Suy niệm

Học hỏi Thông điệp Fratelli Tutti: YÊU THƯƠNG GIỮA SỰ KHÁC BIỆT

Ngày nay nhiều người ý thức họ không thể sống cô lập giữa những người này với những người khác, mỗi nhóm hoặc mỗi xứ sở không thể ẩn núp đàng sau biên giới mình; và toàn thể nhân loại mặc dầu bị xé lẻ và phân chia thành nhiều nhóm chống đối nhau nhưng cũng chỉ là một gia đình duy nhất.

 

 

YÊU THƯƠNG GIỮA SỰ KHÁC BIỆT

 

 

M. Eugenio Nguyễn Hoài Nguyên

 

I. Người thân cận - không có sự phân biệt

1. Người thân cận - vượt ra khỏi huyết thống, dân tộc (59)

2. Người thân cận - vượt ra khỏi ‘những đồng minh’ (101-102)

3. Người thân cận - đưa đến sự đại đồng (60-62)

II. Tình huynh đệ chân thành cần có sự hy sinh, mất mát

1. Tiền của, thời gian (63)

2. Có thể liên lụy đến bản thân, gia đình thậm chí đến tính mạng (64-65)

3. Đem lại niềm vui nội tại, không mong đền đáp (67, 70, 71, 79)

III. Tình huynh đệ trong cộng đoàn đan tu

1. Thế nào là Cộng đoàn thánh hiến đan tu?

2. Những thách đố trong việc xây dựng tình huynh đệ trong Cộng đoàn thánh hiến đan tu

3. Tình huynh đệ hoàn hảo được nối kết với nhau trong Ba Ngôi Thiên Chúa

IV. Kết luận (84-86)

 

 

Nhập đề

 

Mặc Tử từ nước Lỗ đến nước Tề, ghé thăm người bạn cũ. Người bạn nói với Mặc Tử: “Ngày nay thiên hạ không có ai hành nghĩa nữa, sao ông tự làm khổ mình mà lo hành nghĩa, chi bằng ông ngưng lại đi”.

Mặc Tử nói: ”Giả như nay có người ở đây, người ấy có mười người con, một người cày cuốc mà chín người ở không, thì người cày cuốc không thể không cố gắng làm khẩn trương hơn. Là vì sao? Vì người ăn thì đông mà người cày cuốc thì ít. Nay thiên hạ không có ai hành nghĩa, thì người đáng ra nên khuyên ta nỗ lực hành nghĩa mới phải, sao lại ngăn cản ta?”[1]

Liệu có còn ‘nhân chi sơ tính bản thiện’ nữa không? Bản tính thiện trong mỗi con người có còn tồn tại hay đã bị chôn vùi bởi bao thứ hấp dẫn của đời sống hiện đại. Trong một xã hội mà đa số người ta sẽ được xếp loại, đánh giá người khác qua sự giàu nghèo… hình như con người vô tình hay cố ý đã lãng quên một thứ rất quý giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho đó là lòng nhân.

Khi nhân loại đang tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn cầu. Xã hội chúng ta cũng phải đối diện với sự thách đố thực hiện các bước cụ thể thực sự can đảm, để phát triển một nền văn hóa chăm sóc toàn cầu. Một nền văn hóa có thể chuyền cảm hứng cho việc nảy sinh các mối quan hệ, và cơ cấu cộng tác mới nhằm phục vụ tình liên đới, tôn trọng nhân phẩm, tương trợ và công bằng xã hội [2]. Cũng trong niềm thao thức ấy mà ĐTC Phanxicô đã cho ấn bản Thông điệp Fratelli Tutti, giúp cho mọi người được sống và sống đúng với nhân phẩm của mình để không ai bị gạt ra bên lề xã hội.

 

I. NGƯỜI THÂN CẬN - KHÔNG CÓ SỰ PHÂN BIỆT

 

Ở chương này, Đức Thánh Cha lấy dụ ngôn người Samari nhân hậu trong Phúc Âm làm nồng cốt, mà sứ điệp chính yếu của dụ ngôn này không gì khác hơn là hãy trở thành người thân cận của nhau. Vì thế, thay vì dùng từ ‘tình yêu’ như đề tài thì người viết thích dùng từ ‘người thân cận’ hơn, vì nó như đặc sản của chương này vậy.

 

1. Người thân cận – vượt ra khỏi huyết thống, dân tộc

 

Ngày xưa, con người sống thành từng nhóm thuần nhất, có liên quan ít nhiều đến dòng tộc, có chung cội nguồn. Thông thường họ ở cùng nhau trong cùng một bộ lạc, làng mạc – họ nói cùng một ngôn ngữ, sống cùng những nghi lễ và truyền thống, có cùng một lối sống và chấp nhận cùng một quyền bính. Họ đoàn kết với nhau. Sự đoàn kết này vừa đến từ xương thịt máu huyết họ, vừa đến từ nhu cầu hợp tác để mang lại hạnh phúc cho cuộc sống cũng như để tự vệ chống lại các địch thủ lân bang và các nguy hiểm thiên nhiên. Giữa những người cùng chung một nhóm, có sự hợp nhất vốn đâm rễ sâu vào trong vô thức [3] .

Cũng thế, “trong các truyền thống Do Thái xưa, mệnh lệnh yêu thương và chăm sóc tha nhân dường như chỉ giới hạn trong các mối tương quan giữa các thành viên của cùng một quốc gia” [4].

Thế rồi thời gian đã làm thay đổi tất cả. Xã hội hiện đại bắt nguồn từ sự tan rã của các tập đoàn ít nhiều mang tính tự nhiên hoặc gia tộc ấy. Bây giờ những người cùng sống trong một địa phương không còn thuộc về một nhóm thuần nhất nữa. Thành phố được tạo lập với những người lân cận không biết nhau, và không bao lâu nữa ở các làng mạc cũng sẽ như thế. Ngày nay người ta đang sống trong một xã hội đa dạng, hỗn hợp văn hóa…[5]

Đúng thế, người ta không thể sống cô lập hoặc sống theo chủ nghĩa cá nhân, mọi người đều cần có bạn hữu. Nhu cầu thuộc về một hình thái hoặc một cộng đoàn khác gắn liền với bản tính con người, cho dầu đó là một hội ái hữu, một gia đình, một câu lạc bộ, một Giáo hội hoặc bất kỳ một nhóm nào khác. Nếu sống cô lập, chúng ta sẽ héo khô và sẽ chết[6].

Như David Clark đã thốt lên: “Tôi đã đi đến chỗ tin rằng nếu đánh mất ý nghĩa thâm thúy của cộng đoàn, con người sẽ tàn lụi và sẽ chết. Cộng đoàn là nền tảng của xã hội loài người, là chóp đỉnh của việc tương thuộc, là nẻo đường nhanh nhất đi đến hiệp nhất: là chặng cuối của hành trình”.

 

2. Người thân cận – vượt ra khỏi ‘những đồng minh’

 

Người đàn ông trên đường, trầy trụa và bị bỏ rơi, là một phân tâm, một ngắt quãng đối với tất cả những thứ ấy; trong bất cứ biến cố nào, người này vẫn không quan trọng. Ông không phải là ‘người’, ông vô danh tiểu tốt, không phù hợp với các kế hoạch tương lai của họ. Người Samaritano nhân hậu đã vượt qua việc phân loại này[7].

“Phản ứng đối với câu chuyện ấy hôm nay là gì, trong một thế giới không ngừng phải chứng kiến sự xuất hiện, và phát triển của các nhóm xã hội, bám vào một căn tính thường xuyên tách họ khỏi những người khác? Phản ứng ấy tác động thế nào đối với những người tổ chức mình, theo cách ngăn chặn bất cứ sự hiện diện của người ngoài cuộc nào, có thể đe dọa căn tính và các cơ chế khép kín, và tự lấy mình làm chuẩn của họ? Ở đó, ngay cả khả năng hành động như một người thân cận cũng bị loại trừ; người ta là người thân cận chỉ đối với những ai phục vụ mục đích của họ. Từ ngữ ‘người thân cận’ đang mất hết ý nghĩa; có thể chỉ có ‘đồng minh’, người cùng theo đuổi các quyền lợi đặc biệt nào đó thôi”[8].

Sau thế chiến thức hai, thế giới bước vào thời kỳ chiến tranh lạnh, nền chính trị toàn cầu trở nên lưỡng cực và thế giới bị chia làm ba phần. Một nhóm các nước dân chủ tư bản do Hoa kỳ đứng đầu, nhóm thứ hai là khối các nước cộng sản do Nga đứng đầu. Các cuộc xung đột giữa hai nhóm này bị đẩy ra bên ngoài biên giới của họ, để tiến hành ở thế giới thứ ba gồm các nước nghèo, thiếu ổn định về chính trị, mới giành được độc lập và tuyên bố không liên kết.

Ngày nay nhiều người ý thức họ không thể sống cô lập giữa những người này với những người khác, mỗi nhóm hoặc mỗi xứ sở không thể ẩn núp đàng sau biên giới mình; và toàn thể nhân loại mặc dầu bị xé lẻ và phân chia thành nhiều nhóm chống đối nhau nhưng cũng chỉ là một gia đình duy nhất. Đối với những gì liên quan đến nền kinh tế và những khám phá khoa học thì chúng ta liên đới với nhau, đời sống chúng ta dù ít dù nhiều cũng đã đan dệt vào nhau. Nhân loại là một thân thể, và trong thân thể mỗi chi thể đều quan trọng: mỗi dân tộc, mỗi nòi giống, mỗi xứ sở đều có mang theo một ơn huệ để làm cho nhân loại được sống an bình và đạt được sự viên mãn. Lúc nào các nhóm, các quốc gia và các chủng tộc đoạn giao với nhau hoặc tìm cách thống trị bằng cách áp đặt nền văn hóa, hệ tư tưởng, lối sống của mình cũng như bằng cách loại bỏ căn tính văn hóa của một dân tộc khác thì họ chẳng những làm tổn thương dân tộc này mà còn làm tổn thương chính họ và làm tổn thương cả toàn thể nhân loại[9].

Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta được mời gọi ý thức về sự hiệp nhất căn bản của gia đình nhân loại và giúp mỗi nhóm người tìm gặp được căn tính và chỗ đứng của mình trong gia đình này cũng như càng ngày càng cởi mở với tha nhân.

 

3. Người thân cận – đưa đến sự đại đồng

 

“Trong Tân Ước, qui tắc của Hillel được diễn tả theo các thuật ngữ tích cực: “Trong mọi sự, hãy làm cho người ta những gì anh em muốn người ta làm cho anh em; vì đó là lề luật và các ngôn sứ”. Mệnh lệnh này có phạm vi phổ quát, ấp ủ hết mọi người dựa trên nền tảng chung là bản tính nhân loại, vì Cha trên trời “làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ xấu lẫn người tốt”. Nên Ngài mới kêu gọi “hãy nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”[10].

“Điều răn “yêu đồng loại như chính mình” thường được hiểu là ám chỉ tới người đồng hương, nhưng ranh giới thường được mở rộng, nhất là trong Do Thái giáo, lúc ấy đã phát triển ra bên ngoài lãnh thổ Israel”[11].

Đối với nhóm, cộng đoàn và quốc gia cũng như đối với cá nhân, mối nguy hiểm là tự đóng mình lại. Đó cũng là phản ứng của đứa trẻ khi tự thâm tâm nó cảm nhận không được thương mến, không được thừa nhận, không được quý trọng. Con tim dễ bị thương tổn của nó đã bị tổn thương. Và vì nó mảnh dẻ, yếu ớt và không tự xoay xở một mình được nên vì sợ, nó tự giam hãm mình đàng sau những rào chắn có thể bảo vệ cho nó. Ở bên trong chiến lũy nhỏ bé này, nó cảm thấy lầm lỗi và giận dữ, nó thường tìm cách tự làm khổ mình vì nó cảm thấy nó không được tốt, hoặc tìm cách làm khổ tha nhân để trả thù cho nỗi khổ đau và nỗi cô đơn của nó. Nỗi sợ hãi cô lập nó và dẫn đưa nó đến thái độ tấn công, chống đối, ghen tuông, ganh đua và đấu tranh. Gia đình, cộng đoàn và quốc gia cũng có thể có một tiến trình đóng kín mình lại như thế đàng sau biên giới và hàng rào bảo vệ[12].

Đất nước ta, một thời cũng bị nhồi sọ rằng một khi mở ra với thế giới bên ngoài, nhiều người sẽ bị nghèo đi, lai căng, bất ổn, bị tổn thương v.v…

Nhưng cũng thật là đáng mừng ngày nay giới trẻ tìm đến những cộng đoàn không đóng kín nhưng cởi mở với chiều kích phổ quát và quốc tế, không bị giới hạn trong nền văn hóa mình, không phải là khu biệt cư nhưng mở ra với khổ đau và những bất công của thế giới. Vì thế các bạn trẻ lũ lượt tìm đến Taize hoặc tìm cách gia nhập vào các nhóm quốc tế.

 

II. TÌNH HUYNH ĐỆ CHÂN THÀNH CẦN CÓ SỰ HY SINH, MẤT MÁT

 

1. Tiền của, thời gian

 

“Chúa Giêsu kể chuyện một người bị cướp tấn công và nằm nửa sống, nửa chết bên lề đường. Một số người đi ngang, nhưng không dừng lại. Đó là những người đang có những vị trí xã hội quan trọng, nhưng lại thiếu sự quan tâm đích thật đối với công ích. Họ sẽ không lãng phí đôi phút chăm sóc cho kẻ bị thương tích, cũng chẳng buồn kêu gọi sự cứu giúp. Chỉ một người duy nhất dừng lại, đến gần người ấy, đích thân chăm sóc, thậm chí còn bỏ cả tiền túi đáp ứng những nhu cầu của người kia. Người ấy cũng đã cho người này một cái gì đó mà trong thế giới cuồng tín của ta, ta bám rất chặt: người ấy cho người này thời gian. Chắc chắn, hôm ấy người ấy đang có các kế hoạch, những nhu cầu, các cam kết và ước vọng riêng. Nhưng người ấy đã có thể dẹp hết sang một bên khi đối diện với một ai đó cần đến mình. Kể cả khi không biết người bị thương này là ai, người ấy vẫn coi người này đáng được hưởng thời giờ và chăm sóc của mình”[13].

Không cần đâu xa, chính cha Viện phó của chúng ta cũng đã có kinh nghiệm tiến thoái lưỡng nan này, ngài đã từng kể cho cộng đoàn nghe về việc giúp đỡ cho kẻ khó, một là mình bị mất tiền do người khác lừa, hai là mình đánh mất cơ hội giúp đỡ cho người đang cần  sự trương trợ.

 

2. Có thể liên lụy đến bản thân, gia đình thậm chí đến tính mạng

 

“Bạn đồng hóa mình với ai trong những người ấy? câu hỏi này, thẳng thắn, trực tiếp và thấm thía quá. Bạn giống ai trong các nhân vật ấy? Ta cần nhìn nhận rằng ta thường xuyên bị cám dỗ phớt lờ người khác, nhất là những người yếu đuối. Ta hãy công nhận rằng, bất kể tất cả những tiến bộ ta đạt được, ta vẫn là người “vô học”, khi không đồng hành, chăm sóc và nâng đỡ những thành phần yếu đuối, dễ bị tổn thương của các xã hội phát triển của ta. Ta đã quen với việc nhìn đi chỗ khác, đi ngang, phớt lờ những hoàn cảnh cho tới khi những hoàn cảnh ấy trực tiếp đụng đến ta”[14].

“Trên các đường phố của ta, vẫn có những người bị tấn công, và nhiều người vẫn vội vã lánh đi như thể họ không để ý vậy. Người ta đụng xe vào một ai đó, sau đó trốn khỏi hiện trường. Ước vọng duy nhất của họ là tránh rắc rối; chính do lỗi của họ mà người khác có thể chết, vẫn không thành vấn đề. Tất cả những điều đó là những dấu chỉ của việc tiếp cận sự sống đang phát triển dưới nhiều hình thức tinh vi. Hơn thế nữa, vì ta vẫn chỉ biết đến nhu cầu của mình thôi, nên việc nhìn thấy người đau khổ khiến ta bối rối. Việc ấy khiến ta khó chịu vì ta không muốn lãng phí thời gian cho những vẫn đề của người khác. Đó là những triệu chứng của một xã hội không lành mạnh. Một xã hội luôn tìm kiếm sự giàu sang nhưng lại quay lưng lại với khổ đau”[15].

Người viết có một cô em họ, khi đi làm về trời đã nhá nhem, có một cô trung niên đang nằm quằn quại trên đường đang cần sự giúp đỡ. Liệu đây có phải là sự dàn cảnh của bọn lừa gạt không? Vấn đề ở đây bây giờ không còn là chuyện làm việc tốt hay không mà là sự nguy hiểm đến tài sản và tính mạng.

Nhưng nếu ta vượt lên tất cả, sẽ có được hoa trái của bác ái là hoan lạc, bình an…

 

3. Đem lại niềm vui nội tại, không mong đền đáp

 

“Dụ ngôn này trình bày cách hùng hồn quyết định căn bản ta cần thực hiện để tái thiết thế giới bị thương tích của ta. Khi đối diện với quá nhiều đau khổ và đớn đau, con đường duy nhất của ta bắt chước người Samarita nhân hậu. Bất cứ quyết định nào khác cũng đều làm chúng ta hoặc thành một trong các kẻ cướp hoặc thành một trong những người đi ngang mà không tỏ lòng xót thương đối với những đau khổ của những người trên đường. Dụ ngôn chỉ cho ta thấy những người tự đồng hóa với sự dễ bị tổn thương của người khác, những người dẹp bỏ việc tạo nên một xã hội loại trừ và thay vào đó hành động như những người thân cận, nâng dậy và đưa những người sa ngã vào lại cộng đoàn vì công ích, có thể tái thiết cộng đoàn ra sao. Đồng thời, dụ ngôn ấy cũng cảnh giác ta về thái độ của những người chỉ biết nghĩ đến mình và không biết gánh vác những trách nhiệm không thể tránh về sự sống đúng nghĩa”[16].

“…Hiện chỉ có hai loại người: những người quan tâm tới những người đau khổ và những người bỏ đi; những người cúi xuống cứu giúp và những người nhìn đi phía khác và vội vã biết mất. Ở đây, tất cả những người khác biệt của ta, các nhãn hiệu và mặt nạ đều rơi xuống: đó chính là giờ khắc của sự thật. Ta có cúi xuống đụng chạm và chữa lành thương tích của tha nhân? Ta có cúi xuống và giúp người khác đứng lên? Đây là thách đố của ngày hôm nay, và ta không nên sợ phải đương đầu với thách đố ấy. Trong những khoảnh khắc khủng hoảng, quyết định trở thành khẩn thiết. Người ta có thể nói rằng, ở đây lúc này, bất cứ ai dù là cướp hay người bỏ đi đều hoặc đã làm mình mang thương tích hoặc đang vác người bị thương tích trên vai”[17].

 “Người Samarita đã dừng lại trên đường đó, đã khởi hành mà không mong có ai biết hay chờ đợi lòng biết ơn. Cố gắng giúp người khác của người ấy đem lại cho ông nhiều thanh thỏa trong cuộc sống và trước Thiên Chúa của ông và như thế cố gắng ấy cũng thành một nhiệm vụ. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về những người thương tật ấy, về những người thuộc nhóm mình, và tất cả mọi dân tộc trên trần gian. Ta hãy quan tâm đến nhu cầu của mọi người, nam cũng như nữ, già lẫn trẻ, với tinh thần chăm sóc và gần gũi của người anh em, một tinh thần đã đóng ấn trên người Samarita nhân hậu”[18].

Bí quyết của tình yêu mang tính cách đặc biệt, vì do yêu mà vui chịu đau đớn, tới mức chịu cùi hủi, như truyện cha Damien, hay truyện đức cha Cassaigne bị cùi vì săn sóc cho người cùi. Và gần đây nhất còn có một con người vĩ đại không kém đó là mẹ thánh Têrêsa, nơi con người vĩ đại này nhiều người phải thốt lên ‘tôi sống như một con vật nhưng nhờ mẹ tôi được chết như một con người’.

 

III. TÌNH HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN ĐAN TU

 

1. Thế nào là Cộng đoàn thánh hiến đan tu?

 

Trong phạm vi hạn hẹp, người viết không có tham vọng định nghĩa rốt ráo cho phạm trù này mà chỉ xin được nêu lên những nét chính yếu mà thôi.

Ngay trong phần nhập đề, thánh GH Gioan Phaolô II đã viết trong Tông huấn ‘Đời thánh hiến’: “Đời thánh hiến ăn rễ sâu trong gương mẫu và giáo huấn của Chúa Kitô, là một qùa tặng của Thiên Chúa Cha trao ban cho Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Nhờ việc khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm, những đức tính đặc biệt của Chúa Giêsu – khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục – trở nên ‘hữu hình’ ngay giữa thế gian một cách mẫu mực và trường kỳ, khiến mọi tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, mầu nhiệm đã có sức tác động trong dòng lịch sử, mà còn chờ đạt đến chiều kích sung mãn trên trời.

Qua bao thế kỷ, luôn luôn có những người nam người nữ, ngoan ngoãn vâng theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc giục của Chúa Thánh Thần, đã chọn con đường đặc biệt tiếp bước theo Chúa Kitô, hiến thân cho Thiên Chúa với một tấm lòng “không san sẻ”. Cũng như các tông đồ, họ đã từ bỏ tất cả để ở lại với Chúa, và cũng như Chúa Kitô, họ dấn thân phục vụ Thiên Chúa và mọi người anh em. Như vậy, họ đã góp phần bày tỏ mầu nhiệm và sứ mệnh của Giáo hội, bằng những đặc sủng thuộc về đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần trao ban cho họ, nhờ đó họ đã góp phần vào việc canh tân xã hội”[19].

Cộng đoàn thánh hiến không thành hình bởi những con người hoàn hảo, nhưng bởi những con người hiệp thông với người khác. Mỗi người trong họ đều pha trộn tốt lẫn xấu, bóng tối lẫn ánh sáng.

 

2. Những thách đố trong việc xây dựng tình huynh đệ trong Cộng đoàn thánh hiến đan tu

 

Voltaire, một triết gia vô thần và chống Kitô giáo, định nghĩa tu sĩ “là những người qui tụ lại với nhau mà không biết nhau, sống chung với nhau mà không thương yêu nhau, và chết mà không khóc thương nhau!

Phải chăng ông ta nói thế vì khinh bỉ hoặc giận ghét. Nhưng biết đâu chẳng có đôi chút sự thật! Khi tìm hiểu cách thức các phần tử trong cộng đoàn tu trì sống với nhau, liệu chúng ta có thể thực lòng mà nói là Voltaire hoàn toàn sai lầm không? Phải chăng đó lại không phải là lời kêu gọi tu sĩ, xem xét lại phẩm chất các mối tương quan của họ sao?[20]

Ở đời người ta thường nói, ‘ngưu tầm ngưu mã tầm mã’ theo bản tính tự nhiên của con người  thì ai mà chẳng thích giao du với những người hợp gu, hợp sở thích, có cảm tình… với mình. Trái lại, trong cộng đoàn đan tu lại khác, tôi phải bỏ tất cả để sống với những người không phải là tôi chọn mà là Chúa chọn. Tôi phải tương quan và tương tác với bá nhân bá tánh. Mỗi người lại đến từ mỗi vùng, miền khác nhau; ý thức hệ, văn hóa, giáo dục cũng mỗi người một vẻ. (chuyện 2 người cùng trồng khoai lang)

Bên cạnh đó, khó khăn mà các cộng đoàn phải đương đầu là sự xung đột giữa già và trẻ. Người trẻ thường hiếu động, sốt sắng và nhiệt tình chấp nhận những ý tưởng tiến bộ và những phương pháp mới. Vì nhiệt tình, họ thường bài bác những cơ cấu và tổ chức của quá khứ. Trái lại, các thần phần lớn tuổi hơn, thường gắn bó với những truyền thống đến nỗi ngờ vực tất cả mọi cái mới. Họ cảm thấy bị đe dọa vì tất cả những gì họ yêu quý lại không được những người khác tôn trọng trong khi chính họ lại là những người xa lạ với những cái mới mẻ được đưa vào[21]. Nhưng Chúa muốn tất cả mọi người ở đây phải trở thành một gia đình.

Sr. Regina đã cố gắng liệt kê những điều đơn giản và bình thường nhưng rất hữu ích để xây dựng cộng đoàn được hiệp nhất: Cầu nguyện chung, bữa ăn chung, giải trí cộng đoàn, cộng đoàn cùng mừng lễ, cộng đoàn cùng chúc mừng, hội họp cộng đoàn, dã ngoại chung, tĩnh tâm chung, thảo kế hoạch chung, phân định chung… nhưng  chỉ có thế thôi thì chưa đủ để xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn. Chính từ ngữ ‘cộng đoàn’ nói lên một nhóm người hiệp nhất với nhau. Hiệp nhất hay hiệp thông là điều thiết yếu đối với cộng đoàn. Tham gia vào niềm vui hay nỗi buồn, nhu cầu hay nỗi khó khăn, nỗi sợ, nỗi lo, thành công hay thất bại của nhau, sẵn lòng và vui vẻ chia sẻ gánh nặng cùng trách nhiệm trong cộng đoàn, đó mới là xây dựng sự hiệp thông[22].

Và Không thể phục vụ đích thực nếu không yêu thương. Không thể yêu thương chân thật nếu không dám chia sẻ cho nhau những vui buồn, những lo âu và hy vọng, những thành công và thất bại, những trăn trở và thao thức của mình…để nâng đỡ và trợ lực cho nhau. Không biết mình sống có đủ chân thành và cởi mở chưa? Sao anh em không dám đến tâm sự với mình mà lại để họ ra ngoài xóm để trút bầu tâm sự?

Trong một cộng đoàn mà tình yêu huynh đệ tràn ngập, nếu một người anh em ngã bệnh hay nản chí, luôn luôn có những phần tử khác sẵn sàng giúp đỡ, đồng cảm, khích lệ, an ủi, tư vấn, và sửa lỗi nếu cần. Các thành viên năng lui tới thăm nom những vị cao niên, dưỡng lão. Hãy để cho mọi người trở thành người thân cận của người khác. Hãy để cho mỗi phần tử đóng góp vào việc xây dựng cộng đoàn và gắn kết cộng đoàn bằng yêu thương. Luật tối thượng của mọi cộng đoàn là bác ái; mọi sự khác chỉ biện minh được dưới quan điểm bác ái[23].

Các phần tử của cộng đoàn cần phải hiệp nhất vì lợi ích chung. Sự phân rẽ, những sức mạnh khác nhau xô đẩy về những hướng khác nhau sẽ chỉ phá hoại cộng đoàn. Nếu không tìm kiếm thiện ích chung như thế, chúng ta sẽ chỉ có một nhóm đông người kề vai sát cánh, nhưng không phải là một cộng đoàn thực sự. Vì sự gắn kết và động lực của cộng đoàn phải có một nguyên tắc để thống nhất, đó là thiện ích chung. Thiện ích của cá nhân và thiện ích của cộng đoàn liên hệ mật thiết với nhau. Một phần tử đạt được thiện ích của mình cùng với thiện ích của anh em mình thông qua hành vi trao và nhận. Thiện ích của một cộng đoàn tu trì là sự thịnh đạt của tất cả mọi phần tử để trung thành với Chúa Kitô, với đoàn sủng mà đấng sáng lập đã truyền lại, với linh đạo cộng đoàn và với sứ vụ tông đồ đã được ủy thác cho cộng đoàn.

Không có sự quan tâm và chia sẻ, không có cộng đoàn thự sự. Nếu tôi chỉ để ý đến công việc của tôi và không để ý đến bất cứ ai khác, tôi là một cá nhân ích kỷ không biết đến tình yêu Kitô giáo là gì. Chia sẻ thì phải hai chiều. Trong khi tôi chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thời giờ, tài năng, và sự vật cho người khác, tôi phải để họ chia sẻ bản chất của tôi và sở hữu của tôi. Chịu đựng lẫn nhau, tỏ ra thông cảm với sự yếu đuối, thất bại, và khiếm khuyết của người khác, là phần cốt yếu của sự hiệp thông huynh đệ và sống cộng đoàn. Trong một cộng đoàn tu trì tốt, các phần tử phục tùng và kính trọng lẫn nhau[24].

Điều chính yếu trong cộng đoàn là các phần tử biết nhau, yêu thương nhau và quan tâm đến nhau. Như lời thánh tông đồ dạy: “Vì vậy, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”[25].

Bonhoeffer có một nhận định hết sức thực tế: “Ai yêu mến cộng đoàn, người ấy hủy diệt cộng đoàn; Ai yêu mến anh em, người ấy xây dựng cộng đoàn”.  Thức ra câu nói này cũng không khác với cha tổ phụ là mấy: “cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh Thể …tuy cũng là đạo nhưng không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em mới là đạo chắc. Để xây dựng tình huỳnh đệ trong cộng đoàn không phải là xây dựng một danh từ chung chung mơ hồ nhưng là xây dựng trên từng con người cụ thể.

Tuy đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự hòa đồng, nhưng không phải là tính bầy đàn tới mức mù quáng, để mình bị dẫn dắt bởi đồng bạn, và tới mức mất cả nhân cách. Không nên để cho mình bị đời sống tập thể cuốn hút, nếu không ta sẽ phải sống trong tình trạng nô lê, không có ý tưởng và không có căn tính. Cũng không nên từ bỏ quyền được suy nghĩ, nếu không muốn mình bị lèo lái. Các phần tử phải chấp nhận lẫn nhau như mỗi người là. Thông thường chúng ta muốn người khác phải là cái chúng ta tưởng, cái chúng ta muốn.

Và khi không tôn trọng tính độc đáo của mỗi người, cộng đoàn chỉ trình bày một bức tranh xám xịt của sự đồng nhất và nhất trí, kết quả của sự thống trị về phía kẻ mạnh, và chủ nghĩa tuân thủ về phía kẻ yếu. Một cộng đoàn như vậy không có tình huynh đệ. Yêu thương đích thực sẽ khám phá và làm nổi bật sự độc đáo của người khác. Người không chấp nhận sự khác biệt nơi anh em thì cũng không chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng đã muốn biểu lộ sự hiệp nhất trong tính đa dạng của thụ tạo[26].

Tình yêu thương chân chính đưa đến sự đồng cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia để có thể lắng nghe, hiểu biết, cảm thông và chia sẻ những thử thách khó khăn của họ như là của chính mình[27]. Tình yêu thương cũng không đơn thuần là những tình cảm tự nhiên dễ thương, dễ mến, nhưng chủ yếu là muốn điều tốt cho kẻ khác. Không chỉ muốn thôi, nhưng tìm mọi cách để thực hiện. Tình yêu thương chân thực không còn phân biệt thân thích hay xa lạ, tương đồng hay khác biệt, bạn hữu hay kẻ thù, mà chỉ biết rằng tôi cần phải dâng hiến cho người kia điều tốt nhất có thể.

Thế nhưng, nếu dừng lại ở đây thì tất cả những điều được nói ở trên, mục đích cuối cùng cũng là hiệp nhất với nhau để xây dựng cộng đoàn thôi. Nếu thế thì tình huynh đệ trong cộng đoàn thánh hiến cũng chỉ dừng lại ở người thân cận như đã trình bày ở mục I chứ đâu có gì khác. Chắc chắn Giáo hội vẫn mong muốn nơi người thánh hiến phải có cái khác hơn. Theo thiển ý của người viết, người đan sĩ không chỉ đơn thuần có lỗi khi không giúp đỡ cho anh em mình, chịu trách nhiệm về việc thờ ơ chễnh mãng trong việc xây dựng cộng đoàn được phát triển. Nhưng hơn hết họ phải trả lẽ trước mặt Chúa về phần rỗi của người anh em mà họ đã từng sống cùng và sống với trong một gia đình đan viện.

Sẽ đến ngày Chúa cũng hỏi chúng ta như Chúa đã hỏi Ca-in, những người anh em ngươi đâu? Vì không ai nên thánh một mình cũng như không ai lên thiên đàng một mình vậy (Tôi có phải là người gây nên một trong những duyên cớ làm cho người anh em phải đánh mất đời tu không? Tôi đã làm gương xấu mà làm cho anh em tôi mất tinh thần tu không?). Vì thế, người thánh hiến không được dừng lại ở tình bằng hữu xã hội, nhưng phải vươn xa và cao hơn để đạt cho được (ở đây người viết xin được dùng một hạn từ mới để diễn tả là) tình huynh đệ hoàn hảo.

Xin được tóm kết lại: Tình yêu hoàn hảo đòi hỏi:

- Sẵn sàng phục vụ người khác một cách quảng đại,

- Sẳn sàng đón nhận họ như bản chất của họ,

- Có khả năng tha thứ bảy mươi lần bảy.

- Trả lẽ cho Chúa về phần rỗi của nhau

Tuy nhiên, để có được tình huynh đệ hoàn hảo thì không thể chỉ dựa vào sức mình và những phương thế tự nhiên được, nhưng phải cậy nhờ vào ân sủng siêu nhiên nữa.

 

3. Tình huynh đệ hoàn hảo được nối kết với nhau trong Ba Ngôi Thiên Chúa

 

Trong Tông huấn Đời Thánh Hiến, thánh Gioan Phaolô II đã viết: “Trên thực tế, Giáo hội, ‘dân tộc được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần’, căn bản là mầu nhiệm hiệp thông. Đời sống huynh đệ cố gắng phản ánh sự sâu xa và phong phú của mầu nhiệm này, bằng cách xây dựng một không gian nhân loại cho Ba Ngôi ngự trị, Đấng kéo dài trong lịch sử những ơn hiệp thông thuộc riêng về Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong đời sống Giáo hội, có rất nhiều bối cảnh và hình thái diễn tả sự hiệp thông huynh đệ. Đời thánh hiến chắc chắn đã có công góp phần hữu hiệu để duy trì trong Giáo hội yêu sách về tình huynh đệ như là sự tuyên xưng Ba Ngôi Thiên Chúa. Bằng cách liên tục cổ võ tình yêu huynh đệ, nhất là dưới hình thức đời sống chung, đời thánh hiến đã chứng tỏ rằng việc tham dự vào sự hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những tương quan nhân bản và có thể tạo nên một kiểu mẫu mới của tình liên đới. Bằng cách này, Giáo hội làm cho mọi người thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và những con đường dẫn đến sự hiệp thông đó cách cụ thể. Quả thật, những người được thánh hiến sống ‘cho’ Chúa và ‘nhờ’ chúa, bởi vậy họ có thể tuyên xưng sức mạnh hòa giải của ơn thánh là sức mạnh hủy diệt những động cơ chia rẽ hiện diện trong tâm lòng con người và trong các tương quan xã hội”[28].

Sự hiệp thông huynh đệ trước tiên hệ tại ở việc tâm hồn chiêm ngưỡng mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người chiếu tỏa trên khuôn mặt của anh em xung quanh chúng ta. Đồng thời, sự hiệp thông huynh đệ cũng có nghĩa là một khả năng chú ý đến anh em chúng ta trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân thể mầu nhiệm, và vì thế như ‘những chi thể của tôi’. Điều này làm cho chúng ta có khả năng chia sẻ những niềm vui và những đau khổ của họ, cảm nhận những ước muốn của họ và chú ý đến những nhu cầu của họ, trao tặng cho họ tình bạn sâu sắc và chân thực[29].

Lời Chúa và Thánh thể là những nguồn mạch chính yếu của sự hiệp nhất. Hai nguồn mạch này nuôi dưỡng đời sống chung, đem lại động lực và ý nghĩa cho đời sống chung. Phụng vụ quy tụ các phần tử thành cộng đoàn trong hoạt động thiêng liêng cao quý nhất, đó là ngợi khen và khẩn cầu Thiên Chúa. Phụng vụ gợi lên tâm tình biết ơn, yêu mến và cầu khẩn Chúa Cha, qua Chúa Kitô, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Quy tụ trong phụng vụ là nguồn mạch sự hiệp nhất và thánh hóa cộng đoàn[30].

Công đồng Vatican II làm sáng tỏ thêm điều này, “Trong bí tích thánh Thể, sự hiệp nhất của các tín hữu, những người làm nên một thân mình Chúa Kitô, vừa được biểu lộ vừa được thực hiện[31]. Trong văn kiện về đời sống linh mục, Công đồng nói, “Không một cộng đoàn Kitô hữu nào được xây dựng mà không tăng trưởng từ và dựa vào cử hành Thánh thể cực thánh. Tất cả mọi giáo dục về đời sống cộng đoàn đều phải bắt đầu từ đây[32].

Do đó, chúng ta phải chú ý, cử hành Thánh thể đào sâu mối dây hiệp nhất trong cộng đoàn và củng cố tình yêu huynh đệ giữa các phần tử. Chiều kích sâu xa nhất của Thánh thể chính là muôi dưỡng tình yêu huynh đệ. Thánh thể phải hiệp nhất và xây dựng cộng đoàn. Những ai ăn cùng một bánh và uống cùng một chén của Chúa cũng phải nên một lòng và một ý.

“Một cộng đoàn tu trì phải là một gia đình thực sự dựa trên sự hiệp nhất mục tiêu và hiệp nhất tâm hồn giữa các phần tử. Họ đến với nhau như một gia đình không phải vì những động lực tự nhiên. Yếu tố hiệp nhất gia đình tự nhiên hay gia đình sinh học không phải là yếu tố hiệp nhất các phần tử của cộng đoàn tu trì. Liên hệ máu mủ, ngôn ngữ, chủng tộc, địa dư, v.v… không làm thành nền tảng của sự hiệp thông. Trái lại, họ đến với nhau vì những động lực siêu nhiên: Một ơn gọi chung, một đấng sáng lập chung, đoàn sủng chung, và cam kết chung để tích cực đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa. Do đó, sự hiệp thông này sâu xa hơn và mạnh mẽ hơn sự hiệp thông trong gia đình tự nhiên”[33].

Tinh thần huynh đệ được làm nên bởi yêu thương, vui mừng, bình an, kiên nhẫn và nhân hậu. Đây là những hoa quả thực sự của đời sống trong Thánh Thần[34]. Sống trong cộng đoàn là một nghệ thuật đặc biệt, một sự kết hợp giữa tình yêu Thiên Chúa và lòng nhân hậu của con người. Thánh Phaolo kể ra những đức tính cần thiết để có một đời sống chung tốt đẹp: “Anh em…hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo[35]. Không có những điều này, không thể nào cảm nghiệm niềm vui của việc sống chung với nhau; có thể đó chỉ là một sự cộng sinh không trọn vẹn, một thái độ cam chịu sự hiện diện của người khác mà chẳng vui vẻ gì[36].

“Bởi vì tất cả các phần tử của cộng đoàn tu trì đã tận hiến mình cho Chúa Kitô qua đức khiết tịnh thánh hiến, nên sự hiệp nhất với Chúa Kitô cũng hiệp nhất họ với nhau. Khi tất cả mọi người đều tiến bước về cùng một mục tiêu, khi họ yêu thương và phục vụ lẫn nhau, họ tham dự vào tình yêu của chính Chúa Kitô. Như vậy họ lớn lên và cũng có khả năng chia sẻ tình yêu ấy với người khác” [37].

Tắt một lời, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu. Ba Ngôi hiệp thông làm một với nhau, trong cùng một sự sống, một tình yêu thương, một ý chí và hành động. Trên nền tảng này, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Đây là chiều kích thâm sâu của mọi tương quan và liên đới của đời sống nhân loại. Vì phát sinh từ chính cùng một sự sống và tình yêu của Thiên Chúa, nên mọi người đều nằm trong mối dây liên kết với chúa và với nhau. Trong tương quan đời sống với nhau, để hoàn toàn là chính mình và đạt trới kích thước trưởng thành của mình, con người nhất thiết phải cần đến những người khác [38]

Người viết  xin gợi ra những bí quyết trong đời sống chung:

- Luôn tha thứ cho nhau và làm hòa với nhau: “Anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13), “Đức ái tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đứng tất cả” (1Cr 13,7).

- Tế nhị: “Hãy thận trọng trong mọi sự” (2Tm 4,5) - nói lên sự trưởng thành nhân cách

- Đồng hành và đồng cảm: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất…và sống gắn bó với nhau” (Ep 4,3).

- Hy sinh, tôn trọng, tự trong: “Coi người khác trọng hơn mình” (Pl 2,3).

- Lòng hăng say, nhiệt thành: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28) - đặc biệt hơn nữa là khi bị hiểu lầm.

- Đức Kitô là món quà quý giá nhất của Chúa Cha ban tặng cho chúng ta, đến lượt mình ta hãy là một ân ban cho anh em]

 

IV. KẾT LUẬN (84-86)

 

Palmer nhận định thật chí lý, xã hội học hiện hành biến chúng ta thành những nạn nhân của các ‘trào lưu’ và của các xu hướng ấy, như thể các tai họa của thế giới hiện đại, đang đè nặng trên chúng ta, mà không tài nào tránh được. Nhưng không, chính chúng ta đã hủy diệt tinh thần cộng đoàn, vào ngày mà bậc thang các giá trị mang tính cá nhân của chúng ta đối nghịch lại với những gì mà tinh thần cộng đoàn hiện thực và thâm thúy đề ra. Chúng ta yêu thích cộng đoàn, nhưng chúng ta còn yêu thích hơn những lợi ích xã hội và kinh tế hơn.

Việc đánh mất niềm tin vào cộng đoàn và vào các giá trị truyền thống khiến người ta sống say mê với chủ nghĩa cá nhân: đó là cuộc chiến liên tục leo lên nấc thang thành đạt xã hội và tự mãn. Những hệ lụy đối với đời sống gia đình thật thê thảm: đại gia đình không còn tồn tại mà biến thành gia đình ‘hạt nhân’ với một hoặc hai người con, và hai vợ chồng ra sức làm việc để kiếm được nhiều tiền ngần nào có thể.

Vì thế ta hãy nghe lời Thánh Phaolo thôi thúc ‘vui với người vui, khóc với người khóc’. Khi lòng ta làm những điều này, chúng có thể đồng hóa với người khác mà không bận tâm đến việc họ sinh ra ở đâu và từ đâu tới. Trong khi tiến trình này, ta bắt đầu kinh nghiệm về người khác như ‘xác thịt của ta’[39].

Và những lời ấy buộc ta nhận ra chính Đức Kitô nơi mỗi anh chị em bị bỏ rơi hay loại trừ của ta. Đức tin có một sức mạnh khôn tả trong việc khơi dậy và duy trì lòng tôn trọng tha nhân, vì các tín hữu bắt đầu biết rằng Thiên Chúa yêu thương mọi người bằng một tình yêu vô biên và ‘nhờ đó, cũng ban cho toàn nhân loại một phẩm giá vô cùng. Không ai ở bên ngoài tầm tình yêu phổ quát của Ngài[40].

Đời Sống Thánh Hiến là một hiện tượng đa dạng và phong phú. Dù chỉ là thiểu số, thì xét về mặt phẩm chất nó rất quan trọng cho Giáo hội. Theo con số thống kê thì Đời Tu chỉ tiêu biểu cho 0,12% toàn thể các thành viên Giáo hội Công Giáo. Vì thế R. Voillaume khuyên, anh em cần phải hiện diện, và phải luôn khích lệ tất cả những ai đang làm việc trong đường hướng của phẩm giá đích thực của con người. Nhờ vào chính cuộc sống tu trì của anh em và nhờ vào sứ điệp được ủy thác cho cuộc sống đó, anh em sẽ là những người dẫn đường cho nhiều người. Người ta phải có thể nhận ra nơi vị tu sĩ một bằng chứng của con người đi theo Chúa Giêsu[41].

Đối với bản thân, sau khi tìm hiểu qua Thông điệp này, người viết xin nói lên thao thức của mình. Vào cuối năm 2019, cả thế giới bắt đầu phải vật lộn với một con virus mang tên Corona quái ác. Nó kéo dài cho đến hôm nay và không biết cho đến bao giờ mới chấm dứt. Ước gì từ đây, tại Đan Viện Phước Lý này sẽ xuất hiện một chủng vaccine mang tên “Tình Huynh Đệ Hoàn Hảo” và bắt đầu được lan tỏa đến mọi miền thế giới.

 

Câu hỏi gợi ý:

 

1/ Liệu Cộng đoàn chúng ta có đang tồn tại một sự phân biệt hay kỳ thị nào không?

2/ Tôi sẽ làm gì nếu tình huynh đệ của tôi đang rạn nứt với một người anh em nào đó?

 

 

________________________

 

 

[1] Diệu Trí, Lời Dạy Thánh Hiền, Nxb Phương Đông, tr. 41-42

[2] Lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxico, Đài Radio Vatican thứ bảy ngày 22-5-20201

[3] x. Jean Vanier, Đời Sống Cộng Đoàn – Cộng Đoàn, Nơi Tha Thứ & Mừng Lễ, chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Mỹ, tr. 4

[4] ĐGH Phanxicô, Thông Điệp Fratelli Tutti, chuyển ngữ Nguyễn Đức Thông, Nxb Tôn Giáo, 2020, số 59

[5] x. Jean Vanier, Sđd, tr. 4

[6] x. Jean Vanier, Sđd, tr. 6

[7] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 101

[8] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 102

[9] x. Jean Vanier, Đời Sống Cộng Đoàn – Cộng Đoàn, Nơi Tha Thứ & Mừng Lễ, chuyển ngữ Nguyễn Ngọc Mỹ, tr.10

[10] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 60

[11] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 59

[12] x. Jean Vanier, Sđd, tr. 11

[13] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 63

[14] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 64

[15] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 65

[16] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 67

[17] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 70

[18] Thông Điệp Fratelli Tutti, số 79

[19] Tông huấn Đời Thánh Hiến, Nhập đề

[20] x. Dr. George Kaitholil, Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn, chuyển ngữ Nguyễn Văn Chữ, Nxb Phương Đông 2015, tr. 17

[21] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 101

[22] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 20-22

[23] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr.105

[24] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 24-27

[25] Pl 2, 2 - 4

[26] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 236

[27] x. Mt 19,19

[28] Tông huấn Đời Thánh Hiến, số 42

[29] x. Tông thư Ngàn Năm Mới Đang Đến, số 43

[30] x. Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 17

[31] LG, số 3

[32] PO, số 6

[33] Dr. George Kaitholil, Sđd, tr. 53-54

[34] x. Gl 5, 22

[35] Cl 3, 12-14

[36] x. Dr. George Kaitholil, sđd, tr. 96

[37] Dr. George Kaitholil, sđd, tr. 135

[38] x. Thái Nguyên, Những Cánh Hoa Tâm Linh, tập 1, 2007, tr. 32

[39] x. Thông Điệp Fratelli Tutti, số 84

[40] x. Thông Điệp Fratelli Tutti, số 84

[41] Rene Voillaume, Đời Sống Tu Trì, chuyển ngữ Vũ Văn Tự Chương, nxb Tôn Giáo, 2015, tr. 248

 

 

 

Thiết kế Web : Châu Á