìm Chúa bằng khói óc và con tim trong âm thầm và thoát tục. Không thể nào hiểu nổi, quá triệt để và xem ra quá khó với con người ngày nay kể cả các đan sĩ như chúng tôi. Nhưng cuối cùng thì cuộc đời của thầy là bằng chứng mạnh mẽ nhất khẳng định: với ơn Chúa, với sự ngoan ngoãn của con người, mọi sự đều có thể. Dẫu bản thân có nhiều giới hạn nhưng đâu cản được sự đa năng và đa hiệu của ơn Chúa. Bởi vì “mọi vật đều có kẻ nứt nhờ thế mà ánh sáng lọt vào”, cuộc đời thầy đã nói lên: những giới hạn cuộc đời là không gian cho ân sủng của Chúa được hoạt hóa. Tôi chợt nghĩ ra một điều, hạnh phúc trong đời tu thật đơn giản theo cách của thầy Bảo Lộc: âm thầm bên Chúa, dẫu cuộc sống có bất tất và giới hạn. Cái hạnh phúc bình dị nhất với thầy đôi khi là được ngủ gật sau khi đã nói chuyện với Chúa thật lâu. Thầy là chiến sĩ oai hùng, đã chiến đấu tới khi ngã xuống mà tay vẫn nắm chặt vũ khí.

 

Ôi, con người ấy, bé nhỏ, vai gù, lưng cong đã gắng gỏi hoàn thành cuộc đời tìm Chúa. Bây giờ thầy sẽ không còn thắc mắc, không còn cật lực suy nghĩ tìm tòi tra cứu thần học về những mầu nhiệm, hôm nay thầy đã gặp chính nguồn cội của mầu nhiệm: Thiên Chúa.

 

Những người còn lại, có thể là những con người tương phản với thầy - vô cảm với siêu nhiên, có thể là những con người tương tự như thầy - đang khắc khoải tìm Chúa. Thầy Bảo Lộc qua đời - vị Hiến Sinh cuối cùng của Phước Lý ra đi, sự kết thúc của thầy có thể lay động tâm hồn chúng ta: chúng ta đang “hiến-sinh” cho ai và vì điều gì?

 

Ở bên kia bờ vĩnh cữu, thầy đã có câu trả lời rồi chứ?!

 

 

Martin Nguyễn Thanh Nghị, 19.01.2021

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á